Thực trạng Đền Gôi Vị ở Sơn Hòa - Hương Sơn - Hà Tĩnh: "Nỗi đau không của riêng ai"

Đinh Nho Anh

Thành viên mới
864
Toàn cảnh cổng đền (chụp năm 2000, trước khi được công nhận DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH)


Xin kính chào bà con dòng họ Đinh trên khắp cả nước đồng kính gửi tới bà con dòng họ Đinh Nho (Hương Sơn - Hà Tĩnh) nói riêng!

Tôi là Đinh Nho Anh thuộc đời thứ 19 của dòng họ Đinh Nho ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Là một người con thuộc thế hệ trẻ nhưng tôi rất tâm huyết với dòng họ và trong tâm luôn hướng về cội nguồn Tiên Tổ. Tôi rất đỗi tự hào khi được mang trong mình dòng họ Đinh và luôn hướng mình theo đúng lời dạy "Uống nước nhớ nguồn" của cha ông xưa. Chính vì vậy tôi muốn gửi một đôi dòng tâm sự ấp ủ bấy lâu để cùng chia sẻ với mọi người, đặc biệt là bà con dòng họ Đinh Nho chúng ta! Trước tiên xin phép bà con dòng họ Đinh trên khắp cả nước cho tôi được chia sẻ những tâm sự này vì đây là vấn đề mang tính "cá nhân" và sau là muốn trực tiếp gửi gắm tâm sự này tới bà con dòng họ Đinh Nho.
Vấn đề tôi muốn đề cập ở đây đúng như tựa đề của bài viết, đó là về thực trạng của đền Gôi Vị, nơi linh thiêng và đầy ý nghĩa tâm linh đối với người dân xã Sơn Hòa - Hương Sơn - Hà Tĩnh, đặc biệt là riêng dòng họ Đinh Nho của chúng ta. Để quý độc giả tiện theo dõi, tôi xin trình bày nội dung bài viết theo hai phần như sau:


Phần 1: Giới thiệu về nguồn gốc lịch sử Đền Gôi Vị và ý nghĩa tâm linh của ngôi Đền đối với dòng họ Đinh Nho
Phần 2: Thực trạng Đền Gôi Vị hiện nay

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
PHẦN 1: GIỚI THIỆU VỀ ĐỀN GÔI VỊ VÀ Ý NGHĨA TÂM LINH CỦA NGÔI ĐỀN ĐỐI VỚI DÒNG HỌ ĐINH NHO
(Tư liệu: Gia phả dòng họ Đinh Nho ở Hương Sơn – Hà Tĩnh)


