Họ Đinh Phúc ở Vĩnh Lộc, Quảng Lộc, Ba Đồn, Quảng Bình

Giới thiệu: HỌ ĐINH PHÚC Ở VĨNH LỘC, XÃ QUẢNG LỘC, THỊ XÃ BA ĐỒN, TỈNH QUẢNG BÌNH,
Làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình nằm ở trung tâm vùng đồng bằng của sông Gianh và sông Son.

Thủy tổ Đinh Phúc Sĩ, có nguyên quán Đoài Sơn, thuộc tỉnh Sơn Tây (nay là làng Đường Lâm - thị xã Sơn Tây - TP. Hà nội). Ngài theo Hoàng Tử Trần Bang Cẩn – Thượng thư Đại Hành khiển tả bộc xạ thời vua Trần Minh Tông (1314- 1357) vào Nam đánh giặc Lồi (giặc Chiêm Thành), do giặc quấy nhiễu châu Tân Bình của nước Đại Việt lúc bấy giờ là vùng đất phía Nam Linh Giang (nam Sông Gianh). Bà Thủy tổ Trần Thị Quý Mẫn - Công chúa của vua Trần Nhân Tông. Sau khi dẹp xong giặc, thấy Châu Ma Lý hoang nhàn, Thủy tổ Đinh Phúc Sỹ xin được ở lại lấy quân làm dân khai khẩn đất hoang, thời đó đất hoang rậm rì cây lớn nhỏ như rừng đại ngàn, việc khai phá đất đai quả là gian khó nặng nhọc phải chặt trụi, thiêu đốt, dẹp bỏ toàn bộ cây rừng lớn nhỏ, rồi đào gốc bới rể, san phẳng đồi đất cao thành ruộng đồng trồng cây lương thực và hoa màu phải cần đến sức mạnh của đội quân tinh nhuệ mới làm được. Nhờ có công lao to lớn trong việc khai phá đất đai, mở mang bờ cỏi nước Đại Việt về phía Nam mà các đời Vua kế tiếp về sau sắc phong Thủy tổ Đinh Phúc Sỹ là Tiền hiền khai khẩn (Khải Định năm thứ 9 ngày 25-3 Giáp Tý, 28-4-1924). Con cháu hậu duệ cần học tập Thủy tổ về tấm gương khổ luyện thành tài, sống ích nước lợi nhà, làm nền tảng cho các thế hệ kế tiếp noi theo.

Lúc đầu làng có tên gọi xóm Vịnh, sau đổi thành Thị Lang giáp, rồi làng Vĩnh Khang đến thời Nhà Nguyễn vì phạm húy nên đổi thành làng Vĩnh Lộc cho đến ngày nay. Cũng vì lý do tương tự mà họ Đinh Phúc Vĩnh Lộc đổi tên đệm là Đinh Xuân, Đinh Văn, Đinh Hữu, Đinh Viết…
Làng Vĩnh Lộc được Thủy tổ Đinh Phúc Sỹ- Trần Thị Quý Mẫn chọn làm nơi định cư lập nghiệp lâu dài là nơi non thanh thủy tú.
Phía đầu làng Vĩnh Lộc có các công trình tâm linh là Nghè Vua (miếu thờ Vua) ở gần sát bờ sông Hòa Giang mặt hướng về xứ Đồng Chùa. Đồng Chùa nơi thờ Phật có tượng thờ Ông Thiện, Ông Ác , và có Miếu Văn Thánh thờ Đức Khổng Tử và bia Tiến Sỹ, vị trí gần trường tiểu học xã Quảng Lộc hiện nay, tại đó có cồn đất nhô cao, phía Tây nam cồn đất này có hai ngôi mộ của Ông Bà Thủy tổ Đinh Phúc Sỹ- Trần Thị Quý Mẫn.

Điện thành hoàng Vĩnh Lộc nằm ở đầu làng, trên một thế đất cao. Điện hướng về phía Nam, nhìn ra bờ sông Hòa Giang.Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc được xây dựng năm 1483 do dân làng đóng góp. Điện lúc đầu được làm bằng gổ và tre, nứa để thờ vị Thượng thư Đại Hành khiển tả bộc xạ Trần Bang Cẩn, Ngài vốn dòng dõi vua Trần, là người có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành, chiêu mộ dân khai hoang lập ấp.
Đến năm 1815, Điện Thành hoàng được xây dựng một cách hoàn chỉnh hơn. Đây là một quần thể các điểm di tích gồm sân ngoài, sân trong, bình phong, tiền điện, hậu điện, miếu tả, miếu hữu. Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc là một kiểu kiến trúc độc đáo trong loại hình kiến trúc thời phong kiến ở Quảng Bình. Sự hiện diện của điện thành hoàng Vĩnh Lộc là bằng chứng một thời về sự mở mang bờ cõi phương Nam , khai phá đất đai 2 châu: (châu Ô, châu Lý) cho Đại Việt từ thời nhà Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và gia phả chữ Hán còn lại của các dòng họ trong làng Vĩnh Lộc, thì Vĩnh Lộc được hình thành cách đây khoảng 650 năm, từ khi thành hoàng Trần Bang Cẩn dẫn đầu đoàn quân đánh dẹp giặc Chiêm Thành lập ấp Thị Lang; hai giáp Đông, Đoài dưới thời vua Trần Minh Tông (1314-1357).

