Binh bộ thượng thư Đinh Bạt Tụy

Đinh Bạt Ngoạn

Thành viên mới
BINH BỘ THƯỢNG THƯ
ĐINH BẠT TỤY

ap_20111107093307332.jpg

Mộ thượng thư Đinh Bạt Tụy
(nguồn hình: http://phapluatxahoi.vn)​

(hodinhvietnam.com) Dòng họ “Đinh Bạt” không phải gốc ở thôn Bùi Ngõa (Xã Bùi Khổng) mà theo gia phả gốc của họ Đinh (Thôn Bùi Ngõa, xã Hưng Trung) đã ghi lại: “Nhất Đại tổ là Đinh Văn Đạt là con Ngài Đinh Văn Mịch nguyên quán ở Phủ Tràng An, Huyện Yên Khang, Xã Đại Hoàng, Động Hoa Lư, Ư Mít xứ”(1) mới thiên cư vào Trấn Nghệ An, Phủ Anh Sơn, Huyện Hưng Nguyên, Tổng Hải Đô, Xã bùi Khổng, thôn Bùi Ngõa vào đời nhà Lê”. Tra cứu tìm hiểu xã Đại Hoàng trong sách “Tên Làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19, các tỉnh từ Nghệ An trở ra” có chép: “Xã Đại Hoàng thuộc Tổng Đại Hoàng, Huyện Gia Viễn, Phủ Tràng An, Đạo Thanh Bình” (2). Họ Đinh Bạt là một dòng họ lớn đã có công khai cơ lập ấp dựng nên làng Bùi Ngõa, làng này đã lấy Thủy Tổ họ Đinh làm Thần Hoàng (Thần bảo vệ làng) được rước thờ trong Đình Làng.

Cụ Đinh Bạt Tụy là đời thứ tư, sinh ngày tháng năm Bính Tý (1516) trong một gia đình nối dòng Nho học.
Nhà ông từ thời Trần về sau đời nối đời theo nghiệp Nho có đủ tài văn lẫn võ (3).

Thân sinh cụ Đinh Bạt Tụy là Cụ Đinh Văn Hùng (Tự là Phúc Thiện) con trai đầu của cụ Đinh Văn La. Cụ Đinh Văn Hùng hiền lành đức độ có học nhưng không đi thi. Cụ là người có công xây dựng làng xã, động viên nhân dân tu bổ đê điều, ngăn nước mặn, làm cống tiêu úng, xây dựng đường làng. Cụ bàn với dân lập quỹ tương trợ cho dân vay khi mất mùa đói kém. Mẹ của Đinh Bạt Tụy là người con gái họ Hoàng (Hoàng Thị Bào) một dòng họ đông đúc có thế lực ở trong làng (4).

Chú Thích:
(1) : Theo gia phả họ Đinh Bạt ở xã Hưng Trung, Huyện Hưng Nguyên
(2): Đến năm Minh Mệnh (Nhà Nguyễn) Tên Đạo Thanh Bình mới đổi ra Đạo Ninh Bình (Theo: Viện nghiên cứu Hán Nôm, Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19 thuộc các tỉnh từ Nghệ An trở ra, Nhà xuất bản Khoa học xã hội trang 119.
(3): Theo Đăng khoa lục, Ngô Đức Thọ biên dịch trang 58, 59 (Ký hiệu tư liệu TL.33A ở kho tư liệu của Tổ nghiên cứu lịch sử - UBND Tỉnh Nghệ An.
(4): Có một số Cụ nói dòng họ Hoàng ở Bùi Ngõa là một chi nhánh của họ Hoàng Tá Thốn ở Vạn Phần (Diễn Châu – Nghệ An) thiên cư vào, vấn đề này tiếp tục nghiên cứu thêm.

