LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM 1046 NĂM NGÀY MẤT CỦA ĐINH TRIỀU QUỐC MÃU

LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM
1046 NĂM NGÀY MẤT CỦA ĐINH TRIỀU QUỐC MÃU

Lễ hội đền bà Đinh Triều Quốc Mẫu tại thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, dâng hương tưởng niệm lần thứ 1046 năm ngày hóa thân của Bà. Mặc dù lễ hội năm nay vào năm lẻ, song chính quyền cùng nhân dân địa phương đã long trọng mở Đại lễ tổ chức lễ hội trong 2 ngày, vào ngày 10 và ngày 11 tháng 10 âm Lịch (tức ngày 01 và 02 / 12 / 2014).

Về dự lễ Dâng hương lần thứ 1046 có đại diện Ban liên lạc họ Đinh tỉnh Thái Bình: ông Đinh Công Quán, Trưởng ban; ông Đinh Danh Lẫm, Phó ban; cùng các đoàn con cháu dòng họ Đinh Sáo Đền - Vũ Thư, Thái Bình; dòng họ Đinh Nông Kỳ - xã Chi Lăng, Hưng Hà, Thái Bình; dòng họ Đinh Văn - xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình; dòng họ Đàm - Bắc Ninh, theo Tộc phả nơi sinh thành Bà …

Tôi xin trân trọng giới thiệu bài diễn văn Khai mặc lễ hội do ông Nguyễn Thế Thìn, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập đọc tại buổi Lễ dâng hương tưởng niệm 1046 năm ngày hóa thân của Đinh Triều Quốc Mẫu:

Đã thành thông lệ cứ đến ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm làng Thụy Thú xưa, nay là thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình lại long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm ngày hóa thân của Đinh triều Quốc mẫu, thân mẫu của Vua Đinh Tiên Hoàng. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, hình thức tổ chức có đôi chút khác nhau, nhưng đều với một mục đích duy nhất là tỏ lòng biết ơn tới công lao to lớn của một Người phụ nữ đã trực tiếp cầm gươm, cưỡi ngựa xông pha nơi trận mạc vì sự hạnh phúc của trăm họ, vì sự thống nhất toàn vẹn của non sông; mà còn là sự biết ơn đối với Người mẹ đã sinh thành vị Anh hùng Dân tộc dẹp loạn, mở đầu cho Kỷ nguyên độc lập Dân tộc và thống nhất Đất nước; đặt Nước ta đứng ngang hàng với các triều đại phong kiến phương Bắc, như “Cáo Bình Ngô ” của Nguyễn Trãi đã viết: “ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền đọc lập - Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương …”. Trong giờ phút long trọng này cho phép tôi được điểm lại đôi nét về cuộc đời sự nghiệp của Bà.

Vào cuối thế kỷ thứ 10 Nước ta có loạn 12 sứ quân, ở Động Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay, có ông Đinh Bộ Lĩnh là con của Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ cùng bà Đàm Thị Thiềm. Ông là người có sức khỏe võ nghệ cao cường, có tài kinh bang tế thế, Ông đã tập hợp lực lượng gồm những người bạn chí cốt cùng đông đảo nhân dân với chí cứu dân, thống nhất Đất nước. Để tăng thêm sức mạnh, Ông đã liên kết với Sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (nay là TP Thái Bình), trong chuyến đi này Ông có mang theo các tướng như Đinh Điền, Phạm Thành … và Thân mẫu của mình là bà Đàm Thị.

Bà Đàm là người mưu lược, văn võ toàn tài, đã giúp con trai đánh thắng nhiều trận; trong một lần lâm trận Bà lui quân về làng Thụy Thú, xây thành đắp lũy tại cánh đồng Phủ, luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thảo để đợi thời cơ.

