BÀ NỘI TÔI

ĐINH VĂN PHONG

Thành viên mới
Bài viết về Bà Nội Bác của Đinh Văn Nghiêu
BÀ TÔI
(Để tưởng nhớ Bà nhân ngày 8/3)
Cụ bà: Hồ Thị Đáng. (1886 - 1976)
Đã hơn ba mươi năm qua từ ngày Bà mất đi chúng tôi cứ ước hẹn cứ đến ngày kỵ giỗ Bà thì dù xa xôi cách trở hay hoàn cảnh nào cũng nhớ về hội ngộ, vào viếng mộ Bà, quỳ lạy thắp nén hương trước di ảnh trên bàn thờ người đã khuất.
Chúng tôi bây giờ đã luống tuổi rồi, người trẻ nhất cũng ngoài năm mươi, ngồi cùng nhau hàn huyên tâm sự, hồi tưởng lại những gì đã chứng kiến hay nghe kể lại về Bà làm chúng tôi vô cùng khâm phục và kính yêu Bà, con người giàu lòng nhân ái và đức hạnh. Bà tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu, nho giáo có ba chị em, Bà là con út trong nhà, mẹ mất sớm, có dáng người thon thả và xinh đẹp có tiếng trong làng. Trước khi về làm dâu trong nhà, Bà đã có một chuyện tình trong sáng đáng trân trọng trong khoảng thời gian ba năm trước khi lấy chồng.
Hồi đó Bà vừa mười bảy tuổi, thường theo hai chị đi buôn từ biển lên nguồn. Trời chưa sáng, đã quang gánh trên vai đi xuống biển Tân An, Hà Bình mua cá rồi quay về gánh lên các xã miệt nguồn bán hoặc trao đổi lâm sản rồi đem về miền xuôi bán lại. Cứ thế ngày qua ngày tuy chân yếu tay mềm Bà vẫn được các chị dẫn theo cho thạo nghề mua bán. Hồi đó, dưới bến cá Hà Bình, chiều chiều ngư dân đi khơi về thường được các chủ vựa cá có vốn nhiều mua hết, sau đó phân loại bán cho các con nhà buôn. Qua thời gian, có một chàng con trai chủ vựa cá để ý làm quen và sinh lòng cảm mến nhưng vẫn im lặng, chàng trai chỉ đặc biệt quan tâm và bày tỏ lòng mình bằng cách chọn toàn loại cá tươi ngon để dành riêng cho chị em Bà, xuống là có ngay, bà trao tiền rồi vội quay về sớm để tránh nắng... Đi một quãng xa rồi nhưng chàng trai vẫn đăm đăm nhìn rồi vội vã bước theo và xin được gánh giúp. Ban đầu bà còn e dè từ chối, nhưng sau rồi cũng đồng ý. Vượt qua trảng cát Tân An rồi đến Chợ Được, Tất Viên, chàng trai mới trao gánh cá lại cho bà tiếp tục cuộc hành trình. Cứ thế thời gian gần ba năm, tình cảm ngày càng sâu đậm, cha chàng trai sắm lễ lên nhà ông cố thăm chơi và ngỏ lời xin được kết làm sui gia. Ông cố không từ chối nhưng đưa ra điều kiện là cưới xong phải gửi rể vì Bà tôi là con út trong nhà, hai chị đã có chồng ngoại xã, còn ông kia thì xin được rước dâu vì ông chỉ có chàng trai là con trai duy nhất trong nhà. Mối tình thầm lặng đó xem như kết thúc và từ đó ông cố tôi giữ con ở nhà lo chuyện nội trợ và không bao lâu sau ông Nội Bác tôi cưới Bà và ở luôn nhà vợ vì ông Nội Cố tôi có nhiều con trai.
Sống với nhau chưa được bao lâu thì ông Nội Bác tôi đoản mệnh qua đời khi bà mới hai mươi sáu tuổi với đứa con trai chưa đầy một tuổi. Nỗi đau chồng chết chưa nguôi thì hai năm sau ông Cố tôi cũng qua đời. Cảm thương cho Bà trong khoảng thời gian ngắn đã phải mất đi người chồng thân yêu cùng người cha tôn kính..Từ đây trong gian nhà hiu quạnh, Bà sống cô đơn, thủ tiết thờ chồng, nuôi con, Vừa quán xuyến mọi việc trong ngoài. Khổ nỗi cho Bà còn quá trẻ, đang độ tuổi thanh xuân, lại vừa sinh con đầu lòng nên nhan sắc bà lại càng thêm xinh đẹp bội phần khiến cho bao chàng trai trong làng si mê, lượn lờ trước ngõ, thêm mấy ông chức dịch trong làng mượn cớ đi thu thuế đinh, thuế điền cứ ghé lại nhà. Bà ý tứ tế nhị têm trầu, pha nước chè mời khách mời khách xong rồi đi xuống nhà dưới lấy nón bồng con, lén ngã sau lên nhà ông Nội Chú. Nhiều lần chẳng được gì, rốt cuộc các ông đành từ bỏ ý định ve vãn Bà. Đêm về khi cơm nước xong dọn dẹp mọi thứ, Bà đóng cổng trước sau rồi bồng con vào buồng cài then kỹ lưỡng, bên ngọn đèn dầu leo lét, với nỗi buồn lo chồng chất, đêm qua đêm Bà âm thầm lặng lẽ với nỗi cô đơn.
