7 ngày ở xứ đảo thần tiên (bài 1, 2, 3, 4, 5) - Tác giả: Nguyễn Hồng Anh

dinhtrungky

Moderator
Staff member
Tôi thường nghe người ta gọi Hạ Uy Di (Hawaii) là thiên đàng hạ giới. Tôi chưa có dịp tới quần đảo Hawaii nơi đã trở thành tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ vào năm 1959. Tôi cũng thường nghe người ta gọi Tahiti là thiên đàng hạ giới. Tahiti là thủ đô của Papetee (French Polynesia), một lãnh thổ của Pháp ở nam Thái Bình Dương, giữa Úc và Nam Mỹ, cách Sydney 6,127 cây số, dài gần bằng đoạn đường tới Sài Gòn.
Cả hai “thiên đường hạ giới” đều nằm trong danh mục giấc mơ du lịch của tôi, nhưng tôi chưa có dịp thực hiện.
Nhưng tôi đã đến một thiên đàng hạ giới khác mà phần lớn người Việt chưa biết hoặc có biết thì cũng rất mơ hồ: Cộng hòa Vanuatu.
Trước khi trở thành một nước độc lập vào năm 1980, Vanuatu có tên là New Hebrides mà một số người Việt trước đây gọi là Tân Thế Giới (khác với Tân Thế Giới mà người Âu Châu đặt cho Châu Mỹ khi ông Christopher Columbus khám phá vào năm 1492). Đó là môt quần đảo thuộc công quản liên hợp của Anh-Pháp (Anglo-French Condominium).

Đầu thế kỷ 20, người Pháp thực dân tuyển mộ người Việt Nam sang làm phu mỏ kền và phu đồn điền cao su ở Tân Đảo (New Caledonia – Nouvelle Calédonie) và Tân Thế Giới (New Hebrides). Những phu mỏ và phu đồn điền thời đó xuất phát từ miền Bắc, được gọi là chân đăng phát xuất từ tiếng Pháp “d’engager”. Đến Đệ Nhị Thế Chiến, số người Việt ở hai nơi này lên tới khoảng 12,000 người. Sau hiệp ước Genève, nghe lời của ông Hồ Chí Minh, phần lớn người Việt ở Tân Đảo và Tân Thế Giới đã hồi hương “vì đất nước đã có độc lập, hòa bình và tự do” (xin xem bút ký Tân Đảo Có Gì La viết đầu tháng 4 năm 2007). Dân số người Việt ở hai nơi này hiện khoảng 3,500 người trong đó có khoảng 150 người sống ở nước Vanuatu.

Nhưng trong ký sự đường xa này tôi sẽ không gọi Vanuatu là “thiên đàng hạ giới”, mà gọi đấy là “xứ đảo thần tiên” dù từ Paradise đã được dùng khá nhiều ở nước Vanuatu và một số khu du lịch ở đấy. Bởi vậy ký sự lần này có tên là Vanuatu: 7 ngày ở xứ đảo thần tiên.

Tôi và cả gia đình chỉ ở Vanuatu –nói rõ hơn—ở thủ đô Port Vila và đảo Efate trong chuyến du lịch ngắn ngủi 7 ngày đêm tuần vừa qua. Gọi là “xứ đảo” bởi Cộng hòa Vanuatu có đến 83 hòn đảo nhưng trong đó chỉ có 14 hòn đảo lớn nhỏ trồi lên mặt nước và có người ở.
Gọi là “thần tiên” bởi đất nước này quá đẹp, quá dễ thương khiến tôi dự tính sẽ trở lại đó trong một ngày không xa để nghỉ mát hoặc để tìm hiểu thêm những lãnh vực mà tôi cảm thấy thích thú và có thể có ích cho người đọc, những người muốn du lịch ở một đất nước thiên nhiên trong lành, còn vẻ tự nhiên và nguyên thủy mà tạo hóa ban cho.

Gọi thần tiên cũng không quá đáng vì cơ quan New Economics Foundation có trụ ở Anh quốc vừa hoàn tất Chỉ số Hạnh phúc trên Hành tinh (The Happy Planet) qua sự khảo cứu và điều tra 178 quốc gia trên thế giới, đã liệt Vanuatu là nơi mà con người có cuộc sống hạnh phúc nhất trên quả địa cầu này.

Việt Nam đứng hàng thứ 12, Úc thứ 139 và Hoa Kỳ thứ 150. Đứng hạng chót là nước Zimbabwe ở Phi Châu.
Cá nhân tôi biết thêm về Vanuatu nhờ chuyến đi Tân Đảo năm ngoái trong đó tôi có viết về một nhân vật được coi là giàu và có quyền lực bậc nhất ở Vanuatu: ông Đinh Văn Thân.

Ông Thân được xem là giàu bậc nhất nước Vanuatu vì đã từng đầu tư vào ngành hàng không, tàu thủy, xây cất, bất động sản, chăn nuôi v.v... Ông lại là người Việt duy nhất ở hải ngoại làm chủ tịch và thủ lãnh của một đảng chính trị lớn của một nước. Sau cuộc bầu cử vào tháng 9 tới đây, nếu đảng của ông thắng cử, chiếm đa số, ông có thể trở thành thủ tướng của Cộng hòa Vanuatu, nếu ông muốn.
Tôi ao ước một ngày nào đó đi du lịch Vanuatu và được tiếp xúc, phỏng vấn nhân vật độc đáo này và chúng tôi đã thực hiện được qua buổi nói chuyện thân mật với ông Đinh Văn Thân trong hơn một tiếng đồng hồ tại văn phòng của ông ở thủ đô Port Vila và sẽ tường trình với bạn đọc kèm với hình ảnh trong những tuần tới.

Tôi cũng biết về Vanuatu vì người Úc hay gọi đất nước này bằng cụm từ “tax haven”, nghĩa là nơi người ta không phải đóng thuế. Không đóng thuế lợi tức, không đóng thuế công ty, không cả đóng thuế lợi nhuận tư bản (capital gain tax).

Với tư cách là một người thích du lịch đó đây, ưa ghi lại những điều mắt thấy tai nghe để giúp bạn đọc có tư liệu cho những chuyến du lịch trong tương lai, tôi sẽ lần lượt viết về chuyến đi này trong các số báo tiếp theo. Mời bạn đọc theo dõi.

---
Bài 2

Từ khi vượt qua ngưỡng cửa cái tuổi “tri thiên mệnh”, tôi có thêm châm ngôn: “Hãy đi du lịch thật nhiều trước khi không còn thể đi được nữa”. Danh mục giấc mơ du lịch của tôi còn rất dài, gồm các nước ở Á Châu như Ấn Độ, Trung Quốc (mơ thêm lần thứ hai đi các tỉnh miền nam), Đại Hàn, Đài Loan; các nước ở Trung Đông như Ai Cập, Do Thái; các nước ở Nam Mỹ như Á Căn Đình, Ba Tây; ở Bắc Mỹ như Gia Nã Đại, Hoa Kỳ (mơ lần thứ hai đi ở các thành phố miền đông); các nước Âu Châu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo, Đức, Hòa Lan… và một số quốc gia hải đảo ở Trung Mỹ, Nam Thái Bình Dương.
Không biết đến khi nào tôi sẽ thực được các giấc mơ đó, nhưng tôi quan niệm hễ khi nào có dịp là đi, không cần phải chuẩn bị, sắp đặt gì cả.

Chọn nơi nghỉ mát

Giáng Sinh năm nay, vợ chồng chúng tôi bỗng nghĩ đến việc cả gia đình cùng đi du lịch chừng một tuần lễ ở đâu đó, trong nước hay ở ngoại quốc bởi con cái đang nghỉ hè và nhất là cùng đi chơi với nhau trước khi con cái ra ở riêng hoặc không còn muốn đi chơi chung với cha mẹ nữa.

Vấn đề đi nghỉ mát ở đâu còn tùy thuộc ngân sách, chi phí và vật giá. Chúng tôi đã đi nghỉ mát nhiều lần xuyên bang như ở Gold Coast- Brisbane, ở Sydney, Devonport (Tasmania). Lần này chúng tôi có ý định đi Cairns (ở bắc Queensland), nhưng sau khi lượn vòng vòng trên mạng internet, thấy vé máy bay khoảng $800 Úc kim một người, chúng tôi lại nghĩ tại sao không thêm vài trăm nữa để có thể nghỉ mát ở hải ngoại, vui lạ hơn với con người và cảnh vật khác xứ Úc.

