Mưa rừng, Bão biển

V8H6Y_0DSzgvV5_w6WHYRmlwlPxuRxIEs5K8HuOCvTPAlkpO_pdPafN_Z7rgv8bo4QcvWVWY7sOXJ_CMk2C__QcgHjzsUDWZjX1JVT_psEj8YDRGBvy6-Bu5JNRuDZCLmxhx-meN
Núi Đũa và nông trường Cam - Cao Phong, Hòa Bình (ảnh nguồn internet)

Tháng 5 năm 1975, lớp chúng tôi ra trường, nhận quyết định điều động về các đơn vị mới. Tôi về đơn vị K102 Công an Nhân dân Vũ trang đóng tại Cao Phong, Hòa Bình. Thị xã Hòa Bình ngày ấy còn nghèo lắm, những dẫy nhà tranh thấp lè tè nằm dọc tuyến phố chính, theo quốc lộ 6 bên triền dòng sông Đà. Tôi hỏi thăm vào đơn vị K102? Dân không ai biết, sau này tôi mới biết, phiên hiệu cũ của đơn vị là K24. Ngày ấy, cả tỉnh Hoà Bình ở đâu cũng biết danh tiếng K24 Công an Nhân dân Vũ trang.

Đơn vị K102 nằm ở địa bàn thị trấn Bưng, Cao Phong, Kỳ Sơn, Hòa Bình, trên trục quốc lộ 6, nay là thị trấn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, nơi có Nông trường cam Cao Phong trải dài hai bên quốc lộ 6, thương hiệu cam Cao Phong ngon nổi tiếng ở miền Bắc. Nghe đâu, đi qua đơn vị K102 vào tận trong Thung Nai, Suối Vàng..., người ta đang định lập dự án xây dựng khu “Văn miếu Thời đại mới”, để ghi danh những bậc Giáo sư, Tiến sỹ thời đại tân kỳ; vì khu Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội không còn chỗ để tôn vinh ? Khi mới đưa ra ý tưởng đã bị nhiều người phải đối, không biết giờ ra sao? Nói như vậy, để biết rằng vùng đất này đẹp đến nhường nào.

Ngày trước, đường vào đơn vị K102 có núi Bát, núi Đũa, có con suối nhỏ chảy bên, có những bãi cỏ rộng thênh thang như những cánh đồng, đầy hoa sim, hoa mua và ổi dại. Đồng cỏ là nơi chăn thả huấn luyện ngựa chiến và chó nghiệp vụ; vì vậy người ta còn gọi là bãi Thao Trường, xung quanh đơn vị K102 là núi, là đồi bao bọc.

Đường từ phố Bưng đi tắt vào đơn vị, qua con suối nhỏ, qua cánh đồng nhỏ, về mùa đông, hoa cải nở trắng đồng, đẹp như tranh vẽ. Với thế đất ấy, đây là xứ Mường Thàng, một trong bốn xứ Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động của tỉnh Hòa Bình. Thời Pháp thuộc là đất cát cứ của chúa Mường Đinh Công Tuân, nghe nói: Sau kháng chiến chống Pháp, ông Đinh Công Tuân theo Pháp, đã cùng gia quyến và thân thuộc chạy vào Tây Nguyên, nên trong Tây Nguyên cũng có bản Mường, gọi là bản Cao Phong, và có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng… để luôn nhớ về cội nguồn xứ Mường.

UnfaLYok5MrPTl2PxnpluIug4vx_OIP8ep_b8Df0zWD7PMtRozcCic3L2_hQ5LU7gmR5zvxFogGgGh1-j1m3xRKoKXBs0tYUzL9zT8vDdth-ez8dYhA-257-uaNOImY0QLNFRVJa
Đồng hoa cải trắng (ảnh mạng)

Ở Hòa Bình có câu: “Đinh, Quách, Bạch, Hà ”; đấy là bốn dòng họ lớn “quý tộc”, có thế lực làm Quan lang tự trị xứ Mường, theo truyền thuyết kể lại rằng: Họ Đinh Công xứ Mường là dòng dõi của Vua Đinh Tiên Hoàng, để tránh sự truy bức của Vua Lê Đại Hành mà phiêu dạt lên đấy…. Nơi đơn vị tôi đóng quân, vẫn còn những dấu tích của những doanh đồn xưa và những câu chuyện ly kỳ kể về quan lang xứ Mường có thể viết thành truyện; vẫn còn những ngôi mộ cổ, lớp đất trong huyệt mộ là lớp than tro, trên mộ đánh dấu bằng những cột đá thô. Dòng họ Đinh Công xứ Mường cũng có hai phái, Phái theo quân Pháp và Phái theo bộ đội Việt Minh. Ông quan lang họ Đinh Công theo Việt Minh lập được nhiều công lớn, được Cụ Hồ đích thân viết thư khen ngợi, nay lá thư vẫn còn lưu tại bảo tàng. Khi tôi đi chơi lang thang, vào thăm các nhà bà con dân tộc Mường, nhận mình "cũng họ Đinh", bà con vui mừng đón tiếp như người thân trong nhà.

