Anh hùng Đinh Trọng Lịch, chuyện bây giờ mới kể

30_4_1_5_39.jpg
Di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Tiến Truật, xã Đô Lương

Xã có hai làng là Tiến Trật và Phú La. Làng Tiến Trật do các vị tiên công họ Vương, họ Nguyễn từ Quỳnh Côi; họ Trần, họ Bùi từ Hải Dương, Hưng Yên sang; họ Đỗ từ Thanh Hóa ra khai khẩn, lập thành. Làng Phú La do bốn vị họ Nguyễn, họ Vũ, họ Đinh, họ Trần từ Đô Kỳ sang lập nên. Hiện nay, họ Đinh chiếm đến một nửa làng Phú La. Cụ tiên công họ Đinh sinh được hai con trai, nên họ Đinh chia làm 2 ngành. Ngành Đinh của Đinh Trọng Lịch là ngành trên. Người dân Đô Lương rất tự hào về truyền thống yêu nước và văn hóa của mình, bởi ngay từ đời Lý, nhiều thanh niên ở đây đã gia nhập đạo quân của Thái úy Đặng Thiện Thành đi chiến đấu chống quân xâm lược Chiêm Thành.

Thời Lê, Đô Lương là một trong những địa phương xuất lương, giao quân cho tướng quân Nguyễn Phục đánh giặc phương bắc… Trong các cuộc khởi nghĩa của Ba Vành, Đốc Nhưỡng… đều có người của Đô Lương tham gia. Kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Đô Lương đã đóng góp cho chiến trường hàng trăm tấn lương thục, hàng ngàn tấn thực phẩm. 114 người con của Đô Lương đã vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường… Đô Lương cũng là quê hương của Đỗ Toàn. Đỗ Toàn sinh Đỗ Toại, Đỗ Toại sinh Đỗ Cảnh, cả ba cha con, ông cháu đều đỗ đại khoa ( Tiến sỹ ), hiện nay, bia Tiến sỹ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám của họ vẫn còn.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là so với nhiều xã của Đông Hưng hiện nay thì Đô Lương vẫn còn nghèo lắm. Ngoài hạt lúa, người dân không còn ngành nghề nào khác. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2007 mới đạt 5,1 triệu đồng. Nhà Đinh Trọng Lịch lại là một trong những hộ nghèo của xã. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Nguyên tâm sự:

- Địa phương đã đưa hộ cụ Cần, mẹ anh hùng liệt sỹ Đinh Trọng Lịch, vào chương trình xóa nhà dột nát cho hộ chính sách. Theo tiêu chuẩn thì mỗi hộ được 10 triệu đồng, nhưng 10 triệu thì không đủ làm nhà mới, mà thêm vào thì cụ không lấy đâu ra. Rất may, mới rồi Bệnh viện Quân y 354 đã làm tặng cụ một ngôi nhà, trị giá khoảng 60 triệu đồng.

Thân sinh anh hùng Đinh Trọng Lịch đã mất từ lâu. Mẹ Cần, thân mẫu của anh giờ đã ngoại tám mươi, đang ở cùng với chị Đinh Thị Biên. Sau khi Đinh Trọng Lịch hy sinh, thương cha mẹ, chị Biên quyết định không lập gia đình để có điều kiện chăm sóc cha mẹ. Năm 2006, mẹ bị ngã gẫy xương cổ quay mông, từ đó đến nay không đi lại được, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên giường, mắt mẹ lại lòa, nhưng tinh thần, đầu óc thì vẫn minh mẫn, tỉnh táo. Kể về những đứa con của mình, nhất là về Chiểu và Lịch, giọng mẹ thật dịu dàng, cứ y như thể hai anh vẫn đang sống, vừa có việc đi đâu đó quanh làng:

