Article: Phả ký dòng họ Đinh Văn tại Hà Lam, Quảng Nam

dinhvanphong

Thành viên mới
Staff member
Vào lúc 07 giờ ngày 22/02/2011 (20/01/năm Tân Mão). Má



chúng tôi đã qua đời, một cách nhẹ nhàng thanh thản, hưởng thọ 96 tuổi. Tang lễ được tổ chức rất chu đáo và long trọng. Con cháu đều tựu về đông đủ kể cả những người ở rất xa như Saìgòn, BMT, Huế. Quan khách đến rất đông để tham dự, chia buồn, phúng điếu và tiễn đưa Má chúng tôi về nơi AN NGHỈ CUỐI CÙNG.



Má ơi! Vẫn biết rằng sinh ly tử biệt là qui luật trong cõi đi về nhưng lòng chúng con vẫn đau xót khôn nguôi. Cầu mong Má mãi mãi bình yên thanh thản trong cõi vĩnh hằng.



------------------------------------------------------------ ĐIẾU VĂN


Tang lễ cụ bà : Ngô Thị Phán


Sinh năm :1916 (Bính Thìn)
Mất ngày : 22 tháng 02 năm 2011.( nhằm ngày : 20 tháng 01 năm Tân Mão )
An táng ngày:23.tháng 02năm 2011 ( nhằm ngày ngày 21.tháng 01năm Tân Mão.)
Tại Nghĩa địa Xá Trâu, Hà Lam, Thăng Bình, Quảng nam.
Thượng thọ: 96 tuổi.
- Kính thưa quí vị đại biểu chính quyền địa phương. Các cơ quan, đoàn thể ban ngành, trường học trong địa bàn tỉnh.
- Kính thưa bà con Nội Ngoại bốn bên, quí vị thông sui gia và thân bằng quyến thuộc.
- Kính thưa các vị khách quí đã có lòng đến tham dự lễ truy điệu và tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.
Hôm nay là ngày gia đình tang quyến chúng tôi long trọng làm lễ truy điệu cho mẹ, bà, cố của chúng tôi mất ngày:22 tháng 02 năm 2011…nhằm ngày…20…..tháng...01......năm..Tân Mão...Trong giờ phút đau xót này trái tim của mỗi người chúng ta nặng trĩu những tình cảm tiếc, nhớ, buồn, thương. Xin quí vị cho phép chúng tôi được nhắc lại đôi lời về cuộc đời nhân ái của người quá cố, người sẽ chia tay chúng ta trong một vài giờ sắp tới, sẽ giã từ cõi thực bước vào cõi hư để hoàn thành chặng đường cuối cùng của kiếp nhân sinh.
Kính thưa quí vị, Má của chúng tôi bà NGÔ THỊ PHÁN, nhủ danh Ngô Thị Xuân Lan, tục danh Hai Thông sinh năm 1916 (Bính Thìn) trong một gia đình có nền nếp nho học, nguyên quán làng Trường An, xã Bình Tú, huyện Thăng bình, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ của bà là cụ ông Ngô Công Chính một bậc nhân sĩ có lòng hào hiệp, khẳng khái không khuất phục cường quyền, được nhiều tiếng tốt ở địa phương. Thân mẫu của bà là cụ bà Lê Thị Hiếu một đấng hiền mẫu suốt đời hy sinh cho chồng con, chắt chiu dành dụm lo cho gia đình, được mọi người quen biết hết sức kính trọng. Đặc biệt là trong những năm giữa thập niên 1920 khi cụ ông Ngô công Chính xuất ngoại đi Châu Âu, cụ bà Lê Thị Hiếu đã một mình nuôi dưỡng dạy dỗ các con và phụng dưỡng mẹ chồng hết sức chu đáo, nêu một tấm gương tốt cho mọi phụ nữ làm vợ, làm mẹ, làm dâu theo truyền thống Việt Nam thời bấy giờ.
Có một người cha như thế, có một người mẹ như thế Má tôi thật may mắn đã thừa hưởng tất cả những phẩm chất tốt đẹp tạo nên đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam.