Do công lao và đóng góp của Ngài, các triều đại phong kiến gia phong với các tước vị: Bản thổ Bình Lồi (đánh giặc Chiêm Thành). Gia Vương Trần Hành Khiển tăng Vĩnh Lộc thành hoàng, gia tăng chính trực hữu thiện đôn ngưng, Dục bảo Trung hưng tôn thần.v.v... Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc, nơi thờ tự, nơi tế lễ, nơi tưởng niệm vị thành hoàng Trần Bang Cẩn. Nơi thực sự gắn với những lễ hội, tín ngưỡng của cư dân Vĩnh Lộc nói riêng, cư dân nông nghiệp nước ta nói chung. Điện còn gắn liền với những sự kiện lịch sử của địa phương trong thời kỳ tiền khởi, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Di tích kiến trúc nghệ thuật Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc là Di sản văn hóa cực kỳ quý báu mà mỗi chúng ta cần có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay.
Tam thế tổ Đinh Phúc Truyền hiệu Ông Hựu thời Vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), làm Chưởng hữu quan “Tiền đặc tiến phủ quốc thượng tướng quân cẩm y vệ chưởng vệ sự văn bân hầu” (quan văn) . Sắc phong Dực bảo trung hưng linh phù chi thần (Duy Tân năm thứ bảy tháng mười ngày mồng tám Quý Sữu, 5-11-1913).
Lục thế tổ đệ nhị chi Đinh Phúc Nhân,thời Vua Lê Thế Tôn (1573-1599). Sắc phong Hậu hiền khai canh (Khải Định năm thứ 9 ngày 25-3 Giáp Tý, 28-4-1924).
Lục thế tổ đệ tam chi Đinh Phúc Hoa,thời Vua Lê Thế Tôn (1573- 1599). Sắc phong hậu hiền khai khẩn (Khải Định năm thứ 9 ngày 25-3 Giáp Tý, 28-4-1924).
Bát thế tổ Đinh Phúc Thiệt (còn gọi là Ông Cố Hậu), thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, có nhiều công lao đóng góp cho nước nhà và dòng họ.

Ông Cố Hậu có công thiết kế, chỉ huy công trường đào kênh Xuân Kiều từ Sông Ròn về đến Ba Đồn để vận chuyển quân lương (quân đội, vũ khí, lương thực, thuốc men...) giúp Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1614- 1635) đánh Chúa Trịnh. Khi Đội quân của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên hành quân qua làng dừng chân nghỉ lại Ông Bà Cố Hậu dâng tặng 12 ngày cơm cho toàn bộ đạo quân. Cùng song hành làm nghĩa cử cao đẹp này có Ông Cố họ Hoàng làng Cồn Vượn (xã Quảng Minh- về sau là Thành hoàng làng Cồn Vượn) cũng có công đóng tàu thuyền chở đạo quân Chúa Nguyễn Phúc Nguyên khi hành binh qua sông Son và sông Linh Giang (sông Gianh). Bát thế tổ Đinh Phúc Thiệt là người làm việc nước có nhiều công lao nên được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên giao đảm nhận chức vụ Phấn lực Tướng quân, Sắc phong Hậu hiền khai canh - Tước Hầu (Khải Định năm thứ chín ngày 25-7 Giáp Tý, 25-8-1924 ).
Ông Bà Cố Hậu còn chi xuất tiền của, tiền công để xây dựng nhà thờ Họ Đinh Phúc Vĩnh Lộc.

Trong thời kỳ cách mạng tiền khởi giành độc lập tự do cho dân tộc cũng như trong hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm Pháp và Mỹ các thế hệ con cháu họ Đinh Phúc Vĩnh Lộc đã noi theo gương các bậc tiền tổ không quản ngại hy sinh gian khổ, rời bỏ quê hương lên đường ra trận để hòa chung vào công cuộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước của dân tộc Việt. Có nhiều người đã hy sinh anh dũng trên chiến trường, có nhiều bà mẹ được truy tặng Bà mẹ Việt nam anh hùng và cũng có nhiều người hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trở về sum họp gia đình. Ngày nay trong công cuộc đổi mới bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam công bằng dân chủ và văn minh do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đang có nhiều con cháu họ Đinh Phúc Vĩnh Lộc hăng say học tập nhận thức khoa học kỹ thuật mới, làm việc trong nhiều cơ quan quản lý và kinh doanh, có nhiều người thành đạt và có tấm lòng hướng về dòng họ tri ân tiên tổ, có hiếu với các bậc sinh thành.

Thiết nghĩ mỗi lần con cháu họ Đinh hội họp tại nhà thờ họ phải đồng tâm hướng về cội nguồn tri ân tiên tổ, mổi người phải tĩnh tâm nhớ về công ơn trời biển không kể xiết của các bậc Tiền tổ khai sáng dòng họ trên miền đất lạ để nay hóa thành đất quen. Mổi người chúng ta phải đồng tâm đóng góp xây dựng quê hương và dòng họ Đinh Phúc ở Vĩnh Lộc lớn mạnh thêm, chắp nối gia phả lưu truyền mãi về sau và mổi chúng ta khỏi hổ thẹn với các bậc Tiền tổ vậy…
Người viết
Đinh Hữu Sâm- Họ Đinh Phúc
Vĩnh Lộc đời thứ 15
 
Top