- Mẹ sinh được 5 đứa con, Chiểu là con cả, rồi đến hai gái là Khu, Biên. Thằng Ru thứ tư, Lịch là út. Bốn đứa trên, đứa học cao nhất cũng chỉ hết cấp II (hồi đó là lớp 7). Lịch thông minh nhất nhà, cả cấp I và cấp II đều học rất giỏi, được tuyển thẳng vào cấp III. Được tin ấy bố mẹ rất mừng. Vợ chồng bảo nhau, dù có phải bán nhà cũng quyết cho nó học đến nơi đến chốn. Nó học là học bù cho cả nhà. Vào cấp III, Lịch cũng học rất giỏi. Nhưng năm 1978, tốt nghiệp cấp III, Lịch không thi vào đại học mà lại tình nguyện đi bộ đội. Thú thật là lúc đầu, bố mẹ cũng rất băn khoăn. Có ba đứa con trai thì Chiểu đã hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1969. Ru nhập ngũ năm 1976, đang đóng quân ở biên giới phía Bắc. Nhưng rồi trước nguyện vọng thiết tha của Lịch, bố mẹ cũng chiều lòng…

Nhìn lên bàn thờ, chúng tôi thấy se lòng. Trên đó là ba tấm di ảnh. Cụ Đinh Trọng Trác, thân sinh của anh, ngự ở giữa. Hai bên là hai chiến sỹ mặc quân phục, đều còn trẻ măng và rất giống nhau. Đinh Trọng Chiểu bên trái, bên phải là Đinh Trọng Lịch. Cả hai đều hy sinh ở tuổi 20. Trên hai tấm di ảnh của hai anh là hai tấm bằng “ Tổ quốc ghi công ”… Lúc đó, anh Ru vừa đi đâu về, thấy có khách, anh sang ngồi tiếp chúng tôi. Nhà anh và nhà mẹ kề sát nhau trên cùng một thửa đất. Ru là Đảng viên. Giải ngũ, anh về quê, tham gia liền hai khóa BCH Đảng ủy xã, là Ủy viên Thường vụ, hiện giờ đã nghỉ công tác. Anh được ba con, hai trai một gái. Người con đầu của anh cũng đang ở quân đội. Nhắc đến người em út của mình, đôi mắt anh bỗng trở nên xa xăm:

- Em tôi đi bộ đội năm 1978. Lúc đó đơn vị tôi đóng ở Lạng Sơn. Tình hình biên giới đang vô cùng căng thẳng. Được tin, tôi rất mừng vì em đã trưởng thành, đã trở thành đồng đội của mình. Thế rồi chiến tranh xẩy ra, đơn vị tôi bị cuốn vào cuộc chiến… Đầu năm 1980, chiến tranh vừa chấm dứt được độ 1 năm, một hôm tôi nhận được điện của Lịch, nói cần gặp tôi ngay. Cầm tờ điện tín, tôi hoang mang không biết đã xẩy ra chuyện gì. Hồi ấy đâu có nhiều điện thoại bàn hay điện thoại di động, liên lạc dễ dàng như bây giờ. Tất cả phải qua bưu điện. Họ đánh điện lên bưu điện trên ấy. Bưu điện ghi vào bức điện, chỉ dăm sáu chữ, đại loại “ mẹ ốm nặng về ngay ” hay “ vợ tai nạn về ngay ”… rồi chuyển đến tay người nhận. Tôi xin phép đơn vị rồi lập tức lên đường. Đến nơi, mới biết do em tôi lập nhiều thành tích trong rèn luyện và công tác, nên được cấp trên cử về Trường văn hóa Quân khu ôn luyện để tiếp tục thi đại học. Nhưng em không muốn đi, và đã viết đơn xin được “ lấy đại đội 2, tiểu đoàn đặc công 41 làm trường đại học lớn nhất của mình ”. Sợ cấp trên không đồng ý, nên em điện cho tôi về để cùng đề đạt nguyện vọng …