Thế rồi, vào ngày Mồng 10 tháng Tư có hai anh em sinh đôi làng Yến Vỹ, động Hương Tích (nay ở Mỹ Đức, Hà Nội) đem quân đến phù giúp. Liền ngày đó Đinh Bộ Lĩnh mở tiệc khao quân và phong thưởng cho ông Lưu Công làm Tả Tướng quân, ông Sát Công làm Hữu Tướng quân và truyền lệnh xuất quân đi dẹp loạn, có sứ quân Ông dùng kế chiêu hàng, có sứ quân Ông hạ thành, chỉ trong vài năm Ông đã dẹp loạn xong 12 sứ quân, non sông trở về một mối, Ông kiến lập triều Đinh ở Hoa Lư, định ngày lên ngôi Hoàng đế.

Vào một ngày đẹp trời, Vua Đinh cùng một số tướng sỹ trở lại làng Thụy Thú để đón Thân mẫu về Hoa Lư phụng dưỡng. Nhưng đạo trời khắc nghiệt, bà Đàm Thị đã mất tại đây, đó là ngày mùng 10 tháng 10 năm Mậu Thìn (968). Vua lệnh cho an táng Bà tại chốn Doanh Đầu xưa, huyệt mộ sâu một trượng hai thước (4,8 m) chèn đá xung quanh, lấp đất rồi lập miếu lên trên để thờ. Vua ban cho dân làng 4 hốt bạc và 51 mẫu ruộng để dân canh tác lấy hoa lợi để đèn nhang, coi giữ phụng thờ Miếu đường. Vua lệnh miễn giảm tô thuế cho dân làng và coi dân con làng Thụy Thú là quê hương của Bà. Vua Đinh đã phong cho bốn vị tướng là Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công, Sát Công tước phẩm khác nhau và lệnh cho các ông dựng bảng chiêu dân coi giữ Hoàng lăng, mộ địa.

Cảnh thái bình thịnh trị kéo dài được 11 năm, đến năm 979 Vua Đinh cùng con trai là Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại, Lê Hoàn đoạt ngôi nhà Đinh; các ông Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công, Sát Công và một số tướng sĩ khác đem quân chống lại Lê Hoàn đều bị sát hại. Dân làng Thụy Thú thương các ông là người trung nghĩa với nhà Đinh mà phải chết, nên đã lập bài vị các ông thờ tại đình làng, bên cạnh lăng miếu của bà Quốc mẫu.

Năm 1010 Vua Lý Thái Tổ lên ngôi, sáng lập ra triều Lý, đã ban sắc phong Thần hiệu cho Thân mẫu Vua Đinh là: “Đinh triều Quốc mẫu Nhân từ Thiềm Hoàng Thái hậu Trang huy Dực bảo Trung hưng Thượng Đẳng thần”. Sinh ngày 15 tháng 8. Hóa ngày 10 tháng 10. Các ông Đinh Điền, Phạm Thành, Lưu Công, Sát Công cũng được Vua Lý ban phong Thần hiệu.

Năm Hồng Đức thứ nhất, ngày mồng một tháng Giêng (1572) đời Vua Lê Thánh Tông, quan Hàn lâm Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn Thần tích kể trên; cuốn Thần tích này hiện vẫn lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (mã số AEA5 / 12).

Đến năm Vĩnh Hựu thứ hai, đời Vua Lê Hy Tông, ngày lành tháng 11, quan Quản coi nhà giám Bách thần lĩnh hàm Thiếu khanh ở Điện hùng lĩnh Tiến sĩ Nguyễn Hiền phụng sao lại theo bản chính để ban cấp cho dân làng Thụy Thú thờ tự.

Đến triều đại nhà Nguyễn các vị Vua đều có Sắc phong cho Đinh Triều Quốc Mẫu và bốn vị tướng của Bà.

Hiện nay trong miếu Lộc Thọ còn lưu giữ nhiều câu đối, đại tự ca ngợi công đức của Bà cùng bốn vị tướng, như:
Bát trâm tướng thiểu Nam thiên hộ
Kỵ mã tâm hùng nữ trượng phu
Tạm dịch:
Người phụ nữ anh hùng đầu cài trâm, ngồi trên mình ngựa dọc ngang dưới trời Nam đánh giặc cứu Nước”.

