BƯỚC ĐẦU KHẢO SÁT CHI PHÁI HỌ ĐINH Ở Y ĐỐN XÃ BÌNH LĂNG, HUYỆN HƯNG HÀ TỈNH THÁI BÌNH

TỈNH ỦY THÁI BÌNH
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng
Bước đầu
KHẢO SÁT CHI PHÁI HỌ ĐINH
Ở Y ĐỐN XÃ BÌNH LĂNG, HUYỆN HƯNG HÀ, TỈNH THÁI BÌNH
----------------------------------------------------​

PHẦN THỨ NHẤT
Theo Đinh Tộc Thế Thế Phả ( bản chữ Hán ) thì Thủy tổ họ Đinh gốc vốn ở Thanh Hóa. Đến thời Nhuận Hồ, một trong những người họ Đinh kể trên mới dời ra ở vùng đất Thần Khê và định cư ở đất Đa Kỳ. Người đó chính là cụ Đinh Thỉnh. Cụ Đinh Thỉnh làm nghề dậy học ở nhà ông họ Phạm trong làng, sau đó lấy cô con gái bà Sang (người xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ ngày nay); lấy nhau được trên một năm, vợ chồng cụ Đinh Thỉnh sinh hạ được một người con trai; họ đặt tên là Đinh Tôn Nhân.
Năm 18 tuổi, ông Đinh Tôn Nhân vào làm quản gia cho gia đình cụ Lê Khoáng ( bố đẻ Lê Lợi ); sau đó lấy em gái Lê Lợi.
Ông bà Đinh Tôn Nhân sinh được ba người con trai. Họ đặt tên là Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt.

1- Đinh Lễ:

Ông là cháu ngoại gọi vua Lê Lợi bằng cậu ruột, tính người anh nghị, quả cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người. Lúc còn trẻ, ông đi hầu cận hộ vệ nhà Vua. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, ông là một những người có nhiều công trạng, được nhà Vua ban cho quốc tính (họ Vua). Ông hy sinh vào năm 1427 trong trận chiến đấu quyết liệt với địch tại My Động. Về trận chiến đấu này, sách Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn tập 3, trang 167, 168 có ghi như sau:
“ Mùa xuân năm Đinh Mùi (1427), nhà Vua tiến quân lên phía Bắc sông Lô, đối diện với thành ( Đông Quan ), chia các tướng giữ chặt các cửa. Vua sai ông ( Đinh Lễ ) đóng đồn ở cửa Nam thành, Lê Triện đóng ở cửa Bắc thành. Đấy là hai nơi xung yếu nhất. Tháng 2 năm (1427), Lê Triện đánh nhau với địch bị chết ở động Từ Liêm, tháng 3 (1427), Vương Thông (Tổng Binh nhà Minh) đem hết quân tinh nhuệ trong thành ra đánh Thái Giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Lê Nguyễn giữ vững thành chống cự. Nhà Vua nghe tin Lê Nguyễn bị nguy cấp, bèn dục ông ( Đinh Lễ ) và Nguyễn Xí mang hơn 500 quân Thiết Đột tới cứu. Giặc Minh thua chạy. Ta đuổi tới My Động. Vương Thông thấy ông ít quân lại không có tiếp ứng bèn ép lại đánh. Ông và Nguyễn Xí cưỡi voi cố sức đánh, bị sa xuống vũng lầy, bị giặc Minh bắt đem về thành Đông Quan, ông không chịu khuất bèn bị hại…”

Vua Lê Lợi rất thương xót ông, bèn cho em ông là Đinh Liệt làm Nhập Nội Thiếu Úy, tước Á Hầu. Các bà vợ của ông là các bà Hà Ngọc Dung… gồm năm người đều được phong làm Quận Chúa.

Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), ông được truy tặng là Nhập Nội Kiểm Hiệu Tư Đồ. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), gia tặng là Thái Sư Bân Quốc Công, về sau được tấn phong là Hiển Khánh Vương.

