LÀNG ĐỒNG DI, XÃ PHÚ HỒ TỔ CHỨC LỄ LẠC THÀNH

dinhnhulai

Moderator
Staff member
ngày 6 và 7 tháng 8 nĂM Qúy Tỵ, sau thời gian vận đông quyền góp được sự hưởng ứng của bà con dân làng trong và ngoài nước, Hội đồng tộc trưởng đã tiến hành thi công công trình nay đã hoàn thành viên mãn. Nhân dịp lễ làng thành nhà thờ "Tây từ", Hội đồng khuyến học của làng có tổ chức phát thưởng các em học sinh năm qua đạt kết quả tốt...
sau đây trích bài phát hiểu của Hội đồng tộc trưởng của làng.


PHÁT BIỂU CỦA HỘI ĐỒNG TỘC TRƯỞNG LÀNG ĐỒNG DI
MỪNG LỄ LẠC THÀNH AN VỊ TÂY TỪ VÀ LỄ THU TẾ, PHÁT THƯỞNG KHUYẾN HỌC THƯỜNG NIÊN NĂM QUÝ TỴ-2013.

Kính thưa quý vị quan khách,
Thưa bà con,

Làng có 2 xóm, ngoài ngôi đình làng, mỗi xóm có một nhà thờ gọi là Đông Từ và Tây Từ. Tây Từ đã có từ những ngày đầu thành lập làng, được xây dựng trên nền nhà cũ của Ngài Đệ nhất Khai canh Phạm Quang Hựu.
Hương phổ của làng chép: Thân phụ của Ngài Phạm Quang Hựu là Ký Lục Phạm Quang Đồng vào thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) vào Nam theo chủ trương của nhà chúa, đã đi về vùng phía đông làng Dạ Lê để khai hoang lập ấp. Lúc bấy giờ làng chỉ là một vùng trũng của đầm Sam đang được bồi lấp. Các Ngài be bờ, đào hói, dẫn nước ngọt vào, thau chua rửa mặn, trị phèn,… tạo nên làng mạc trù phú. Ngài Phạm Quang Hựu khai canh xóm Tây, còn em Ngài (không rõ tên) khai canh xóm Đông. Hai Ngài vừa có công khai phá lập nên làng, vừa học hành thi cử đỗ đạt, ra làm quan giúp nước. Sử nhà Nguyễn chép: “Phạm Quang Hựu, nho sĩ trúng cách khoa Chính đồ được bổ Văn chức, bạn với Thế tử Nguyễn Phúc Lan thời Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên. Khi chúa Sãi mất, Nguyễn Phúc Lan lên kế vị, khi ấy bào đệ của Lan là Nguyễn Phúc Anh ở Quảng Nam làm phản, ngài Phạm Quang Hựu khi đó đang làm Ký Lục ở dinh Quảng Nam bí mật báo về kinh nhờ đó chúa dẹp được loạn và ngài được phong chức Nội tán Tham khảm Chánh Dinh tước Vân Hiên hầu”. Trong quá trình làm quan, Ngài nổi tiếng là người cương trực, dám nói thẳng, sách Đại Nam thực lục chép lại một việc như sau: “Bấy giờ Chúa thấy biên cương không có gì đáng lo cho nên thường hay tổ chức vui chơi, đãi yến tiệc và sai xây dựng liên tiếp nhiều cung thất, công quán,… Quan giữ chức Nội tán người họ Phạm lúc này đã được ban tước Vân Hiên hầu thấy vậy liền can rằng:- Thần nghe, bậc vương giả lấy người hiền tài làm cột, lấy đức tốt làm thành, dẫu ung dung rũ áo chắp tay, vẫn vững bền như núi Thái sơn. Xưa kia vua Nghêu, vua Thuấn ở nhà lợp cỏ tranh không xén, xà ngang bằng gỗ không đẽo, vậy mà chư hầu vẫn cảm phục, bốn rợ đều mến đức, thế thì hà tất cứ phải nhà cao cửa rộng? Nay họ Trịnh ở trên thì lấn ép vua Lê, ở dưới thì ức hiếp công khanh, lại vốn có ý dòm ngó chúng ta, Chúa nên vì thế mà siêng năng lo lắng, xem xét thời cơ rồi mở mang bờ cõi. Nếu không nghĩ đến điều ấy mà chỉ chăm việc thổ mộc thì thần cũng chẳng rõ rồi sẽ ra sao! Chúa nghe xong đổi sắc mặt mà nói:- Việc này do thiên hạ xúi bẩy mà ra, thực ý ta không phải như vậy đâu. Nói xong, lập tức ra lệnh bãi bỏ các việc.” Ngài mất ngày 13 tháng 10 âm lịch, triều Duy Tân nhà Nguyễn (1909) Ngài được sắc phong là QUANG Ý DỰC BẢO TRUNG HƯNG, CHÁNH DINH NỘI TÁN, THAM KHẢM KHAI CANH, TRIỆU CƠ TÂY THỔ, VÂN HIÊN HẦU PHẠM QUÝ CÔNG TÔN THẦN. Tây Từ được dựng chính là để thờ và để tưởng nhớ đến công đức của Ngài vậy.
Ngoài Tây Từ, làng còn có Văn Thánh Miếu và từ đường của Ngài Quốc Sư Lê Cao Kỷ. Nhưng do chiến tranh và thời gian tàn phá các ngôi nhà nầy không còn nguyên vẹn nên làng đã rước linh vị của Ngài Quốc Sư về phụ thờ tại Tây Từ. Sử Nhà Nguyễn chép: Nguyễn Phúc Côn là con thứ hai của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát được lập làm kế tử. “Nguyễn Phúc Côn (thân phụ của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long sau này) được phong chức Chưởng cơ, cho ở tại phủ Dương Xuân, giao cho Nội hữu Cai cơ Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh, cùng với Thị giảng Tham nghị Tuấn Đức hầu Lê Cao Kỷ làm sư phó chăm lo dạy dỗ. Bình sinh Võ vương rất tin dùng người cậu ruột là Ngoại tả Đạt Quận công Trương Phúc Loan là một kẻ tham lam, nham hiểm, tàn bạo. Võ vương băng, Loan sợ mất quyền lực, liền âm mưu làm giả di chiếu sai Thái giám Chử Đức hầu và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thống ám sát Trương Văn Hạnh ngay trong phủ chúa, Lê Cao Kỷ lánh về Lương Văn cũng bị buộc tội chết theo lệ tam ban triều điển, Nguyễn Phúc Côn bị giam lỏng, sau đó lo buồn sinh bệnh mà chết, Trương Phúc Loan công bố tôn lập Nguyễn Phúc Thuần lúc ấy mới 12 tuổi lên kế vị.” Xét ngày làng tiến hành lễ chạp mộ và kỵ ngài Quốc sư là ngày 3 tháng 6 thì suy ra ngài bị Trương Phúc Loan ám sát vào ngày 20 tháng 7 năm 1765 (chỉ 2 tháng sau khi Võ vương mất). Triều Duy Tân Ngài được sắc phong QUANG Ý ĐOAN TÚC DỰC BẢO TRUNG HƯNG, CHÁNH DINH THỊ GIẢNG QUỐC SƯ, TUẤN ĐỨC HẦU LÊ QUÝ CÔNG TÔN THẦN.
Ngoài 2 vị ấy, Tây Từ còn thờ cúng các bậc Tiền hiền, các vị có công đức với làng, các họ vô tự,… Vậy Tây Từ chính là một di tích lịch sử văn hóa cổ, rất quý báu, rất có giá trị không những đối với tất cả dân làng mà còn đối với Tỉnh, với cả nước vì nó bổ sung rất nhiều tư liệu cho chính sử.
Thưa quý vị và bà con,
Qua nhiều biến cố thăng trầm, Tây Từ bị xuống cấp nghiêm trọng, hai chái bị sập, trang trí long phụng bị gãy đỗ, mái ngói dột nát, tường thấm nước làm tăng độ ẩm, đe dọa cấu kiện gỗ bên trong. Do vậy làng quyết tâm phải trùng tu lại Tây Từ bằng mọi cách và huy động tối đa mọi nguồn lực, nguyên tắc là phải giữ lại được dấu cũ, không làm mới di tích. Làng đã khảo sát hiện trạng, lên kế hoạch sửa chửa với kinh phí dự kiến ban đầu là 120 triệu đồng dựa vào sự đóng góp của bà con hai xóm Đông Tây đảm bảo 50% kinh phí, 50% còn lại dựa vào sự vận động tự nguyện của bà con dân làng ở trong và ngoài nước. Nào ngờ một lời kêu gọi có lý có tình, liền có được trăm lời ngàn lời hưởng ứng theo, sau khi bức Tâm thư của làng được gửi đi vào ngày 13 tháng 3 vừa rồi, tính đến ngày 2 tháng 9 theo danh sách đăng ký làng đã có được số tiền là 231.800.000đ vượt xa dự kiến. Có được thành quả trên đây là nhờ vào tấm lòng thơm thảo của bà con trong làng, tấm lòng tha thiết với quê nhà của bà con dân làng đang phải mưu sinh ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài. Nhân đây không thể không nhắc đến sự nổ lực của các Ban vận động ở các Tỉnh, Thành đặc biệt là sự nhiệt thành của Ban vận động Thừa Thiên Huế, làng nhiệt liệt tán dương và ghi nhận mọi sự đóng góp về tài lực và vật lực của tất cả bà con trong thời gian qua.


