Di tích đền Cồng

images947595_5c.jpg

Lễ hội đền Cồng xã Quỳnh Hưng & xã Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu, Nghệ An (ảnh mạng)

Đền Cồng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh, TP; được xây dựng vào năm 1471 ở làng Tiên Yên xưa, nay là xã Quỳnh Hưng và Quỳnh Bá, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một công trình lịch sử văn hóa, là thành quả của nhân dân địa phương tạo dựng nên để tôn thờ và tưởng niệm những người có công với dân, với Nước trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và các vị tiên hiền. Các vị thần được thờ tại đền là: Tướng Đinh Lễ, Tướng Đinh Liệt và 53 vị Tiên hiền.

Tướng Đinh Lễ người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông là cháu gọi Vua Lê Lợi bằng cậu, là người quả cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người, khi còn trẻ thường làm cận vệ cho Lê Lợi và theo Vua chiến đấu chống giặc ngay từ những ngày đầu gian khổ ở vùng núi Chí Linh. Trải qua nhiều năm vào sinh ra tử; ông được phong tới chức Tư Không và được ban quốc tính ( họ Vua ). Đinh Lễ là một trong những vị tướng dạn dày kinh nghiệm trận mạc và liên tiếp lập được nhiều chiến công hiển hách.

Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi cho quân bao vây bọn Lý An, Phương Chính ở thành Nghệ An, tháng 5 năm 1425 Đinh Lễ cùng em là Đinh Liệt được Vua giao nhiệm vụ vây hạ thành Diễn Châu ( Thành Trài ). Ông cùng em trai dựa vào địa thế hiểm trở của rừng Cồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mai phục tiêu diệt hơn 500 quân giặc, thu 300 thuyền lương, đuổi Đô Ty Trương Hùng tới tận thành Tây Đô (Thanh Hóa).

Tại rừng Cồng sau mỗi trận đánh, xác giặc nằm ngổn ngang, nhân dân phải chôn thành từng cồn gọi là mồ Cồn Giặc. Không chỉ giặc bị tổn thất, nghĩa quân Lam Sơn cũng không ít người đã hy sinh, nhân dân đã đem thi hài của quân sỹ chôn cất tại Đồng Phúc, Đồng Quách.

Cũng tại mảnh đất này, xưa kia là nơi nghĩa quân Lam Sơn tổ chức xưởng rèn đúc vũ khí, dấu tích đó vẫn còn lưu lại tới ngày nay với địa danh Cồn Rèn.

Tháng 11 năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã chớp thời cơ, đánh trận quyết chiến, chiến lược với quân Minh tại Tốt Động - Chúc Động. Tướng Đinh Lễ đã tham gia vạch kế hoạch và chỉ huy trận đánh góp công lớn cho chiến thắng này.

Năm 1427 ông hy sinh trong một lần truy đuổi kẻ thù. Nghe tin Đinh Lễ hy sinh, Bình Định Vương Lê Lợi vô cùng thương tiếc; đến năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, luận công ban thưởng cho Đinh Lễ được xếp ở vị trí thứ 2 trong 136 vị Khai quốc Công thần.

Năm 1471, để tưởng nhớ đến công lao to lớn của ông, Vua Lê đã hạ lệnh cho phép dân làng Tiên Yên lập đền thờ ngay trên mảnh đất đã một thời gắn bó với sự nghiệp đấu tranh oanh liệt của ông. Tên của Đền lấy địa danh của Làng để đặt, nhưng đồng thời cũng là tên loài cây đã một thời che chắn, bảo vệ cho Ông cùng các tướng sỹ nghĩa quân Lam Sơn khỏi mũi tên, lưỡi giáo của kẻ thù, đó cũng như một sự tri ân của người dân nơi đây dành cho người anh hùng nghĩa quân Lam Sơn thủa ấy. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484) vua Lê Thánh Tông truy tặng ông hàm Thái Sư, tước Bân Quốc Công. Sau truy phong là Hiển Khánh Đại Vương.

Để tri ơn ông, nhiều thành phố trên cả nước đã đặt tên Ông cho đường phố ở quê hương mình. Tại Thủ đô Hà Nội có phố Đinh Lễ bên Hồ Gươm. Tại thành phố Vinh, Nghệ An cũng có một con đường được vinh dự mang tên Ông.

