Đinh Kiến và Lý Tự Tiên lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường

GQgm7kZrjLsB76eEVdlExkvXIBlnChaDVUX1FEFdb65czEgq79YDugziDoBPPLpKSBIKhypKnrIAwDcl2TrAPikCgkndFyF7OLOdYr92To7sbU8WP7G1aiFHYZhseKo2VzAfgIwO
Tranh minh họa (ảnh nguồn internet)
Vận trời còn chửa thông hanh.
Nước non để hận Anh hùng ngàn thu”
(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái - Đại Nam quốc sử diễn ca)

Theo sách “Danh tướng Việt Nam”, Tập 4 của Tác giả Nguyễn Khắc Thuần - Nhà xuất bản Giáo dục - 6 / 2005. Viết về các Danh tướng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh chống ách đô hộ phong kiến Trung Quốc; ở thế kỷ VII có Lý Tự TiênĐinh Kiến đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống ách đô hộ tàn bạo của nhà Đường.

1-NHỮNG BIẾN CỐ CHÍNH TRỊ DỒN DẬP

Năm 571, sau khi lập mưu giết hại Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử đã nắm trọn quyền thống trị nước ta; tuy nhiên, đó chỉ là một chính quyền yếu kém và bạc nhược, không ban hành được chính sách trị nước yên dân tích cực nào đáng kể; không thực hiện được sách lược hữu hiệu nào để bảo vệ Đất nước trước nguy cơ xâm lược của phương Bắc. Đối với các tập đoàn phong kiến thống trị Trung Quốc, việc xua quân sang xâm lược Nước ta, để tái thiết nền đô hộ chỉ còn là thời điểm cụ thể.

Chính quyền Lý Phật Tử sở dĩ tạm thời ổn định được hơn 30 năm (571 - 602) vì tình hình Trung Quốc lúc bấy giờ chưa thật sự yên ổn. Năm 581 (sau 10 năm Triệu Việt Vương qua đời), Dương Kiên tức Tuỳ Văn Đế hay Tuỳ Cao Tổ (581 - 604), Hoàng đế khai sáng của nhà Tuỳ, đã bị chính con trai mình là Dương Quảng giết hại để giành ngôi báu vào năm 604; xoá bỏ được cục diện Nam - Bắc triều ở Trung Quốc, lập ra nhà Tuỳ, đặt kinh đô là Đại Hưng (tỉnh Thiểm Tây) tồn tại trong 37 năm, truyền nối được 3 đời. Trên danh nghĩa đã thống nhất được Trung Quốc nhưng tiềm lực của nhà Tuỳ chưa mạnh, nên các cuộc chống đối vẫn liên tục nổi lên.

Năm 590, để mở rộng và khẳng định quyền chi phối của mình ở Lĩnh Nam, nhà Tuỳ đã lập ra Phủ Tổng quản tại Quế Châu, giao cho Linh Hồ Li giữ chức Tổng quản; với chức vụ này hắn có quyền uy rất lớn, được phép cắt đặt các quan lại từ hàm Thứ sử trở xuống; đây chính là bước chuẩn bị cho cuộc Nam chinh của nhà Tuỳ, cũng là mối đe doạ lớn nhất đối với độc lập và chủ quyền của nhà nước Vạn Xuân. Bấy giờ, Lý Phật Tử tuy chưa từng đến Phủ Tổng quản để yết kiến, nhưng trên danh nghĩa đã công khai chịu thần phục Tổng quản Linh Hồ Li, chịu thần phục triều đình nhà Tuỳ.

Đầu năm Nhâm Tuất (602), lấy cớ Lý Phật Tử không chịu vào chầu, nhà Tuỳ đã sai các tướng Lưu Phương và Kinh Đức Lượng (theo ghi chép của Nguỵ Trưng - Trung Quốc) trong Tùy Thư (Súc Ấn Bách Nạp Bản, Thương Vụ ấn Thư Quán) thì Kinh Đức Lượng mới đi đến Doãn Châu (nay huyện Quảng Thông, Vân Nam) thì bị bệnh nặng nên không thể đi được nữa. Vì thế, đội quân xâm lược khoảng 10 vạn tên của nhà Tuỳ do Lưu Phương cầm đầu (theo ghi chép của Ngụy Trưng - Trung Quốc) đi đánh Vạn Xuân; Lý Phật Tử đã đầu hàng tướng Lưu Phương và bị bắt đưa về Trung Quốc; chúng tái thiết lập ách đô hộ tại Vạn Xuân trong 16 năm (602 - 618).

