Đón Tết này lại nhớ Tết năm xưa

Đinh Thanh Hải

Administrator
Staff member
Tet2021.jpg
Những món ẩm thực ngày Tết Nguyên đán​

Không biết tục lệ Tết Nguyên đán - Tết Âm lịch có từ bao giờ và mặc kệ xuất xứ ở nơi nào, nhưng người dân Việt đã coi thành ngày Tết của dân Ta, một dịp vui chơi, nghỉ ngơi, chúc phúc nhau năm mới mần ăn ra, khấm khá và gặp nhiều may mắn, gia đạo vui vầy rộn tiếng cười vui.

Tháng Chạp là cách gọi cho tháng cuối của một năm theo lịch âm, nhiều nơi còn gọi là "tháng củ mật". Tên gọi các tháng của lịch âm là Tháng Giêng, Hai, Ba, Bốn... Chạp.

Ca dao có bài nói khía mấy thánh ham chơi: "Tháng Giêng ăn Tết ở nhà / Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè / Tháng Tư đong đậu nấu chè / Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm / Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm / Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân / Tháng Tám chơi đèn kéo quân / Trở về tháng Chín chung chân buôn hồng / Tháng Mười buôn thóc bán bông / Tháng (Mười) Một, tháng Chạp nên công hoàn thành."

Tầm khoảng hai mấy tháng chạp, bà con thôn xóm bắt đầu chộn rộn không khí chuẩn bị đón Tết Ta. Xóm giềng bắt đầu đì đùng pháo báo hiệu tất niên sớm, họ làm tiệc chào tạm biệt bà con xóm giềng để về quê ấy mà, sau bao ngày lên Khe Sanh bôn ba đời cơm áo.

Ai có vườn tược thì đào bới những củ bình tinh, củ sắn (khoai mì), ngồi mài bằng tay, lắng lọc qua nước để lấy tinh bột. Tinh bột bình tinh làm bánh thuẫn, tinh bột sắn làm bánh bột lọc, thân cây môn ngâm muối làm dưa... lên rừng bẻ măng tươi về phơi khô, ăn dần dà khi trời mưa bão, đông lạnh... đặc biệt ngày Tết có nồi măng hầm giò heo là ngon bá chấy, măng nhiều chất xơ, rửa trôi thịt mỡ tốt. Ai đó ăn măng mà quất thêm trái ớt là cay xé lưỡi, điếc màng tai, vì măng đã rửa trôi lớp bám trên mặt lưỡi rồi.

Trong những món ăn ngày Tết sẽ luôn có là bánh tét - bánh đòn, để lâu được, nếu bánh bị khô cứng thì đem chiên qua bằng mỡ heo - ăn kèm dưa món. Riêng bánh chưng thì ít người làm vì đa công và khó hơn gói bánh tét.

Hồi đó, ông Ngoại hay gói bánh chưng, tui thường xuyên vô nhà Ngoại ngồi mần phụ tá, lau lá dong, cắt lá cho vuông theo que tre mà Ngoại đã làm sẵn, xếp lá vào khuôn gỗ, buộc lạt, ông Ngoại chỉ từng chút một đó mà, chỉ cách làm cho dây lạt mềm, tui nhớ mãi câu "lạt mềm buộc chặt, già néo đứt dây", rồi Ngoại chỉ cách buộc lạt làm sao cho đẹp, thẳng thớm, múi thắt này được đè lên sợi lạt buộc kia, khó mà bung dây lạt ra.

Công đoạn chính cho nếp với nhân thịt - nấm - đậu xanh... thì ông Ngoại mần. Cho mọi thứ vô xong xuôi, Ngoại vuốt cho bánh vuông vức, buộc một sợi dây lạt để định hình, còn lại là tới lượt tui buộc những dây lạt khác... ban đầu tui buộc lạt xấu hoắc, thô và rách lá nữa, sau nhiều lần thì tui buộc khá thẳng thớm và nhìn được con mắt, có hoa tay nên học rất mau lẹ.

Mệ Ngoại đảm nhiệm đi chợ mua thịt heo, chọn nếp ngon và đậu xanh đem ngâm, thịt ướp nước mắm, muối, tiêu, ớt, hành với gia vị cho nhân bánh chưng đậm đà. Sau một đêm ngâm nếp thì đổ ra rổ cho khô ráo nước, rắc muối lên và trộn đều nếp.

