CHUYỆN TÌNH ĐÂU DỄ PHÔI PHAI

ĐINH VĂN PHONG

Thành viên mới
Bài viết của Đinh Văn Nghiêu

CHUYỆN TÌNH ĐÂU DỄ PHÔI PHAI


DSC03353.JPG

Đinh Văn Nghiêu tại thành phố Đà Lạt 1962

Tôi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu khoa Báo chí Điện ảnh toàn quốc tại Sài Gòn năm 1961. Đó là niềm tự hào, là điểm son trong cuộc đời tôi, bởi kỳ thi năm đó rất quan trọng gồm nhiều đề mục khác nhau rất khó, ngoài việc làm bài trên giấy mà còn phải trả lời trực tiếp với giám khảo từng chuyên đề, căng thẳng và phải động não, phán đoán nhanh để có quyết định là bài thi trắc nghiệm tâm lý gồm 100 câu nhiều lĩnh vực khác nhau trên giấy in sẵn có kẻ ô vuông (đúng – sai) chỉ trong 10 phút. Tôi đã xuất thần hoàn thành xuất sắc không sai câu nào, sau khi chấm có kết quả thông báo đã làm cả khóa học, Ban giám khảo kể cả cố vấn Mỹ đều ngạc nhiên và thán phục.
Tôi được nhận bằng tốt nghiệp kèm lời chúc mừng và một SVL ưu tiên bổ nhiệm về DaLat – là một thanh niên 24 tuổi còn độc thân, tỉnh lẻ miền Trung lúc đó tôi còn ngờ nghệch lắm, cầm Sự Vụ Lệnh thấy ghi nơi đến xa xôi và lạ lẫm khiến tôi phân vân lo lắng, mới đem tâm trạng này trình bày cùng ông Chánh sự vụ và ông Chánh chủ khảo. Nghe xong ông CSV bật cười, vỗ vai mắng yêu tôi là ngây thơ và ngốc nữa, ông ta bảo rằng DaLat là một thành phố đẹp thanh lịch nhiều di tích, thắng cảnh còn được gọi là Petite Paris của Pháp dành riêng cho giới thượng lưu trí thức, khách du lịch hạng sang, biết bao nhiêu người thèm muốn, chạy chọt để đến đó mà không được. Con được bổ nhiệm về đây, là ưu tiên số một vì cấp trên muốn đáp trả lại thiện ý của con chịu nhường danh vị Thủ khoa cho đơn vị chủ quản, thôi yên tâm đi, về thăm gia đình độ 10 ngày rồi đến nhiệm sở làm việc.
Thời gian ban đầu vì chưa thích nghi với khí hậu miền ôn đới, trời xám xịt mù sương, ban đêm rét lạnh dưới 150C, buổi sáng đến 9-10 giờ mới ấm và sương tan, đường nhựa phẳng lỳ, vô số biệt thự kiểu Pháp ẩn hiện trên các sườn đồi thông rũ bóng đẹp vô cùng. Đường sá đẹp đẽ, thưa người, sáng chiều bóng dáng nữ sinh tha thướt trong tà áo dài trắng xinh xắn đáng yêu, khu đông dân cư rộn rịp nhất là quanh bờ Hồ Xuân Hương và khu chợ Hòa Bình, rạp hát, chiếu phim đều quy tụ trong khu vực này.
Nhiệm sở ở tại thành phố Dalat, sau giờ làm việc tôi thường đi xem các di tích, thắng cảnh hồ Than Thở, Thung Lũng Tình Yêu, Nhà thờ Con Gà… Tôi được phân bổ công tác tại Đức Trọng, Tùng Nghĩa, Liên Khương, sáng đi, chiều về lại Dalat. Cư dân vùng này lẫn lộn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, còn toàn là đồng bào Bắc Việt di cư năm 1954, một số ít là người Hà Nội, Sài Gòn giàu có lên đây mua đất làm đồn điền, xây biệt thự để hằng tuần chủ nhật lên an dưỡng. Số còn lại là gia đình các sắc tộc Thái đen, Thái trắng, Nùng Tày của các quân nhân thuộc lực lượng đơn vị tinh nhuệ Liên đoàn phòng vệ Tổng Thống Phủ thời ông Ngô Đình diệm lúc bấy giờ. Hằng ngày tôi đến phi trường Liên Khương theo dõi lấy tin khi có các phái đoàn quan khách từ Sài Gòn lên, tổng hợp các tin tức và hình ảnh thời sự gởi về nhanh và giá trị sẽ có tiền thưởng.
Ban đêm tôi cùng các đồng sự lái xe vào các khu định cư, buôn làng người Thượng làm công tác chiếu phim cho mọi người xem theo lịch trình mỗi tháng 4 kỳ.
Anh bạn đồng sự lớn tuổi người Hoa Kiều rất mến, thấy tôi mới về, độc thân nên chúa nhật nào cũng đến phòng rủ tôi đi xem phong cảnh và các đồn điền dọc QL20 cho đỡ buồn.
Tôi gặp và quen em trong một lần cùng, người bạn xuống chơi ở thác Gougad, trên đường về ghé vào đồn điền mà bạn tôi thường vào mua trái cây. Tiếp chúng tôi là bà chủ nhà, gương mặt phúc hậu ngoài 50 tuổi vẻ đẹp thanh cao dáng vẻ người đô thị. Bà gọi con đem trà mời khách, cửa phòng bên hé mở một cô gái rất trẻ đẹp (tôi đã có lần gặp tại phi trường Liên Khương) bưng khay trà nhẹ nhàng để lên bàn rót ra mời với giọng nói nhỏ nhẹ thanh tao miền Bắc. Chủ khách trò chuyện khá lâu, chúng tôi đứng lên xin kiếu từ, trước khi ra về tôi xin phép bà thỉnh thoảng đến thăm chơi bà vui vẻ chấp thuận. Từ đó cuối tuần rỗi việc sáng chúa nhật tôi lại xuống (cần nói thêm là khi tôi được bổ nhiệm về đây, cấp trên đã trang bị cho tôi một chiếc xe máy chạy gas của Pháp và một máy ảnh để tiện đi công tác lấy tin bài, hình ảnh và bộ máy chiếu phim. Khi ông bà bận việc, em lên tiếp tôi, ngồi nói chuyện trong phòng hay cùng nhau đi dạo. Đồn điền nhà em rộng độ 6 ha quy hoạch riêng từng khu vực trồng các loại cây, rau quả rất khoa học. Hằng tuần có xe về ăn hàng chở đi Sài Gòn. Hệ thống nước phun tiêu xa mưa nhân tạo trông rất đẹp mắt và tiện lợi. Trước nhà trồng đủ loại hoa chậu cảnh đẹp có giá trị rất được người mua đặt hàng. Có dịp về Sài Gòn tôi thường ghé vào các tiệm sách tìm mua các loại sách hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây công nghiệp cho nặng suất cao đem về làm quà biếu nên ba của em hài lòng và quý mến tôi lắm.
