Kỷ Niệm Tuổi Thơ Làng An Giạ - Đinh Một

Administrator

Moderator
IMG_5809.jpeg
KỶ NIỆM TUỔI THƠ - LÀNG XƯA.
Ngày xưa đó, đã lâu lắm rồi mà ngỡ như mới ngày qua, đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn".
Những người còn ở lại quê hương thì than vãn những nỗi nhọc nhằn đất khô cằn, thời tiết khắc nghiệt oán trách số phận mình hẩm hiu sinh ra trên làng quê đầy khắc khổ, những người ra đi thì nhớ da diết những trưa hè nóng gay gắt, nhớ da diết từng cơn gió lạnh buốt của ngày Đông giá rét, ngồi nơi xứ lạ quê người đau đáu lòng quay quắt tìm về tuổi thơ nơi chốn quê nghèo, nhớ từng ngõ nhỏ, nhớ giếng nước Đình làng, bến sông, bờ cây bụi cỏ, nhớ cánh đồng mùa gặt xong trơ gốc rạ, tất cả cảnh vật ấy thôi thúc gọi ta về để lòng ấm lại bớt nổi quạnh hiu, cho tâm hồn ta cùng hoà quyện với cảnh vật mà tuổi thơ ta từng lớn lên.
Mới ngày nào mà giờ đây như là chuyện xưa lâu lắm rồi, hồi thơ ấu khi người lớn hay kể chuyện bắt đầu “ngày xửa ngày xưa.." mở đầu cho miền quá khứ mà người ta nhớ lại, giờ đây ta cũng vậy cũng bắt đầu hai tiếng "ngày xưa.." người còn kẻ mất, những trò chơi thời con trẻ đi vào dĩ vãng, có người đã mang theo ngàn trùng, có người còn tồn tại lại lú lẩn.
Ta cũng vậy thôi thì nhớ gì ôn lại được chừng nào hay chừng đó,cũng là gợi lại kí ức xưa tìm lại niềm vui cho mình.
- CON ĐƯỜNG LÀNG và tên XỨ ĐỒNG THỬA RUỘNG:
Ở giữa làng có1con đường chính rộng chừng 5m được nối dài từ Quận về qua các xã, bây giờ gọi là đường Huyện hay đường liên xã, đường này ngày xưa gọi là đường "QUAN"có lẽ đường này do nhiều Quan trên hay đi về công việc tận làng, xã nên dân chúng gọi là đường Quan, hồi đó dân cư ở thưa thớt, nhà ở từng cụm chủ chốt dọc theo bờ sông để tiện việc tắm giặt hay gánh nước về dùng, có cụm dân cư ở gần đồng ruộng để tiện việc chăn nuôi và trồng trọt lúa khoai, giữa làng có Bàu giữ nước do người đào từ đầu làng đến cuối làng và thoát ra sông, hồi đó dân làng biết phòng ngừa hạn hán và phòng chống hoả hoạn nên đào Bàu để giữ nước cho gia súc, gia cầm uống khi mùa hạn,cũng lấy nước khi có cháy nhà để chữa cháy nên Bàu nước hết sức quan trọng, lệ làng rất nghiêm ngặt, cấm mọi người không được lấn chiếm lấp cạn, mà hằng năm phải đào vét để giữ nước luôn đầy, đó là ở giữa làng còn xung quanh làng có các con đường khác nữa.
Như con đường từ An Giạ, Gia Độ đi qua các làng Thanh Liêm, Giáo Liêm, Phan Xá, Phú Tài... đường rộng chừng 3m gọi là Tổng lộ, đây là đường liên thôn, có thể đường này ngày xưa cụ Tổng hay đi các làng, cũng có thể do dân trong vùng trong Tổng đắp thành nên gọi là Tổng lộ.
Giáp ranh đường các làng khác với nhau gọi là đường Bạn, vì cánh đồng bên vùng này của làng mình liền kề đồng của làng bạn, ở giữa có con đường rộng chừng 2m gọi là đường Bạn, là bạn láng giềng cùng nhau lao động trên đồng, hai làng luôn tôn trọng ranh giới giữ gìn không ai xâm phạm không ai được di dời hòn mốc.