Đền Gôi Vị thuộc xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là một ngôi Đền được lập từ năm 1717 (năm Đinh Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13, đời vua Lê Dụ Tông), đền còn có một tên gọi khác là Đền bà Tiết Nghĩa. Đây chắc chắn là một ngôi đền có một không hai trong lịch sử nước nhà ta bởi vì đây là ngôi đền thờ bốn vị Phúc Thần của một dòng họ, đó là dòng họ Đinh Nho chúng ta. Bốn vị Phúc Thần mà tôi được vinh hạnh nhắc tới ở đây bao gồm người cha, hai người con ruột và một người con dâu:
Thứ nhất, người cha, tiến sĩ Đinh Nho Công (1637-1695). Ngài đậu Đệ tam Giáp đồng tiến sĩ năm Canh Tuất 1670, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 vua Lê Huyền Tôn. Đến đời Cảnh Hưng, Ngài được tấn phong “Anh Nghị Đại Vương” (còn gọi là “Đại Vương Phụ”) và được bản triều (tức triều Nguyễn) gia phong “Đoan túc dực Bảo Trung hưng Phúc Thần”.
Thứ hai, người con thứ ba, tiến sĩ Đinh Nho Hoàn (1671-1716). Ngài đậu Đệ nhị Giáp tiến sĩ (triều Nguyễn đổi danh gọi là Hoàng Giáp) năm Canh Thìn 1700, niên hiệu Chính Hòa thứ 21, đời vua Hy Tôn. Đến đời Cảnh Hưng, Ngài được tấn phong “Đắc Đạt Đại Vương” (còn gọi là “Đại Vương Tử”) và được bản triều (tức triều Nguyễn) gia phong “Tuấn hưng lượng trực Đoan túc dực Bảo Trung hưng Phúc Thần”.
Thứ ba, người con thứ sáu, tổng binh hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn (?-?). Ngài làm tri huyện phủ La Sơn, quản quân đốc lĩnh ở Đông Thành, Lương Sơn. Ngài được nhà vua truy phong “Đoan túc dực Bảo Trung hưng Phúc Thần”.
Thứ tư, người con dâu, bà tiết phụ Phan Thị Viên (?-1716). Bà là vợ thứ hai của Ngài Đinh Nho Hoàn, chuyện kể rằng khi bà được gả cho Ngài Đinh Nho Hoàn thì vừa dịp Ngài được lệnh vua đi sứ, chẳng may trên đường đi sứ Ngài lâm bệnh nên qua đời, bà nghe tin nên đã lấy áo của chồng tặng bà lúc ra đi sứ thắt cổ tự vẫn. Việc bà tuẫn tiết, vua Lê cảm phục trước sự thủy chung son sắt của bà nên đã phong Phúc Thần và cho lập đền thờ bà, ban bảng vàng khắc chữ “Tiết phụ môn” treo ở Đền Gôi Vị bây giờ. Do đó đền còn có tên gọi khác là Đền bà Tiết Nghĩa.


Trong bài tán bốn vị Phúc Thần thuộc họ Đinh Nho chúng ta của Thái bộc tự khanh Đinh Hy Tăng (tức cụ Đinh Nho Tĩnh) có đoạn viết:
“...Trên hộ nước, dưới che dân
Một nhà bốn vị Phúc Thần vinh bao…”

Trong Đền Gôi Vị còn có một chiếc Khánh đá được đặt tên là “Khánh Mặc Trai” do Ngài Đinh Nho Hoàn cho mang từ Cao Bằng về từ thời Ngài còn làm Đốc trấn Cao Bằng. Trên chiếc Khánh đá này có khắc bài văn của Ngài và được chuyên gia giỏi của Viện Hán Nôm là Ngô Đức Thọ phiên âm và chú thích như sau:
“Phàm vật ở yên thì lặng, gõ vào thì kêu. Những âm thanh phát ra thì mỗi vật mỗi khác, âm thanh của Khánh trong trẻo có tiết tấu nhẹ mà cao vang tựa như có cái cao thượng của con người. Ta vì vậy mà yêu thích âm thanh của Khánh bèn xuất tiền đúc một chiếc treo phía bên trái am đặt tên là Khánh Mặc Trai để tăng thêm ý chí”


Như vậy Đền Gôi Vị có một ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với dòng họ Đinh Nho chúng ta và cả những người dân làng An Ấp bấy giờ (sau này là xã Sơn Hòa). Tương truyền trong thời chiến tranh bom rơi lửa đạn khắc nghiệt, nhờ sự linh thiêng của ngôi đền mà không có một quả bom nào rơi vào mảnh đất thân thương này nên bà con rất quý trọng và nhang khói thường xuyên như là sự tri ân của họ đối với ngôi đền.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

PHẦN 2: THỰC TRẠNG ĐỀN GÔI VỊ HIỆN NAY
(Tư liệu: Bác Đinh Nho Quỳ - Tộc trưởng dòng họ Đinh Nho hiện nay)


Phần này tôi xin được trích dẫn dưới dạng “Phóng sự ảnh” do bác Đinh Nho Quỳ mới tổng hợp lại với những tấm hình được chụp trong tháng 7/2013.
Lời dẫn của bác Đinh Nho Quỳ: Năm 2006, nhờ “kêu van tợn” mà ĐỀN GÔI VỊ (ở xã Sơn Hòa - Hương Sơn - Hà Tĩnh) mới được công nhận DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH! Thế nhưng từ đó đến nay ngôi đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng.