Còn chị Đinh Thị Khu, chị gái của Lịch, thì mỗi lần nhắc đến em mình, lại không cầm được nước mắt:
Năm 1980 em Lịch được thưởng phép, về nhà được mấy ngày. Nhìn em cao lớn, rắn rỏi, ăn nói chững chạc, đàng hoàng, tôi mừng lắm. Hôm đi, tôi cho em hai mươi đồng, phải động viên mãi em mới lấy. Lên đơn vị một thời gian, gia đình nhận được thư của em, báo tin em đã được kết nạp Đảng, cả nhà đều mừng. Nào ngờ chỉ mấy ngày sau thì nhận được tin em hy sinh…Trong những di vật của em mà sau này đơn vị gửi về cho gia đình, có mười đồng, đơn vị nói là số tiền trong sổ tiết kiệm của em. Lúc đó tôi mới biết, hai mươi đồng tôi cho ấy, em chỉ dùng mười đồng mua sách đọc, còn mười đồng thì gửi tiết kiệm (còn nữa)
TRẦN NINH THÙY - Báo Nông nghiệp VN
ve-lang-uong-ruou-2.jpg
Làng Phú La - Đô Lương, Đông Hưng, Thái Bình - Ảnh: Nhà văn Nguyễn Thành Phong, quê hương Nhà văn

Theo bài báo trên: Xã Đô Lương, huyện Đông Hưng, tiếp giáp với làng Đô Kỳ, nay là xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Xã có hai làng, làng Tiến Trật và làng Phú La. Làng Phú La do bốn vị họ Nguyễn, họ Vũ, họ Đinh, họ Trần từ làng Đô Kỳ sang lập nên. Hiện nay, họ Đinh chiếm đến một nửa làng Phú La. Cụ tiên công họ Đinh sinh được hai con trai, nên họ Đinh chia làm 2 ngành. Ngành họ Đinh của Đinh Trọng Lịch là ngành trên.

Như vậy, có thể nói: Họ Đinh ở làng Phú La, xã Đô Lương, cội nguồn từ họ Đinh ở vùng đất Nông Kỳ ( Đô Kỳ - Y Đốn) chuyển sang định cư.

Việc liên lạc giao lưu giữa các Chi, Phái của dòng họ Đinh vùng đất Nông Kỳ ( ở các xã Đông Đô, Tây Đô, Chi Lăng huyện Hưng Hà, xã Lô Giang và Minh Tân, huyện Đông Hưng). Như: Giỗ Tổ ngoại họ Đinh ( Bà Sang, cách đây trên 600 năm ) tại xã Tây Đô. Lễ hội đền Bà Quốc Mẫu Ngô Thị Ngọc Giao tại xã Đông Đô. Lễ Tổ họ Đinh tại xã Chi Lăng. Thường có đại diện các Chi, Phái họ Đinh ở các xã trên đến dâng hương, thăm hỏi và bàn việc họ. Nhưng chưa thấy họ Đinh ở xã Đô Lương, huyện Đông Hưng.

Có lẽ do loạn lạc, như việc ông Đinh Đốc Nhưỡng khởi nghĩa đánh Pháp … con cháu dòng họ phải ly tán. Do thời buổi chiến tranh, kinh tế khó khăn, nên việc quan tâm giao lưu huyết thống bị sao nhãng chăng …

Hiện nay, điều kiện để gắn kết dòng họ đã có rất nhiều thuận lợi. Địa bàn tỉnh đã có Ban liên lạc họ Đinh tỉnh Thái Bình, các huyện trong tỉnh đều có Ban liên họ Đinh của huyện. Theo tôi được biết, Ban liên lạc họ Đinh tỉnh Thái Bình đang tiến hành khảo sát chắp nối giữa các Chi Phái họ Đinh; điều tra khảo sát các di tích lịch sử có liên quan đến dòng họ ở Thái Bình. Thông tin trên cũng góp phần nhỏ bé để xây dựng việc họ Đinh ta.


Đinh Danh Vùng
 
Top