Bà tuy nghèo nhưng có năng khiếu văn nghệ, thời còn trẻ là một tay hát ví có tiếng trong vùng nhất là các làn điệu dân ca, hát ru xứ Nghệ. Tính tình khiêm nhã, khoan dung, thương yêu giúp đỡ dân nghèo, nhân dân trong làng Bùi Ngõa thưở ấy ai cũng khen đức độ của bà “Liệt Phu Nhân” (1).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học nghèo và đức độ, Đinh Bạt Tụy đã tiếp thu truyền thông tốt đẹp của Cha ông và của dòng họ Đinh. Làng Bùi Ngõa thưở ấy là một vùng đồng chua chiêm trũng quanh năm nghèo đói nhưng lại là mảnh đất có “Chung đúc Hào khí tốt tươi của sông núi” (2). Nhân dân ở đây cần cù chịu khó lao động sản xuất, có truyền thống hiếu học, khổ học. Trong cái chung của làng quê Xứ Nghệ: “Khi chế độ khoa cử còn thịnh, cơ đồ mỗi một làng đều nhìn thấy trong núi của mình một cái bảng, một quản bút, một cái án thư hoặc một thanh gươm, một chiếc ấn, một con Nghê vàng, một cái Yên ngựa” (3). Vì thế gia đình cụ Đinh Văn Hùng giàu về Nho học, nghèo về vật chất, trọng đạo lý làm người luôn luôn mong muốn cho con trai học tập nên người:

“Con ơi mẹ dặn câu này,
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm.
Làm người đói sạch rách thơm,
Công danh là nợ nước non phải đền.” (4)

Gia đình đều nuôi một ý chí tiết tháo, một nếp sống “Đói sạch rách thơm”, một hoài bão lớn muốn con sau này giúp ích cho nước nhà:

“Làm trai có chí thì nên,
Học trần đói khổ mà nghiền Kinh Thi.
Áo rách đổi lấy võng điều,
Nón mê đổi lấy chữ đề Vua ban”. (5)

Chú Thích:
(1): Theo sắc phong cho mẹ Đinh Bạt Tụy, ngày 7 tháng 4 năm Quang Hưng thứ 12 Kỷ Sửu 1589
(2): Theo sắc phong ngày 21 tháng 5 năm Cảnh Thịnh thứ 3 Triều vua Nguyễn Quang Toản ất mão 1755 thời Tây Sơn.
(3): Trích lại của Trần Thanh Tâm – Ninh Viết Giao trong sách Nghệ Tĩnh trong lòng tổ quốc Việt Nam xuất bản năm 1975.
(4),(5):Tài liệu sưu tầm ở địa phương do cụ Đinh Bạt Đông cung cấp.

Chịu ảnh hưởng của cha về đức tính hiếu học, khổ học, chịu ảnh hưởng của mẹ về văn chương thôn dã, tiếng hát ru con thổi ấm tâm hồn cậu từ thưở bé. Lúc nhỏ Đinh Bạt Tụy đã có một ý chí tiến thủ hơn bạn bè cùng trang lứa. Nhiều giai thoại còn lưu truyền về tinh thần khổ học mà các cụ già trong dòng họ vẫn còn nhớ. Gia đình nghèo không có đủ tiền nuôi Thầy học trong nhà, cậu phải đi học nhờ, nhiều lúc phải đứng lén bên ngoài cửa phòng giảng sách của Thầy để mà nghe lỏm. Cậu thường mượn sách của bạn bè đêm đêm ngồi đọc và chép lại. Không có tiền mua dầu, cậu bắt chước các gương khổ học ngày xưa như các cụ Hồ Tông Thốc, Bạch Liêu ở Đông Thành (Yên Thành). Đặc biệt cụ Đinh Bạt Tụy hay đọc sách dưới ánh trăng sao, những đêm trăng khuyết, cậu mang sách ra bờ ao nghiêng theo ánh phản chiếu mà học. Tuổi còn nhỏ nhưng có chí lớn, sức học của cậu đang có nhều triển vọng nhưng không may có tai vạ ập đến, cha mẹ qua đời khi cậu mới mười ba tuổi. Sống mồ côi không nơi nương tựa, anh em trong họ cũng nghèo không cưu mang nổi cho cậu học tập theo đuổi cử nghiệp. Vì thế cậu phải bỏ học đi ở làm thuê cho nhà giàu kiếm sống. Các Thầy Đồ trong làng mến tài sức học, trọng ý chí tiến thủ hơn người đưa cậu về nuôi dạy cho học hành mong muốn cậu sau này trở thành người có ích cho dân cho nước. Không phụ công ơn cha mẹ sinh thành, công thầy dạy bảo, cậu quyết chí bấm mình ngày đêm miệt mài Kinh sử. Nhưng con đường thi cử của cậu cũng trần trật mãi tới năm 1543, lúc cậu 27 tuổi mới đỗ Hương Cống (Cống sinh). Được sự giúp đỡ của Thầy học và bạn bè anh em trong dòng họ, cậu được ra Thăng Long vào học trường Quốc Tử Giám. Lúc bấy giờ tình hình chính trị trong nước vô cùng rối ren. Cuộc xung đột giữa các phe phái Phong kiến đã đưa đất nước vào thảm cảnh chia cắt làm hai miền. Chính quyền họ Mạc thống trị ở Bắc bộ gọi là Bắc Triều và họ Trịnh nắm giữ quyền hành từ Thanh Hóa trở vào gọi là Nam Triều. Cuộc nội chiến ác liệt kéo dài trên nửa thế kỷ đã diễn ra giữa hai tập đoàn phong kiến và nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến này là nhân dân lao động phải gánh chịu. Chính quyền họ Trịnh khôi phục triều đại chính thống nhà Lê nên đã dựng lên chính quyền “Triều Lê Trung Hưng”.
Là con của một gia đình, một dòng họ đời nối đời theo nghiệp Nho, được ăn học đào tạo trong các trường Nho học phong kiến. Đinh Bạt Tụy đã có tầm nhận thức đúng đắn theo theo ý nghĩ của riêng mình. Và cuối cùng cậu cũng theo tư tưởng Trung quân “Làm Tôi không thờ hai Chúa”. Ông đã rời bỏ Kinh thành Thăng Long trở về miền Trung xứ Nghệ mong được phò vua ra tay cứu dân dẹp loạn.