865
Tường của cổng phía phải tuy chưa đổ nhưng cũng bị nứt toang hoác


866
Góc trái tường của cổng đền bị đổ sau trận lụt năm 2002 (vị trí bị đổ là cửa TÒ VÒ)

867
Mặt tiền của ĐỀN sau khi đã có kinh phí sửa chữa, đã có sơn, quét lại vôi, tô lại câu đối nhưng chất lượng sửa chữa thế nào mà bây giờ tường loang lỗ, câu đối thì chẳng đọc ra chữ nữa


868
Phía sau Thượng điện có một cái AM xây bằng gạch vồ (tương truyền là nơi bà Phan thị thắt cổ) lâu ngày trở thành hoang phế, cây ráng rèo và cỏ dại mọc um tùm; Góc phải ảnh là tường sau của Thượng điện, góc trái chỗ “lấp ló trong lùm cây cỏ” là AM


869
Phía trước và sân Thượng điện: cánh cửa đã hư hỏng nặng nhưng lần cấp kinh phí sửa chữa sau khi công nhận di tích là 50 triệu đồng (???) mà hạng mục này không được duyệt và sửa chữa. Hai con voi đá và chiếc bể cạn nguyên khối bằng đá Thanh vốn trước nằm ở trước sân gạch mặt tiền, nơi xưa có sân gạch và hồ bán nguyệt


870
Giá đỡ Khánh Mặc Trai bị mọt, mục xâm hại chưa biết đổ sập lúc nào


871
Một góc mái nhà che Khánh Mặc Trai


872
Biển đề “TIẾT PHỤ MÔN” do nhà Vua sắc phong năm 1717, phía trong cùng là bằng công nhận DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH


873
Bằng công nhận DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH (cấp năm 2006)


Với những hình ảnh trên của bác Đinh Nho Quỳ, tôi cũng như các độc giả rõ ràng nhận thấy sự xuống cấp trầm trọng của ngôi đền mà đã được Sở văn hóa thể thao và du lịch Hà Tĩnh cấp từ năm 2006 và đã giao cho chính quyền địa phương trùng tu sửa chữa. Tuy nhiên, ngôi đền linh thiêng này đã bị chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức trách bỏ vào quên lãng. Xót thương cho ngôi đền, nơi linh thiêng và là chỗ dựa tâm linh cho người dân xã Sơn Hòa qua nhiều thế hệ. Dòng họ chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi chính quyền địa phương quan tâm để trả lại cho ngôi đền sự nghiêm trang, tôn kính nhưng vẫn không có một phản hồi. Là một người con của dòng họ Đinh Nho, tôi càng đau xót hơn trước thực cảnh này. Hàng năm bố con tôi vẫn qua lại thắp hương trong Đền nhưng mỗi năm lại thêm một đau lòng trước sự vô cảm của chính quyền. Thiết nghĩ, Sở văn hóa thể thao và du lịch đã “khoác” cho ngôi đền “một chiếc áo” mang tên “DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA” nhưng chẳng thèm quan tâm đoái hoài gì đến “sức khỏe” của ngôi đền. Quả thật nếu như vậy, chúng tôi, những người con dòng họ Đinh Nho xin trao trả lại “chiếc áo” đó và “xin” cho chúng tôi toàn quyền được chăm lo cho “sức khỏe” của Đền Gôi Vị. Chúng tôi vẫn luôn dõi theo từng “nhịp thở” của ngôi đền.