Tình cảm em dành cho tôi theo thời gian càng thêm sâu đậm, nhưng tôi vẫn giữ khoảng cách trong giao tiếp vì lòng tự trọng, tôi biết mỗi lần gặp nhau trong ánh mắt nụ cười của em đều bộc lộ sự lưu luyến chân tình, có đôi lần phải về Sài Gòn cả tháng không liên lạc được ngoài cách gởi thư còn điện thoại thì rất hạn chế (điện thoại di động lúc bấy giờ chưa có). Đến khi về Dalat xuống thăm, thì em vô cùng mừng rỡ, sau đó lại nũng nịu dỗi hờn trách sao đi lâu không nhớ đến em tôi phải dỗ dành năn nỉ mãi em mới cười vui trở lại. Qua nhiều lần trò chuyện, em kể cho tôi nghe chuyện gia đình, ba em nguyên là sĩ quan quân đội LHP nay đã nghỉ hưu, hiệp định Genève (1954) gia đình em từ Hà Nội di cư vào Nam, ban đầu ở Sài Gòn có nhà dưới đó, sau để lại cho con trai hiện là sĩ quan không quân phi công lái máy bay C.47 chuyên đi tiếp tế miền Trung, ông bà lên đây mua đồn điền sống cùng con gái đang là Tiếp viên Hàng không làm việc tại phi trường Liên Khương. Em thành thạo hai ngoại ngữ (Anh, Pháp). Mỗi lần có phái đoàn Chính phủ, ngoại quốc hay khách du lịch từ Sài Gòn lên trước khi về Dalat đều được em thuyết trình trên bản đồ to tướng treo trên khách sảnh phi trường khái quát về thành phố, các di tích thắng cảnh để du khách tìm hiểu và chọn điểm tham quan.
Cứ mỗi sáng chúa nhật tôi xuống còn cách nhà em độ vài trăm mét, đã thấy em đứng trước cổng ngó lên đợi chờ. Ôi cái nhìn, giọng nói của em sao mà thắm thiết làm tôi xao xuyến cả lòng cảm thấy hạnh phúc vô cùng, khi ở bên em, lâu dần thành lệ, nếu vì bận công việc có tuần không xuống, thì tuần sau cũng vẫn thấy em tựa cổng ngó lên, lúc gặp nhau em buồn rồi lại dỗi hờn trách sao lỡ hẹn. Mỗi lần như vậy tôi phải dỗ dành mãi em mới vui trở lại, nắm tay tôi nũng nịu bắt phải hứa lần sau không lỡ hẹn để em chờ. Tôi thầm cảm ơn em và gia đình đã cho tôi quảng thời gian dài êm đẹp ấm áp tình người khi xa xứ.
Một sáng chúa nhật tôi cùng em song song dạo bước dưới bóng mát hàng cây ăn quả vừa đi vừa nói chuyện, khi tới khu vực trồng 2 hàng dài toàn mít Tố nữ cách đều nhau, thân to mập trái đeo quanh cây từ gốc tới ngọn to như trái bóng trông rất đẹp mắt. Bỗng em nhìn tôi mỉm cười và hỏi có nhìn thấy cái gì đặc biệt không, tôi vô tư đâu có hiểu ẩn ý của em, nên chỉ khen và nhận xét so sánh số lượng trái của từng cây, em bật cười véo tai tôi và nói “Thôi đi ông ngốc ơi, nhìn gì trên ngọn cây và nói trái nhiều hay ít. Hãy quan sát kỹ lại đi xem có gì lạ không, nói sai em sẽ phạt. Tôi ngạc nhiên bắt đầu nhìn kỹ các thân cây tới gốc, em đi sát bên tôi miệng mỉm cười theo dõi. Tôi lướt qua một vòng rồi quay trở lại và xác định được mỗi gốc cây mít đều có vết dao cắt lâu ngày liền da thành sẹo nổi vân lên hình thành hai nguyên âm chính của tên tôi và em quấn quít bên nhau.
Tôi đứng lên hai tay nắm hai bờ vai quay mặt em đối diện với tôi lòng bồi hồi cảm xúc hồi lâu tôi mới bảo em làm vậy ba má biết được sẽ quở trách anh bày đặt chuyện này, em úp mặt vào vai tôi thầm thì “Em yêu quý anh từ lâu – Ba má cũng thương anh nữa, hai người không quở trách gì đâu – nếu có đánh đòn em sẽ chịu thay cho anh”. Trước tình cảm sâu đậm em đành cho tôi không dấu diếm làm tôi cảm động vô cùng, lòng phân vân bối rối chưa biết giải quyết thế nào.