Thiên đường hạ giới Hạ Uy Di là nơi chúng tôi dự tính đến đầu tiên, nhưng vé máy bay gần $2,000 một người và ngày giờ đi bị giới hạn vì vé đã được mua hết khá nhiều. Thái Lan? Con cái chúng tôi cũng thích, nhưng chúng tôi đã từng đi vào năm 1990 và trong mùa cao điểm này cũng đắt và khó chọn ngày mình thích. Đại Hàn, Đài Loan? Đường bay hơi dài, đang là mùa đông và vé cũng xấp xỉ $2,000.
Chúng tôi nhìn xuống hướng nam thấy vé đi Tân Tây Lan khoảng $1,000 mà “được tiếng” là đi du lịch nước ngoài. Tôi gọi điện thoại cho anh bạn Lý Hồng Giang là ông thổ địa, người cương quyết bám trụ ở xứ Kiwi trên ba thập niên dù Mít tộc du học trước 1975 và tị nạn phần lớn đã qua lập nghiệp ở Úc hay thiên di tới các nơi khác. Lý Hồng Giang nói chỗ nào ở Tân Tây Lan cũng đẹp và thơ mộng nhất là Chirst Church, Queenstown là hai thành phố ở Đảo Nam của Tân Tây Lan, nơi còn nhiều di tích cổ kính và có nhiều du khách đến.

Nhưng Tân Tây Lan dầu sao cũng có nét văn hóa chính mạch giống Úc (gốc Anh). Vả lại các thành phố ở đấy còn gần nam cực hơn Melbourne nên khó được hưởng cái thú tắm biển ấm. Mà cả gia đình chúng tôi ai cũng thích tắm biển trong mùa hè này (ở Úc) nên lại phải tìm một nơi khác.

Chúng tôi nhắm tầm ngắn, ở vùng nam Thái Bình Dương. Thiên đàng hạ giới Tahiti? Xa quá vì cách Sydney đến 6,127 cây số.

Fiji? Gần hơn nhưng cũng tới 3,242 cây số. Fiji nổi tiếng là nơi các tài tử và giới giàu có thường đến nghỉ mát. Hai khu nghỉ mát Turtle và Vatulele được liệt kê vào danh sách 10 nơi nghỉ mát đắt đỏ nhất thế giới với giá tiền phòng từ $1,500 đến gần $3,000 Úc kim một đêm. Nhưng những vụ nổi loạn, đảo chính và bất ổn chính trị ở xứ này trong những năm gần đây đã không làm cho tôi chọn ưu tiên trong những nơi muốn đi du lịch nhất.

New Caledonia thì đã đi cách đây khoảng 9 tháng. Vậy chỉ còn nước Vanuatu, cách Sydney 2,481 cây số và chỉ mất khoảng 2 giờ rưỡi bay từ Brisbane đến thủ đô Port Vila. Tôi lại lên xem trang mạng của hãng Qantas và thấy giá vé chỉ từ $1,000 đến $1,100 và mỗi ngày có mấy chuyến bay; trong vòng nửa tháng tới hầu như ngày nào cũng còn chuyến trống chỗ (xin lưu ý: giá cả thay đổi tùy mùa và ngay trong một ngày, cũng có giá cả khác nhau). Gặp vé $1,005 Úc kim gồm thuế má chi phí, tôi mua ngay.

Sau đó tôi lên mạng tìm hiểu về khí hậu, thời tiết và được biết đây là mùa mưa ở các đảo quốc trong vùng Nam Thái Bình Dương, như kinh nghiệm du lịch vào cuối tháng 3 năm 2007 ở Tân Đảo. Từ tháng 11 đến tháng 4 là mùa mưa và bão, đặc biệt Vanuatu là nơi nổi tiếng bị nhiều bão tố và gió lốc (hurricane, cyclone) nhất trong vùng. Mùa này hầu như ngày nào cũng có thể bị mưa, hoặc cả ngày hoặc vài tiếng đồng hồ. Nhiệt độ trung bình khoảng 30 độ C. Người ta nói thời gian lý tưởng để nghỉ mát ở Vanuatu là khoảng tháng 6,7 và 8 là lúc trời khô ráo, mát mẻ với nhiệt độ từ 20 đến 25 độ C.

Nhưng gia đình chúng tôi chỉ có thể đi chung với nhau trong khi con cái đang nghỉ học. Bởi vậy “…dù cho mưa... dù cho bão tố có kéo qua đây... chúng tôi cũng vẫn” đi Vanuatu. Nếu bạn không quen hay ngại sử dụng mua vé on-line, các văn phòng du lịch có thể giúp bạn từ A đến Z.

Mua vé xong, chúng tôi mới bắt đầu tìm book khách sạn. Lên mạng bấm vào (thành phố) Port Vila hay Vanuatu, sẽ thấy khối chỗ trọ, từ loại bình dân cho du khách ba-lô giá mươi đô Úc một đêm đến loại khách sạn 4, 5 sao trên 300 đô. Chúng tôi quan niệm du lịch (hay cả đi nghỉ mát) thì cũng chỉ nên thuê khách sạn khoảng 3 sao là tối đa, vì mình đâu có ở suốt ngày trong phòng mà cần chỗ sang trọng.

Lướt một vòng từ loại khá sang như Irriki Island Resort ở đảo Irriki, Le Lagon Resort hay Le Meridien ở vịnh Erakor Lagoon đến loại trung bình như Melanesian Hotel, chúng tôi chọn Fatumaru Lodge, một loại nhà trọ được quảng cáo 3 sao ở vùng vịnh Fatumaru Bay, trên đường đi tới phi trường, cách trung tâm phố Port Vila khoảng 15 phút đi bộ (khoảng 1 cây số rưỡi).



Êm đền và thơ mộng: chèo thuyền trong Vịnh Fatumaru trước nhà trọ
Đây là một nhà nghỉ mát do hai vợ chồng người Pháp du lịch ở Vanuatu vào năm 2001 và do “fell in love with Vanuatu” (sic) nên đã trở lại mua miếng đất chuồi sát vịnh và xây tòa nhà nghỉ mát 10 phòng, gồm 8 phòng nằm sát mặt t nước biển (seafront apartment), 2 phòng bungalow (seaview apartment) ở trên sườn đồi sát nhà ở của hai ông bà chủ.

Phòng trọ là một loại apartment khá rộng, diện tích 16 mét vuông có đủ đồ dùng để nấu ăn, rất tiên lợi cho lối sống của một gia đình. Có loại phòng có cửa thông để tiện cho cha mẹ và con cái qua lại trong phòng của nhau.

Giá một đêm $210 Úc kim, và quảng cáo khuyến mại trên mạng từ tháng 4/07 đến tháng 3/08 nhà trọ chỉ tính tiền 6 đêm nếu ở lại 7 đêm. Phòng trọ bungalow trên đồi giá rẻ hơn $35 mỗi phòng. Trẻ con dưới 12 tuổi miễn phí.

Trường hợp chúng tôi có ba đứa con lớn, trọ chung một phòng phải thêm một giường đơn, thêm khăn tắm và dọn giường hàng ngày nhưng Fatumaru Lodge vẫn tính tiền như một giường đôi hay hai giường đơn. Chúng tôi thấy ít chủ nhà trọ tính toán dễ chịu như vậy, vì nếu trong phòng thêm 1 người, thường phải trả thêm vài chục đô la một ngày. Chúng tôi chọn phòng tầng trệt, cách mặt nước chừng một mét rưỡi bởi cái bao lơn bằng gỗ.

Khi chúng tôi book chỗ và qua ngụ ở Fatumaru, hai ông bà chủ (Patricia và Pascal) vẫn còn nghỉ hè ở Pháp, công việc quản lý do Pam (bà người Úc) và Emily (bà người Vanuatu) quản lý. Mọi người đều vui vẻ, tiếp đón ân cần như lời giới thiệu của hai ông bà chủ nhân người Pháp trên internet.


Mua vé online ngày nay quá tiện. Chỉ in ra cái e-ticket và cầm tới phi trường để check-in. Cũng như đi New Caledonia, mua vé của Qantas nhưng chỉ đi máy bay Qantas trong nội địa, còn tới Vanuatu thì phải đi máy bay của nước bản xứ là Air Vanuatu.

Chúng tôi chọn chuyến bay đi ít tốn thời gian nhất bằng cách mua vé đi thật sớm (bay 7 giờ sáng) nên chuyến bay chỉ kéo dài 7 tiếng rưỡi (cũng đường đi như thế nhưng có những chuyến kéo dài trên 10 tiếng).