2- Đinh Liêt :

Ông là em ông Đinh Lễ, cùng thờ Vua Lê Thái Tổ, được Nhà Vua rất tin cậy, luôn luôn đi sát Lê Lợi, vượt núi trèo đèo nếm đủ mùi gian khổ, chiến công của ông rất nhiều. Nói về ông, Đại việt Thông sử của Lê Quý Đôn cũng có viết:
“ Năm Giáp Thìn (1424), Vua đã chiếm được châu Trà Lân, sắp sửa đánh thành Nghệ An, gặp lúc tướng Minh đem đại quân thủy bộ. Vua bèn chia hơn 1000 quân cho Đinh Liệt, sai theo đường tắt chiếm trước huyện Đỗ Gia ( nay là huyện Hương Sơn). Quân Minh quả nhiên đến ải Khả Lưu, Vua chờ cho giặc vào ổ mai phục, rồi sai Đinh Lễ đem quân ra đánh, còn Đinh Liệt đánh tập hậu. Quân giặc thua to. Khi nhà Vua đã bao vây thành Đông Đô, Đinh Lễ đánh giặc bị chết ở My Động, Nhà Vua rất thương xót, phong cho Đinh Liệt làm Nhập Nội Thiếu Úy Á Hầu. Đến khi Liễu Thăng kéo quân sang, Vua sai ông ( Đinh Liệt ) theo Tư Mã Lê Sát đem quân lên Chi Lăng chống cự. Đinh Liệt cùng các tướng góp sức diệt địch, chém được Liễu Thăng, bắt hết được cả cánh quân của y.

Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), xếp ông vào chức Thứ Thủ quân Thiết Đột. Trong số những người theo Vua từ Lũng Nhai thì Đinh Liệt dự vào hàng đầu, được phong là Trung tán trị hiệp mưu bảo chính công thần, Vinh Lộc Đại Phu, Tả Kim Ngô Đại Tướng Quân, tước Thượng Trí Tự. Tháng 5 năm thứ hai (1429) khắc biển công thần, ông được phong là Đình Thượng Hầu. Năm thứ năm (1432) tiến phong là Nhập Nội Tư Mã tham dự chiều chính. Năm Thiệu Bình thứ nhất (1432), ông cùng các Tể Tướng tuyển chọn đinh tráng làm lính. Tháng 5 (1434), vì giặc Chiêm Thành vào cướp phá, sai ông thống lĩnh các quân ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đến địa phận Tân Bình, Thuận Hóa tiễu trừ và hạ lệnh các tướng hiệu, khi quân nhân ra trận trái lệnh hoặc rút lui là phản bội, thì cho phép ông được chém trước rồi tâu sau. Ông đến Hóa Châu, Vua Chiêm ThànhBồ Đề nghe tin trong nước ta vô sự, rút quân về. Ông muốn về, gặp lúc người Man ở Hóa Châu là Đạo Thành bị tên Đạo Dụ đánh, đến xin cứu viện, ông bèn dẫn quân tới đánh giúp, bắt được hơn 1000 tên giặc và vài chục con ngựa đem về …
… Trong những năm 1454 - 1459, ông làm đến chức Thái Bảo, khi Lạng Sơn Vương Nghi Dân tiếm ngôi, ông cùng các ông Lê Lăng, Nguyễn Xí cầm đầu các quan xướng nghĩa, Rước Vua Lê Thánh Tông lên ngôi. Tháng sáu năm Quang Thuận thứ nhất (1460), ông được tiến phong chức Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Nhập Nội Thái Phó Á Quận Hầu, sau đó cải phong Lân Tường Hầu. Tháng 10 được phong Lân Quận Công.

Tháng 12,Vua sai ông cùng Lê Lăng đi đánh giặc Man là họ Cầm (Cầm Man), tiến vị lên làm Thái Sư Phụ Chính. Năm 1470, Vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, ông được sung chức Chinh Lỗ Tướng Quân cùng tướng Niệm bắt được Trà Toàn đem về Kinh đô.

Ông mất năm 1471, được truy phong là Trung Mục Vương. Ông là người có công đầu giúp Vua mở nước ( Khai Quốc Nguyên Huân), trải thờ bốn triều Vua, lại là Công Thần Trung Hưng số 1, địa vị danh vọng đều rất cao. Từ năm Quang Thuận thứ 6 (1465), sau khi Nguyễn Xí mất, ông làm Thủ Tướng khoảng 10 năm, quyết định những việc lớn của Nhà nước, được Nhà Vua rất tin tưởng và trong triều ngoài quận rất tôn trọng”.

Con ông Đinh Liệt Đinh Công Niếp (Đột), thời Vua Lê Thánh Tông làm quan tới chức Thị Lang Bộ Binh.