Qua bài viết này, tôi cũng muốn kêu gọi toàn thể tất cả con cháu dòng họ Đinh Nho chúng ta có đi xuôi về ngược thì cũng ghé thắp nén tâm hương trong Đền kính dâng lên bốn vị Phúc Thần và cùng chung tay góp sức, đồng lòng để cứu lấy ngôi đền linh thiêng và đầy ý nghĩa tâm linh này. Đây là những suy nghĩ và mong muốn của cá nhân tôi muốn chia sẻ cùng mọi người. Xin chân thành cảm ơn và tiếp nhận những sẻ chia đồng cảm của quý độc giả! Trân trọng!



Tp. Hồ Chí Minh 8/2013

Đinh Nho Anh
 

Những đính kèm

  • 1 Toan canh cong den truoc khi cong nhan di tich chup 2000 cua To Vo con nguyen.jpg
    1 Toan canh cong den truoc khi cong nhan di tich chup 2000 cua To Vo con nguyen.jpg
    336.3 KB · Xem: 593
  • 2 Tường của cổng phía phải tuy chưa đổ nhưng cũng bị nứt toang hoác.jpg
    2 Tường của cổng phía phải tuy chưa đổ nhưng cũng bị nứt toang hoác.jpg
    431.3 KB · Xem: 530
  • 3 Góc trái tường của cổng đền bị dổ sau trận lụt 2012( chổ đổ là cửa TÒ VÒ.jpg
    3 Góc trái tường của cổng đền bị dổ sau trận lụt 2012( chổ đổ là cửa TÒ VÒ.jpg
    420 KB · Xem: 479
  • 4.jpg
    4.jpg
    290.8 KB · Xem: 486
  • 5.jpg
    5.jpg
    481.3 KB · Xem: 482
  • 6.jpg
    6.jpg
    388.6 KB · Xem: 445
  • 7 Giá đõ Khánh MẶC TRAI bị mọt ,mục xâm hại chưa biết đổ sập lúc nào.jpg
    7 Giá đõ Khánh MẶC TRAI bị mọt ,mục xâm hại chưa biết đổ sập lúc nào.jpg
    328.5 KB · Xem: 450
  • 8 Một góc mái nhà che Khánh MẶC TRAI.jpg
    8 Một góc mái nhà che Khánh MẶC TRAI.jpg
    325.8 KB · Xem: 462
  • IMG109.jpg
    IMG109.jpg
    1.4 MB · Xem: 453
  • 10 Bằng công nhận di tích LỊCH SỬ VĂN HÓA cấp Tỉnh (cấp năm 2006).jpg
    10 Bằng công nhận di tích LỊCH SỬ VĂN HÓA cấp Tỉnh (cấp năm 2006).jpg
    390 KB · Xem: 468
Last edited:
Cảm ơn tác giả Đinh Nho Anh đã viết bài phản ảnh một vấn đề rất đáng quan tâm. Là con cháu họ Đinh, chúng ta cần góp công sức và những gì có thể đóng góp để nâng cấp, sửa chữa ngôi đền. Mọi người hãy cùng nhau lên tiếng, đồng thanh lên tiếng để các cơ quan chức năng nghe thấu và quan tâm đúng mức. Các thành tích, chiến công, di tích, đặc biệt là đền thờ tôn vinh các vị tiền bối người họ Đinh đều là niềm tự hào và đáng trân trọng của mỗi người họ Đinh chúng ta đang sống hôm nay. Hãy cùng nhau lên tiếng trên mọi phương tiện thông tin mà ta có thể làm được!
Cũng nên tổ chức con cháu quyên góp thêm để trước mắt có tiền giải quyết các vấn đề cấp bách, ngoài ra có tiền để duy trì việc hương khói và bảo quản, tu sửa nhỏ, nếu có được nhiều hơn thì đề nghị Nhà nước cho con cháu tham gia một số hạng mục khi nâng cấp, sửa chữa.
Bài viết rất giá trị nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu tác giả cho bạn đọc biết lý do sự có mặt của khánh Mặc Trai ở trong đền Gôi Vị, vì khánh được đúc khi ngài Đinh Nho Hoàn sống mà đền thì xây dựng khi ngài đã mất.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn tác giả Đinh Nho Anh.
 
Top