Từ phi trường Tullamarine lên phi trường Brisbane mất 2 tiếng. Đợi 2 tiếng chuyển sang phi trường quốc tế, làm thủ tục xuất cảnh. Bay từ Brisbane sang đảo Santo của nước Vanuatu 2 tiếng rưỡi (mở ngoặc: Santo là hòn đảo mà ông Nguyễn Hữu Chánh nói ông đã thương lượng thuê để đưa người tị nạn sang định cư hồi cuối thập niên 1980 nhưng do Thủ tướng Walter Lini của nước Vanuatu bị lật đổ nên dự tính của ông Chánh bất thành, theo Việt Weekly 12.6.07. Người viết sẽ bàn luận về chuyện này sau khi đã qua Vanuatu và nói chuyện với ông Đinh Văn Thân, người Việt giàu có và quyền uy bậc nhất ở Vanuatu).



Trên đường từ Fatumaru Lodge tới trung tâm Port Vila: lúc nào cũng mang dù phòng mưa bất ngờ
Santo là hòn đảo lớn nhất của nước Vanuatu. Thủ phủ là Lugaville, thành phố lớn thứ hai và nơi có đông dân hàng thứ hai của nước Vanuatu. Ngồi trên máy bay đợi thêm nửa tiếng để khách từ Brisbane xuống Santo và đợi khách mới lên, phi cơ bay thêm nửa tiếng đến thủ đô Port Vila, trạm cuối cùng và chỗ chúng tôi dừng chân.

Đi nội địa, Qantas sử dụng máy bay Boeing 737-800 là loại đời mới. Đi ngoại quốc bằng Air Vanuatu thì đi máy bay Boeing 737-300 là đời khá cũ. Máy bay cũ nhưng phi công là người da trắng nên chúng tôi cũng yên tâm. Vả lại chưa (hay không) nghe tai tiếng của hãng Air Vanuatu từ ngày được thành lập cách đây 20 năm khi họ thuê những chiếc máy bay cũ của Úc. Máy bay cũ nhưng sự tiếp đãi của nhân viên người Vanuatu khá tốt, nếu không muốn nói rất chu đáo, tận tình dù đường bay chỉ kéo dài từ hai tiếng rưỡi đến ba tiếng.

Tôi còn nhớ vào năm 2000 trong chuyến du lịch Singapore, chúng tôi đã không book được chuyến đi tour một ngày từ Singapore sang biên giới Mã Lai bằng xe đò vì đại lý đi tour ở đấy nói thông hành của vợ chồng chúng tôi chỉ còn hạn vài tháng trong khi Mã Lai buộc du khách ngoại quốc vào nước họ phải có passport còn hiệu lực trên 6 tháng. Tôi nghĩ nước Mã Lai ưa làm khó nên đòi hỏi như vậy thôi bởi tôi đi qua Singapore với thông hành như vậy có sao đâu.

Tôi cũng biết với thẻ thông hành Úc, đi các nước trong vùng (trừ Trung Cộng, Việt Nam...) không cần xin visa, như đi như Thái Lan, Nam Dương, Singapore. Nhưng tôi cũng lên mạng để xem trước khi đi. Muốn chắc ăn hơn, tôi còn gọi cho tòa lãnh sự Vanuatu ở Sydney để hỏi du khách với thông hành Úc có cần xin visa không thì ông nhân viên ở lãnh sự quán bảo không, rồi nói qua chuyện thời tiết, mùa bão tố ở nước này.

Nhưng khi đến phi trường Tullamarine để check-in, ông nhân viên hãng Qantas sau một hồi ghi ghi, gõ gõ vào máy, bỗng nói với chúng tôi là chúng tôi gặp vấn đề và báo cho biết “rất tiếc là có hai thành viên trong gia đình sẽ không được đi sang Vanuatu trong chuyến này vì passport gần hết hạn trong khi Vanuatu đòi hỏi passport phải còn hiệu lực tối thiểu 6 tháng”. Passport của hai cô con gái của chúng tôi chỉ còn hạn khoảng 4 tháng. Chúng tôi buồn rầu nhìn nhau, hỏi làm sao bây giờ, nhưng hai cô con gái an ủi nói ba mẹ cứ đi chơi với người anh.

Ông kiểm soát vé sau đó giải thích rằng với Việt Nam hay Nam Dương, nhất định phải có thông hành hiệu lực trên 6 tháng, là điều chắc chắn. Tôi nói tôi từng đi Singapore với thông hành còn hiệu lực dưới 6 tháng mà có sao đâu, vả lại khi nói chuyện với lãnh sự quán Vanuatu ở Sydney họ cũng đâu lưu ý tôi về điều khá quan trọng này.

Ông nhân viên kiểm soát vé nói để ông vào bên trong hỏi những người khác cho chăc ăn hơn bởi ông thấy trên màn ảnh có ghi là “is advived” và “should” có nghĩa là khuyến cáo, là nên trong khi ở Việt Nam thì họ dùng chữ “must”. Ông nói hai từ này có nghĩa khác nhau nhưng ông vẫn thận trọng, bởi nếu ông để cho chúng tôi tới Vanuatu rồi họ không cho vào, phải kiếm máy bay trở về tốn hàng chục ngàn đô la thì ông sẽ chịu trách nhiệm.

Mất khoảng nửa giờ sau, ông mới trở lại. Tôi hỏi có tin vui không, ông gật đầu nhưng nói thêm đây là kinh nghiệm để lần sau chúng tôi phải hỏi thật kỹ trước khi mua vé và tốt nhất là nên có thông hành còn hiệu lực trên 6 tháng cho chắc ăn bởi đã từng có những gia đình tới phi trường mà có những người không được cho lên máy bay, trở về với nước mắt ràn rụa.

Chúng tôi nói với nhau đây là một kinh nghiệm. Nhưng vẫn còn lo không biết ông nhân viên kiểm soát vé quá cẩn thận này (đã làm chúng tôi cụt hứng cả hơn nửa tiếng) có hỏi lại cho kỹ không bởi giờ đó sứ quán Vanuatu chưa mở cửa làm viêc. Tôi cũng biết có sự khác biệt giữa hai từ Advise và Must, nhưng nói riêng với nhà tôi rằng có lẽ chỉ chắc ăn khi đã qua khỏi cổng hải quan của nước Vanuatu bởi một khi người ta muốn làm khó dễ, họ có thể giải thích lung tung.

Đến phi trường, nhân viên di trú đóng dấu vào các thông hành của các con tôi. Tôi yên trí lớn. Nhưng đến chỗ hải quan, một ông nhân viên nhìn vào tờ khai rồi nhìn 3 cái vali của chúng tôi, xong bảo chúng tôi đứng qua một bên đợi khám hành lý mặc dù chúng tôi ghi trên giấy không có gì để khai cả.

Đứng lớ xớ một lúc, một anh nhân viên khác đến bảo chúng tôi đưa hành lý lên bàn để khám. Tôi loay hoay tìm chìa khóa mở vali trong khi anh nhân viên hỏi con gái của tôi trong vali có gì, có mang theo rượu mua miễn thuế không. Tôi hơi ngạc nhiên không biết mấy anh nhân viên đang dở trò gì đây vì Vanuatu nổi tiếng là “tax haven”, chẳng có thuế má gì ráo trọi thì sá gì vài ba chai rượu lẻ tẻ. Chúng tôi không mang theo rượu, cũng chẳng mua rượu duty free ở các phi trường.
No duty free! Nghe vậy, ông hải quan xua tay, biểu chúng tôi đi.

Ở hai phi trường, gặp hai chuyện hơi bực mình chút đỉnh, nhưng chúng tôi vẫn vui bởi đã tới Vanuatu bình yên và đang chuẩn bị một tuần lễ nghỉ mát đúng nghĩa, bởi chúng tôi tin rằng nước Vanuatu là nơi người và đất hiền hòa, lý tưởng để du lịch, nghỉ mát. Vanuatu có chỉ số hạnh phúc hàng đầu (số 1) trên thế giới mà!
Mời bạn đọc đón xem tiếp.
---

Bài 3

Chúng tôi đến phi trường quốc tế Bauerfield ở thành phố Port Vila khoảng 3 giờ rưỡi chiều. Gần nhà xa cửa ngõ, chỉ đoạn trường chừng ba ngàn cây số mà chúng tôi phải mất gần 9 tiếng đồng hồ từ khi máy bay rời phi trường Tullamarine ở Melbourne, lên Brisbane đổi máy bay đi Port Vila. Mà đó là chuyến đi ít mất thì giờ nhất đấy
Trên phi đạo và bãi đáp ở Bauerfield, chỉ có duy nhất chiếc máy bay phản lực hành khách Boeing 737-300 của chúng tôi. Cảnh tượng của phi trường “quốc tế” ở đây chẳng khác nào phi trường Phú Bài của thành phố Huế cuối thập niên 1960. Thua xa phi trường Despensar ở đảo Bali và phi trường Tontouta ở Nouméa. Chỉ có vài chiếc máy bay một hai chong chóng nho nhỏ đậu ở bãi cỏ cạnh sân bay.
Vài chục người dân bản xứ tóc quăn da đen hay nâu sậm đứng trên lầu nhà đợi của phi trường đón thân nhân, được ngăn bởi tấm rào bằng gỗ hình mắt cá (trellis). Hành khách bước xuống thềm sân bay đi bộ giữa trời để vào nhà đợi. Họ sẽ thấy và có thể nói chuyện với thân nhân ra đón đứng trên lầu trước khi xếp hàng vào trình giấy tờ cho nhân viên quan thuế.