Tại Sách Vạn Lại (1) Tổng hành dinh của Vua Lê. Đinh Bạt Tụy ngày đêm dùi mài kinh sử, đọc hết sách Cổ kim đông tây, thảo dịch thư từ giúp nhà Vua nơi màn trướng. Đặc biệt ông đọc rất nhiều sách Binh pháp của các nhà quân sự thời trước, hiểu biết về cầm quân đánh trận chờ dịp để thi thố tài năng cứu dân thoát khỏi binh lửa.

Quan quân Vua Lê Chúa Trịnh sau bao nhiêu trận đánh dẹp giặc Mạc đến quấy phá đã làm chủ được giải đất rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến tận Tân Bình – Thuận Hóa.

Niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (Năm Giáp dần - 1554), để kén chọn nhân tài giúp đất nước trong lúc gặp nguy nan, Nhà Vua cho mở Chế Khoa (2).
“Bắt đầu đặt Chế khoa chọn nhân tài, cho bọn Đinh Bạt Tụy 5 người đỗ Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, bọn Chu Quang Trứ 8 người đỗ đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân” (3).
“Niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (Năm Giáp dần - 1554) Vua bắt đầu mở chế khoa, cho Đinh Bạt Tụy trúng tuyển hạng xuất thân. Từ đây nhân tài các phương không ngại đường xa ngàn dặm đều đua nhau về Thanh Hóa ứng thi mong được trọng dụng, Vua bèn tùy tài từng người bổ nhiệm các chức. Thế nước trở nên thịnh” (4).
“Giáp dần năm thứ 6 (1554) bắt đầu mở chế khoa, ban cho bọn Đinh Bạt Tụy 5 người được đỗ Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân” (5).
Văn bia Đinh Bạt Tụy tại nhà thờ Đinh Bạt Tụy ở Thôn Bùi Ngõa xã Hưng Trung huyện Hưng Nguyên cũng chép “Ông Đinh Bạt Tụy đậu Nhất giáp đệ nhất danh khoa chế Giáp Dần nhiên hiệu Thuận Bình thứ 6 Triều Vua Lê Trung Tôn”