Tướng Đinh Liệt là em ruột của tướng Đinh Lễ, người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, là cháu gọi Vua Lê Lợi bằng cậu, ông cùng anh trai theo Lê Lợi từ khi còn nhỏ và được ban quốc tính. Đinh Liệt là một trong số 19 người tham dự " Hội thề lũng Nhai " và kể từ đó, ông là tướng tâm phúc của Lê Lợi. Ông đã cùng anh trai Đinh Lễ, hạ thành Diễn Châu năm 1426. Cuối năm 1427, ông góp phần rất lớn vào trận chiến lịch sử Chi Lăng - Xương Giang.

Bởi những công lao nói trên năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Vua Lê Lợi ban cho Đinh Liệt chức Thứ thủ Quân Thiết Đột, được xếp hạng cao nhất trong số các khai quốc công thần từng có mặt ở " Hội thề Lũng Nhai ", được tham dự triều chính.

Năm 1465 trở đi, ông là Tể tướng đầu triều quyết định nhiều việc lớn của Nước nhà. Cuối năm 1470 đầu năm 1471, ông được sung chức Chinh Lỗ Tướng Quân, cùng Tướng Lê Niệm ( cháu nội Lê Lai ) cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Nhưng về đến nơi thì Đinh Liệt lâm bệnh qua đời; Vua Lê Thánh Tông truy phong Ông là Trung Mục Đại Vương. Hiện nay, tại thủ đô Hà Nội có một con đường mang tên Ông.
48126806.jpg
48126811.jpg
Lễ hội đền Cồng xã Quỳnh Hưng & xã Quỳnh Bá, Quỳnh Lưu, Nghệ An (ảnh mạng)

Cứ 3 năm 1 lần, vào ngày 15 tháng 3 âm lịch tại Đền tổ chức long trọng lễ giỗ của 2 anh em Đinh Lễ, Đinh Liệt, và 16 tháng giêng hàng năm là ngày giỗ của 53 vị tiên hiền, Đây là dịp để nhân dân xa gần, du khách thập phương cùng hội tụ về đây, thắp nén tâm nhang tri ân các vị tiền nhân đã có công Bảo quốc Hộ dân, giúp làng trong 2 cuộc kháng chiến và trong cuộc sống đời thường, thể hiện đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn ” của dân tộc ta; đồng thời, cầu mong các vị thần chở che, phù hộ cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thông qua hoạt động lễ hội, phần nào đã phản ánh được phong tục tập quán của nhân dân xã Quỳnh Hưng nói riêng và nhân dân huyện Quỳnh Lưu nói chung, góp phần trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về bản sắc văn hóa của địa phương, cũng như giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.


Nguồn: Trang Thông tin Điện tử huyện Quỳnh Lưu

&

Trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành, ngày 6/11 AL ( 1470 ), Vua Lê Thánh Tông ra lệnh cho Thái Sư, Lân Quốc Công Đinh Liệt làm Chinh lỗ Tướng quân; Thái Bảo Lê Niệm làm Phó Tướng, thống lĩnh 10 vạn quân thủy đi trước chuẩn bị cho cuộc chinh phạt, Vua đốc xuất 15 vạn quân đi sau. Lại sai Nguyễn Như Đổ vào tế lễ đền Đinh Tiên Hoàng, dọc đường hễ qua đền thờ thần nào, đều sai quan vào dâng lễ tế, cầu cho quân đi thắng trận trở về.

Năm 1471 ( năm Hồng Đức thứ 2 ), đoàn quân toàn thắng, phá thành Đồ Bàn, bắt Trà Toàn Vua Chiêm Thành, mở rộng cương vực của Đại Việt. Về đến nơi Thái Sư Lân Quốc Công Đinh Liệt lâm bệnh qua đời, hưởng thọ 82 tuổi. Theo lệnh Vua ( Lê Thánh Tông ) cho phép dân làng Tiên Yên xưa, xây dựng Đền để tưởng niệm, tôn thờ hai anh em tướng quân Đinh Lễ, Đinh Liệt đã có thời gian đánh giặc tại đây và có nhiều công lao Khai quốc.

Hậu duệ con cháu họ Đinh nói chung, dòng họ Đinh Lễ, Đinh Liệt nói riêng, trân trọng và biết ơn đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn ” của nhân dân làng Tiên Yên xưa, nay là xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu, đã xây dựng và giữ dìn di tích đền Cồng trải hơn 500 năm qua, thông qua hoạt động lễ hội đền để giáo dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Cầu mong các vị Thần che chở phù hộ cho nhân dân xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu có cuộc sống tốt đẹp, ấm no và hạnh phúc.
 
Top