ÔNG TỔ CỦA CA TRÙ VN

20584949_images1016057_1.jpg
Đình Ca công Lỗ Khê
Làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội; là một miền quê tươi đẹp, sơn thủy hữu tình, nổi tiếng về đặc sản Bánh chưng xanh, rượu Nếp cái hoa vàng được nhiều nơi biết đến. Nhưng Lỗ Khê còn nổi tiếng hơn, là nơi phát tích của nghệ thuật hát Ca trù - Việt Nam, được UNCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Lỗ Khê vẫn còn giữ được ngôi đình Ca công, thờ ông Đinh Dự và bà Bạch Hoa Công chúa, dân làng còn giữ được bản Thần tích Tổ Ca trù được Đông các Đại học sĩ Đào Cử phụng soạn vào năm Hồng Đức thứ 7 (Tức năm 1476), đến năm thứ 6 niên hiệu Vĩnh Hựu (1740) lại được quan Quản giám Bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh Nguyễn Hiền sao lại. Nội dung bản Thần tích như sau:

“ Trời Nam mở vận, lịch đại tế vương trợ thuận phả lục
Giáo phường Tổ sư
Các bề tôi ở viện Tập Hiền phụng soạn

Xưa, vào đời Lê Thái Tổ, trong nước ta, có người họ Ðinh tên Lễ ở động Hoa Lư, huyện An Khang, phủ Trường Yên, đạo Thanh Hoá, đời trước từng được thụ phong, nối đời hưởng ấm, theo Vua dấy nghĩa ở Lam Sơn chống lại Vương Thông đã được 10 năm. Ông lấy người con gái họ Trần, tên hiệu Minh Châu, là nhà truyền gia thi lễ, kế thế trâm anh, đúng thực cuộc hôn phối môn đăng hộ đối.

Một hôm, Ðinh công đi huyện Nga Sơn phủ Hà Trung, đạo Thanh Hoá thấy có một động ở bên bờ biển gọi là động Bích Ðào, người thời đó gọi là động Thần Tiên. Ông bèn xem xét. Lúc ấy mặt trời chưa đứng bóng, bèn nằm nghỉ. Bỗng nhiên, ông mộng thấy có hai cụ già ngồi đánh cờ vui vẻ dưới gốc cây đào. Có một cụ tự xưng: "Ta vốn ở trên điện Thừa Hoa, tên là Ðông Phương Sóc, ngày ngày thường giáng hạ đến các tiên cung trên biển". Nhân đó, ông nói: "Nhà người đức dày, đắc địa sinh con ắt được quý tử. Trời đã định rồi vậy ! Sẽ gặp và lấy vợ Tiên đó".

Nói xong, theo đám mây bay lên không trung đi mất. Ông tỉnh dậy, khẩu chiến một bài thơ rằng:
Hải thượng quần tiên sự diểu mang,
Bích Ðào động khẩu thái hoang lương
Càn khôn nhất ngộ cùng Ðông Sóc
Vân thuỷ song nga lão bắc phương
Thạch cổ hữu thanh xao hiểu nguyệt,
Sa diêm vô vị niết thu sương,
Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng,
Thùy đức Thiên Thai triệu báo tường.

(Trên biển người tiên chuyện mãi vương
Bích Ðào cửa động quá thê lương
Một phen gặp gỡ cùng Ðông Sóc
Ðôi mắt nheo cùng khách Bắc phương
Ðá gõ âm vang lay bóng nguyệt
Muối rây vô vị ám thu sương
Người đời khổ mộng Thiên Thai mãi
Ai biết Thiên Thai cũng mộng trường ).

Ngày hôm đó, ông cùng binh sĩ trở về đồn sở. Bấy giờ Thái Tổ sai ông đem quân đi tuần phương Bắc để ứng phó với quân Minh. Ông tiến đến trang Lỗ Khê, huyện Ðông Ngàn, phủ Từ Sơn, thấy có một cuộc đất sơn thuỷ tình, có thế núi hình con phượng, hình cái đàn, là một thắng cảnh.