Trong số những đức hạnh đó, chúng tôi xin được đặc biệt nhắc đến hai điều: Một là lòng can đảm không khuất phục cường quyền, di truyền từ thân phụ và hai là sự hy sinh tận tụy trọn đời cho chồng cho con, di truyền từ thân mẫu của bà.
Kính thưa quí vị. Vào năm 1940 Má tôi đã gặp và yêu ba tôi ông Đinh văn Đáng trong một mối tình đầy lãng mạn nhưng cũng vô cùng trắc trở. Hai người đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để đến với nhau. Mối tình mà bà vô cùng trân trọng ấy đã cho bà được 5 người con. Mối tình đẹp như bài thơ ấy tiếc thay không kéo dài được bao lâu. Năm 1955 sau khi đất nước bị chia đôi, ba tôi bị chính quyền miền nam bắt giam và tra tấn thành bệnh nặng rồi mất trước khi chưa kịp nhìn thấy đứa con trai út ra đời. Tổng số thời gian Má tôi hưởng hạnh phúc bên người chồng kính yêu vỏn vẹn chỉ được 15 năm. Trong 15 năm ấy lại diễn ra trong hoàn cảnh chính trị nước ta và thế giới có nhiều biến động long trời lở đất: Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Nhật đảo chính Pháp, Cách mạng mùa thu năm 1945, cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và cuối cùng là hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Mười lăm năm với những sự kiện quan trọng như vậy khiến cho mối tình của Má tôi thấm đẩm chất anh hùng ca nhưng cũng vô cùng gian khó vì cả hai vợ chồng đều tham gia kháng chiến. Má tôi hoạt động rất hăng hái trong phong trào phụ nữ còn ba tôi thì công tác ở mặt trận Liên Việt, tổ chức tiền thân của Mặt trận tổ quốc ngày nay. Mười lăm năm thật ngắn ngủi so với đời người sống gần một thế kỷ. Cũng trong thờ gian đó Má tôi đã mất đi 2 người con, chị Đinh Thị Phương và anh Đinh Văn Phượng chỉ vài năm trước khi mất chồng. Nước mắt khóc con chưa kịp khô thì lại đầm đìa nước mắt khóc chồng. Khi mất chồng bà mới 39 tuổi, một nách 2 con, anh Đinh Văn Phán 14 tuổi chẳng may bị bệnh thần kinh, đứa bé Đinh văn Phong là tôi mới lên 3 chỉ biết nói bi bô vài tiếng, biết gọi ba thì ba chẳng còn trên đời, biết gọi má thì Má suốt ngày vắng nhàvì phải tất tả ngược xuôi lo cuộc mưu sinh, lại còn một đứa con còn nằm trong bụng mẹ, chưa biết là gái hay trai, nhưng chắc chắn phải chịu cảnh mồ côi cha từ lúc chưa cất tiếng khóc chào đời, đó là con trai út Đinh Văn Phú chưa hề được hưởng chút vuốt ve của người cha kính yêu.
Năm 1963 Má tôi quyết định gởi hai con nhỏ về cho bên nội để đưa đứa con trai lớn vào Saigòn chữa bệnh. Chúng ta hãy tưởng tượng một phụ nữ từ nhỏ đến lớn sống từ nông thôn phải vào một thành phố lớn nhất Việt Nam có gần 3 triệu dân, người phụ nữ ấy lại không có ai bà con thân thuộc, tiền bạc thì ít ỏi. Cái “vốn liếng duy nhất mà bà có chỉ là một đứa con bệnh hoạn. Ấy thế mà bà sống được chỉ bằng nghề buôn gánh bán bưng dọc các vỉa hè Saigòn ban ngày để đến ban đêm thì vào với con ở bệnh viện. Ấy thế mà bà dám phiêu lưu lên tận biên giới Viêt Nam – Campuchia buôn bán ở cửa khẩu để kiếm tiền lo thuốc men cho con. Khi Má tôi đi Saigòn đựoc nửa năm trong một bài thơ viết nhân ngày giỗ của bà Ngoại, ông Ngoại tôi đã viết như sau về người con gái vắng mặt trong đám giỗ mẹ:




Xin miễn chấp làm gì mụ Phán.
Đến nhà thương Chợ Quán nuôi con.
Dẫn đi năm sáu tháng tròn,
Dù sao nó cũng là con gái đầu.
Chồng thì mất sớm lo âu,
Hao mòn của cải buồn rầu vì con.
Chân trời mặt biển chon von,
Kể ra vốn liếng chẳng còn bao cơ.
Vừa nhận được lá thơ hôm trước,
Thân lạc loài giữa bước tha phương !




Tại sao Má chúng tôi lại dám dấn thân sống lạc loài giữa bước tha phương như vậy nếu không phải thọ hưởng từ thân phụ tính can đảm, gan dạ không hề lo sợ khó khăn nguy hiểm và còn quan trọng hơn thế nữa, ấy là Má níu lấy chút hy vọng cuối cùng chữa lành bệnh cho đứa con trai yêu dấu, đó chính là lòng hy sinh của đấng mẹ hiền mà bà đã thọ hưởng từ thân mẫu!
Đau đớn thay! Con chẳng thể chữa lành mà Má gần như sạt nghiệp. Năm1965 bà phải quay về quê hương Bình Tú, bắt đầu làm ăn buôn bán từ con số Không. Sau hai năm vất vả ngược xuôi, ăn không kịp nhai, năm không trọn giấc, bà đã kiếm đủ tiền để xây một căn nhà nhỏ làm nơi tránh nắng trú mưa cho gia đình. Trong thời gia này đã nhiều lần bà đã cung cấp lúa gạo cho cách mạng, bị chính quyền Sài Gòn bắt giam nhiều ngày nhưng sau không tìm được chứng cứ nên bà đã thoát được kiếp nạn. Nhưng tai nạn tiếp liền tai nạn như người xưa đã nói” Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Năm 1967, trong một đêm giao tranh, căn nhà bị bom đạn đốt cháy, toàn bộ cái cơ ngơi nhỏ nhoi mà má đã vắt từng giọt mồ hôi, nhỏ từng giọt nước mắt trong suốt hai năm trời gầy dựng
Sau tai nạn cháy nhà, má lại tiếp tục đi ngược về xuôi, buôn Nam bán Bắc để gầy dựng lại cơ nghiệp và lo cho con ăn học. Bà đạt được cả hai mục tiêu này. Từ năm 1968 đến năm 1980, bà lặn lội buôn bán ở nhiều tỉnh miền Trung và vùng Tây Nguyên. Nhờ tính mạo hiểm, dám quyết, dám làm, bà rất thành công trong việc kinh doanh. Bà đã xây lại được một ngôi nhà kiên cố, lập nhà máy xay xát, mua được xe ô tô để chuyên chở khách. Trừ người con đầu bị bệnh, hai con bà đều được học hành đến nơi đến chốn và hiện nay đều là những công dân sống có trách nhiệm với gia đình và xã hôi. Những năm cuối đời, Má sống một cách an bình ở thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam với người con trai út là Đinh Văn Phú.
Má tôi là một người đàn bà nhân hậu và có lòng thường người, thường hay giúp đỡ những người chung quanh chòm xóm nên rất được mọi người yêu quý. Vào những ngày cuối cuộc đời, đã có nhiều người quen biết lui tới thăm viếng hỏi han. Âu đó cũng là điều khích lệ lớn lao mà những đứa con như chúng tôi cần phải học tập và noi gương người.
Có một điều an ủi với má tôi là sau bao nhiêu năm tận tuỵ hy sinh lo cho chồng đi làm cách mạng – nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành, tuy là muộn màng nhưng đã được nhà nước công nhận là vợ của Liệt sĩ. Được phong tặng 2 huy chương kháng chiến hạng nhất chống Pháp và chống Mỹ.
Má chúng tôi ra đi một cách nhẹ nhàng thanh thản ở tuổi chín mươi sáu… Ít có người sống được cuộc đời lâu dài như vậy suốt từ thế kỷ 20 đến tận thế kỷ 21. Dòng máu bà để lại trên đời cho đến hôm nay gồm có hai con trai, 6 cháu nội và 7 chắc nội.
Cuộc đời của Má có thể xem như điển hình của người phụ nữ trong truyền thống văn hoá lưu truyền tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam, đó là người vợ, người mẹ “quanh năm buôn bán ở ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng” của nhà thơ Trần Tế Xương; đó là hình ảnh “con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.”; đó là “mẹ già như chuối ba hương, như xôi nép một như đường mía lau” trong ca dao; đó là “dòng suối ngọt ngào, là nải chuối buồng cau” trong âm nhạc Phạm Thế Mỹ, là “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” của nhạc sỹ Y Vân. Có một nhà Văn hoá đã nói đại ý “Trái tim người mẹ là kỳ quan bậc nhất trên cõi đời này, nó vĩ đại gấp ngàn lần những kỳ quan khác của thế giới”…
Má chúng tôi có một trái tim người mẹ vĩ đại như thế. Bà đã sống một cuộc đời đáng kính trọng và ra đi ở tuổi thượng thọ. Chúng tôi xin mời gia đình tang quyến và tất cả bà con thân hữu dành một phút cuối đầu mặc niệm để tỏ lòng tôn trọng tiếc thương người quá cố.