Cháu ông ( Đinh Liệt ), con ông Đinh Công NiếpĐinh Phúc Vận thời Vua Lê Anh TôngThế Tông, Chúa Trịnh Tùng, có công trong việc đánh Mạc, thu phục lại Kinh sư, được thưởng Kim bài, được phong là Uy Dũng Tuyên lực Kiệt tiết Công thần, Thái Tể Nam Quận Công, sau về trấn giữ lũy Việt Yên (địa phận Hưng Hà, Thái Bình ngày nay).

Con ông Phúc VậnĐinh Thừa Cận cũng là người có công trong việc đánh dẹp nhà Mạc, trải làm quan tới chức Thái Tể Thúy Quận Công, Khi hưu về xã Hoành Mỹ ( làng Hò, xã Thống Nhất, Hưng Hà ngày nay ).

Con ông Thừa CậnĐinh Phúc Diên, thời Vua Thần Tông và Chúa Trịnh Tráng, có công đánh giặc được thưởng Kim bài, trải làm quan tới chức Tả Đô Đốc Đông Quân, Thiếu Úy Dương Quận Công.

Con ông Đinh Phúc DiênĐinh Phúc Tiến, thời Hoằng Tổ Dương Vương Trịnh Tạc, làm đến chức Chánh Đội Trưởng, tước Khuông Cầu Hầu. Con ông Phúc TiếnĐinh Phúc Đạt, thời Vua Lê Hy TôngDụ Tông, làm đến chức Chánh Đội Trưởng, tước Phan Lộc Hầu, con thứ là Đinh Phúc Liên, tước Trí An Hầu.

Ở Bình Lăng, huyện Hưng Hà ngày nay, chi phái của họ Đinh là dòng dõi của Lân Quốc Công Đinh Liệt, thuộc về ngành thứ, Đại Việt Thông sử cũng có ghi rõ: “ Con cháu Phúc Liên ở riêng tại xã Y Đốn, huyện Thần Khê ”.

Như vậy, họ Đinh ở Bình Lăng ngày nay, lấy ông Đinh Phúc Liên làm Thủy tổ Cao tổ là ông Đinh Phúc Tiến, dòng dõi của Thủ Tướng Đinh Liệt. Lê Quý Đôn cũng còn cho biết thêm: “ Dòng dõi của Đinh Liệt lại còn một chi ở xã Đội Phục, huyện Nông Cống, đều sinh con đẻ cái rất đông ”.

PHẦN THỨ HAI
CÁC TƯ LIỆU THÀNH VĂN CÒN LẠI Ở NHÀ THỜ HỌ ĐINH Ở Y ĐỐN, XÃ BÌNH LĂNG

- Thời Lê Dụ Tông: Ban cho họ Đinh một đạo sắc khen ngợi công trạng của Đinh Lễ, một Công thần Khai quốc, và truy phong ông là tước Đại Vương ( đạo sắc này hiện vẫn còn ).

- Năm 1730, Vua Lê Đế Duy Phường phong cho Đinh Liệt một đạo sắc, nội dung cũng ca ngợi công lao của ông trong buổi đầu dựng nước, theo Vua Lê Thái Tổ đi dẹp giặc lập được nhiều công ( đạo sắc này đã rách mất một phần, nhưng trong cuốn phả họ Đinh còn ghi lại được một cách tường tận nội dung của niên đại - Vĩnh Khánh nhị niên, (1730) ).

- Năm Cảnh Hưng 44 (thời Vua Lê Hiển Tông), Đinh Lễ còn được phong một đạo sắc nữa, nội dung nhắc lại công lao sự nghiệp của ông. Trong đó còn có đoạn “Trẫm nên cõi thọ, gia tặng cho Đinh LễPhúc Thần”. Đạo sắc này còn cho biết rõ trước đó cụ Đinh Lễ đã được phong là Phúc Thần rồi, và như vậy thì về nguyên tắc phải được thờ phối hưởng ( thờ chung ở đình làng ) với vị Thành Hoàng của làng.

- Ngoài ra, nhà thờ họ Đinh còn chép được nội dung tờ Chỉ dụ gọi con cháu họ này ở Y Đốn lên Kinh sư nhận chức Phó Đội Trưởng. Người đó là ông Đinh Văn Do vào thời Chúa Trịnh.