Khi lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang mới thành lập, đơn vị là Trường Nuôi dậy ngựa, phiên hiệu là K24, giống ngựa nhập từ Mông Cổ, chuyên gia người Mông Cổ, đơn vị quản lý cả một dải rừng núi rộng lớn của vùng Cao Phong, từ chân dốc Cun đến phố Bưng, làm nơi chăn thả và luyện tập ngựa chiến, con ngựa đã gắn bó với biên cương, với người chiến sỹ Biên phòng, vó ngựa đã trở thành hình tượng trên phù hiệu của Bộ đội Biên phòng, sau trường Ngựa bị giải thể. Đơn vị trở thành Trường Nuôi dậy chó Nghiệp vụ, giống chó Béc dê Đức dữ tợn, huấn luyện chó làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu và tuần tra chiến đấu, Trường chó sau cũng chuyển về Bất Bạt, Sơn Tây. Đơn vị thành Trường Huấn luyện đi B, đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam ác liệt, được gọi là lực lượng An ninh Vũ trang Miền. Đơn vị K24 từng bị máy bay Mỹ đánh phá nhiều lần, vẫn còn dấu vết những hố bom đạn của giặc Mỹ. Sau này đơn vị mới chuyển thành K102.

rji0dQKoGK5to2Q6n5Yi7imLUYknk5Q8odw1CBCMQk-LlOYyUqY1yLTOb6jvOI43AXSbRokACkVkocBedFg-aOMJ_tMPdvJP9hOWP4ttb6M8-n6bNVG5aUVAZ6f0ZtV5MPTV8MdC
2d79cmdE-9ITm3kwVzZdLWMlc_k7lUJIjq3NO0DY-GTQuUx02rklvoIfVga_hIHVJ3U2NDu90nUoe_O4xPxARErMa71QhKqnsEidX9foMNA2BvEvb2MLV9NxANwAIbAMx2T9DRKs
Mưa rừng (ảnh mạng)

Vào tháng 8 năm 1975, tôi vừa về đơn vị, chứng kiến một trận mưa lũ lớn chưa từng thấy ở vùng Cao Phong, Hòa Bình, tôi mới biết thế nào là mưa lũ ở rừng. Mưa từ những dẫy núi xa tít tắp mưa về, chưa nhìn thấy mưa đâu, đã nghe thấy tiếng nước lũ réo ào ào, nhìn ra dòng suối bên đơn vị, nước đã dâng cao. Có mấy nhà dân ở bên con suối cạnh đơn vị, bị ngập chìm trong biển nước, đám con ông Lương chạy kịp lên đơn vị tránh lũ, kêu khóc như di nhờ các chú bộ đội xuống cứu giúp gia đình.

Chỉ huy đơn vị hô hào bộ đội xuống giúp dân, mọi người chạy xuống nhưng đã không thể vào được nữa, nước chẩy cuồn cuộn, phù sa đỏ ngàu, những thân cây, gốc cây, rồi củi rác từ thượng nguồn trên những dẫy núi xa xa, bị cuốn trôi theo dòng nước lũ, khu đất ngập chìm trong mưa gió, trong biển nước lũ.

Bộ đội phải men theo rìa núi, tìm cách tiếp cận bơi vào giúp dân, tôi là thanh niên choai, cũng hăm hở tính toán dòng nước chảy, để bơi chéo vào kẻo nước lũ cuốn theo. Nhưng thật không ngờ, nước lũ chảy quá xiết, tôi bị nước cuốn đi như chiếc lá, như con kiến nơi dòng nước, thế mới biết, sức lực con người quá nhỏ nhoi so với sức nước. Trong cơn hoảng loạn tôi kêu toáng lên: “Tôi sắp chết đuối rồi, cứu tôi với…” . Nhưng tiếng kêu cứu bị chìm lỉm trong thác lũ, tôi lấy hết sức bình sinh cố gắng bơi tiếp, vượt qua được dòng nước chảy xiết, tới chỗ nước chảy lững dần, tôi bám được vào ngọn tre gai, nghỉ lấy sức để thở. Nhìn ra dòng nước lũ đỏ ngàu, chảy cuồn cuộn thành những xoắy nước tròn; vừa sợ, lại vừa tủm tỉm buồn cười một mình, liệu có ai nghe thấy tiếng mình kêu cứu không? Giá như nhìn thấy mình bị nước lũ cuốn trôi, chắc cũng phải chịu, chỉ tìm thấy ở nơi cuối dòng.