Thưa quý vị và bà con,
Chúng ta đang ngồi đây, trong khung cảnh trang nghiêm, ấm cúng của ngôi nhà thờ Tây Từ vừa được đại trùng tu với tổng kinh phí là 177.700.000đ nhưng vẫn giữ lại được nét xưa cũ như nhắc nhở chúng ta về công lao khai sáng và ân đức của người đi trước. Hôm nay, làng hết sức hân hoan, trang trọng tổ chức lễ lạc thành an vị, kết hợp với lễ thu tế và phát thưởng khuyến học thường niên để mong sao thế hệ sau sẽ có người làm rạng rỡ cho truyền thống văn hóa, văn học của làng, không phụ công lao của các bậc Tiền nhân.
Thật là:
“Hương đăng tỏa rạng khắp miếu đường.
Thần minh đức sáng chứng muôn phương.
Ngưỡng cầu mưa gió mùa màng thuận.
Dân làng chốn chốn sống yêu thương!”
Kính chúc sức khỏe tất cả quý vị, chúc bà con dân làng bình an, công việc làm ăn thuận lợi, tài lực dồi dào và nhất là luôn giữ được tình cảm mặn nồng với quê cha đất tổ.
Một lần nữa, xin cảm ơn và xin mời nâng cốc chung vui cùng với làng trong ngày lạc thành.
T/M Hội đồng Trưởng tộc làng Đồng Di
Phan Thanh Sơn
 

Những đính kèm

  • DSC08888.JPG
    DSC08888.JPG
    4.1 MB · Xem: 211
  • DSC08889.JPG
    DSC08889.JPG
    4.2 MB · Xem: 225
Top