Ông Đinh Đáng: Con trai duy nhất của bà cụ Hồ Thị Đáng
Bà Trần Thị Tư : Dâu chánh của bà cụ Hồ Thị Đáng
Là con trai một, Bác tôi được Bà cưng chìu hết mực, ngoài chuyện học hành ông không bao giờ giúp đỡ gia đình dù là những việc nhỏ nhặt. Bác trai tôi ngao du cùng đám bạn bè ăn chơi, cờ bạc đến nỗi Bà tôi phải nhờ ông Nội Chú răn dạy nhưng chẳng ăn thua gì, thậm chí có lần Bà tôi vừa bán con bò nhà quá tuổi để lấy thêm tiền nhờ người đi tìm mua bò khác về cày. Bác tôi giả vờ nằm ngủ nhưng lắng tai nghe tỏ tường mọi sự, đợi người đó cầm nón đi một đoạn khá xa, Bác tôi vội đi theo bảo người đó đưa tiền lại để ông đi thay. Thế là Bác tôi cầm món tiền đó đi ngay vào sòng bạc xóm ông Hương Trà, Hương Lộc đánh suốt đêm, sáng ra về nhà trắng tay. Bà tôi vừa giận, vừa khóc, thế là mất toi con bò vì thói ăn chơi bạt mạng của Bác tôi. Sau nầy khi lập gia đình, Bác tôi nhờ bạn bè tốt bụng khuyên nhủ nên ông từ bỏ chuyện đỏ đen. Đến khoảng năm 1936 ông đã tham gia cách mạng liên tục và sau năm 1945 đã là cán bộ cấp huyện trong thời kỳ 9 năm chống Pháp, đến năm 1954 Bác tôi bị địch bắt, giam cầm, tra tấn đến chết. Sau nầy đã được nhà nước truy tặng liệt sĩ.
Một buổi sáng mùa hè năm 1965, Bà tôi lên nhà ông nội tôi có việc, bọn tôi ngồi chơi dưới tàng bóng mát của cây xoài, cây thị trước ngõ nhà, bỗng thấy một ông lão cao to, tay cầm dù, vai mang túi xách đi vào hỏi thăm Bà tôi. Mời khách ngồi trên bộ phảng, rót nước mời xong tôi vội chạy lên thưa chuyện với bà có khách. Vừa thấy Bà tôi về đến nhà ông lão vội đứng lên chào và hỏi:
- Bà có nhận ra ai đây không?
Nghe tiếng nói, Bà khựng lại giây lát, giọng nói quen quen, dĩ
vãng hiện về….Bà ngước nhìn ông rồi dịu giọng trả lời:
- Cám ơn ông bạn cũ đến thăm sau bao năm xa cách.
Nói chuyện hồi lâu, ông khách mới mở túi xách, lấy quà tặng cho
bà mấy chục mực nang khô, mấy xâu cá hố dài thượt và hai chai
nước mắm cá cơm nguyên chất, cuối cùng là chai rượu nhỏ. Ông
nhìn Bà thắm thiết và nói giọng đủ nghe, nhờ Bà đem lên hai cốc
nhỏ, và tem dùm hai miếng trầu. Ông trịnh trọng rót rượu vào hai
cốc và đứng lên nói với bà rằng:
- Dù thời gian qua đi quá dài, hai người đã có gia đình, mặc dù
tuổi đã xế chiều nhưng lòng tôi luôn nhớ về Bà, xin chia sẻ
những sầu buồn mà bà phải gánh chịu. Những năm qua, khói lửa
chiến tranh ác liệt, nhất là thời gian gần đây quê của tôi ngày nào
cũng bị đạn pháo, máy bay ném bom bắn phá dữ dội, không biết
rồi sẽ sống chết lúc nào. Tôi lo sợ sự không may sẽ đến với mình
nên điều tôi mong muốn nhất lúc nầy là phải đến thăm, gặp bà
lần cuối là tôi mãn nguyện lắm rồi.
Bà của tôi nghe ông ta nói vậy cũng chừng như xúc động lắm.
Những kỷ niệm của thời còn con gái như hiện ra trong tâm thức
của Bà, con đường quen thuộc xuống vùng cát trắng Tân An, Hà
Bình của hơn 60 năm về trước. Bà chỉ ngồi lặng lẽ mà chẳng nói
câu nào. Ông nói tiếp:
- Giữa chúng ta không nên duyên vợ chồng nhưng tôi luôn quí
trọng Bà, bây giờ tôi mời Bà cùng uống cốc rượu nầy và ăn
miếng trầu tình nghĩa, lần nầy về cũng là lần vĩnh biệt, chúc Bà
mạnh khỏe để sống với cháu con.
Bà tôi cảm động, rơm rớm nước mắt và nói với ông:
- Lâu ngày gặp nhau là mừng sao ông nói chi lời xúi quẩy.