Chú Thích:
(1): Sách Vạn Lại thuộc huyện Thủy Nguyên, Phủ Thiệu Hóa, Tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây “Núi đây núi đứng sừng sững nước uốn quanh thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp.
(2): Thời Lê Trung Hưng “Chế Khoa” là khoa thi tổ chức theo sắc dụ của nhà Vua. Người thi đỗ đầu gọi là Nhất giáp chế khoa – Tương đương Tiến Sĩ – như trường hợp cụ Đinh Bạt Tụy
(3): Đại Việt sử ký toàn thư quyển 16 kỷ Nhà Lê. Tập 2 trang 633 nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin năm 2004.
(4): Lê Quý Đôn toàn tập, tập 3 (Đại Việt thông sử) Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội năm 1978, trang 301.
(5): Việt sử chương mục chính biên tập 14

Sau khi đỗ hạng tối ưu, ông được nhà vua cho giữ chức “Hàn lâm viện hiệu lý”. Ông đã đưa hết tài năng trí tuệ của mình công hiến cho đất nước được nhà Vua tin dùng. Do làm việc có uy tín, đức tính ngay thẳng liêm khiết, năm 1562 Vua Lê Anh Tông giao thêm chức “Đông các hiệu thư”. Tham gia hàng ngũ quan Văn với tư tưởng “Trung quân ái Quốc” nhưng Đinh Bạt Tụy vẫn lo lắng quan tâm đến việc quân sự của nước nhà. Ông đau lòng khi thấy đất nước chịu khói lửa chiến tranh do tập đoàn phong kiến họ Mạc gây ra:
“Trong khoảng từ năm 1570 – 1583 nhà Mạc đã 13 lần tấn công vào Thanh – Nghệ” (1).
Nhiều trận đánh lớn đã diễn ra ở cửa biển Hội Thống, Cương Gián, Núi Voi… nhà cửa của cải của nhân dân bị nhà Mạc cướp phá biến vùng đất này thành bãi chiến trường. “Nghệ An nhiều phen binh lửa, các huyện đồng ruộng bỏ hoang, nhân dân đói khổ. Dịch tễ lại phát sinh, người chết đến quá nửa. Nhân dân xiêu bạt hoặc tan tác vào Nam ra Bắc. Trong cõi Nghệ An đìu hiu vắng tanh” (2).
Nạn mất mùa đói kém phủ lên trang sử ảm đạm thế kỷ 16. Nghệ An giá gạo tăng vọt, dân phải ăn rau cháo qua ngày. Đau xót trước cảnh quê hương điêu tàn, Đinh Bạt Tụy đã dâng sớ tâu Vua xin được cầm quân đánh giặc:

“Hành dinh dâng sớ tâu ngay,
Xét trong nghiên bút theo ngoài quân nhung” (3).

Được Vua Lê chấp nhận trao cho binh quyền:

“Vua khen ngợi tấm lòng trung dũng.
Sắc Khâm Sai quan Tổng binh quyền” (3).

Chú thích:
(1): Ban nghiên cứu lịch sử, Lịch sử Nghệ Tĩnh tập I, Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh năm 1984, trang 148.
(2): Quốc sử quán – Việt sử thông giám cương mục chính biên tập 14, nhà xuất bản văn sử địa, Hà Nội năm 1959, trang 64.
(3): Các câu thơ được trích trong bài “Bùi Ngõa Đinh tộc tổ tích lược ca” – Hậu Bối Đông Sơn cư sĩ Phạm Bá Thấu phụng đại thảo.
Có ý kiến cho rằng “Bùi Ngõa Đinh tộc tổ tích lược ca” là của tác giả Bùi Huy Bích Hiệu Tồn Am, người xã Định Công, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đậu Hoàng giáp năm 1769 làm Hiệp trấn Nghệ An, là tác giả của Nghệ An thi tập và Nghệ An tĩnh chí.

Trong những năm 1570 – 1589, Đinh Bạt Tụy cùng các Tướng như Thái Phó quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (Trịnh Mô), Lai quận công Phan Công Tích, Lai quốc khanh Lê Cập Đệ, Hoàng Đình Ái… ngày đêm bày mưu tính kế diệt Mạc khi chúng kéo đến vùng Thanh Nghệ cướp phá và bàn kế hoạch tiến công ra Bắc truy quyét quân Mạc trừ họa cho dân.