Đường tới khách sạn: gần mà xa

Quả như các giới thiệu trên truyền đơn bươm bướm hay trong tạp chí của hãng Air Vanuatu, đến phi trường là du khách được tiếp đón bởi một ban nhạc địa phương do người dân gốc Melanesian trình diễn. Ba nhân viên di trú xét giấy tờ khá chậm chạp, có thể do bị ảnh hưởng lối làm việc từ thời Pháp thuộc. Chỉ trên một trăm hành khách của một chuyến bay mà tôi ước chừng phải đợi cả hơn nửa tiếng đồng hồ mới xong.
Trời nóng nực và khí ẩm thấp làm hầu hết hành khách chẳng ai buồn vỗ tay mỗi khi ban nhạc chơi xong một bản. Chỉ một phụ nữ Úc vỗ tay một lần duy nhất sau bài hát thứ hai khiến tôi cũng đập tay và cái cho đỡ áy náy. Thật tội nghiệp cho các nghệ sĩ này. Du khách chẳng mấy hứng thú qua một chuyến hành trình dài, mệt, đẫm mồ hôi và chưa quen thuộc với sự thay đổi khí hậu của nơi mới đến. Tôi nghĩ nếu người ta cho ban nhạc đón khách ở bên ngoài phòng đợi sau khi đã qua các thủ tục di trú và quan thuế thì có lý hơn.

Nhưng đó là chuyện của người ta. Chuyện của chúng tôi là làm sao tìm được người của khách sạn ra đón. Khác với lần đi Tân Đảo tự túc thuê/đón phương tiện đi từ phi trường về thành phố sau 12 giờ khuya trên đoạn đường dài trên 50 cây số, lần này dù là ban ngày và đoạn đường chỉ dài khoảng 8 cây số, chúng tôi cũng đã ghi danh nhờ khách sạn đưa đón hai chiều với lệ phí 23 Úc kim một người cho tiện.

Nhưng đợi mãi chẳng thấy ai mang bảng có tên chúng tôi đến. Tôi đổi tiền tại phi trường để có thể gọi điện thoại cho khách sạn (ở phi trường quốc tế Brisbane không có dịch vụ đổi tiền Úc ra tiền Vanuatu mặc dù có nhận đổi tiền các nước nhỏ khác như Fiji. Hối xuất ở phi trường Bauerfield 1 đô Úc ăn 83 đồng tiền địa phương, gọi là Vatu. Từ nay gọi tiền của nước Vanuatu là Vatu. Sau này trong thành phố một đô Úc đổi khoảng từ 85 đến 86 Vatu).

Tôi đi loanh quanh hỏi người này tới người kia, từ shop này tới văn phòng nọ để xem mua thẻ điện thoại gọi là Telcard ở đâu nhưng không có chỗ nào bán và cũng chẳng thấy cái điện thoại công cộng nằm ở nơi mô. Các ông taxi cứ chạy theo hỏi muốn đi không, nhưng tôi nói phải đợi khách sạn cho xe ra đón vì họ đã tính tiền chúng tôi trong cái hóa đơn thuê khách sạn và đã lấy tiền cọc qua thẻ tính dụng rồi.

Đợi chừng mươi phút nữa, các ông taxi lại tới rủ rê lên xe nhưng tôi nói tôi không muốn trả tiền đến hai lần. Lúc này trời bắt đầu đổ mưa. Ở phi trường chỉ còn gia đình chúng tôi và vài chiếc taxi. Nóng và mưa, chúng tôi chỉ trông sớm về khách sạn để cất hành lý, thay áo quần và tắm.
Một ông taxi cho biết một chuyến chỉ 1500 Vatu mà thôi. Nghe tiền Vatu và không có sẵn máy tính để biết trị giá tiền địa phương so với tiền Úc nên tôi cứ rối bời. Anh ta nói “fifteen hundreds Vatu” mà tôi nghe làm sao đấy để rồi cứ hỏi lại “gì mà tới one hundred fifty dollars, đắt thế?”. Anh ta nói tiền Vatu, nhưng tôi hỏi lại bằng tiền đô, chẳng ai hiểu nhau khiến con tôi phải giải thích rằng tiền Vatu như thế mà theo hối xuất tôi vừa đổi, chưa tới 20 đô.

Tôi tính nhẫm khách sạn đã tính gần 60 đô cho cả gia đình trong một chuyến đi hoặc về. Taxi tình rẻ bằng một phần ba của khách sạn. Nhưng khách sạn phải tốn công gọi xe nên kiếm lời là chuyện bình thường, nhất là một khi mình đã đồng ý trước. Tôi thấy giá khách sạn tính cũng không quá quắt bởi sau này trong chuyến ra phi trường, xe của họ thuê là loại xe van chở khách chuyên nghiệp, mới, rộng, có máy lạnh trong khi xe của các bác taxi thì cũ kỹ, dơ bẩn, xập xệ, là những chiếc taxi tồi tệ nhất mà tôi chưa bao giờ thấy ở mọi nơi tôi đã đi qua.

Đến lúc này tôi đồng ý để anh taxi chở rồi sẽ tính toán với khách sạn sau, như anh taxi đề nghị. Nhưng xe taxi ở đây quá nhỏ dù là kiểu xe van, chỗ hành khách ngồi cạnh tài xế là nơi tài xế chứa đồ dùng cá nhân, rất lôi thôi và bề bộn. Chỉ có hai băng sau, ngồi được 4 người. Gia đình 5 người chúng tôi cũng có thể ngồi chen chúc trong hai băng ghế sau. Nhưng chúng tôi lại có đến 3 cái va li lớn mà taxi chỉ có thể chứa khoảng 1 cái ở phía sau.

Thế là anh taxi lại đề nghị kêu thêm một taxi nữa. Anh cho giá 2 chiếc chỉ 2,000 Vatu mà thôi (khoảng 23 đô Úc). Tôi miễn cưỡng đồng ý, dù biết rằng thuê 2 xe taxi vẫn còn rẻ hơn là nhờ khách sạn thuê dùm. Bởi vì vừa tới xứ lạ, thấy mấy anh taxi liếng thoắng và mau miệng khiến tôi cứ ngại là bị lừa, như đã từng bị các taxi ở một số nơi chém khi vừa bước xuống phi trường. Tôi quên bẵng tiếng thơm rằng dân Vanuatu chất phác hiền hòa.

Trên đường đi, tôi cứ đưa mắt nhìn xem chiếc xe taxi chở con chúng tôi có chạy gần chúng tôi không, bởi nhìn các ông to con, đen đúa lại đi chân không thì lòng không được yên. Có lẽ thấy được bộ mặt lo ngại của tôi, anh taxi vui vẻ nói “ông đừng sợ, đất nước chúng tôi rất thân thiện, người dân ở đây hiếu khách lắm” khiến tôi phải vội vàng châm chế, nói rằng tôi nghe nói nước của các ông thân thiện lắm nên chúng tôi mới tới dây nghỉ mát.

Chạy chừng 10 phút là đến Fatumaru Lodge, một nhà trọ nằm sâu dưới bờ biển, với con đường dốc đi xuống khá ngặt. Một phụ nữ da đen tóc quăn đẫy đà ra đón chúng tôi. Tôi hỏi co phải Emily không và bà nói đúng là bà. Emily xin lỗi vì đã không cho xe ra đón do lầm rằng chúng tôi sẽ tới Port Vila bằng chuyến bay tối. Tôi trả tiền cho hai anh taxi trong khi Emily nói tiếng địa phương với hai anh này, rồi lại một lần nữa xin lỗi và nói rằng tôi cứ việc trả tiền taxi rồi sau này bà sẽ tính toán lại với chúng tôi.
Emily đưa chúng tôi vào hai căn phòng sát nhau ở tầng trệt có cửa thông qua lại, rồi chỉ cho chúng tôi cách mở cánh cửa xếp bằng gỗ thay bức tường để cả căn phòng được mở rộng ra ban-công (deck). Phòng ốc đang mờ mờ dù đã bật đèn điện bỗng sáng trưng khi bức tường bằng gỗ được xếp lại một bên. Biển nằm ngay trước mặt. Nước thủy triều xuống nhưng vẫn chỉ cách phòng vài thước. Bên kia vịnh là vùng đồi núi với vài căn nhà có mái nhô lên khỏi các tàng cây rậm rạp.