Hôm nay má đã qua đời
Để bè con cháu bồi hồi nhớ thương
Bây giờ cách trở âm dương
Mẹ con chia rẽ đôi đường đôi nơi
Nỗi đau này biết nào vơi
Má hy sinh cả cuộc đời vì con
Dẫu cho gộp biển cùng non
Cũng không sánh được lòng son mẹ hiền
Những lời mẹ dạy mẹ khuyên
Gừng cay muốn mặn ngọt bùi tình quê
Má đà tách dặm bến mê
Biết bao giờ lại trở về cố hương
Má đi trong buổi đầu xuân
Trời xanh nhỏ lệ ngập ngừng chia phôi
Mong rằng ở chốn xa xôi
Má tiêu dao với cuộc đời bình an.







Má ơi! Dẫu biết rằng sinh ly tử biệt là qui luật trong “cõi đi về” nhưng lòng chúng con vô cùng đau xót trong giờ phút chia ly nầy. Chúng con cầu mong Má rủ bỏ nợ trần và siêu thăng nơi cõi vĩnh hằng.
Kính lạy hương hồn Má.
Xin cảm ơn tất cả qui vị đã đến thăm viếng, chia buồn và tiễn đưa linh cửu Má chúng tôi về nơi “AN NGHỈ CUỐI CÙNG”. Xin thành thật cảm ơn.



Thay mặt gia đình tang quyến.



Con trai: ĐINH VĂN PHONG
-----------------------------------------------------------------------------------------------



Đây là những dòng thơ mà cháu Nguyễn Thị Thanh Xuân viết để hoài niệm dì ruột kính yêu của mình, nhân ngày về dự tham lễ tang.














Tuổi thơ tôi
thấm đẫm Dì
mùa hè Đo Đo
con đường lẻ
xuyên đồi
vào xóm chợ.



Quán nhỏ
quây quần
mua mua
bán bán
mùa đông
đèn dầu
nhấp nháy gọi.



Thế giới đồ vật
chen chúc
lạ lùng sao.
Kẹo bánh đa sắc
tôi tha hồ ăn
tha hồ chọn
ảnh hình
đồ chơi
nhẫn vòng
giây chuyền
lấp lánh.




Hào phóng và mạnh mẽ
Dì cười tươi
mắt ướt đuôi dài.
Đôi chân nhỏ bươn bả
bao ngả đường
trần gian
không mỏi.



Xanh biếc
mát rượi,
Dì là cỏ
trong giấc mơ tôi
thời thiếu phụ.



NTTX
SG, 22-2-2011
 
Top