Thời gian đầu ông lo chỉnh đốn quân sĩ, giữ nguyên phép binh không được quấy nhiễu nhân dân và ông đã huy đông quân đội, vận động nhân dân phiêu tán động viên họ trở về quê cũ dựng lại nhà cửa, sản xuất ổn định đời sống. Ông cho xây các binh đồn, kế hoạch phòng thủ tại các cửa biển đề phòng quân Mạc tấn công theo các cửa sông. Ông cho thành lập các kho trại rèn đúc khí giới, tích trữ lương thực, rèn luyện quân sĩ, tăng gia sản xuất tự túc quân lương để đánh Mạc lâu dài. Đinh Bạt Tụy vừa là người bày mưu tính kế thảo văn tờ giao tiếp với tướng giặc – “Cơ mưu trù bị vẹn tuyền” – vừa đích thân cầm quân cùng các tướng đánh nhiều trận ở vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghi Xuân và cửa biển Hội Thống:

“Cửa Hội Thống đại binh tiền tuyến,
Đồn Mũi Roi, truông Hến xông pha”.

Tháng 7 năm 1576 trong một trận giao tranh, tướng Trịnh Mô bị giặc bắt, sau đó tướng quân Phan Công Tích cũng bị tử trận. Trước sự mất mát lớn lao, không vì thế mà Đinh Bạt Tụy tỏ ra hoang mang ngược lại ông đã biến đau thương thành hành động cụ thể. Ông đã chỉ dụ cho binh sĩ noi gương tinh thần ái quốc của hai tướng lĩnh và các binh sĩ đã anh dũng hy sinh vì dân vì nước. Vì thế quân và dân đã hăng hái chiến đấu đạt được nhiều thắng lợi to lớn.

Giải phóng đến đâu ông đều sai binh lính hàn gắn vết thương chiến tranh, sửa lại cầu đường, giúp dân ổn định cuộc sống, nhất là mặt chỉnh đốn kinh tế thương mại, bảo vệ tự do tín ngưỡng cho dân:

“Giặc tan cưới chợ dựng chùa,
Ngọn cờ báo tiệp tâu Vua khải hoàn” (1).

Chú thích:
(1): Ngày nay nhân dân Hưng Nguyên còn lưu truyền ca ngợi công đức của Đinh Bạt Tụy cưới chợ Hiến Son và tu bổ chùa Hiến Sơn ở xã Hưng Yên huyện Hưng Nguyên.

Trải qua nhiều năm tháng chiến đấu chống quân Mạc, Đinh Bạt Tụy không chỉ nổi tiếng về cơ mưu chiến đấu bằng ngọn bút trên mặt trận ngoại giao mà ông còn giỏi về tài cầm quân chiến đấu. Xét về công trạng của ông, năm Quang Hưng thứ 6 (1588) ông được Vua Lê phong chức “Binh bộ Thượng thư” nắm toàn quyền về quân đội.

Từ năm 1588 thế lực của quân Mạc yếu dần không đủ sức mở các đợt tấn công cướp phá vùng Thanh Nghệ nữa mà chúng chỉ lo đốc thúc quân sĩ bảo vệ kinh thành Thăng Long và lo gây cơ sở ở một số châu bản miền núi phía Bắc để lo xa về sau. Quan quân Triều đình nhà Lê càng ngày thế lực càng phát triển, được nhân dân ủng hộ đang ra sức xây dựng cơ sở hậu phương ở Thanh Hóa Nghệ An và Tân Bình Thuận Hóa để làm bàn đạp tấn công ra Bắc thống nhất đất nước.

Đầu năm 1589 quan quân nhà Lê đang chuẩn bị gấp rút nhân tài vật lực để Vua Lê Thế Tông thân chinh cùng ba quân mở đợt tấn công lớn đánh Kinh thành Thăng Long. Đinh Bạt Tụy được nhà Vua tin cẩn giao cho trọng trách hộ giá vua Lê nhưng không ngờ sức khỏe của ông giảm sút nghiêm trọng, do tuổi cao sức yếu lại lo thức khuya dậy sớm, xông pha sương gió nơi trận mạc nhiều năm ở vùng Nghệ An – Thanh Hóa nên ông bị lâm bệnh nặng. Mặc dầu được các Lương y và binh lính hết lòng chạy chữa vẫn không qua khỏi, ông tạ thế vào ngày 17 tháng 4 năm 1589 hưởng thọ 74 tuổi.