Phía tay trái là cảng Port Vila với chiếc tàu khách màu trắng nhiều tầng đang đậu (sau này tôi biết đó là tàu chở khách du lịch từ các nước đến viếng cảng Port Vila). Xa xa là đảo Irriki (nơi có khu nghỉ mát nổi tiếng Irriki Resort) nằm chắn ngang cửa biển ra đại dương. Nhờ vậy mà Vịnh Fatumaru biển lặng. Tôi chưa bao giờ được ở trong một căn phòng sát biển và thơ mộng như vậy.

Rồi Emily đưa chúng tôi đi một vòng chỉ những tiện nghi trong khu nhà trọ như hồ bơi, nơi ăn sáng ngoài trời (nếu muốn đặt) và phương tiện nướng barbecue dành cho khách trọ. Bà đem chúng tôi ra vườn sau chỉ những chiếc thuyền nhựa (kayak) mà khách trọ có thể sử dụng miễn phí bất cứ lúc nào (có nơi phải thuê từ 1,000 đến 1,200 Vatu). Lại dẫn chúng tôi ra cầu tàu (jetty) là nơi khách có thể đứng ngắm hay nhảy xuống nước biển. Bà nói rằng biển này rất an toàn, không có cá mập, có thể bơi hay chèo qua bờ bên kia của vịnh.
Nói tóm lại là ở đây rất an toàn, dù vậy ban ngày cũng như ban đêm đều có an ninh canh gác, nên bà nói chúng tôi hãy an tâm mà hưởng những ngày nghỉ mát ở đây. Tôi hỏi ông bà chủ Pascal và Patricia đâu rồi, Emily nói họ trở về Pháp nghỉ mát, có chuyện gì cứ việc hỏi bà.
Tôi bắt đầu yên tâm, thấy mọi chuyện đều tốt đẹp qua chuyến hành trình gần nửa ngày. Người dân Vanuatu thân thiện quả đúng như sách vở tài liệu viết; nhân viên khách sạn phục vụ tốt như họ quảng cáo trên mạng lưới. Tới một xứ lạ dù bị kích thích do trông ngóng nhưng cũng không tránh khỏi bồn chồn và lo lắng trong buổi đầu. Đó là những cảm giác chúng tôi thường có qua những chuyến du lịch tự túc không người hướng dẫn trong gần hai chục năm qua. Nhưng lần mò đường vẫn có cái thú của nó.Gần gũi với thiên nhiên

Tôi đã đi du lịch nhiều nơi và mỗi một nơi chốn khi đến đều cho tôi những cảm giác khác nhau, nhất là ở những xứ nóng và ẩm thấp như Thái Lan, Singapore, Bali, Tân Đảo hay ngay cả Nhật Bản. Trong chuyến du lịch đầu tiên tại Bangkok, chúng tôi ở khách sạn 1 sao thì không có gì để nói và phàn nàn vì tiền nào của nấy. Tại Singapore, Tân Đảo và Nhật, chúng tôi ở khách sạn 3 sao nên rất thoải mái. Tại Bali (Nam Dương), chúng tôi ở trong những loại nhà gọi là cottage, một loại nhà nhỏ kiểu vùng quê nên mới đầu cảm thấy khá khó chịu dù cũng có đủ phương tiện như máy lạnh và hồ bơi, được thay ra giường và khăn tắm hàng ngày. Nhưng chỉ qua chừng một ngày sau, chúng tôi bắt đầu quen với khí hậu địa phương, khung cảnh thiên nhiên của vùng biển nhiều cây cối nên chúng tôi lại thích ở trong các nhà trọ có vẻ dân dã này.

Lần này ở khách sạn Fatumaru Lodge cũng vậy. Kiến trúc (tôi nghĩ kiểu Pháp), cây cối um tùm và thế nhà sát mặt biển làm cho phòng ốc có vẻ hơi tối, kiến bò lổn ngổn đầy sàn gỗ ban công, thậm chí vào tận trong phòng. Con chúng tôi sinh đẻ tại Úc, chưa sống ở vùng thôn quê, vùng nước mặn như vợ chồng chúng tôi nên thấy kiến trong phòng là khiếp vía.

Đây là loại kiến vàng nhạt, to, đi nhanh, tạo cảm giác nhột khi chúng bò lên chân, người chứ không đốt. Xa làng quê cả gần năm thập kỷ, tôi không còn nhớ tên loại kiến này, nhưng tôi bảo con cái chớ sợ. Ngoài một vài con lạc đường vào tận giường ngủ, đa số đều có kỷ luật, chỉ theo đàn đi ngoài sàn ban-công gỗ. Với hiện tượng kiến bò lên sàn nhà, tôi giải thích với cả nhà rằng mặc dù trời đang nắng và nóng, nhưng báo hiệu sẽ có mưa, không tối nay thì sẽ là ngày mai (mà quả thật hầu như ngày nào cũng có mưa, dài hay ngắn mà thôi vì đây là mùa mưa ở Vanuatu).

Sau đó, con cái chúng tôi phát hiện những con nhện, có con to bằng ngón tay cái. Lại phải tìm bà quản lý để hỏi. Emily bảo đàn kiến đó không sao cả và nhện ở đây không độc. Con cái chúng tôi thường bị dị ứng với muỗi, với cả muỗi ở Melbourne một khi ra sân cỏ chơi hay ăn barbecue ngoài trời, hoặc vào buổi tối. Vì thế cứ mỗi sáng thức dậy, tay chân, mặt mày đứa nào cũng sưng vù lên vì bị muỗi đốt, dù trước khi ngủ đã trùm ra phủ kín đầu và tay chân. Đó là cái bất tiện và khó chịu duy nhất đối với con cái chúng tôi.
Nhưng sau này, đi chơi nhiều ở Port Vila, tới những khu nghỉ mát sang trọng gọi là resort ở các hòn đảo khác, ở những nơi có bãi cỏ mênh mông có cả sòng Casino và sân cù phục vụ khách, chúng tôi vẫn thấy người ta xây những căn nhà nho nhỏ, bằng gạch nhưng phủ lá trên mái hay bọc lá chung quanh tường tạo cho khách có cảm tưởng họ đang ở trong những căn nhà lá, gần gũi với thiên nhiên, nhưng giá tiền phòng lại rất đắt.

Tôi thấy phần lớn khách sạn ở Vanuata xây theo kiểu kiến trúc của khu resort, một mô hình du lịch ở các bãi biển hay hòn đảo vùng nhiệt đới mà Việt Nam ngày nay cũng bắt chước để làm như xây khu resort ở đảo Hòn Tre tại Nha Trang với tên nghe rất kêu “Hòn Ngọc Việt” hay Vinpearl Island Resort.



Một căn nhà chòi của người địa phương cạnh Fatumaru Lodge
Ở vài ngày thì chúng tôi trở nên quen thuộc với lối sống gần gũi thiên nhiên, biển cả. Con cái chúng tôi cũng bắt đầu thích loại nhà nghỉ mát khác với những khách sạn nhiều tầng, hiện đại ở các thành phố lớn. Tôi nói với các con là chúng tôi đang nghỉ mát ở một đất nước có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên bậc nhất trên thế giới.

Sau cơn mưa ngắn khi vừa tới phi trường ở Port Vila, thời tiết chiều Chủ Nhật hôm đó (13.1.08) trở nên quang đãng. Chúng tôi thay đồ ra vườn kéo những chiếc xuồng gỗ (kayak) đơn và đôi xuống bãi biển cạnh phòng trọ để thưởng thức trò chèo thuyền trên biển, trong vịnh.
Mặt biển hôm đó rất yên lặng, tựa như nước trong hồ, nên dễ chèo. Chúng tôi chèo cả mấy tiếng đồng hồ, vòng quanh vịnh, qua phía vịnh bên kia mà không có chút lo ngại gì với con người, với thiên nhiên. Những đứa trẻ da đen bản xứ thả dây câu cá ở dọc bờ đá của Vịnh Fatumaru luôn vẫy tay chào chúng tôi. Người lớn nam cũng như nữ sống ở trong những căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo trông như cái chòi ở ven bờ biển cũng vẫy tay chào, nói hello. Họ sống có vẻ nghèo nàn nhưng cảnh nghèo của họ vẫn có nét thơ mộng, bởi chỉ có rải rác vài căn nhà lá hay lợp tôn rỉ sét bên cạnh những căn nhà kiểu tân thời hay kiểu Tây như nhà trọ chúng tôi. Không có sự cách biệt đến bất nhẫn, chẳng hạn như nhà cửa dọc sông, ven biển như ở Thái Lan.