Trên đồng ruộng làng có những con đường nhỏ chừng 1m gọi là đường Mòn, bây giờ gọi là đường bờ vùng, từng ô ruộng đều có đặt tên để biết mà gọi, mỗi lần cấp ruộng đất cho dân làng có ban “quân cấp" là bộ phận kế toán cấp ruộng đất cho dân nên có tấm ruộng tên Bút Toán ưu tiên phần của kế toán, ai lớn tuổi hay có chức sắc được quyền xí phần trước, tiếp sau là dân ba hạng, ai chọn thửa nào thì hô tên thửa đó, ví dụ: thửa Bánh Lá, Rước Su, Ba Trào, Trái Mướp, Chuôi Bù v.v... hồi đó đất ruộng thuộc tư nhân hay của họ, phái nhiều, còn lại đất công chia cho dân ít.
Lúc đó nhà mình chỉ có 2 mẹ con, chỉ có mẹ nhận ruộng được7thước (1 sào bằng 360m vuông, 7thước được 240m) làm vụ được mấy chục cân không đủ ăn, nên mẹ phải tần tảo chợ hôm chợ mai rất vất vã mới cầm cự với cuộc sống.
Hồi đó quãng đường từ nhà tôi hiện nay đến Đình vắng vẻ lắm, dọc hai bên đường toàn cây dứa gai sắc nhọn,ban trưa lũ trẻ chúng tôi không dám đi qua đoạn đường này một mình, cứ nhắm mắt ù té chạy vì sợ ma,không biết sao hồi đó chỗ nào vắng vắng là hay có ma, tinh yêu
Bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi giặc mấy lá dứa về rọc hết gai làm châu chấu, đồng hồ đeo tay,hay gương đeo mắt, trò chơi con trẻ hồi đó hồn nhiên dung dị hết sức.
-CÁI ROI:
Để chăn giữ trâu, bò hay đi cày ruộng luôn có cây roi Đuối gọi là ngọn roi,cây roi cán chọn loại tre già dài1đến1,2m to bằng ngón tay cái, vót thon dài bóng, đầu to gọi là gốc đầu nhỏ gọi là ngọn có khấc lõm vào để buộc dây roi được chắc chắn khỏi bị tuột, sợi roi làm bằng rể cây dứa gai gọi là “cặc chứa" đem về tước nhỏ phơi khô như sợi đay, sau đó xe tết lại dài khoảng1m buộc vào đầu cây ngọn roi gọi là cây Roi Đuối, loại roi này mỗi lần đánh trâu,bò nghe tiếng kêu đen đét nhưng không có lằn vì roi mềm mại, khi đánh trong không khí tiếng kêu vun vút ghê hồn luôn.
Nói về roi thì hồi xưa có loại roi mây cũng ác chiến lắm,học trò chúng tôi sợ nhất cây roi này,mây là mây tắt loại mây nhỏ bằng chiếc đũa ăn cơm màu trắng vàng,hồi đó thầy dạy nào cũng có cây roi mây cắp sau đít,gặp trò nào nghịch Ngợm phá phách l thầy quất một phát ui cha quắn mòng mòng,hay mỗi lần vào lớp chuẩn bị dò bài,thầy ngồi trên bàn giương đôi mục kỉnh nhìn xuống tay nhịp nhịp cây roi,trò nào không thuộc bài mặt tái xanh lét là Thầy biết liền,ale mời trò lên đứng cạnh bàn hỏi bài trò nào không thuộc thế là1roi chảy nước mắt,lúc đó lớp1đến5sợ lắm.Khi lên trung học thì có thầy giám thị,thầy hay đi dọc hành lang trường coi có trò nào trể giờ hay nhảy rào cúp cua,tác phong luộm thuộm là thầy bắt lại phạt tại chỗ,cho nên học trò trung học sợ thầy giám thị nhất.
Đời học trò có nhiều hình thức phạt ngộ nghĩnh như bắt quì trên mu mít,học trò hồi đó tiểu học đi học mặc quần đùi chân trần nên nghe quì mu mít là run lên rồi,hay bị thầy phạt nằm chồng lên nhau,một trò cầm roi đánh nếu trò đánh nhẹ thì thay vào chỗ để trò khác đánh,nên dù thương bạn cũng chịu khó quất mạnh,có thầy bắt trò có lỗi chụm5đầu ngón tay lại,dùng thước gổ gõ lên đầu ngón tay ui cha đau điếng người luôn.
Cũng nhờ vậy mà giờ này ai cũng nên người, không oán trách thầy mà lại nhớ thương vô vàn, đúng là"yêu cho roi cho vọt,ghét cho nghọt cho bùi"bạn bè giờ còn lại mấy mống,đứa lẫn đứa lụ khụ,thầy thì cũng về miền miên viễn nơi nao…
Làng An Giạ

(còn tiếp)
 
Top