Giữa lúc công việc quốc gia đại sự đang bề bộn, nhà Vua vẫn tổ chức các nghi lễ theo thể thức quốc gia để tiễn đưa vị Binh Bộ Thương Thư về nơi an nghỉ cuối cùng và cấp tiền bạc, sai binh lính đưa thi hài của ông về quê (Làng Bùi Ngõa, xã Bùi Khổng) an táng, lập đền thờ phụng.

Nhận được trát báo thi hài Đinh Bạt Tụy được Vua Lê cho đưa về quê mai táng, các quan hàng tỉnh, hàng huyện cùng nhân dân xã Bùi Khổng đều tề tựu tại quê hương ông thăm viếng và tổ chức các nghi lễ quốc gia. Khi Thuyền rồng của Nhà Vua cập bến Bùi Ngõa bên bờ sông Goi để chuyển đưa thi hài (1), tất cả mọi người đều cúi xuống nghiêng mình trước anh linh của ông. Chuông chùa Hiến sơn (2) rung lên nấc từng hồi nghẹn ngào tiễn đưa người anh hùng họ Đinh về nơi chín suối.

Chú thích:
(1): Thi hài của Đinh Bạt Tụy chôn cất tại làng Bùi Ngõa xã Hưng Trung huyện Hưng Nguyên tỉnh nghệ An, phần mộ đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
(2): Chùa Hiến Sơn ở xã Hưng Yên huyện Hưng Nguyên do Đinh Bạt Tụy bỏ tiền ra tôn tạo tu bổ

Với 74 tuổi đời (1516 – 1589), gần 40 năm làm quan (1554 – 1589), trải qua ba triều vua: Lê Trung Tôn (1549 – 1555), Lê Anh Tôn (1556 – 1572), Lê Thế Tôn (1573 – 1595) Đinh Bạt Tụy đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp trung hưng đất nước. Từ một Nho sinh nghèo mồ côi cha mẹ, nhờ có chí thông minh hiếu học, khổ học, rèn luyện để trở thành tài nên đã có công lớn giúp vua Lê dựng nước. Công lao của ông “giấy mực tầm thường cũng không đủ tả hết” (1).

Ngoài việc chính sự nơi triều chính, Đinh Bạt Tụy còn quan tâm việc phát triển kinh tế ở địa phương (làng Bùi Ngõa). Dưới con mắt của nhà hiểu biết sâu rộng không những về chính trị, quân sự mà còn tinh thông cả về y học, địa lý, địa hình, thủy lợi… Vùng đât xã Bùi Khổng là vùng chiêm trũng chưa mưa đã ngập chưa nắng đã hạn. Nhân dân chịu bất lực trước thiên tai hạn hán mất mùa, sống trong cảnh đói nghèo từ đời này sang đời khác. Đứng trước cảnh đó, Đinh Bạt Tụy đã nghĩ việc đắp đập vừa chống úng vừa chống hạn. Ông đã vận động nhân dân Bùi Ngõa đắp các con đập đó là đập Cừ và đập Tùng Xang ngăn nước mặn cho dân cày cấy trên hàng trăm mẫu ruộng. Hai con đập đó vẫn còn được sử cho đến ngày nay.

Nối chí cha theo nghiệp binh nho, các con cháu của Đinh Bạt Tụy đã kế tục sự nghiệp làm vẻ vang cho đất nước và dòng họ Đinh.

Con trai trưởng là Đinh Bạt Tuấn đậu Cử nhân làm Hiến Sát Sứ Hải Dương là “người có chí khí kinh luân, sớm được thầy dạy bảo đã tiến đến thềm vinh hoa từng được hưởng nhiều ân sủng”. Về cuối đời Đinh Bạt Tuấn được phong thêm nhiều chức tước như “Công bộ thị lang Mai Lĩnh Hầu” (2)

Con trai thứ là Đinh Bạt Sĩ cũng đã từng cầm quân đánh dẹp giặc nổi loạn lập nhiều công to được nhà Vua thăng thưởng “Năm Quý hợi, lúc có việc quân lại theo đi chinh phạt trước sau đều có công lao. Triều thần luận định, đáng được thăng thưởng chức tước là: Quang Tiến Thận lộc Đại phu, đại lý Tự thiếu khanh văn vinh tử tá trị khanh trung giai” (3).