- Bản Phú ý còn lại ở nhà thờ cũng chép khá đầy đủ tên tuổi các cụ Tổ họ Đinh, trong đó có ghi nguyên văn nội dung hai tấm Kim bài tặng cho ông Đinh Phúc Diên vào năm Hoằng Định thứ 20, do Thanh Quận Công Trịnh Tráng tặng, trong đó có đoạn viết “ Phú quý hoạn nạn cùng hưởng ”. Hai tấm Kim bài này làm bằng vàng thật nhưng đến nay không còn nữa.

- Một đạo sắc thời Khải Định thứ 9 (1924), hai ông Đinh LễĐinh Liệt đều được phong tặng.

- Một đạo sắc phong cho ông Đinh Phúc Diên cũng vào thời Khải Định. ( 3 đạo sắc này còn nguyên vẹn ).
*
* *
KẾT LUẬN
1- Họ Đinh ở Y Đốn ngày nay là dòng dõi của Lân Quốc Công Đinh Liệt.

2- Trong Họ có nhiều người hiển đạt về khoa hoạn thời Vua Chúa Trịnh.

3- Họ Đinh ở Y Đốn từ đời thứ 16 về trước vẫn mang chữ lót là chữ Phúc. Sang đời thứ 17 trở đi mới đổi ra là Đinh Danh. Theo chúng tôi, rất có thể thời bấy giờ vì kiêng chữ lót của Gia Long (Phúc Ánh), nên mới có sự thay đổi này. Bản phú ý ở nhà thờ họ Đinh cũng chỉ chép từ đời thứ 17 trở đi mới đổi tên đệm là Đinh Danh mà thôi.

4- Thời Nguyễn, dòng họ này không hiển đạt nữa.

5- Khi Pháp sang xâm lược, con cháu cụ Đinh Liệt ( ngành dưới ) ở Đa Kỳ có ông Đốc Nhưỡng ( Đinh Khắc Nhưỡng ) mộ dũng nổi lên, lập ra căn cứ chống Pháp ở Đô Kỳ. Hoạt động của đội nghĩa dũng do ông làm thủ lĩnh trải rộng khắp vùng bắc Thái Bình, sang Hưng Yên, Hải Dương, rồi Nam Định, lên đến tận Sơn Tây. Ông là một trong số thủ lĩnh chống Pháp nổi tiếng ở Thái Bình lúc bấy giờ.

Ngày nay con cháu họ Đinh ở Bình Lăng, huyện Hưng Hà đã phát huy được truyền thống tốt đẹp của ông cha mình thuở trước. Biểu hiện tập trung nhất là tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng tại địa phương, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng quê hương và hăng hái lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Hàng chục lượt con em họ Đinh đã có mặt ở tuyến đầu đối mặt với quân thù trong các cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc. Có nhiều người đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận: 16 liệt sỹ và hơn 130 huân huy chương các loại - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho con em họ Đinh ở Bình Lăng ngày nay, phần nào đã nói lên điều đó; ấy là chưa kể đến những người hiện đang có mặt tại các công sở của các cơ quan Dân Chính Đảng cũng đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình, được tặng thưởng nhiều bằng khen các cấp.

Với quan niệm “ Tổ Quốc giầu đẹp đâu cũng là quê hương ”, đi theo tiếng gọi của Đảng, con em họ Đinh đã có hàng trăm lượt người tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới. Theo thống kê bước đầu, dòng họ này đã có 18 hộ gia đình, 134 nhân khẩu hiện đang định cư ở miền núi và đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, mọi người đã và đang phát huy được truyền thống tốt đẹp của dòng Họ trong việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng tại địa phương, hăng hái lao động sản xuất, tích cực góp công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng quê hương mới ngày một giầu đẹp.
&​

Với tư cách là một cơ quan chuyên trách, bước đầu chúng tôi lập thành bản tư liệu lịch sử này (có khảo sát và hiệu đính) mong đóng góp một phần nhỏ tiếng nói của mình vào truyền thống lịch sử địa phương xã Bình Lăng, huyện Hưng Hà nói riêng và các dòng họ lớn ở Tỉnh nhà nói chung.

Thái Bình, tháng 01 năm 1984
Sao lục y bản chính
Người sao​

PHẠM HÓA
 
Top