Tháng 5 năm 617, một quyền thần của nhà Tuỳ là Lý Uyên, khi mới 16 tuổi Lý Uyên đã được Tuỳ Cao Tổ phong làm Đường Quốc công. Vào thời Tuỳ Dưỡng Đế, Lý Uyên vừa là Thứ sử Kỳ Châu, vừa là Thái thú của 2 quận Vinh Dương và Lâu Phiền. Năm 618, Lý Uyên phế truất ngôi hoàng đế mới lập của Dương Hựu (tức Tuỳ Cung Đế) rồi lập ra nhà Đường, khởi binh chống lại nhà Tuỳ và chỉ sau một năm (tháng 5 năm 618) đã lật đổ được nhà Tuỳ và lập ra nhà Đường (618 - 907), định đô tại Trường An (nay là Bắc Kinh), truyền nối được 21 đời, tồn tại 289 năm, trong đó có 287 năm chúng đô hộ nước ta (618 - 905).

Nhà Đường kế tiếp nhà Tuỳ đô hộ nước ta; năm 622, Đường Cao Tổ là Lý Uyên - Hoàng đế đầu tiên của nhà Đường cho lập ra Giao Châu Đô hộ phủ, là cơ quan cai trị lấy quân sự làm chính. Đến năm 679, Đường Cao Tông đã cho đổi Giao Châu Đô hộ phủ thành An Nam Đô hộ phủ (địa danh An Nam có từ đây, cũng là khi Cao Biền được cử sang củng cố ách đô hộ ở nước ta). Lúc này, An Nam Đô hộ phủ quản lãnh 12 châu vùng đồng bằng với tổng cộng 59 huyện, ngoài ra còn có 41 châu ki-mi (châu ràng buộc lỏng lẻo) ở vùng rừng núi và trung du, gắn liền với quá trình thay đổi trên, là quá trình tăng cường ách áp bức bóc lột tàn bạo của nhà Đường.

Bấy giờ, lợi dụng việc triều đình phương Bắc không kiểm soát hết dân tình ở những nơi xa xôi hẻo lánh, nên bọn quan lại đô hộ đã ra sức vơ vét của cải, vật lực của dân ta. Trong thế kỷ VII, Khâu Hoà nguyên là Thái thú quận Giao Chỉ dưới thời nhà Tuỳ, được nhà Đường lưu dụng giữ chức Giao Châu Đô hộ phủ. Khâu Hoà là người đầu tiên được giữ chức này và sau là Lưu Diên Hựu (giữ chức An Nam Đô hộ phủ đầu tiên. Theo Âu Dương Tu và Tống Kỳ - Trung Quốc).

Trong Tân Đường Thư (Súc Ấn Bách Nạp Bản, Thương Vụ Ấn Thư Quán) thì Lưu Diên Hựu là người Bành Thành, thuộc Từ Châu (Trung Quốc), từng đỗ Tiến sĩ và được nhà Đường xếp vào loại có tài làm quan. Trước khi được bổ là quan Đô hộ ở An Nam Đô hộ phủ, Lưu Diên Hựu là Thứ sử ở Cơ Châu, Trung Quốc, đây là 2 đại diện tiêu biểu cho lực lượng tham quan ô lại nhà Đường. Vốn đã uất hận vì cảnh nước mất nhà tan, lại phải chịu thêm nạn bị bọn quan quân đô hộ bóc lột tước đoạt trắng trợn, dân khắp cõi đương thời ai ai cũng đều căm tức.

Mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn dân tộc trở nên gay gắt, lãnh tụ Lý Tự Tiên và Đinh Kiến đã đứng lên lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống lại bọn thống trị tàn bạo phương Bắc vào thế kỷ VII.
0DGFDsUCFX1cHtXUWAfOcRnu24_ft1tR19VNJTvitc-raUmJ582eA3XsKZssAhqQow6NzpsEG06RYA28xm1dyL6deTpYVug8ZawSHk7h-NivdORGORqv1wJbILxn5biRPrmZVmBf
Tranh minh họa (ảnh nguồn internet)

2. HAI CON NGƯỜI, MỘT KHÍ PHÁCH

Thư tịch cổ đầu tiên của ta có chép đến hai nhân vật Lý Tự Tiên và Đinh Kiến là Đại Việt sử lược (xin tham khảo bản dịch của Nguyễn Gia Tường do Nguyễn Khắc Thuần hiệu đính và viết lời bạt. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1992). Sau đó, là các bộ chính sử quan trọng khác như Đại Việt sử ký toàn thư Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng đều có chép về hai ông; nhưng điều đáng tiếc là tất cả những thư tịch cổ nói trên đều không cho biết năm sinh, năm mất cũng như quê quán của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến. Tuy nhiên, nếu góp nhặt những ghi chép tản mạn của các thư tịch cổ của nước ta và Trung Quốc, chúng ta có thể sơ bộ phác hoạ được vài nét về sự nghiệp của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến như sau:

Bấy giờ, nhà Đường quy định rằng, dân di lão mỗi người chỉ phải đóng một nửa suất tô (Âu Dương Tu, Tống Kỳ. Tân Đường Thư. Sách đã dẫn. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần chú thích thêm: Dân “di lão” nghĩa là dân già cả ở đất man di. Dân di lão cũng có khi được thư tịch cổ chép là người Lý. – còn “ là phần sản phẩm nông nghiệp mà dân phải nộp) nhưng Lưu Diên Hựu bắt phải đóng đủ một suất chứ không hề được miễn giảm. Tất nhiên, nửa suất tô mà dân di lão phải đóng thêm sẽ được nhập vào kho tài sản riêng của Lưu Diên Hựu. Hành vi tham lam bạo ngược của hắn khiến cho nhân dân đương thời rất căm phẫn.

Nhân lòng người oán giận, Lý Tự Tiên đã ráo riết chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa lớn, nhưng rất tiếc là cơ mưu bị bại lộ. Lập tức, Lưu Diên Hựu sai quân đến bắt và giết chết Lý Tự Tiên với hy vọng sẽ bóp nát hoàn toàn cuộc khởi nghĩa ngay từ trong trứng nước. Nhưng hắn đã nhầm. Lý Tự Tiên tuy không còn, song, Đinh Kiến một thủ lĩnh khác của nghĩa quân đã kế tiếp xuất sắc sự nghiệp lớn còn dang dở của ông, kêu gọi nhân dân đồng lòng vùng lên, tấn công ồ ạt và bất ngờ vào phủ thành của Lưu Diên Hựu. Sử cũ chép rằng: “Dư đảng (của Lý Tự Tiên) là bọn Đinh Kiến nhóm họp quân sĩ bao vây phủ thành” (Đại Việt sử lược (Quyển 1) và Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 5, tờ 4-a). Bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 4, tờ 21) cũng viết tương tự).

Lưu Diên Hựu là kẻ có tài, đã được chính sử của Trung Quốc công khai thừa nhận. Trong kế hoạch đối phó với Đinh Kiến thì Lưu Diên Hựu ở thế thượng phong, có đủ điều kiện thuận lợi và những phương tiện lợi hại nhất để có thể bóp nát toàn bộ lực lượng Nghĩa quân do Đinh Kiến lãnh đạo, nhưng hắn đã không làm được điều đó. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thúc thủ của Lưu Diên Hựu tuy là rất giỏi, song Đinh Kiến cũng không kém phần tài ba. Ông đã táo bạo tổ chức tấn công đúng vào hai chỗ hiểm yếu nhất của Lưu Diên Hựu.

Một là, giặc đang lúc chủ quan, vì mới giết được Lý Tự Tiên, thủ lĩnh của nghĩa quân, nên Lưu Diên Hựu đã yên trí đóng quân trong phủ thành tại Giao Chỉ (Phủ thành của An Nam Đô hộ phủ đặt tại Giao Chỉ, có lẽ là thành Tống Bình, nay là Hà Nội) việc phòng bị không được cẩn trọng.

Hai là, bản thân Lưu Diên Hựu lúc bấy giờ cũng đang bị đồng liêu ganh ghét, họ chỉ mong hắn gặp đại nạn cho bõ ghét, để “Tọa sơn quan hổ đối”, đục nước béo cò.

Toàn bộ lực lượng của Lưu Diên Hựu bị ta chia cắt làm hai, quân trong phủ thành thì bị bao vây cô lập, quân ở ngoài phủ thành thì không thể liên lạc được với chủ tướng, năng lực chiến đấu của giặc bị suy giảm nghiêm trọng. "Vì quân quá ít, xét thấy không thể chống cự nổi, (Lưu Diên Hựu) bèn đóng chặt cửa thành để vừa cố thủ vừa xin quân cứu viện” (Âu Dương Tu, Tống Kỳ. Tân Đường Thư. Sách đã dẫn. Đại Việt sử lược (Quyển 1), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 5, tờ 4-b), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 4, tờ 21). Tác giả Nguyễn Khắc Thuần chú thích thêm rằng, quân số của Lưu Diên Hựu không đến nỗi quá ít như thư tịch cổ của Trung Quốc đã chép và các thư tịch cổ của ta đã chép lại. Chính Âu Dương Tu và Tống Kỳ trong Tân Đường Thư đã ghi rõ quân thường trực của An Nam Đô hộ phủ là 4.200 tên và 300 con ngựa. So với lực lượng nghĩa binh mới nhóm họp của Đinh Kiến thì đó là một quân số rất lớn.