Chú thích:
(1): Văn bia Đinh Bạt Tụy (Tại nhà thờ Đinh Bạt Tụy ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên).
(2): Sắc phong Đinh Bạt Tuấn ngày 6 tháng 3 Đức Long Nguyên niên kỷ tỵ 1629.
(3): Sắc phong Đinh Bạt Sĩ ngày 18 tháng… Năm Vĩnh Tộ thứ 8 Bính dần 1626.

Từ mồ côi cha mẹ vươn lên thành một trí thức khoa bảng, làm quan biết giữ thanh liêm, lấy chữ Trung làm đầu, lo múa gươm dẹp loạn yên dân. Đinh Bạt Tụy đã để lại cho cuộc đời và cả dòng họ những dấu ấn đẹp tuyệt vời.

Để ghi nhớ công lao to lớn của Ngài cũng như các danh thần đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Dần (1554), năm Quý Tỵ (Thịnh Đức I - 1653), Vua Lê giao cho Triều Thần chép soạn, ghi lại công lao để khắc vào bia đá ngàn năm sau vẫn còn lưu danh mãi (1).

Triều Thần Nhà Lê cũng đã chuẩn cấp tiền bạc cho xây dựng đền thờ, cấp ruộng hương hỏa cho ngài Tuyên Lực dực vận Công thần Binh Bộ Thương Thư kiêm Đông Các Đại Học Sĩ, Nhập Thị Kinh Diên, Trụ Quốc Thượng Trật, Thiếu Bảo Khê Quận Công Đinh Bạt Tụy tại bản quán thôn Bùi Ngõa, xã Bùi Khổng, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Đền thờ Đinh Bạt Tụy tọa trên khuôn viên có diện tích trên 10.000m2, hàng năm vào những ngày lễ trọng, chính quyền địa phương, con cháu nội ngoại trong và ngoài tỉnh về dự lễ rất đông với lòng thành kính khói hương nghi ngút. Còn phần mộ Ngài gọi là Lăng Hầu Thượng, tọa trên một khu đất rộng khoảng 3.500m2 xung quanh là đồng lúa xanh tốt quanh năm(2).

Khi đương thời làm việc dưới triều đại Nhà Lê, Ngài Đinh Bạt Tụy được giữ nhiều chức vụ cao cấp, Triều Thần nhà Lê đã có rất nhiều sắc phong trong đó có sắc phong “Lê Triều Trung Hưng kiệt tiết, tuyên lực dực vận tán trị công thần, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Binh Bộ Thương Thư kiêm Đông Các Đại Học Sĩ, Nhập Thị Kinh Diên, Trụ Quốc Thượng Trật, Thiếu Bảo Khê Quận Công”. Khi qua đời lại được các vua triều đại sau này của Nhà Lê, Tây Sơn, Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị tiếp tục truy tặng sắc phong Thượng Đẳng Phúc Thần (3).
Năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ra đời, ngày 6 tháng 9 năm 1991, Hội Đồng Nhà Nước nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam đã công nhận khu di tích đền thờ Đinh Bạt Tụy là Dich tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hàng năm Nhà nước ta vẫn cấp tiền của để duy tu bảo dưỡng các công trình kiến trúc của khu di tích.
Hiện nay tại Huyện Hưng Nguyên có ngôi trường THPT được mang tên Đinh Bạt Tụy, tại Thành phố Vinh cũng có con đường được mang tên là đường Đinh Bạt Tụy./.

Chú thích:
(1): Văn bia tiến sĩ được đặt trong Văn Miếu Quốc tử giám, số thứ tự văn bia: Văn bia số 15
(2): Đền thờ, miếu thờ, khu mộ hiện nay vẫn còn nguyên vẹn tại Xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An.
(3): Hiện tại Dòng họ vẫn lưu giữ được rất nhiều sắc phong của các đời Vua từ thời Lê Trung Hưng đến thời nhà nguyễn.
Đinh Bạt Ngoạn sưu tầm và biên soạn​
 
Top