Êm đềm và thân thiện. Rất bình yên. Không phải là thiên đường thì đây cũng là xứ thần tiên, không những của người địa phương mà còn cho cả du khách nữa. Chúng tôi chèo thuyền, tắm biển và được hưởng sự ấm áp của nước biển không thể nào có được ở Úc. Tắm biển xong tắm hồ bơi.

Ngày đầu tiên ở Vanuatu quá đẹp, quá thích thú khiến chúng tôi vui đùa cho đến khi không còn ánh mặt trời. Sau đó, chúng tôi đi bộ lên phố bởi nghe nói rằng chỉ mất khoảng 15 phút. Một đoạn đường không có đèn đường, tối như ở làng quê. Phố xá Port Vila vắng tanh vào 9 giờ tối. Mọi cửa tiệm đều đóng cửa. Chúng đi trở ngược về hướng nhà trọ và chọn một nhà hàng trên đường về để hưởng thụ cái thú đệ nhất khoái: Ăn.

Ăn và uống: còn gì thích thú sau một ngày ngồi máy bay, sau một buổi vui chơi lành mạnh trên vùng biển quá đẹp như biển ở thành phố Port Vila? Bởi nghe nói rằng thịt bò Vanuatu ngon nhất thế giới. Hơn cả thịt bò nước Úc chúng tôi chăng?

(Còn tiếp)

----------
Bài 4

Đến một xứ sở nào đó, mình nên biết về lịch sử, địa lý và phong tục của nơi đó. Để thưởng thức những nét đẹp của nơi mình tham quan, để hiểu biết nơi mình đi lại và để tôn trọng văn hóa và tập tục của họ. Tôi thường không đến một nước nào mà hoàn toàn không biết chút gì về nước đó, hoặc đã học khi còn ngồi ghế trung học hoặc đọc qua trên báo chí, sách vở hay lướt mạng vài ngày trước khi đặt chân đếnTừ 1 triệu dân chỉ còn 200 ngàn người

Vanuatu trước khi được độc lập vào năm 1980 có tên là New Hebrides. Đây là tên do nhà thám hiểm người Anh là Thuyền trưởng James Cook đặt khi ông thực hiện việc vẽ bản đồ quần đảo này vào năm 1774. Người Âu Châu cũng đã từng ghé thăm quần đảo này từ năm 1606.


Người ta tin rằng quần đảo New Hebrides đã có người đến cư ngụ từ 3000 năm trước. Tổ tiên của họ đến từ Papua New Guinea. Vì thế phần lớn người bản xứ gốc Melanesian, da đen sậm và tóc quăn giống người ở Papua New Guinea và cũng hơi giống phần nào người Thổ dân Úc.


Người ta nói rằng vào khoảng năm 1800 dân số trên quần đảo này trên một triệu người. Nhưng do các nhà truyền giáo và các thương nhân buôn bán đàn hương và các giống dân khác tới đây sinh sống làm ăn mang theo bệnh tật khiến cho dân số khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ chỉ còn 45,000 người.


Ngày nay, dân số lên khoảng 200,000 người (có tài liệu ghi là 175,000 người và cũng có tài liệu khác viết 220,000 người). Chủng tộc Melanesian chiếm khoảng 98.5% dân số và được gọi là người Ni-Vanuatu, có nghĩa là Của (Ni = của) Vanuatu (Vanuatu trong tiếng Bislama của người bản xứ có nghĩa là Land of Eternal, là vùng đất bất diệt). Phần còn lại thuộc các sắc dân Âu Châu khác như Anh, Pháp hoặc Á Châu như Tàu, Ấn và Việt Nam (khoảng 150 người Việt).


Theo tài liệu của Bộ Thương mại và Du lịch, năm 1848, mục sư John Geddie thiết lập cơ sở truyền giáo Presbyterian đầu tiên ở Aneityum nhưng chính người Âu Châu đã mang theo các căn bệnh của họ tới làm dân chúng địa phương bị lây và chết như rạ.

Trong khi truyền đạo, các giáo sĩ Tin lành đã tìm cách chấm dứt tập tục ăn thịt người ở đây và có lúc cấm người bản xứ uống ượu truyền thống kava (một loại rượu người bản xứ làm từ rể cây) nhưng ngày nay người dân bản xứ vẫn còn giữ nguyên những nét văn hóa cổ truyền của họ, kể cả uống rượu kava và thờ đủ thứ thần thánh kỳ cục, như thờ Hoàng tế Philip chồng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị tại đảo Tanna nơi có núi lửa đang hoạt động. Ngày nay, Thiên Chúa giáo chiếm đa số ở quần đảo này (đông nhất là Presbyterian và sau đó Công giáo và Anh giáo và các giáo phái Thiên Chúa giáo khác).Năm 1887 nhóm các hòn đảo này đặt dưới quyền chỉ huy của ban liên hợp hải quân Anh và Pháp, nhưng đến năm 1906 hai chính phủ cùng cai trị New Hebrides dưới danh nghĩa là Anglo-French Condominium (Công quản Liên hợp Anh Pháp), có nghĩa là cả hai quốc gia có quyền hạn như nhau. Nước Pháp sau đó đưa người Việt Nam từ Miền Bắc sang New Hebrides làm đồn điền cao su và vì thế người Việt Nam thời đó mới gọi New Hebrides là Tân Thế Giới. Lịch sử người “chân đăng” đi làm phu mỏ kền ở Tân Đảo (New Caledonia) và phu đồn điền ở Tân Thế Giới khởi sự từ đây.

Năm 1942 Mỹ đưa quân sang đóng ở New Hebrides để ngăn chận sự tiến công của quân đội Thiên Hoàng. Các căn cứ quân sự được thiết lập trên hai hòn đảo Santo và Efate. Chỉ riêng tại Santo (còn gọi là Espiritu Santo), hòn đảo lớn nhất của New Hebrides, lực lượng quân đội Mỹ khi đó lên tới 500,000 người khiến cho hòn đảo này là nơi có căn cứ quân sự Hoa Kỳ lớn nhất ở Thái bình dương sau Hạ Uy Di (Hawaii).


Nhưng cũng tại Santo, tàu chiến USS President Coolidge bị đụng mìn (của chính hải quân Mỹ thả) chìm ngày 26.10.1942 nay trở thành địa điểm du lịch, vì đây là chiếc tàu lớn nhất (22,000 tấn) trên thế giới còn nguyên vẹn nằm dưới đáy biển mà du khách có thể lặn xuống tham quan.


Từ thập niên 1960, cùng với sự phát triển kinh tế, người Melanesian bản xứ bắt đầu đòi lại đất đai từ người ngoại quốc và cũng là lúc họ dấn thân vào lãnh vực chính trị để mong giành độc lập cho đất nước của họ. Năm 1979, một đảng Melanesian giành được 26 ghế trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ ba và ông Walter Lini trở thành vị tân Thủ tướng. Qua năm 1980, vị Tổng thống đầu tiên của chế độ Cộng hòa được bầu lên và từ đây New Hebrides được đặt cho cái tên mới: Đất nước Trường cửu—Cộng hòa Vanuatu được ra đời.


Cộng hòa Vanuatu bao gồm 83 hòn đảo lớn nhỏ tạo thành hình chữ Y trải dài từ bắc xuống đông nam trong một diện tích rộng 450,000 cây số vuông của vùng biển Nam Thái bình dương. Trong số này có 14 hòn đảo nhô lên khỏi mặt đất và khoảng cách xa nhất giữa các hòn đảo khoảng 100 cây số. Chiều dài biển từ hòn đảo phía bắc xuống hòn đảo ở phía nam trên hai ngàn cây số và diện tích đất của tất cả các hòn đảo là 14,760 cây số vuông.


Trong số các hòn đảo của nước Vanuatu, Santo là hòn đảo lớn nhất, rộng 3,677km2. Thủ phủ của Santo là Luganville, thành phố lớn và đông dân hàng thứ hai của nước Vanuatu. Có thể gọi Luganville là thủ đô phía bắc của nước Vanuatu. Bởi thế khi từ Brisbane qua thủ đô Port Vila (thuộc đảo Efate), máy bay đáp xuống đảo Santo thả khách và rước thêm khách, mặc dù trên vé máy bay hãng Qantas không ghi sẽ ghé Santo. Nói vậy để biết đảo Santo là hòn đảo nổi tiếng của nước Vanuatu.