Tình hình đất nước (1963) lúc này vô cùng phức tạp nhiều cuộc biểu tình phản đối Chính phủ diễn ra liên tục nên tôi bận rộn nhiều, thường xuyên đi công tác nên ăn uống thất thường, sức khỏe giảm sút, tôi ngã bệnh nằm liệt trong phòng trọ suốt tuần, em chờ sốt ruột nhờ ba em lên xem thử thế nào. Một sáng chủ nhật độ 10 giờ, cửa phòng hé mở, ba em bước vào thấy tôi mê mệt trên giường không người chăm sóc, hỏi qua bệnh tình ông đòi đưa tôi đi bệnh viện nhang tôi cảm ơn và bảo chỉ sốt vài hôm là khỏi, ông bèn ra tiệm thuốc mua và đem vào cho tôi, dặn dò mọi thứ rồi ra về. Độ 3 giờ sau cửa phòng bật mở, em bước vội vào để "Gamel" đựng thức ăn trên bàn, nhào vào ôm tôi khóc tức tưởi trách tôi sao ốm đau tình cảnh thế này mà không báo tin cho em, tôi cảm thấy nhẹ nhỏm cả người, cơ hồ cơn bệnh tan biến hết, tôi dỗ dành cho em nín khóc và bảo bệnh nhẹ thôi không sao cho em yên lòng, em lấy cháo đút cho tôi ăn vừa nói chuyện khá lâu rồi đứng lên dọn dẹp lại căn phòng cho ngăn nắp, ra phố mua một số vật dùng cần thiết khiến tôi cảm động vô cùng. Trước lúc ra về, em ngồi sát lại bên tôi cúi xuống thầm thì “Ba má dưới nhà bàn bạc với nhau và bảo em lên nói với anh dọn về dưới nhà cho tiện, ngộ nhỡ có gì còn giúp đỡ cho nhau anh đừng ngại. Tôi ôm chặt lấy em, vô cùng cảm xúc trước chân tình gia đình đã dành cho tôi, nhưng khéo léo chối từ không dám vâng lời. Em buồn ra mặt, hờn dỗi và bảo tôi không thương em, lại năn nỉ, lại dỗ dành cho em yên lòng. Từ hôm đó hằng ngày sau giờ làm việc em đều đến chăm lo cho tôi đến khi bình phục hẳn. Sáng chủ nhật tuần sau tôi xuống cảm ơn ông bà đã giúp đỡ và đành cho tôi một sự quan tâm đặc biệt.
Quãng thời gian sau khá lâu tôi xuống nhà thăm chơi. Bà bảo em ra gọi tôi vào phòng nói chuyện, em ngồi cạnh tôi.
Bà nói rằng đồn điền sát cạnh nhà, ông chủ sắp xuất cảnh qua Pháp định cư luôn ở đó muốn sang nhượng lại nhờ bà tìm người mua giới thiệu giúp. Nhận thấy đây là dịp may hiếm có giá cả chắc không cao vì người ta cần bán để đi. Bà gợi ý và khuyên tôi nên mua đồn điền này kẻo uổng. Tôi thành thật thưa rằng gia đình ngoài miền Trung còn mẹ già và đàn em đang ăn học, lương công chức chả có dư dả gì, hằng tháng phải gởi về cho Mẹ. Bà khoát tay bảo tôi yên tâm đừng lo nghĩ, khi mua tôi sẽ là người đứng tên quyền sở hữu, còn tiền bạc bà sẽ trả giúp rồi sau đó tôi sẽ trả dần lại cho bà. Tôi im lặng suy nghĩ trong thâm tâm tôi biết được hảo ý của bà muốn nhân cơ hội này giữ chân tôi lại, quan trọng là mối tình giữa con bà và tôi. Em ngồi bên cạnh luôn bấm nhẹ tay tôi, mắt nhìn tha thiết mong tôi nhận lời.
Tôi đứng lên cúi đầu cám ơn lòng tốt của bà dành cho tôi xin ghi nhận nhưng chưa dám nhận lời vì tầm quan trọng cả tiền bạc và tình cảm to lớn này, xin được suy nghĩ kỹ càng và gởi thư về nhà bàn bạc quyết định.
Đến về tôi thao thức trằn trọc suy nghĩ mãi, chả biết giải quyết sao cho êm đẹp. Ngoài nhà ông Nội tôi lúc sinh tiền đã chọn tìm và hứa hôn cho tôi một cô gái trong làng, bây giờ lòng dạ đổi thay thì tôi ăn nói làm sao trước bàn thờ Nội, người đã yêu thương chăm lo chúng tôi khi cha chết sớm. Duyên phận sao lắm éo le nghiệt ngã. Em ơi ta gặp nhau muộn quá rồi, dù thương yêu em vô cùng, gia đình em đã dành cho anh nhiều thiện cảm, ban cho anh một đặc ân mà nếu như tôi gật đầu đồng ý thì mọi thứ đều có cả trong tầm tay. Tôi phải làm sao đây, giải quyết thế nào cho trọn vẹn để khỏi mang tiếng vong tình bạc nghĩa.
Tôi đã ở nhiệm sở này trên 3 năm rồi, chỗ làm tốt đẹp, bạn bè đồng sự quý mến, nhất là gia đình em thương yêu và sưởi ấm lòng tôi trong tháng ngày xa xứ. Nếu tôi tiếp tục ở lại thì liệu có đủ nghị lực vững vàng không gục ngã trước tấm lòng cao đẹp nồng thắm yêu thương em dành cho tôi. Rất may là giữa tôi và em chưa có lời hẹn ước dù yêu em nhưng tôn trọng em không bao giờ vượt quá thường tình để mà ân hận, không có mặc cảm tội lỗi. Để chuẩn bị tinh thần cho em khỏi hụt hẩng bất ngờ gây đau khổ tôi bèn chọn cách thưa dần xuống thăm em hằng tuần viện cớ công tác cuối năm bận rộn.
Mùa xuân năm 1964 tôi làm đơn gởi về Sài Gòn xin chuyển công tác về miền trung, sau hơn 1 tháng cấp trên chấp thuận, cấp Sự Vụ Lệnh về Quảng Nam quê tôi. Với quyết định này tôi đã bị nỗi đau dằn vặt suốt thời gian dài, tôi đã làm một việc quá sức chịu đựng của tôi về mặt tinh thần, phải tách rời giữa em và tôi khi thời gian còn cho phép, nếu phải lún sâu vào biển tình thì không sao giải quyết được. Nén đau thương tôi phải hy sinh, phải quay lưng lại với em, một người con gái vô cùng đáng yêu về mọi mặt. Bây giờ điều làm tôi lo lắng nhất là xuống gặp em lần cuối cùng nói lời giã biệt, liệu có đủ can đảm hay sụp đổ dưới chân em, lòng tôi bấn loạn bối rối vô cùng.
Tôi lấy phiếu trưng vận đi vào lúc 8 giờ sáng thứ hai, hành lý thu xếp xong và nhờ bạn đón sẵn ở bến xe.