Quốc mẫu phương lưu Đinh thế kỷ
Khôn nghê bỉnh xướng lộc giang từ
Tạm dịch:
Miếu thờ Quốc mẫu nhà Đinh bên bờ sông trải qua nhiều thế kỷ vẫn linh thiêng cùng trời đất”.
....
Trong kháng chiến chống Pháp miếu Lộc Thọ là nơi liên lạc hội họp bí mật của Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Độc Lập. Trong kháng chiến chống Mỹ miếu Lộc Thọ là lớp học sơ tán tránh bom máy bay Mỹ, của các cháu học sinh cấp 1.

Thể theo nguyện vọng của Chi bộ, đoàn thể chính trị cùng nhân dân thôn Lộc Thọ; Đảng ủy, UBND huyện Hưng Hà và Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND xã Độc Lập đã cho phục dựng lại ngôi đình thờ Đinh Triều Quốc Mẫu và bốn vị tướng của Bà với dự toán trên 1 tỷ đồng đến nay đã cơ bản hoàn thành. Nhân dân đã đóng góp công của, xây dựng gần hoàn thiện các tuyến đường bê tông trong làng với số tiền gần 1 tỷ đồng. Hoàn thiện đưa vào sử dụng gần 1000 mét đường nhựa từ đường liên xã vào làng thoáng, rộng với dự toán 3,8 tỷ đồng. Năm 2014 thôn Lộc Thọ được UBND huyện Hưng Hà công nhận là làng Văn hóa, thật là:
Ngàn năm mới có hôm nay
Vinh quang lại nhớ tới ngày hàn vi.
Ơn Quốc Mẫu thánh thần che chở.
Độ trì dân rạng rõ khang cường.
Muôn đời thờ tự khói hương.
Giữ dìn truyền thống vẹn đường hiếu trung.
&

Thôn Lộc Thọ không có người họ Đinh, nhưng từ ngàn xưa tới nay dân làng Thụy Thú đã là con dân của Vua Đinh, đã là con dân của Đinh Triều Quốc Mẫu, hết lòng bảo tồn Lăng miếu; ngày sinh ngày hóa, bốn mùa tứ tiết hương khói phụng thờ. Nhìn ra cánh đồng Phủ, tai như vẳng nghe tiếng vó ngựa quân reo. Nhìn lên Miếu đường cờ xí bay phất phới, phảng phất khói hương thơm, như thấy Tổ Tiên đang hiển hiện về nơi đồn lũy Doanh Đầu xưa.
Về lại thôn Lộc Thọ hôm nay thật khác, đường nhựa trải rộng thênh thang tới giữa làng, hai bên đường là hai hàng cây mít đang lớn nhanh (giống lấy tại Hoa Lư), cổng chào cờ bay phất phới. Bên tả là Đình làng phục dựng đang hoàn thiện, mái ngói đỏ tươi, đầu đao cao vút. Bên hữu là quần thể di tích Đền - Chùa bà Quốc Mẫu thấp thoáng trong tán cây xanh cổ thụ. Gặp lại người dân thôn Thọ Lộc như gặp lại người thân trong gia đình, tay bắt mặt mừng, cùng thụ lộc nâng chén rượu vui, ông hồ hởi kể: “5 ha ruộng, hồ trước Đền đều được xã quy hoạch cho mở rộng khu quần thể di tích Đền - Chùa - Đình thờ Quốc Mẫu cùng các Tướng trung nghĩa của Bà”.

Xã Độc Lập là vùng đất trù phú, địa linh nhân kiệt, với nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, như: Nơi sinh ra bác học Trạng nguyên Lê Quý Đôn, có di tích Lịch sử cấp Quốc gia thờ Ông. Nơi có di tích căn cứ đồn lũy của Vua Đinh, lăng mộ Đinh Triều Quốc Mẫu. Nơi có đền phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh linh thiêng. Xin kính chúc nhân dân xã Độc Lập ngày càng thịnh vượng, hạnh phúc; bảo tồn và phát huy tốt giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của quê hương.


(Trong bài diễn văn khai mạc bác Thìn không nhắc tới chữ "Thiềm", vì kiêng tên húy của bà Quốc Mẫu, tôi có viết tới đôi lần, kính mong bác Nguyễn Thế Thìn thứ lỗi).
 
Top