Ngay hôm đó, ông truyền cho nhân dân, binh sĩ thiết lập đồn sở và trú lại đó. Ðược vài tháng, bà Trần thị, vợ ông, một đêm nằm mộng thấy một con rắn xanh từ dưới đất vọt lên, trườn vào trong lòng bà. Bà hoảng sợ tỉnh dậy. Từ đó bà Minh Châu có thai. Ðến năm Quý Tỵ, tháng 4 mùng 6 sinh hạ một con trai. Ðứa bé thiên tư cao lớn, dáng vẻ tuấn tú kì lạ. Ông biết là " đắc địa sinh nhân ", đặt tên là Dự và nuôi dưỡng đứa bé rất thành tâm.

Bấy giờ đang thượng tuần tháng Giêng, mùa xuân, Thái Tổ sai sứ giả đem thư tới, lệnh cho ông đi đánh giặc Minh ở Lạng Sơn. Ông liền hội họp binh sĩ, quyết đánh lớn một trận; nhưng đánh mãi mà chưa phân thắng bại. Ông đành trở về trang Lỗ Khê, đạo Kinh Bắc.

Tháng lại ngày qua, Dự đã 12 tuổi, thiên tư dĩnh ngộ, học vấn tinh thông, cầm, kỳ, thi, họa, ca xướng thảy đều tinh luyện, chưa có bậc anh tài nào vượt được. Dự ngày ngày tìm học thể cách dạo đàn ở các giáo phường, nghe nói ở huyện Gia Ðịnh, Thuận An, có trang Ðông Cứu núi dựng chất chồng, dưới ở bến sông, trên có chùa Thiên Thai, chàng bèn đến đó. Tại đây, chàng gặp một người con gái có nhan sắc "chim sa cá lặn, nguyệt thẹn hoa nhường", thật là thanh sắc vẹn toàn. Ðinh Dự bèn hỏi: "Nàng từ nơi nào lại, mà hai ta gặp nhau ở đây vậy".

Người con gái ấy đáp: " Thiếp là Ðường Hoa Hải Tiên người ở động Nga Sơn, Thanh Hoá. Nhân lúc nhàn rỗi, lấy việc đọc giáo phường, thể cách 9 lối ca làm nghề ". Ðinh Dự nghe vậy, bèn cười nói rằng: " Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nay người lấy cái hoà đức ở trên để dạy tôi hoà hợp ở dưới, cho nên lễ nghĩa của đạo với thể cách đàn của giáo phường là đồng hành vậy ".

Thế rồi, chàng bèn cùng Ðường Hoa kết duyên chồng vợ, trở về nơi đồn trú là trang Lỗ Khê lập Giáo phường, cha mẹ đều rất vừa ý. Khoảng một năm sau, dạy xong nghề đàn, cũng lúc ấy, Thái Tổ sai sứ mang thư tới, nói rằng giặc Minh rất đông chia làm các đạo tiến vào nước ta. Vua kế cùng lực kiệt đành thúc thủ. Thái Tổ lo lắng lắm, sinh bệnh, bèn sai gọi Ðinh Lễ trở về Thanh Hoá, bàn định kế sách tiến quân. Ngày hôm đó, vợ chồng ông cùng con trai và nhân dân đem binh sĩ trở về Thanh Hoá. Bất đồ Ðinh Lễ và Minh Châu đi được nửa đường đều mất cả. Ðinh Dự và binh sĩ rước về quê cũ, chọn đất tốt để an táng. Sau đó vợ chồng Ðinh Dự mới tới nơi đồn sở của Thái Tổ tâu rằng: " Việc cha mẹ tôi do số trời, đều đã mất cả. Chúng tôi xin nguyện đàn hát để giải bệnh cho nhà vua ".

Thái Tổ liền quyết chiến một trận, giặc Minh bị đánh tan. Ngài lên ngôi Hoàng Ðế. Nhà vua tưởng nhớ các công thần, nghĩa sĩ bèn cho gọi vợ chồng Ðinh Dự về kinh đô mở yến tiệc, thưởng công, ban tước.