Sáng chúa nhật tôi xuống nhà, em vui mừng ôm lấy tôi trách sao mấy tuần rồi không xuống, nũng nịu bắt đền. Cầm tay em, nhìn vào mặt em mà lòng tôi tan nát, cảm thấy có lỗi với em và cả gia đình. Em đâu có biết chỉ trong vài giờ nữa là tôi với em chia tay vĩnh viễn. Tôi bảo em mời ba má lên cho anh thưa chuyện, em ngạc nhiên, sững sờ nhìn tôi đăm đăm làm tôi bối rối nhìn qua chỗ khác.
Thưa bác, cháu quá bất ngờ nhận được lệnh chuyển công tác không còn làm việc tại đây nữa. Ngày mai cháu phải đi rồi, nên hôm nay cháu xuống chào từ biệt. Xa nơi này con tiếc nhớ lắm, trong lòng luôn ghi ơn tấm lòng cao cả, ân tình sâu nặng mà gia đình đã dành cho cháu. Tôi chưa nói dứt lời em đã nhào đến ôm chầm lấy tôi gục đầu vào vai khóc nức nở và nói anh không thương yêu sao mà nở bỏ em đi. Rồi đây em sẽ buồn nhớ anh đến chết mất thôi. Má em cũng không nén nỗi cảm xúc ứa nước mắt không nói nên lời. Tôi đứng yên, ôm em vào lòng và dỗ dành cho em với bớt nỗi đau, em vẫn khóc và quay qua van nài má tìm cách giữ tôi lại.
Bà trầm ngâm giây lát, đoạn bảo tôi rằng. Hai bác quý mến cháu, con gái bác yêu cháu tha thiết mà sao cháu nở làm em đau khổ. Bác tính thế này để con suy nghĩ và quyết định là con đừng đi, ở lại đây, gia đình này là của con, thời buổi chiến tranh này con đi xe làm bác không yên lòng. Tôi vội cắt ngang lời bác. Làm thế con sẽ bị mất việc, bị quy trách nhiệm không chấp hành rời bỏ nhiệm sở sẽ gặp rắc rối to. Bà cười trấn an tôi, cháu cứ bỏ việc, lương công chức có là bao, nếu con đồng ý bác sẽ lo cho con việc làm tốt hơn, lương cao hơn, vì hai bác có người thân dưới Sài Gòn làm chức vụ quan trọng có thể giúp bác để con toại nguyện. Tôi cám ơn bác xin ghi nhận sự quan tâm giúp đỡ nhưng ngày mai cũng phải lên đương về nhiệm sở mới, từ đó xem tình hình ra sao sau đó mới tính toán và nhờ bác sau này. Em vẫn không chịu buông tôi ra, vẫn khóc trông rất não lòng, em bảo tôi không thương nên bỏ em trong sầu nhớ, tôi đưa mắt nhìn bà cầu cứu.
Em bịn rịn cầm tay tôi cùng đi ra cổng, chiều cao nguyên lạnh và sương mù bảng lảng. Em dặn dò tôi tới nơi phải có thư vào cho em. Ngày mai em sẽ lên tiễn anh tại bến xe, em sụt sùi khóc không chịu chia lìa, em đâu có biết tôi đang đau khổ tột cùng có khác em đâu.
Đi một đoạn khá xa, dừng xe tôi quay lại nhìn thấy hai mẹ con em vẫn còn đứng đó nhìn lên, ôi cái cảnh biệt ly sao mà buồn thảm.
Thành phố Dalat 7 giờ sáng sương mù còn dày đặc, tôi đến bến xe, bạn thân tôi chờ sẵn. Tôi đưa phiếu trưng vận cho tài xế và bảo đón tôi ở trại hầm Ngã Ba Đơn Dương. Tôi nhờ bạn tôi chở đi trước xuống đó, phòng khi em đến bến xe phải chạm mặt gặp lại em bịn rịn khóc lóc chắc tôi không đủ can đảm bỏ em ở lại một mình. Tôi cố nén nỗi đau khi phải xa em, tôi trốn chạy tình yêu, xa một người con gái dịu hiền xinh đẹp hết lòng yêu thương tôi, một phần thưởng vô cùng quý giá tạo hóa đã dành cho tôi chỉ có một lần trong cõi đời này. Tôi xa Dalat, đánh mất tất cả vì phải hy sinh cá nhân mình cho trọn vẹn cả đôi đường.
Xe đến, tôi dặn dò bạn tôi quay gấp lại bến xe, nếu có em ở đó phải cố gắng khuyên nhủ và đưa em về tận nhà cho ba má khỏi lo âu. Xe rời Cao Nguyên xuôi về đồng bằng trong suốt lộ trình xuống tới Ninh Thuận (Phan Rang) tôi luôn ngoái nhìn lại đằng sau thấp thảm lo âu sợ em đón xe đuổi theo sẽ gặp nhiều phiền toái. Xe nghỉ đêm tại Nha Trang vì an ninh không dám chạy, tôi đứng ngồi không yên sợ em theo kịp, cả đêm cứ giật mình thức giấc, khi có người mở cửa phòng, xe về tới Quảng Ngãi, lúc xế trưa dừng lại ăn cơm xong tiếp tục chạy, tôi vẫn quay nhìn lại mỗi khi thấy có xe theo sát phía sau, thấp thỏm lo âu và thương em gấp bội.
Về nhà tôi viết thư ngay cho người bạn để mong biết tin tức về em sau khi tôi rời Dalat. Hai tuần sau nơi nhiệm sở mới, tôi vẫn trầm tư như kẻ mất hồn, luôn nghĩ vẩn vơ về em, ngộ nhỡ có điều gì xảy ra chắc tôi ân hận suốt đời. Một buổi sáng khi đến làm việc cô phụ trách văn thư trao cho tôi một phong bì, nhìn vào dấu nhật ấn tôi biết là của bạn tôi từ Dalat gởi tới. Lá thư khá dài, bạn tôi cho biết lúc quay lại bến xe đã thấy em đứng đó tự bao giờ, gương mặt buồn ảo nảo, em hỏi tôi đâu rồi, sao bảo 8 giờ xe mới khởi hành, rồi em quay qua trách bạn tôi âm mưu cùng nhau nói dối làm em không tới kịp rồi khóc sụt sùi, bạn tôi phải an ủi khuyên em hồi lâu và đưa em về tận nhà và hứa sẽ báo tin và đem thư xuống cho em nếu nhận được hồi âm, cuối thư bạn trách tôi sao quá nhẫn tâm chối từ trước mối tình quá đẹp của một người con gái đáng yêu hết lòng thương yêu mình.
