Gặp Gỡ Là Chữ Tuỳ Duyên Ở Đời

Đinh Thanh Hải

Administrator
Staff member
001 IMG_6234.jpg

Tôi đã gặp Danh Ca Chế Linh tại Houston Texas​
.
GẶP GỠ GIỮA ĐỜI LÀ CHỮ “TUỲ DUYÊN”
Những người BẠN đã biết, đã gặp, mới gặp… từ xa lạ rồi thành quen, kết nối nhau lại theo chữ “tuỳ duyên”. Đó là sự tạo duyên của BẠN hiền Chế Phong, sau những ngày chờ bầu show mời đi hát tại thành phố Houston mà chưa có duyên, thì tự mình ên đi thôi.
Chuyến du xuân đầu năm 2022 của ca sĩ Chế Phong đến với miền đất nắng gió Texas, nơi những chàng trai cô gái cưỡi ngựa và chăn bò, gọi là Cowboy miền đồng quê “nắng cháy da người”.
Tôi là người mê dòng nhạc trữ tình Bolero, trong đó rất thích nghe hai giọng ca VÀNG là cố Danh ca Duy Khánh ft Danh ca Chế Linh… sự mê nghe và tập hát theo ấy dần dần đã cho tui gần lại với những nghệ sĩ - ca sĩ đang theo dòng nhạc trữ tình Bolero - dòng nhạc xưa cũ mà ngày nay vẫn mê thích.
Chuyện năm cũ, vào một đêm tình cờ ở Sài Gòn, anh Trúc Lam - con trai cố nhạc sĩ Trúc Phương gọi tôi sang nhà ảnh lai rai vài chai bia, đàn hát. Đêm đó tôi gặp ca sĩ Chế Phi là con trai chú Chế Linh - anh trai ruột Chế Phong. Hai ca khúc "Hận Đồ Bàn" với "Hồi Tưởng" vang lên qua cây guitar độc lạ - chơi bằng tay trái.
.
002 IMG_6237.jpg

Vợ chồng tôi gặp vợ chồng Danh ca Chế Linh tại Houston, Texas​
.
Hôm 25 tháng 01, 2022 tôi lại có cơ hội gặp Danh ca Chế Linh tại Houston Texas, từ Canada sang lưu diễn Mỹ. Sáng hôm đó tôi được nghe chú Chế Linh song ca với ca sĩ Thanh Lan - Hương Lan, những cây đa trong làng âm nhạc hát quá hay, mặc dù tuổi đã nhiều. Những ca sĩ ráp nhạc tại Baby's Nightclub & Lounge và trò chuyện tếu vui. Sáng hôm sau, tôi gặp gỡ chuyện trò với chú Chế Linh tại Quán Hội An, nghe chú Chế Linh nói chuyện mà cười hoài, cười đến đau bụng. Sau khi hàn huyên chuyện trò, tôi biết thêm ngoài giọng ca hay thì chú Chế Linh mê đi câu cá, làm tiểu cảnh sân vườn - hòn non bộ, hồ cá nhỏ sau vườn nhà. Vui lắm khi gặp mặt chú Chế Linh giữa đời thực, cả một trời niềm vui ập tới, một người đã cho tôi THƯỞNG THỨC những ca khúc hay, một món ăn tinh thần vô giá.
Bạn hiền Chế Phong và tôi đã “kết” qua mạng xã hội Facebook, cảm mến qua âm nhạc và những dòng chia sẻ. Có ai ngờ tôi lại gặp Chế Phong tại Mỹ, chứ không là Sài Gòn.
Đêm đầu tiên tại nhà anh Duy Trường, người anh của Chế Phong mà năm cũ đã cùng nhau đi hát chung, từ thành phố về đồng bằng, từ miền Nam ra miền Trung hay về miền Tây, đi hát khắp mọi miền làng quê nước Việt… anh Duy Trường sớm “giải nghệ” và về Bến Tre cư ngụ - rồi sang Mỹ. Đêm hội ngộ có ca sĩ Randy, anh Lâm Hùng, vợ chồng Nhân ft Tuyết…
Tối qua, mọi người hẹn hò gặp gỡ tại Tơ Đồng Quán, hát cho nhau nghe đôi bài, nâng đôi chai bia và chuyện trò để sáng nay Lưu Chế Phong bay về Cali, hẹn ngày tái ngộ.

004 IMG_6237.jpg

Gặp Chế Phong tại Houston Texas - nhà anh Duy Trường​
.
005 IMG_6237.jpg

Với sự có mặt của vợ chồng ca sĩ RANDY
.
006 IMG_6237.jpg

Gặp mặt tại nhà Tý + Giang, bạn thân từ nhỏ của Chế Phong​
.
Ca sĩ Chế Phong đã ghé thăm Houston 5 ngày là vợ chồng tôi gặp đủ, quen thêm những người bạn dễ thương. Đôi khi thân quý không cần nói nhiều, hay tâm sự lâu năm, va chạm nhiều. Đôi khi vài khoảnh khắc, vài ngày... nhưng hiểu và quý mến nhau là đủ. Nếu ngày mai còn duyên thì còn gặp, mà hỗng còn duyên gặp chi phiền. Đôi lời vậy đó, nay bạn hiền Chế Phong đã rời Houston Texas, hẹn ngày tái ngộ tại một nơi nào đó - nhờ sự TUỲ DUYÊN

003 IMG_6237.jpg


MỘT CHÚT VỀ DÒNG NHẠC TRỮ TÌNH - BOLERO

Dòng nhạc trữ tình chung và điệu Bolero nói riêng được rất nhiều người Đàng Trong yêu thích, từ Quảng Trị hướng vào miền Nam. Tôi là người yêu thích dòng nhạc trữ tình nói chung và dòng nhạc Bolero nói riêng, tôi được nghe những dòng nhạc đó từ lúc còn tấm bé, cái lúc mà "nhạc vàng" đã bị cấm, kiểu nghe lén vậy đó, chứ quán cà phê mở nhạc vàng là bị tịch thu băng cassette, thậm chí thu luôn máy với loa đài.