Bấy giờ ở Quảng Châu, quan trấn giữ của nhà Đường là Phùng Tử Du (Nhân vật này các bộ chính sử của ta đều chép là Phùng Tử Do, tuy nhiên, thư tịch cổ của Trung Quốc lại chép là Phùng Tử Du. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần chú thích thêm rằng, cũng trong thư lịch cổ của Trung Quốc, nhân vật Phùng Tử Du có khi được giới thiệu là một đại tộc lại cũng có khi được giới thiệu là quan biên ải; có lẽ Phùng Tử Du vừa xuất thân là đại tộc vừa làm quan biên ải) tuy đã nhận được lời cầu cứu của Lưu Diên Hựu nhưng không xuất quân đi cứu. Phùng Tử Du có hai lý do để không đi cứu.

Một là, vì không ưa gì Lưu Diên Hựu nên thấy Lưu Diên Hựu gặp nạn thì mừng thầm, kể như may mắn có cơ hội “mượn tay kẻ thù tiêu diệt đối thủ”.

Hai là, Phùng Tử Du cứ để mặc cho Lưu Diên Hựu và Đinh Kiến đánh nhau, thắng hay không thì đều có lợi cho Phùng Tử Du, bởi vì đến lúc đó, hắn chỉ cần đem một đạo quân nhỏ đến để “dẹp loạn” cũng có thể dễ dàng thành công và như thế sẽ có cơ may được triều đình biết đến. Tuy nhiên, toan tính của Phùng Tử Du chỉ đúng được một nửa mà thôi.

4D9ocnEVHAmJanQ8aDxy41ih2ikFVdUGD574jSE1GmGkbiOzTrpcIHdsA2fsrmjwPePDg6MsZPvh9bFzNPolDQAtEbsX_13Ch_SzLGxyBlZlIBdHjxYZdMwKgP_Tq909ROnBvFD-
Tranh minh họa (ảnh nguồn internet)
Thúc thủ mãi trong phủ thành, cả tinh thần lẫn thể xác của Lưu Diên Hựu cùng quan quân đều bị suy kiệt, khả năng chống đỡ ngày một yếu dần, để rồi cuối cùng, Lưu Diên Hựu đã bị lực lượng nghĩa binh Đinh Kiến phá thành giết chết. Toàn bộ chính quyền của An Nam Đô hộ phủ bị tan rã. Và trong chỗ không ngờ, kế hoạch “mượn tay kẻ thù tiêu diệt đối thủ”, của Phùng Tử Du đã hoàn tất. Sau thắng lợi này, Đinh Kiến vào tiếp quản Phủ thành và nhanh chóng xây dựng một cơ quan quyền lực mới do ông đứng đầu.

Tuy nhiên, ý đồ của Phùng Tử Du về việc đem quân đi dẹp loạn khi cả hai phe đối nghịch đều đã mệt mỏi và tổn thất nặng nề thì không thể thực hiện được vì triều đình nhà Đường đã xuống lệnh cho Tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tĩnh (Đại Việt sử ký toàn thư chép là Tào Trực Tĩnh, nhưng thư tịch cổ của Trung Quốc thì ghi rõ là Tào Huyền Tĩnh) đi đàn áp Đinh Kiến.

Bấy giờ, chính quyền của Đinh Kiến còn quá non trẻ, lực lượng quân sĩ mới nhóm họp, tuy có tinh thần chiến đấu rất cao nhưng khả năng và kinh nghiệm trận mạc và vũ khí thì còn quá ít ói, cho nên, Tào Huyền Tĩnh đã triệt để lợi dụng tình hình để liên tục tổ chức những cuộc tấn công lớn. Dù đã anh dũng chống đỡ một cách ngoan cường, nhưng nghĩa quân Đinh Kiến vẫn không sao đẩy lùi được Tào Huyền Tĩnh. Đinh Kiến bị kẻ thù sát hại, cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo bị dập tắt, ách đô hộ của nhà Đường lại được tái lập trên đất nước ta.

Đinh Kiến là hiện thân của ý chí quật cường và khí phách hiên ngang của dân tộc Việt Nam trong buổi đầu dựng nước, quyết tâm giành lại độc lập và chủ quyền cho Dân tộc. Ông thực sự xứng đáng được xếp vào hàng những tên tuổi lớn của Dân tộc chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là truyền thống quật khởi 1000 năm chống ách đô hộ tàn bạo phương Bắc. Ông đã viết lên trang sử vàng chói lọi, dựng nước và giữ nước, hàng ngàn năm lịch sử Dân tộc, của những người Họ Đinh Việt Nam.


Theo sách “Danh tướng Việt Nam”, Tập 4 của Tác giả Nguyễn Khắc Thuần - Nhà xuất bản Giáo dục - 6 / 2005 .
Đinh Danh Vùng lược đăng.
 
Top