Từ đó tôi vẫn thư từ thường xuyên với bạn tôi để biết tin tức và cuộc sống của em trong chuỗi ngày xa vắng với nỗi đau dằn vặt khôn nguôi.
Tháng 5/1964 thiên tai ập đến miền Trung, một trận lũ lụt kinh hoàng gây thiệt hại nặng nề, các huyện miền núi Trà My, Tiên Phước nước lũ cuốn phăng nhà cửa ngập hết núi đồi gây thiệt hại về người và súc vật vô số kể. Tôi bị kẹt lại ở Tiên Phước phải gắn lội và bơi về đồi 211 mới thoát chết trong rét lạnh và thiếu lương thực, 4 ngày sau trực thăng mới lên được, giải cứu đưa tôi về lại Tam Kỳ. Nhân cơ hội này tôi viết thư nhờ người bạn xuống báo tin là tôi đã tử nạn trong trận lũ lụt này khi đi công tác để em quên tôi mà lập gia đình. Hai tuần sau tôi nhận được thư bạn tôi trả lời là đã làm theo lời tôi dặn, nhưng em chỉ khóc và không tin, em nói với bạn tôi rằng em linh cảm có một điều gì đó khó nói, một nỗi khổ tâm không sao giải quyết được nên tôi phải đau khổ rời xa em, vì thế em không bao giờ oán trách mà càng thêm quý mến xem tôi như thần tượng không bao giờ thay đổi, vẫn nhớ vẫn thương dù biết rằng đây chỉ là ảo vọng, xem thư mà lòng tôi vô cùng cảm mến em sâu sắc hiểu rõ lòng tôi.
Năm 1968 tôi vào Sài Gòn tu nghiệp gặp lại bạn tôi ở Dalat cũng về dự học. Ngồi trong CLB uống nước, bạn kể cho tôi nghe về em, câu chuyện khá dài làm tôi hình dung về cuộc sống của em hiện tại mà lòng tôi quặn thắt nỗi đau ân hận. Bạn kể rằng đều đều hằng tháng anh đều xuống nhà thăm em theo yêu cầu của tôi cho em vơi đi nỗi nhớ, nhưng cảm thấy bất lực. Trong phòng em trên bàn bây giờ lại có thêm một khung hình lồng ảnh tôi và em chụp khi đi chơi dưới thác Gogas được phóng to. Em bảo rằng bây giờ chỉ có tấm hình này làm hoài niệm, lòng khép kín, ngoài thời gian đi làm, còn về nhà em chỉ ở trong phòng thầm thì trò chuyện với tấm hình này, em không tin tôi phụ bạc em mà vì một lý do sâu kín nào đó. Nên em vẫn nhớ thương trong vô vọng. Càng nghe tôi càng yêu thương và thấy mình không xứng đáng với tinh yêu cao thượng sắt son này của em. Trước khi chia tay tôi dặn đi dặn lại bạn tôi rằng phải giữ kín chuyện tôi có mặt tại Sài Gòn để em không oán trách tôi là kẻ vô tình. Khi mãn khóa tu nghiệp trước khi về tại miền Trung, tôi có kể chuyện này với chú tôi (hiện ở Sài Gòn) và có ý định lên thăm em một lần cho đỡ nhớ. Chú tôi khuyên tôi không nên đi, hãy cho qua đi, nếu gặp lại, ngọn lửa yêu thương sẽ bùng phát mãnh liệt, hậu quả khó lường. Để chắc ăn, chú tôi đưa tôi ra tận bến xe, lên xe ngồi đến khi xe chạy chú tôi mới về.
Nếu hiện tình đất nước không xấu đi, chắc có lẽ chuyện tình của tôi chưa có hồi kết, vì thời gian có qua đi, tôi và em dù quan san cách trở nhưng em đâu có biết tôi vẫn núp bóng bạn tôi âm thầm theo sát bên em trong cuộc sống buồn cô quạnh.
Hạ tuần tháng 3 năm 1975 tôi nhận được bức điện bạn tôi báo, tình hình Dalat xấu đi, bạn tôi sẽ đưa gia đình di tản về Sài Gòn mà không kịp xuống thăm em. Cầm bức điện trên tay mà tôi bàng hoàng tiếc ngẩn tiếc ngơ vì cây cầu làm trung gian giữa tôi và em, giờ đây xem như đã dứt, làm sao bây giờ.
Tôi bặt tin em từ đấy, còn nỗi buồn nào, còn nỗi đau nào lớn hơn, ngày ngày tôi vẫn ngóng tin em trong vô vọng, một nỗi âu lo và thương em vô hạn trong những ngày ly loạn em và gia đình có bình yên trong di tản. Nếu mọi sự an toàn không trở ngại, chắc gia đình em đi ra nước ngoài trót lọt vì có ông anh là phi công đủ sức bảo vệ cả nhà.
Bây giờ em ở đâu? Phương trời nào? Em có hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hay vẫn u buồn khép kín con tim?. Anh có lỗi với em nhiều quá, muôn vàn lần xin em tha thứ, cám ơn em đã ban phát cho anh những năm tháng tuyệt vời hạnh phúc, chỉ trách tạo hóa đa đoan, bày chi trò đời oan nghiệt, Một bến đậu - Một chốn dừng chân - Thoáng chốc đã ly tan, đời này kiếm đâu ra một người con gái hương sắc vẹn toàn kiên trinh như em đâu dễ.
Vật đổi sao dời, hơn 50 năm trôi qua nhưng sao vẫn còn day dứt mãi, cuốn phim đời lần lượt hiện ra trong tâm trí, quặn thắt nỗi đau, ân hận, lúc rãnh rỗi, khi chiều về, trong đêm cô quạnh, ta sống với em trong hoài niệm. Cũng như em sắc son đợi chờ ta trong vô vọng. Trách ai, oán ai bây giờ, âu là số mệnh đã an bài.