Hòn đảo lớn thứ ba của Vanuatu là đảo Efate rộng khoảng 900km2. Thủ đô của nước này được đặt tại đảo này, ở khu vực có tên là Port Vila, thành phố cảng nằm trong vịnh Mele Bay, gần vịnh nhỏ Fatumaru Bay mà chúng tôi cư ngụ trong thời gian nghỉ mát vừa qua. Dân số ở thủ đô Port Vila khoảng 40,000 người.


Chiều dài của đảo Efate khoảng 30 và 40 cây số mỗi bề. Tôi hỏi một anh taxi chở chúng tôi chạy quanh bờ biển của hòn đảo để ngắm cảnh phải tốn bao nhiêu giờ và tốn bao nhiêu tiền thì anh cho biết khoảng 5, 6 tiếng đồng hồ và tốn 13,000 Vatu (khoảng 150 Úc kim). Tôi nghĩ tốn nhiều thì giờ và hơi đắt nên không đi. Giữa hòn đảo Efate có vùng cao nguyên khá rộng và ngọn núi cao nhất ở cao nguyên này là Mt MacDonald, cao 647m.


Hòn đảo mà tôi nghĩ nổi tiếng thứ ba của Vanuatu là Tanna nằm ở phía nam thủ đô Port Vila, bởi nơi đây có ngọn núi lửa tên Yasur

đang hoạt động.

Những láng giềng gần Vanuatu nhất là Tân Đảo ở phía nam, Fiji ở phía đông và Solomon Islands ở phía bắc. Vùng biển của Vanuatu có biển trong xanh tinh tuyền và nét nguyên thủy với những vùng biển san hô. Có nhiều bãi biển đẹp, sạch và các hải cảng nước sâu tự nhiên. Tại một số hòn đảo vẫn còn vài ngọn núi lửa hoạt động trở lại.


Ngọn núi lửa Yasur là địa điểm mà du khách thường đi tham quan một khi đã tới thủ đô Port Vila. Đường chim bay dài khoảng 250km và đi phi cơ chong chóng mất khoảng 1 giờ bay. Du khách đến xem về đêm (hay lúc chiều tà) đứng gần miệng núi lửa sẽ thấy núi lửa phun nham thạch lên bầu trời như những đóm pháo bông, với tiếng nổ bùm bùm. Nghe nói cứ 15 hay 20 phút miệng núi lửa phun một lần. Thấy quảng cáo trên tạp chí và trên màn ảnh khi đi máy bay, chúng tôi mê tơi và cả gia đình dự trù phải bay tới Tanna để xem, bởi có lẽ đây là nơi đáng xem nhất ở Vanuatu, như đi Pháp thì lên tháp Eiffel, đi Trung Quốc thì leo Vạn Lý Trường Thành, đi Nhật thì trèo núi Phú Sĩ v.v… Chưa đi xem núi lửa Yasur là chưa đi Vanuatu chăng?


Mở ngoặc… để nói về một chuyện bên lề Vanuatu


Sau khi từ Hán Thành trở về California, trong bài phỏng vấn tại tư gia mà ông Nguyễn Hữu Chánh thuộc tổ chức Chính Phủ Việt Nam Tự Do dành cho báo Việt Weekly ở Hoa Kỳ được phát hành ngày 12.6.07 có vài chi tiết địa lý nói về Vanuatu, đảo Santo và Port Vila khác với chi tiết tôi vừa trình bày ở trên, nên xin trích lại một đoạn hầu rộng đường dư luận:


Việt Weekly: Về khía cạnh tài chánh, ngoài việc làm construction, ông còn nguồn tiền nào nữa không?


Nguyễn Hữu Chánh: Tôi cũng có đầu tư, cho nên có sự sinh lời, mua apartment, đại khái vậy, cho đến khi tôi đi hoạt động. Đầu tiên là hoạt động nhân đạo.


VW: Tại sao ông đang họat động trong lãnh vực chính trị quân sự lại chuyển qua hoạt động nhân đạo, hay đây chỉ là bình phong?

NHC: Đó là một cách để đi vào hoạt động. Lúc đó tôi gặp Liên Thành có tổ chức là gọi là “Cường Để Foundation”. Ông ta là cháu nội Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Ông mời tôi tham dự và ổng có quen biết với chính phủ Vanuatu. Chúng tôi qua đó để tìm một chỗ cho những người Việt còn bị kẹt lại ở trại tị nạn. Chúng tôi đến Hồng Kông và nhiều nơi khác. Vì đã từng sống ở trại tị nạn, cho nên tôi hiểu nỗi đau của những người bị trục xuất về Việt Nam. Tôi cũng mơ ước có một đảo riêng cho mình, bởi vì lưu vong, giống như Đài Loan vậy. Đó là quan niệm lớn của tôi. Nếu như mình làm được điều đó, rất nên. Đi với ông Liên Thành, ra gặp thủ tướng của Vanuatu là Walter Lini. Sau khi làm việc với quốc hội của Vanuatu, họ chấp nhận cho đảo Santo, chứ không phải đảo Port Vila. Đảo Santo nhỏ lắm. Ông dân biểu Dana Rohrabacher ở đây cũng đã từng đi với chúng tôi ra đảo đó, rất là nhỏ, nhưng mà cũng rất là tốt.

VW: Lớn cỡ nào, bằng đảo Côn Sơn không?


NHC: Cỡ đó. Lớn hơn Côn Sơn một tí. Khi họ đồng ý hết rồi, chúng tôi phải thông qua một cơ quan ở Liên Hiệp Quốc. Tại vì người tị nạn thuộc quyền quản lý của Liên Hiệp Quốc. Họ phải thanh tra mọi thứ, từ thời tiết, khí hậu, mùa màng, rồi họ mới chấp nhận cho resetlement. Trong lúc Liên Hiệp Quốc đang tiến hành rất là đẹp. Chúng tôi đưa ông thủ tướng Walter Lini đến Hồng Kông để báo tin cho đồng bào biết, nói rằng quý vị đừng nên tự tử, bởi vì chúng tôi đã nhận quý vị tái định cư, đã có hợp đồng đây. Hợp đồng hòn đảo tôi cũng còn đang giữ làm kỷ niệm đây. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng đâu vào đó hết rồi có đưa về hội trường Westminster để nói chuyện với đồng bào. Nhưng một ngày đẹp trời, ông Walter Lini bị đảo chánh. Ở trong đảng đối lập Vanuatu đảo chánh nửa đêm, lật đổ ông ta.


VW: Năm nào?


NCH: Đó là vào năm 1989. Ông ta bị lật đổ, chúng tôi thất bại. Chia tay. Trở về lại đây, chúng tôi làm những công việc như là Tổng Liên Đoàn Xây Dựng Kiến Thiết Việt Nam Tự Do…


Đọc bài phỏng vấn nói trên, độc giả thấy ông Nguyễn Hữu Chánh đã không biết rằng Santo là hòn đảo lớn nhất của nước Vanuatu, lớn

khoảng gấp 4 lần hòn đảo đất liền (mainland) Efate nơi có thủ đô. Ông cũng không biết rằng Port Vila là thủ đô của nước Vanuatu chứ không phải là một hòn đảo. Thủ đô Port Vila nằm trong hòn đảo Efate.

Trong buổi nói chuyện với ông Đinh Văn Thân, nhân vật giàu có và có ảnh hưởng chính trị bậc nhất ở Vanuatu, tôi có đề cập chuyện ông

Nguyễn Hữu Chánh và ông Liên Thành qua Vanuatu nói chuyện thuê đất cho người tị nạn định cư.

Tôi hỏi ông Đinh Văn Thân có biết ông Liên Thành là ai không, một người nổi tiếng ở Huế trước đây và là cháu của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và ông có gặp ông Liên Thành khi ông này đến Vanuatu vào khoảng năm 1989 không? Ông Thân lắc đầu nói không biết.


Sở dĩ gọi ông Liên Thành là người nổi tiếng ở Huế bởi tôi sống tại đó cho đến năm 1969. Tôi nghe danh ông Liên Thành bởi cuối thập niên 1960 ông được coi là một người “khạc ra lửa mửa ra khói” ở cố đô với chức vụ đại úy Cảnh sát Dã chiến và sau đó hình như lên thiếu tá và làm trưởng ty Cảnh sát Huế Thừa Thiên.


Tôi hỏi tiếp ông Đinh Văn Thân là ông có quen ông Nguyễn Hữu Chánh không và ông có biết việc ông Chánh sang Vanuatu tiếp xúc với Thủ tướng Lini để thuê đất cho người Việt tị nạn định cư nhưng vì có vụ đảo chánh nên sự việc không thành không.