Đàng Trong từ Quảng Trị tới Sài Gòn và các vùng lân cận, càng đi vào miền Nam thì con người sống càng thoáng hơn, nhẹ nhàng hơn, sự thuận lợi của tự nhiên, môi trường sống tạo nên tính cách sống đặc trưng, dòng nhạc cũng không ngoại lệ, con người tạo ra những dòng nhạc về tình yêu thương con người, đôi lứa, làng quê... nghe thư giãn chứ không kiểu nghe mà tạo ra sự hận thù, muốn giết chóc, moi gan uống máu quân thù.

Ai thích nghe nhạc gì thì cứ việc, riêng tôi dòng nhạc trữ tình với Bolero đã thấm vào máu mất rồi. Cho dù người ta nói ngược xuôi, ghép cho từ nhạc sến, nhạc làng, kém sang... thì tui vẫn cứ khoái nghe với hát.

Ngộ là nhạc sang mà ít người nghe với hát, nhạc bình dân mà ai ai cũng thích hát và nghe... Những môn phái nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, sản phẩm hay - đẹp thì mới tồn tại và phát triển, khán giả sẽ quyết định sống - chết của tác phẩm và nghệ sĩ.

Những bài hát trữ tình - bolero như là một chuyện tình, một cuộc đời, một số phận, nhưng nhiều khi người nghe lại ngạc nhiên: ủa hình như nhạc sĩ viết bài này dành riêng cho mình thì phải? Sao mà hay quá, thấm quá, thật tuyệt vời.

Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nặng nề của chính trị nhẹ đi, những ca sĩ trẻ bắt đầu hát nhạc Bolero, những giọng hát trẻ đã làm mới cho dòng nhạc này, cho nó sống lại ở ngày hôm nay, những bài hát xưa cũ đã sống lại, tuổi ra đời bài hát có khi gấp mấy lần tuổi của ca sĩ trình bày.

Bolero trường tồn chứng tỏ rằng dòng nhạc này hay, và ca từ thấm đượm, thời gian có thể làm cho đá mòn, nhưng bài hát vẫn trơ trơ.
Nếu ai được sinh ra và lớn lên ở miền Trung khói lửa, hay Quảng Trị điêu tàn... cái miền quê tang thương nhất nước Việt này, nơi hai miền chia cắt Bắc Nam, nơi bom đạn dội trên đầu người dân vô tội, gia đình tan hoang, điêu tàn đổ nát, người thân chết mất xác dọc đường, trên sông hay núi rừng ... nhờ những bài nhạc bolero đã giúp cho họ vượt qua, mềm lại lòng, và xua đi cái chết chóc, tang thương.

Dòng nhạc Bolero gần gũi với người dân nghèo, cơ cực... Nhưng đa phần bất cứ tầng lớp nào cũng thuộc và hát được, đàn được. Nhạc cụ thì từ Guitar gỗ, chiếc muỗng, cái nồi làm trống... Lời bài hát thì mọi người ghi chép lại vào những cuốn tập, cuốn sổ và truyền tay nhau. Người ta hát bất cứ lúc nào nếu có hứng, làm ruộng, lên rẫy, tỏ tình, hay đêm buồn cô đơn. Dòng nhạc này làm xoa dịu đi bao trái tim tật nguyền, đau khổ, rớm máu. Trong thời chiến tranh bom đạn, nó như những bài hát níu kéo sự trở về với lương thiện, thôi bắn giết, chém nhau, máu chảy đầu rơi, tay chân lìa khỏi cơ thể, muốn người lính bỏ súng để trở về với quê hương, gia đình, vợ con. Thế là những dòng nhạc này bị CẤM hát, cấm xuất hiện trên thông tin đại chúng ... Vì không muốn người lính buông súng, giã từ vũ khí.

Người ta ví von người ca sĩ giống như KIẾP CON TẰM, nhả tơ cho đời những sợi ghép thành lụa là gấm vóc - dệt nên manh áo, cái quần để che da thịt - che mưa gió - làm đẹp vóc dáng con người. Oằn mình ra để giúp đời vui.

Nhạc sĩ Minh Kỳ có viết bài PHẬN TƠ TẰM: "Người ngồi đó còn có nghe tôi / Tâm tình đầy vươn lên đắm đuối / Người đừng trách một kiếp cầm ca / Con tằm nào không muốn vương tơ / Người nói đi như tim người nghĩ / Làm nghề xướng ca tôi mang tội gì / Họa là có chăng tôi mang tội đời / Làm cho nhân thế say mê / Người nói đi cho tôi một lời / Rằng nghề xướng ca tôi không lạc loài / Tạ ơn người / Phận tằm tôi muôn kiếp vương tơ cho đời vuị..."

Houston Texas
Đinh Thanh Hải
 
Last edited:
Top