Tàn Thu Nhâm Thìn (2012)
Đinh Văn Nghiêu
DSC03361.JPG

Đinh Văn Nghiêu với thác Cam Ly ( Đà Lạt) 1961

 

ĐINH VĂN PHONG

Thành viên mới
Bài viết của Đinh Văn Nghiêu

DSC07587.JPG

Chú Đinh Văn Nghiêu lúc 74 tuổi (2009)
--------------------------------------------------------------------------------

KHU PHỐ ẢO TRONG ĐÊM

Trời mưa giông mau tối, mây xám xịt mưa rơi nặng hạt kèm theo gió mùa đông bắc giá lạnh. A trên chiếc xe cúp 81 già nua đèo hai thùng bánh bên hông ì ạch chạy từ Hội An vào lúc 5 giờ chiều, dọc đường tiếng rao từ chiếc máy ghi âm phát ra giọng nói rè rè: “Ai mua bắp, bánh chưng, chả Hội An đây”, tiếp tục kéo dài trên đoạn đường đi qua. Vòng vèo quanh thị trấn đã hơn 7 giờ tối hai thùng bánh mới vơi đi chút ít vì trời mưa nên vắng người mua. Lưỡng lự giây lát, A lái xe chạy từ từ lên ga Phú Cang hy vọng sẽ bán cho hành khách trên những chuyến tàu dừng lại chốc lát xuống lên.
Đến 9 giờ tối, quay xe xuống lại Hà Lam. Tới giao lộ trên cầu Bốn Thước, tự nhiên tâm thần bất định bẻ tay lái rẽ xuống đường 16E Cây Cốc. Đêm tối mịt mù tiếng rao vẫn đều đều từ máy phát ra. Chạy xuống một quãng khá xa như kẻ mộng du, A lái xe quẹo trái đi sâu vào một vùng ánh sáng màu vàng mờ ảo trước mắt là một khu phố nhấp nhô là nhà đủ dáng kiểu khác nhau, lộn xộn không hàng lối, tiếng nhạc bát âm trầm buồn theo gió vọng về như nức nở oán than, tiếng nói lao xao rầm rì lúc to lúc nhỏ nghe đến rợn người. Điều khá ngạc nhiên ở đây là mỗi nhà chỉ có 1 người, dáng vẻ u buồn ngồi ngay trước cửa, y phục cũng hai màu khác biệt dễ nhận ra là trẻ em và trung niên bận toàn đồ trắng toát, mũ trùm đầu cũng trắng, còn người già bận toàn màu đỏ từ đầu tới chân, tay cầm tiền đưa ra mà không nói một lời. A đem bánh chả đến từng người và nhận tiền, cuộc trao đổi bán mua diễn ra trong im lặng. Dắt xe đi dạo một vòng là hết hai thùng bánh tuy còn nhiều người đưa tay muốn mua. Thầm bảo trong lòng là ngày mai sẽ chở nhiều vào bán.
Quay ra đường, nổ máy xe thẳng đường xuống Cây Cốc nhập vào Quốc lộ 1A chạy về tới nhà gần 11 giờ đêm. Dắt xe vào nhà, tắm rửa xong ngồi vào bàn vừa ăn cơm vừa nói với vợ: “Hôm nay gặp may bán hết nên về sớm, mình lại lấy gói tiền trong cốp xe ra đếm và xếp ra từng loại để ngày mai đặt hàng đi bán”. Chị vợ lấy gói tiền đổ ra đếm miệng trầm trồ: “Hôm nay ông bán đâu toàn bạc mới toanh không cũ rách như mọi ngày. Bỗng chị vợ cầm một tờ giấy bạc lên soi ánh điện nhìn kỹ rồi lấy tiếp các tờ giấy bạc khác lên xem, bà bỗng rùng mình lạnh xương sống, thều thào gọi chồng lại, chỉ vào đống giấy bạc mới toanh. Anh chồng cầm lên xem từng tờ, từng loại từ 1 ngàn, 2 ngàn đến 5 ngàn đều toàn là tiền “NGÂN HÀNG ÂM PHỦ” loại giấy bạc cúng đám ma. Anh chồng toát mồ hồi, rùng mình sợ hãi biết mình vừa bị ma ám, thầm nhủ trong lòng may mà không bị dẫn đi nhét đất vào mồm và giấu vào một lùm cây bụi dứa nào đó. A lặng lẽ hốt hết đống bạc giấy đó đem ra sân châm lửa đốt và lấy thẻ nhang thắp trên bàn thờ và ngoài sân miệng lẩm bẩm: “Thế là cụt vốn rồi”.
Đêm đã khuya không thể nào ngủ được, ám ảnh mãi vì sự việc xảy ra làm anh lo sợ, ý định chuyển qua nghề khác manh nha trong lòng, trằn trọc mãi rồi thiếp đi trong mệt mỏi. Khoảng độ canh hai tự nhiên giật mình thức giấc, một cơn gió lạnh thoáng qua và tai nghe giọng nói từ xa vọng lại: “Tín chủ đừng quá hoang mang lo sợ, ta là chúa đất Xá Trâu. Khi hôm đùa nghịch chút chơi, sau khi ngươi ra về ta đâm thương hại vì thấy người hiền lương thật thà nên ta theo ra tới lúc người vào nhà vẫn ngự trên cây ngoài ngõ. Cám cảnh nhà ngươi sinh kế khó khăn thêm đàn con nhỏ đang ăn học khiến ta động lòng thương hại. Hãy nghe đây lời ta dặn bảo: Chuyện làm ăn vẫn theo nghề cũ, từ nay ta sẽ hộ trì gặp nhiều may mắn, ngày mai nhớ đi mua 1 tờ vé số QN chỉ một vé mà thôi, nhà ngươi sẽ có lộc thu hồi lại vốn, số tiền còn lại dành nuôi con ăn học. Chuyện này phải giữ kín, nếu để lộ ra ta sẽ phạt”. Tới đây bỗng nhiên im bặt một làn gió lạnh thoáng qua vụt tắt.
Sáng ra, dặn dò con ở nhà, hai vợ chồng đèo nhau ra phố mua lễ vật đi vào lễ tạ. Qua ngã tư Hà Lam, vào Cây Cốc rẽ phải lên đường khoảng vài km qua trạm biến áp điện là khu nghĩa địa rộng bao la trước mắt, anh chồng cho xe chậm lại rảo mắt dò tìm khu vực khi hôm. À đây rồi bên phải có đường nhánh rẽ vào sâu bên trong san sát toàn là mộ, lớn nhỏ xây cất đủ kiểu. Dừng xe lại vợ chồng bưng lễ vật đến khu mộ cũ xưa to nhất đảo mắt nhìn quanh thấy mỗi ngôi mộ trong nhà bia đều có bánh bao, bánh chưng cùng chả còn nguyên cạnh bát hương. A bày lễ vật thắp nhang đèn, rót rượu khấn vái tứ phương, đốt vàng mã, đợi tàn nửa cây nhang mới bái tạ ra về.
Khi về tới ngã ba Vĩnh Điện, A dừng xe vào quầy bán vé số im lặng rút 1 tờ trả tiền xong ra xe đi về làm theo lời dặn, đặt vé số dưới nồi hương… để chờ xem điều ứng nghiệm…

Hà Lam Mạnh Đông, Nhâm Thìn (2012)
Đinh Văn Nghiêu
 

ĐINH VĂN PHONG

Thành viên mới
Bài viết về Bà Nội Bác của chú Đinh Văn Nghiêu

BÀ TÔI
(Để tưởng nhớ Bà nhân ngày 8/3)

Cụ bà: Hồ Thị Đáng. Bà Nội của tôi. (1886 - 1976)