Ông Thân trả lời rất ngắn gọn, bằng cái lắc đầu hay bằng cụm từ “nói điêu đấy”. Ông Thân có vẻ không quan tâm về chuyện thuê đảo. Ông Thân lắc đầu nói không biết ông Nguyễn Hữu Chánh, rằng chuyện đi thuê đảo Santo là “nói điêu đấy”. Và khi tôi gợi ý rằng nếu ông Liên Thành hay ông Nguyễn Hữu Chánh mà có qua Vanuatu thì thế nào cũng phải tìm cách gặp ông Đinh Văn Thân để nhờ hay vận động dùm vì ông Thân không những là thổ địa, sinh ra tại Vanuatu mà còn quen biết với hầu hết mọi người trong chính phủ Vanuatu, thì ông Thân lại lắc đầu cười mà rằng “nói điêu đấy”.


Đường không số, phố không tên


Như đã nói trước đây, xứ đảo Vanuatua là nơi có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng một đất nước mà đường sá ở ngay thủ đô không có đèn xanh đèn đỏ, “nhà không có số phố không có tên” --như lối nói của một công nhân bên Việt Nam khi tôi hỏi địa chỉ nhà của anh ta-- và lương trung bình của một công nhân là $200 Mỹ kim một tháng thì làm sao có thể gọi là đất nước hạnh phúc nhất thế giới được?


Theo tài liệu nghiên cứu của cơ quan NEF có trụ ở tại Anh được công bố vào khoảng năm 2006, Vanuatu là nước đứng thứ nhất trong danh sách 178 nước xét về chỉ số hạnh phúc (Happy Planet Index). Chỉ số hạnh phúc này bao gồm ba yếu tố là tuổi thọ, sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần và mức độ tàn phá của môi trường. Nước nào biết sử dụng tài nguyên để cho người dân được mạnh khỏe sống lâu và hạnh phúc thì nước đó được coi là nước hạnh phúc nhất.


Vanuatu là đất nước hạnh phúc, xứ đảo thần tiên nếu xét về phương diện này. Có thể họ chưa thọ bằng người Nhật hay người Úc nhưng trông người dân rất khỏe mạnh về thể xác. Cuộc sống thoải mái và trông rất vô tư của họ cùng những nụ cười thân thiện của họ trong cuộc sống hàng ngày cho thấy họ cũng mạnh khỏe về mặt tinh thần.


Tôi còn nhớ một hôm ra chợ mua trái cây, đi vòng vòng trong Fruit Market ngay giữa phố và sát biển, thấy những trái chuối to –ngắn và tròn—thì muốn mua thử một trái để ăn xem sao, có ngon như những trái chuối nhỏ chúng tôi mua mấy ngày trước không. Nhưng nải chuối nhỏ nhất cũng có tới bốn trái mà chúng tôi nghĩ cả hai vợ chồng chúng tôi chỉ đủ sức ăn hết một trái thôi.


Chúng tôi hỏi bà bán chuối có bán 1 trái không thì bà đi ra phía sau các giỏ đựng chuối, lượm một trái chuối nằm rời và đưa cho chúng tôi. Tôi hỏi bao nhiêu, bà ta khoát tay bảo không tính tiền. Tôi trố mắt nhìn bà rồi cười cám ơn bởi trông bà “nghèo nàn” như thế, mất công gồng gánh chuối tới chợ bán mà lại không lấy tiền. Chúng tôi kiếm góc đường ăn thử, thấy ngon bèn trở lại mua cái nải 4 trái mà chúng tôi hỏi hồi nãy. Tính ra, một trái khoảng 30 xu Úc. Một ngày lương của một công nhân khoảng 12 Úc kim mà tỉnh bơ không thèm lấy tiền trái chuối giá 30 xu. Thế mới thấy cuộc sống của người Vanuatu bên ngoài trông nghèo nhưng họ không có gì phải lo lắng, như người dân quê Việt Nam ở miền đồng bằng sông Cửu Long trước năm 1975. Hạnh phúc là ở chỗ đó.


Người dân ở đây phần lớn sống về nghề nông, dựa vào thiên nhiên, đất đai màu mỡ do địa tầng đá vôi và mặt đất được hình thành từ nham thạch và tro núi lửa. Cây củ trồng ở đây rất lớn. Từ củ khoai, củ sắn dưới đất cho đến các loại trái trên cây, thứ gì cũng to bự. Cứ sáng sớm, tôi thấy người ta gánh củ và trái ra chợ ngồi bệt dưới đất hay trên sàn xi măng bán.


Cuộc sống của họ tà tà, dường như không phải lo toan cơm nước, chuyện ngày mai.

Từ rừng xuống biển, tạo hóa ưu đãi người dân bản xứ. Tôi thấy cảnh những thanh niên và trẻ con đứng ở trong bờ quăng móc câu xuống biển mà cũng bắt được cá, quá dễ dàng. Ngay tại thành phố hay ở những bờ biển đẹp cũng có những căn nhà lá, hay tân tiến hơn thì mái lợp tôn, của những người dân lao động đi chân đất. Họ sống gần gũi với thiên nhiên, trông hoang dã theo lối “ăn củ ngủ đất”. Nghe nói tại những ngôi làng sâu trong rừng vẫn còn những người dân che thân bằng khố lá như thời hồng hoang.

Cuộc sống thoải mái không cần biết đến ngày mai khiến cho người dân ở đây không mấy thiết tha với công việc làm ăn. Bởi vậy, người Việt và Hoa chiếm hầu hết các cơ sở thương mại, buôn bán lẻ trong thành phố. Cũng như ở Nouméa bên Tân Đảo, một vài người Việt buôn bán lẻ ở đây có nhận xét người địa phương là lười. Có lẽ nhờ vậy mà người Việt và Hoa ở đây làm ăn buôn bán khá.


Và cũng như ở Tân Đảo, một người Việt tôi gặp nói rằng tìm kiếm mòn con mắt mới có được một người làm công chịu thương chịu khó. Họ không cần biết ngày mai nên kiếm được số tiền nào đó rồi thì nghỉ việc hoặc đem ra quán rượu tây hoặc quán rượu kava cổ truyền xài cho sạch số tiền lương. Thích thì làm, không thích thì nghỉ, chẳng cần báo trước.


Có lẽ vì vậy mà hiện nay có phong trào tuyển lao động phổ thông từ Việt Nam sang làm việc ở Vanuatu. Nhưng với mức lương trung bình 200 Mỹ kim thì quả thật quá ít ỏi. Người có tay nghề giỏi như thợ làm tóc, làm neo nghe nói nếu được người Úc thuê thì may ra được trả tới $1000 đô la một tháng là quá xộp. Vậy mà tôi nghe ở Việt Nam có những công ty dịch vụ lấy tiền huê hồng tới $9,000 Mỹ kim để đưa một công nhân sang lao động ở Vanuatu. Làm sao mà người lao động này lấy lại vốn với mức lương thấp như thế? Thật sự tôi không thể nào hiểu được chuyện làm ăn và áp-phe ở Việt Nam.


Gặp một vài người Việt Nam sang lao động ở Vanuatu, nghe tôi kể chuyện đời sống ở Úc thì họ mê tơi, chỉ muốn làm sao được qua Úc làm việc hay được di dân sang đây. Những người này nói ở Vanuatu buồn lắm, không có một trò giải trí gì để hưởng vào ngày cuối tuần. Thủ đô của một nước gì mà cả không có cái rạp xi-nê. Ngày thường còn có người đi qua lại, cuối tuần vắng như chùa bà đanh vì du khách hay người dân ra các bãi biển, ở vùng xa. Chiều Thứ Bảy và ngày Chủ Nhật quả là buồn thiu.


Đó là cảm giác của những người ở Việt Nam sang lao động. Còn với chúng tôi, những khách du lịch, Vanuatu quả là một nơi lý tưởng để nghỉ mát, nhất là tắm biển. Và với những người có máu kinh doanh hay thích đầu tư, tôi nghĩ Vanuatu là đất nước của cơ hội. Tôi thấy có rất nhiều người Úc và Tân Tây Lan sang đây làm ăn, từ kinh doanh trò chơi giải trí cho đến nhà hàng, khách sạn. Lại có người đầu tư đất đai, xây nhà nghỉ mát. Chúng tôi cũng bị cuốn hút vào chuyện kinh doanh đầu tư ở cái xứ nổi tiếng “tax haven” và có đi tìm hiểu, sẽ hầu bạn đọc trong những kỳ tới.

 
Top