Sau đó bà mời ông ở lại dùng cơm trưa với gia đình, mãi đến xế chiều ông mới từ biệt. Bà tôi tiễn ông ra tận ngõ, ông ngậm ngùi nhìn bà hồi lâu rồi quay gót bước đi.
Sau này khi hòa bình lập lại, bà bảo chúng tôi xuống hỏi thăm
tin tức gia đình ông như thế nào. Chúng tôi xuống tới thì thấy nơi nầy trơ trọi, toàn là bãi cát dài tít tắp, những hàng dương mới trồng chưa kịp kín đất. Hỏi thăm người dân địa phương thì được biết rằng vùng này thời chiến tranh là vùng đất trắng, tự do oanh kích, một số người chết, số còn lại chạy loạn phương xa, chưa thấy trở về.
Quay lại chuyện cũ. Qua năm 1972, tang tóc đau thương lại đến với bà khi người con trai đầu của bác tôi tôi chết trong Quảng Ngãi đưa về dừng lại ở Hà Kiều (trước khi đi vào nghĩa địa). Bà tôi lần mò ra ngõ đứng ngó lên mà khóc. Lúc này Bà đã già, vì quá buồn đau và khóc quá nhiều nên đôi mắt bà bị mờ, việc đi lại trong nhà theo thói quen và cảm giác. Bà nghe nhiều tiếng chân đi ngoài sân hay giọng nói của ại đều đoán ra người đó. Công việc nhà tự bà làm, đồ vậy để rất ngăn nắp và vừa tầm tay nên lúc cần Bà không gặp trở ngại nào.
Cụ bà Hồ Thị Đáng lúc 86 tuổi
Sau giải phóng (1975), gia đình chúng tôi lần lượt về quê sinh sống, làm lại từ đầu nên kinh tế hết sức khó khăn, phải đi mướn đất canh tác lúa khoai sống qua ngày. Bà khuyến khích, động viên chúng tôi cố gắng đi làm để nuôi con, còn việc cơm nước ở nhà để Bà lo cho, đừng có bận tâm.
Một buổi sáng mùa đông năm 1976, anh em chúng tôi đèo nhau vào Phước Mỹ (Bình Quí) làm đất tỉa đậu. Đã lâu lắm rồi bây giờ mới cầm cuốc lao động chân tay nên mau mệt và đau ê ẩm cả người nhưng phải cố sức vì sau ngày chạy loạn chúng tôi mất hết tài sản, nay phải làm lại từ đầu. Đang mải miết đánh hàng bỏ đậu thì đến khoảng 11h trưa có người nhà chạy vào báo tin Bà đã qua đời. Chúng tôi bàng hoàng sửng sốt vì trước khi đi làm Bà vẫn mạnh khỏe, chẳng có ốm đau gì cả. Về đến nhà, mọi người đến thăm đông nghịt, chúng tôi quỳ xuống bên Bà mà lòng quặn đau khôn xiết. Bà nằm đó, thanh thản lạ thường. Bà bận bộ đồ mới như sắp đi dự đám rồi nằm trên giường đắp tấm chăn mỏng ngang mình, hai tay để ngay trên ngực. bà đi vào giấc ngủ an lành như Bà biết trước. Đến giờ phút cuối đời, bà vẫn lo chu toàn cho con cháu, khi xuống bếp thấy nồi cơm to đã chín, vần trên tro nóng, nồi nước chè đang sôi trên bếp mà lòng bồi hồi thương cảm khôn nguôi. Chúng tôi an táng Bà trên đám ruộng gần Tiên Nông theo như lời Bà dặn mà hồi sinh thời Bà đã chắt chiu dành dụm mới mua được. Qua năm 1980, khi Hợp tác xã nông nghiệp thành lập, chúng tôi mới cải táng đem về chôn bên mộ phần ông nội Bác (chồng Bà). Cuối cùng thì châu về hợp phố, từ đây hai ông bà sẽ không còn phân cách nữa.
Hơn chín mươi năm qua, bà đã có bảy mươi năm chịu cảnh góa bụa, thờ chồng nuôi con cháu, hầu như đời Bà chưa có mùa xuân. Bà âm thầm lặng lẽ, nhẫn nhục, chối bỏ mọi cám dỗ ngoài đời, khép mình sắt son một dạ, sống hòa đồng được mọi người thương mến. Nếu như xưa kia, thời phong kiến chắc bà tôi sẽ được vua ban tấm biển vàng “TIẾT HẠNH KHẢ PHONG” để tôn vinh một người đàn bà mẫu mực kiên trung, Còn giờ đây, xét tiêu chí thì Bà tôi xứng đáng với danh hiệu “BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG”. Đó là danh xưng ban tặng ngoài đời, riêng chúng tôi luôn tâm niệm với lòng tôn kính, thương yêu Bà như một BÀ TIÊN trong chuyện cổ tích ngày xưa, như vị Quan Âm Bồ Tát muôn đời đẹp mãi.
Hà Lam một ngày đầu xuân năm Tân Mão (2011)
Cháu :Đinh Văn Nghiêu
Đinh Văn Nghiêu tại Từ Đường tộc Đinh Văn (Hà Lam)
 
Top