Gói bánh chưng cũng lắm công phu, buộc lạt cũng vậy, thẳng thớm cho đẹp, ngồi một chặp mỏi lưng, đau chân lắm luôn. Nhưng tính tui hay mần siêng vậy đó, chứ mà bắt tui ngồi mần là không bao giờ, ưng chi mần nớ, thích mới mần mà. Nhưng riêng vô nhà Ngoại tui hay siêng "đột xuất", cầm chổi quét nhà với sân, đi bứt lá chuối cho cá ăn đồ, đào bới tìm củ vô luộc ăn.

Ngồi gói bánh chưng và nghe ông Ngoại kể chuyện xưa nay, nhiều chuyện ông Ngoại kể chắc hơn chục lần, mà cứ như chuyện vừa mới xảy ra cái độp. Tui nghe chăm chú lắm, lâu lâu dạ với gật đầu lia lịa, hỏi đôi câu, nói phụ họa theo cho Ngoại có hứng thú kể. Từ chuyện đi lính ra sao, vào Đà Nẵng thi bằng lái xe như thế nào, ông này làm chi, ông tê mần gì và oai vệ ra làm sao. Hết chuyện lính là qua chuyện làng nước, tục lệ ở rể, cưới hỏi vợ... có nhiều vị chấm cô em xinh đẹp, ở rể mấy năm thì gia đình gả cô chị xấu đui. Ngoại nhớ chi kể đó, rồi ông Ngoại kể một lần về quê sửa nhà cửa, đi mua vật liệu khó khăn, may sao gặp Đại tá Nguyễn Ấm là người rất quý ông Ngoại - ông Ấm đã ký giấy mua xi măng cái rẹc, xe chở về tận làng An Giạ - Đại Tá Nguyễn Ấm là Tỉnh Trưởng Quảng Trị, quê ở Quảng Bình. Ông Ngoại kể luôn "kinh nghiệm" nhìn phụ nữ và đoán phúc hậu hay không, nôm na ngực phụ nữ mà hai núm ở giữa là nuôi con dễ - bụ mướp càng lắm con, hai núm dính gần nhau là hại con, xa ra hai bên là con khôn... đùi phụ nữ có con rồi thường có đường lõm sâu vào chạy dọc... Tui tin chắc không ai được ông Ngoại kể cho nghe "thâm cung bí sử" như vậy.

Những năm trước ông Ngoại còn khỏe, con cháu ai muốn nhờ gói đôi cặp bánh chưng là ông mần cho. Vui lắm, không khí tết là đó chứ đâu. Gói bánh đòn (bánh tét) thì đa số ai cũng mần được, gói dễ hơn bánh chưng. Bây giờ ông Ngoại tuổi cao rồi, nên không còn gói bánh chưng như ngày xưa cũ nữa. Ngoài chợ bây giờ bày bắn đủ hết, nhiều dịch vụ ăn theo ngày tết, muốn gì là đặt mua, không cần chuẩn bị gì cho cực.

Giọng hát của người con Quảng Trị - cố ca sĩ Duy Khánh vang lên một ca khúc "Xuân này con không về" của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân: "... ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui, nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi. Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng, trông bánh chưng ngồi chờ sáng, đỏ hây hây những đôi má đào..."

Tui chợt nhớ về những cái Tết năm xưa ở Khe Sanh: "Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa - Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa...". Pháo nay cũng đâu còn được đốt, Tết cũng nhạt dần theo sự phát triển với hòa nhập. Chỉ còn trong ký ức những cái tết năm cũ, nhẹ nhàng, an bình... tình người thương quý, đậm đà sắt son, giá trị chữ tình cao hơn chữ tiền. Thời nay, người ta có thể bỏ nhau - từ mặt chỉ vì đụng đến nồi cơm, ảnh hưởng đường công danh sự nghiệp, tình ruột thịt với họ hàng nhẹ tựa mây khói, có hay không cũng mặc kệ. Hình như trong khổ cực tình người mới thắm đượm, thoát nghèo rồi tư tưởng cũng khác ngày xưa.

27 Jan, 2021
Đinh Thanh Hải
(15 tháng Chạp - tháng củ mật)
 
Top