Nhớ màu hoa Giấy phương Nam

OjT0qPyjEMKBBg14x5HTbfpq3NHSV2nkPuj0TnTCz0tsNGsS6PQwix57lIBcM_5BQ7hjuicjV7qKUu06twrawumg4YVjUcnz3-TMnrYjZg4XlekiE9hiXqL379LPEyueKPZ9T1wY
Hoa Giấy (ảnh mạng)

Đất phương Nam có nhiều loài hoa đặc hữu cho vùng miền, như hoa Mai Vàng nở rộ báo mùa xuân đến; hoa Sen, hoa Súng nở ngợp vùng Đồng Tháp Mười; hoa Sứ còn gọi là hoa Đại, hoa Chăm Pa được trồng nhiều ở các đền chùa, biệt thự tỏa hương thơm ngát; cùng với cây Sứ Thái ra hoa quanh năm; Mai Chiếu Thủy thường trồng trong chậu, ra những chùm hoa nhỏ xíu trắng muốt, e ấp soi mình trên mặt nước, tỏa hương thơm thoang thoảng … Nhưng có một loài hoa nữa, đặc trưng cho phương Nam mà đến đâu ta cũng thấy, đó là cây hoa giấy.

Ở miền Bắc, trước những năm 1975, những loài hoa đặc hữu cho phương Nam thường rất ít gặp hoặc không có, như cây Mai Vàng, Mai Chiếu Thủy, Sứ Thái, Hoa Giấy … Sau ngày Đất Nước thống nhất, các loài cây hoa ấy mới được mang ra bán, ra trồng, nhưng không hợp với thổ nhưỡng khí hậu miền Bắc, cây chậm lớn, kém ra hoa, nhất là về mùa đông giá lạnh.

Tôi vào Nam công tác từ đầu năm 1977, Đất Nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Tôi đi cùng đoàn xe chở hàng quân dụng, xe chạy theo đội hình hành quân. Quốc lộ 1 khi ấy còn nhỏ hẹp và khó đi, hai bên đường ở phía Bắc Trung bộ vẫn còn nhiều hố bom lỗ chỗ. Khi đoàn xe tới những điểm dừng đã định trước, tại đấy thường có sẵn nguồn nước trong, có nơi đặt bếp kê bằng những hòn đá tảng. Xe vừa dừng, mọi người nhẩy xuống ai vào việc lấy, người chất bếp nổi lửa, người mang vật dụng thực phẩm ra chế biến, người kiểm tra xe hàng…Chẳng mấy chốc bữa cơm nhà binh “thịnh soạn” được dọn ra. Buổi tối cũng vậy, xe nghỉ đỗ theo đội hình nơi bãi trống dọc đường 1, bộ đội ngủ trong ca bin, ngủ võng sau xe; hành quân dã ngoại cơm đường ngủ chợ cũng có cái thú vị của nó, được quan sát phong cảnh và sinh hoạt của người dân hai bên đường, được ngắm sao trời, được hít thở mùi gió biển, được nghe âm thanh của đêm. Cứ như vậy, gần một tuần xe tới Sài Gòn.

Dọc đường vào Nam, ở đâu tôi cũng thấy có một loài hoa bình dị, thường được người ta trồng nhiều làm cảnh, làm dậu, làm giàn che nắng, hoa nở khoe đủ màu sắc: Trắng, trắng sen hồng, màu hồng, rồi màu đỏ, tím, vàng… có loại hoa đơn, có loại hoa kép, hoa nở kín cành, càng nắng càng gió, càng khô hạn, cây trụi hết lá nhưng hoa nở càng nhiều, càng khoe sắc thắm; hỏi ra mới biết đấy là cây hoa giấy. Vì cây hoa giấy dễ trồng, lại được trồng nhiều, có sức sống mạnh liệt, hoa nở quanh năm nhưng không có hương thơm, nên ít người quan tâm đến.

Tôi ở thành phố Hồ Chí Minh hơn ba năm, tại Cơ quan Thường trực phía Nam, được đi công tác nhiều nơi, nhiều thành phố thị xã, nhiều đơn vị đóng quân nơi biên giới hải đảo, ở đâu tôi cũng thấy hoa giấy … Có khi cùng bạn bè ngồi “quán cóc” nơi biên viễn, tư lự ngắm phong cảnh non nước mây trời phương Nam, nhìn giàn hoa giấy trên cao, những nhành hoa rực rỡ rủ xuống, tung tăng vờn bay theo gió mà nghĩ rằng: Đây là lần đầu và cũng là lần cuối ta được sống trong khung cảnh này
idYr6ILo6YjztXVKWQprN8tUnUkYXIM1Jbyh8qw5WaU_5s3zTi0lRvbdayMQ0bEEmR2UvFwP_zgeIoH0Tp2NW8xMgSmoo3tfbtS0p0WDVnGSRgad2CCxTKiUcFjSNIxMA9P3gVXL
Nhành hoa Giấy (ảnh mạng)

Ừ nhỉ ! Thoáng chốc đã mấy chục năm trời, đời người như giấc mộng Nam Kha, những nơi tôi đã đến: Bằng tầu, bằng xe, bằng xuồng, bằng đôi chân vạn dặn,… Những vùng đất phương Nam đã đến là những dòng sông cửa biển, là những cánh đồng thẳng cánh cò bay, là những cánh rừng Tây Nguyên nắng gió, là nơi đảo xa sóng vỗ bạc đầu… Với cùng bao bạn bè đồng đội, giờ đây chỉ còn là ký ức.

Nhành hoa giấy đu đưa trong gió trước khung cửa sổ, tôi lại xao xuyến nhớ về những kỷ niệm ở vùng đất phương Nam, về một nhành hoa giấy, cứ đọng mãi trong tôi màu hoa Giấy phương Nam.
OyFFd6Pq5Ui5u2zwGj4g_KGzqd0gMWeCZYBLcf4pkNcKPaKhXFou_WOJzCnkgL9o1ZUa1cMBDMzZjwJe4rBW9o2uDxeA4ZBvcqGn76QjQ1xvErpfayUl59kG6zcoVe93noTJ8xuU
Giàn hoa Giấy (ảnh mạng)

Đinh Danh Vùng


 
Top