Đã hơn ba mươi năm qua từ ngày Bà mất đi chúng tôi cứ ước hẹn cứ đến ngày kỵ giỗ Bà thì dù xa xôi cách trở hay hoàn cảnh nào cũng nhớ về hội ngộ, vào viếng mộ Bà, quỳ lạy thắp nén hương trước di ảnh trên bàn thờ người đã khuất.
Chúng tôi bây giờ đã luống tuổi rồi, người trẻ nhất cũng ngoài năm mươi, ngồi cùng nhau hàn huyên tâm sự, hồi tưởng lại những gì đã chứng kiến hay nghe kể lại về Bà làm chúng tôi vô cùng khâm phục và kính yêu Bà, con người giàu lòng nhân ái và đức hạnh. Bà tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu, nho giáo có ba chị em, Bà là con út trong nhà, mẹ mất sớm, có dáng người thon thả và xinh đẹp có tiếng trong làng. Trước khi về làm dâu trong nhà, Bà đã có một chuyện tình trong sáng đáng trân trọng trong khoảng thời gian ba năm trước khi lấy chồng.
Hồi đó Bà vừa mười bảy tuổi, thường theo hai chị đi buôn từ biển lên nguồn. Trời chưa sáng, đã quang gánh trên vai đi xuống biển Tân An, Hà Bình mua cá rồi quay về gánh lên các xã miệt nguồn bán hoặc trao đổi lâm sản rồi đem về miền xuôi bán lại. Cứ thế ngày qua ngày tuy chân yếu tay mềm Bà vẫn được các chị dẫn theo cho thạo nghề mua bán. Hồi đó, dưới bến cá Hà Bình, chiều chiều ngư dân đi khơi về thường được các chủ vựa cá có vốn nhiều mua hết, sau đó phân loại bán cho các con nhà buôn. Qua thời gian, có một chàng con trai chủ vựa cá để ý làm quen và sinh lòng cảm mến nhưng vẫn im lặng, chàng trai chỉ đặc biệt quan tâm và bày tỏ lòng mình bằng cách chọn toàn loại cá tươi ngon để dành riêng cho chị em Bà, xuống là có ngay, bà trao tiền rồi vội quay về sớm để tránh nắng... Đi một quãng xa rồi nhưng chàng trai vẫn đăm đăm nhìn rồi vội vã bước theo và xin được gánh giúp. Ban đầu bà còn e dè từ chối, nhưng sau rồi cũng đồng ý. Vượt qua trảng cát Tân An rồi đến Chợ Được, Tất Viên, chàng trai mới trao gánh cá lại cho bà tiếp tục cuộc hành trình. Cứ thế thời gian gần ba năm, tình cảm ngày càng sâu đậm, cha chàng trai sắm lễ lên nhà ông cố thăm chơi và ngỏ lời xin được kết làm sui gia. Ông cố không từ chối nhưng đưa ra điều kiện là cưới xong phải gửi rể vì Bà tôi là con út trong nhà, hai chị đã có chồng ngoại xã, còn ông kia thì xin được rước dâu vì ông chỉ có chàng trai là con trai duy nhất trong nhà. Mối tình thầm lặng đó xem như kết thúc và từ đó ông cố tôi giữ con ở nhà lo chuyện nội trợ và không bao lâu sau ông Nội Bác tôi cưới Bà và ở luôn nhà vợ vì ông Nội Cố tôi có nhiều con trai.
Sống với nhau chưa được bao lâu thì ông Nội Bác tôi đoản mệnh qua đời khi bà mới hai mươi sáu tuổi với đứa con trai chưa đầy một tuổi. Nỗi đau chồng chết chưa nguôi thì hai năm sau ông Cố tôi cũng qua đời. Cảm thương cho Bà trong khoảng thời gian ngắn đã phải mất đi người chồng thân yêu cùng người cha tôn kính.. Từ đây trong gian nhà hiu quạnh, Bà sống cô đơn, thủ tiết thờ chồng, nuôi con, Vừa quán xuyến mọi việc trong ngoài. Khổ nỗi cho Bà còn quá trẻ, đang độ tuổi thanh xuân, lại vừa sinh con đầu lòng nên nhan sắc bà lại càng thêm xinh đẹp bội phần khiến cho bao chàng trai trong làng si mê, lượn lờ trước ngõ, thêm mấy ông chức dịch trong làng mượn cớ đi thu thuế đinh, thuế điền cứ ghé lại nhà. Bà ý tứ tế nhị têm trầu, pha nước chè mời khách mời khách xong rồi đi xuống nhà dưới lấy nón bồng con, lén ngã sau lên nhà ông Nội Chú. Nhiều lần chẳng được gì, rốt cuộc các ông đành từ bỏ ý định ve vãn Bà. Đêm về khi cơm nước xong dọn dẹp mọi thứ, Bà đóng cổng trước sau rồi bồng con vào buồng cài then kỹ lưỡng, bên ngọn đèn dầu leo lét, với nỗi buồn lo chồng chất, đêm qua đêm Bà âm thầm lặng lẽ với nỗi cô đơn.