Nhìn vào nhà ông Lầm, nơi tôi phải bơi vào giúp, những tấm gỗ sẻ, những bó cỏ gianh khô dùng để lợp nhà, cả đàn gà nháo nhác đỗ lên trên đấy, rồi lợn ngỗng, đồ đạc, cứ thế trôi lềnh bềnh theo dòng nước lũ. Bà Lầm sót của kêu khóc thảm thiết, ông lại đi công tác xa ở tận Hà Nội.

Nhìn sang nhà ông Lương ở bên cạnh, tài sản bị nước lũ cuốn hết, ông leo lên tránh lũ trên chạc ba cây soan phía sau nhà, nước chảy làm cây soan nhỏ run lên bần bật, ông kêu thất thanh: “Các chú ơi cứu tôi với...”. Huynh là dân Hà Bắc miền đất trung du, thế mà lại bơi lội giỏi, bơi vào cứu ông Lương, bụng buộc chặt sợi dây chão nilon của ngành tàu thuyền, để người đứng ngoài rìa núi giữ kéo. Trên lưng Huynh cõng ông Lương, ông lại mặc cái áo mưa rách, nhìn xa như đôi cóc cõng nhau trên trống đồng Ngọc Lũ, bơi trong dòng nước lũ chảy xiết, cả đôi chìm nghỉm, Huynh lại lấy sức đạp chân xuống đất, bật lên để thở, rồi lại bị nhấn chìm; nổi, chìm; cứ như vậy rồi cũng bơi được vào đến chân núi an toàn, cũng nhờ có sợi dây chão nilon tàu thuyền buộc định vị.

Tôi nghỉ lấy sức lại bơi tiếp vào nhà ông Lầm, trong nhà nước đã dâng đến ngực, nước mưa có phù sa nên lạnh đến run người, chúng tôi cũng chẳng giúp được gì nhiều cho gia đình, mấy anh em bảo nhau, nếu nước lũ lên cao tý nữa là phải bơi lên trú ở mỏm đá phía sau nhà.
maxresdefault.jpg
Xả lũ hồ thủy điên Hòa Bình

Những cánh rừng già bạt ngàn nơi đầu nguồn, đã tồn tại qua hàng ngàn, hàng vạn năm, giờ bị người ta chặt phá để lấy gỗ, để lấy đất làm nương dẫy, để xây dựng công trường... Mất rừng phòng hộ đầu nguồn, mưa trên các triền núi cao, nước không có chỗ để thẩm thấu, để ngưng đọng, như nước ở trên mái nhà dội xuống, thành ra “lũ ống”, “lũ quét”, gây sạt lở đất nghiêm trọng. “Nhất thủy, nhì hỏa...” như các cụ đã nói, mưa lũ tàn phá ghê gớm, với sự "góp sức" của con người, mưa lũ ngày càng hành hoành dữ dội hơn.

Năm nào ở nước ta cũng có nhiều người bị chết do mưa lũ cuốn trôi, nhà cửa ruộng vườn bị mưa lũ tàn phá; rồi thanh niên, sinh viên trong mùa hè tình nguyện, không hiểu rõ nguồn cơn của “mưa rừng bão biển” để phòng tránh, thật cơ khổ... Ông Nội tôi nói: “Số tôi dễ mắc nạn thuỷ hoả ”, tuổi trẻ hành động có khi bồng bột, nghĩ lại thấy sợ, thật là Mưa rừng, Bão bể.

XIt2aQXNsxobPLfPu71KTFsXUJKTLM2eoJ1lFwQEtWkM_koOVuWcXptl1mOmxDxvNKU-gspURAJN6-sVnocOCirbs7dZMPudRKVQO_bRgdOsfCf8Us8zGVjjP6sTkPda4qxj1iR4
Bão biển (ảnh mạng)
Đinh Danh Vùng
 
Top