Ba tôi : Con trai duy nhất của bà cụ Hồ Thị Đáng

Mẹ lớn của tôi : Dâu của bà cụ Hồ Thị Đáng
Là con trai một, Bác tôi được Bà cưng chìu hết mực, ngoài chuyện học hành ông không bao giờ giúp đỡ gia đình dù là những việc nhỏ nhặt. Bác trai tôi ngao du cùng đám bạn bè ăn chơi, cờ bạc đến nỗi Bà tôi phải nhờ ông Nội Chú răn dạy nhưng chẳng ăn thua gì, thậm chí có lần Bà tôi vừa bán con bò nhà quá tuổi để lấy thêm tiền nhờ người đi tìm mua bò khác về cày. Bác tôi giả vờ nằm ngủ nhưng lắng tai nghe tỏ tường mọi sự, đợi người đó cầm nón đi một đoạn khá xa, Bác tôi vội đi theo bảo người đó đưa tiền lại để ông đi thay. Thế là Bác tôi cầm món tiền đó đi ngay vào sòng bạc xóm ông Hương Trà, Hương Lộc đánh suốt đêm, sáng ra về nhà trắng tay. Bà tôi vừa giận, vừa khóc, thế là mất toi con bò vì thói ăn chơi bạt mạng của Bác tôi. Sau nầy khi lập gia đình, Bác tôi nhờ bạn bè tốt bụng khuyên nhủ nên ông từ bỏ chuyện đỏ đen. Đến khoảng năm 1936 ông đã tham gia cách mạng liên tục và sau năm 1945 đã là cán bộ cấp huyện trong thời kỳ 9 năm chống Pháp, đến năm 1954 Bác tôi bị địch bắt, giam cầm, tra tấn đến chết. Sau nầy đã được nhà nước truy tặng liệt sĩ.
Một buổi sáng mùa hè năm 1965, Bà tôi lên nhà ông nội tôi có việc, bọn tôi ngồi chơi dưới tàng bóng mát của cây xoài, cây thị trước ngõ nhà, bỗng thấy một ông lão cao to, tay cầm dù, vai mang túi xách đi vào hỏi thăm Bà tôi. Mời khách ngồi trên bộ phảng, rót nước mời xong tôi vội chạy lên thưa chuyện với bà có khách. Vừa thấy Bà tôi về đến nhà ông lão vội đứng lên chào và hỏi:
- Bà có nhận ra ai đây không?
Nghe tiếng nói, Bà khựng lại giây lát, giọng nói quen quen, dĩ
vãng hiện về….Bà ngước nhìn ông rồi dịu giọng trả lời:
- Cám ơn ông bạn cũ đến thăm sau bao năm xa cách.
Nói chuyện hồi lâu, ông khách mới mở túi xách, lấy quà tặng cho
bà mấy chục mực nang khô, mấy xâu cá hố dài thượt và hai chai
nước mắm cá cơm nguyên chất, cuối cùng là chai rượu nhỏ. Ông
nhìn Bà thắm thiết và nói giọng đủ nghe, nhờ Bà đem lên hai cốc
nhỏ, và tem dùm hai miếng trầu. Ông trịnh trọng rót rượu vào hai
cốc và đứng lên nói với bà rằng:
- Dù thời gian qua đi quá dài, hai người đã có gia đình, mặc dù
tuổi đã xế chiều nhưng lòng tôi luôn nhớ về Bà, xin chia sẻ
những sầu buồn mà bà phải gánh chịu. Những năm qua, khói lửa
chiến tranh ác liệt, nhất là thời gian gần đây quê của tôi ngày nào
cũng bị đạn pháo, máy bay ném bom bắn phá dữ dội, không biết
rồi sẽ sống chết lúc nào. Tôi lo sợ sự không may sẽ đến với mình
nên điều tôi mong muốn nhất lúc nầy là phải đến thăm, gặp bà
lần cuối là tôi mãn nguyện lắm rồi.
Bà của tôi nghe ông ta nói vậy cũng chừng như xúc động lắm.
Những kỷ niệm của thời còn con gái như hiện ra trong tâm thức
của Bà, con đường quen thuộc xuống vùng cát trắng Tân An, Hà
Bình của hơn 60 năm về trước. Bà chỉ ngồi lặng lẽ mà chẳng nói
câu nào. Ông nói tiếp:
- Giữa chúng ta không nên duyên vợ chồng nhưng tôi luôn quí
trọng Bà, bây giờ tôi mời Bà cùng uống cốc rượu nầy và ăn
miếng trầu tình nghĩa, lần nầy về cũng là lần vĩnh biệt, chúc Bà
mạnh khỏe để sống với cháu con.
Bà tôi cảm động, rơm rớm nước mắt và nói với ông:
- Lâu ngày gặp nhau là mừng sao ông nói chi lời xúi quẩy.
Sau đó bà mời ông ở lại dùng cơm trưa với gia đình, mãi đến xế chiều ông mới từ biệt. Bà tôi tiễn ông ra tận ngõ, ông ngậm ngùi nhìn bà hồi lâu rồi quay gót bước đi.
Sau này khi hòa bình lập lại, bà bảo chúng tôi xuống hỏi thăm
tin tức gia đình ông như thế nào. Chúng tôi xuống tới thì thấy nơi nầy trơ trọi, toàn là bãi cát dài tít tắp, những hàng dương mới trồng chưa kịp kín đất. Hỏi thăm người dân địa phương thì được biết rằng vùng này thời chiến tranh là vùng đất trắng, tự do oanh kích, một số người chết, số còn lại chạy loạn phương xa, chưa thấy trở về.
Quay lại chuyện cũ. Qua năm 1972, tang tóc đau thương lại đến với bà khi người con trai đầu của bác tôi tôi chết trong Quảng Ngãi đưa về dừng lại ở Hà Kiều (trước khi đi vào nghĩa địa). Bà tôi lần mò ra ngõ đứng ngó lên mà khóc. Lúc này Bà đã già, vì quá buồn đau và khóc quá nhiều nên đôi mắt bà bị mờ, việc đi lại trong nhà theo thói quen và cảm giác. Bà nghe nhiều tiếng chân đi ngoài sân hay giọng nói của ại đều đoán ra người đó. Công việc nhà tự bà làm, đồ vậy để rất ngăn nắp và vừa tầm tay nên lúc cần Bà không gặp trở ngại nào.



Cụ bà Hồ Thị Đáng lúc 86 tuổi

Sau giải phóng (1975), gia đình chúng tôi lần lượt về quê sinh sống, làm lại từ đầu nên kinh tế hết sức khó khăn, phải đi mướn đất canh tác lúa khoai sống qua ngày. Bà khuyến khích, động viên chúng tôi cố gắng đi làm để nuôi con, còn việc cơm nước ở nhà để Bà lo cho, đừng có bận tâm.
Một buổi sáng mùa đông năm 1976, anh em chúng tôi đèo nhau vào Phước Mỹ (Bình Quí) làm đất tỉa đậu. Đã lâu lắm rồi bây giờ mới cầm cuốc lao động chân tay nên mau mệt và đau ê ẩm cả người nhưng phải cố sức vì sau ngày chạy loạn chúng tôi mất hết tài sản, nay phải làm lại từ đầu. Đang mải miết đánh hàng bỏ đậu thì đến khoảng 11h trưa có người nhà chạy vào báo tin Bà đã qua đời. Chúng tôi bàng hoàng sửng sốt vì trước khi đi làm Bà vẫn mạnh khỏe, chẳng có ốm đau gì cả. Về đến nhà, mọi người đến thăm đông nghịt, chúng tôi quỳ xuống bên Bà mà lòng quặn đau khôn xiết. Bà nằm đó, thanh thản lạ thường. Bà bận bộ đồ mới như sắp đi dự đám rồi nằm trên giường đắp tấm chăn mỏng ngang mình, hai tay để ngay trên ngực. bà đi vào giấc ngủ an lành như Bà biết trước. Đến giờ phút cuối đời, bà vẫn lo chu toàn cho con cháu, khi xuống bếp thấy nồi cơm to đã chín, vần trên tro nóng, nồi nước chè đang sôi trên bếp mà lòng bồi hồi thương cảm khôn nguôi. Chúng tôi an táng Bà trên đám ruộng gần Tiên Nông theo như lời Bà dặn mà hồi sinh thời Bà đã chắt chiu dành dụm mới mua được. Qua năm 1980, khi Hợp tác xã nông nghiệp thành lập, chúng tôi mới cải táng đem về chôn bên mộ phần ông nội Bác (chồng Bà). Cuối cùng thì châu về hợp phố, từ đây hai ông bà sẽ không còn phân cách nữa.
Hơn chín mươi năm qua, bà đã có bảy mươi năm chịu cảnh góa bụa, thờ chồng nuôi con cháu, hầu như đời Bà chưa có mùa xuân. Bà âm thầm lặng lẽ, nhẫn nhục, chối bỏ mọi cám dỗ ngoài đời, khép mình sắt son một dạ, sống hòa đồng được mọi người thương mến. Nếu như xưa kia, thời phong kiến chắc bà tôi sẽ được vua ban tấm biển vàng “TIẾT HẠNH KHẢ PHONG” để tôn vinh một người đàn bà mẫu mực kiên trung, Còn giờ đây, xét tiêu chí thì Bà tôi xứng đáng với danh hiệu “BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG”. Đó là danh xưng ban tặng ngoài đời, riêng chúng tôi luôn tâm niệm với lòng tôn kính, thương yên Bà như một BÀ TIÊN trong chuyện cổ tích ngày xưa, như vị Quan Âm Bồ Tát muôn đời đẹp mãi.

Hà Lam một ngày đầu xuân năm Tân Mão (2011)
Cháu : Đinh Văn Nghiêu
Đinh Văn Nghiêu tại Từ Đường tộc Đinh Văn (Hà Lam)
 
Top