Bấy giờ, Ðường Hoa phu nhân mới tâu với Vua rằng: " Thiếp vốn do vượng khí của trời đất chung đúc mà sinh ra, biến hoá vô thường, tinh linh sáng suốt, bầu bạn cùng tiên, cai quản tam giới, biến hoá thiện duyên, chu du thiên hạ, dạy dỗ cho các phường để truyền lưu cổ tiếng thơm. Nay ngày tháng năm ở trần gian đã mãn, nguyện xin trở về thượng giới ". Nói xong, khẩu chiếm một bài thơ rằng:

Gián phong triều tấu cửu trùng thiên
Tịch hệ thành môn tuyệt khả liên
Nghĩa chủ báo sinh thần thượng tiết
Thời nhân hột vị giáo phường hiền

(Can ngăn dâng tấu chín tầng trời
Chiều níu cửa thành xót mấy mươi
Nghĩa chúa báo đền tròn khí tiết
Người đời kể mãi chuyện không thôi)

Ngâm xong, bay lên không trung đi mất, tức là hoá vậy. Bấy giờ Ðinh Dự tưởng nhớ đến tình chồng vợ bị ý trời đoạt đi, bèn bái tạ Nhà Vua, và khẩu chiếm một bài thơ rằng:
Luỹ kế quân ân hốt khế nhiên,
Hiếu trung nhất tiết lưỡng kiêm toàn
Hạc quy hoa biểu thiên niên tại
Vạn sự tri tâm thác lão thiên

(Mấy kiếp ơn vua trọn tấm tình
Hiếu trung một tiết vẹn thanh danh
Hạc về, hoa biểu nghìa năm đó,
Muôn việc yên lòng gửi cõi xanh).

Ngâm xong, bèn ngửa mặt lên trời than rằng: " Không thể làm gì được nữa, cũng cùng một lý ấy ", tức khắc biến thành một con rắn xanh thật dài, trườn qua trườn lại chỗ cột trụ rồi đi mất. Vua cho đôi vợ chồng này là bề tôi trung nghĩa. Bấy giờ là tháng 11 ngày 13, Ðinh Công và Hải Tiên cùng hoá vậy. Thái Tổ có thơ rằng:

Lộ kinh cổ miếu thụ liên thiên
Khái tưởng trung thần báo quốc niên
Thuỳ vị đặc trung hoàn thất hiếu
Ðắc trung tiện thị hiếu kiêm toàn.

( Lối qua miếu cũ ngút trời cây
Báo quốc trung quân tưởng những ngày
Ai bảo được trung đành dứt hiếu
Ðược trung lại hiếu vẹn tròn đầy).

Ngày hôm đó, Vua bèn truyền hịch cho thần tử các giáo phường trong khắp nước Nam, đến Kinh đô rước mỹ tự về giáo phường của mình thiết lập từ đường để thờ phụng. Vua chuẩn cho các cửa đình trong khắp nước Nam đều có lệ: tiết Khai Hạ ngày xuân cầu phúc với số tiền là 3 mạch. Giáo phường dùng để cung đốn trong việc thờ cúng ở giáo đường.

Lê Thánh Tông Hoàng đế ghi nhớ công tích của các bề tôi, có làm thơ, phổ vào lời ca để ghi lại điềm lành ấy, gồm các bài Quân đạo, Thần tiết, Quân Minh thần tiết, Dao tưởng anh hiền, Kỳ khí. Lại gia phong cho Ðinh Công là Thanh Xà Ðại Vương, gia phong Mãn Ðường Hoa làm Công chúa.

Chuẩn cho Sinh từ giáo phường ở trang Lỗ Khê, đạo Kinh Bắc thờ cúng, ban sắc để thờ. Thật vẻ vang thay!

Phụng khai các ngày sinh, hoá, các lệ và chữ huý cấm dùng như sau:
Thần sinh: ngày 6 tháng 4
Lễ dùng trên cỗ chay, dưới trâu, bò, xôi, rượu, xướng ca 10 ngày.

Thần hoá: ngày 13 tháng 11.
Lễ dùng trên cỗ chay, dưới lợn đen, xôi, rượu.
Chữ huý: Các chữ Lễ, Châu, Dự, Hoa đều cấm.

Niên hiệu Hồng Ðức năm thứ 7 (1476), tháng Mạnh Xuân, ngày lành.
Ðông các Ðại học sĩ, thần Ðào Cử phụng soạn chính bản.
Niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 6 (1740), trọng thu tháng Tám, ngày lành.
Quản giám bách thần tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền sao như bản chính. ”

( Dịch từ AE a7/1 - từ trang 4a đến 8a )
( Bản dịch của Thạc sỹ Nguyễn Xuân Diện hiện đang công tác ở Viện Hán Nôm - những tư liệu chúng tôi đưa ra có liên quan đến bản thần tích Tổ ca trù Lỗ Khê đều
dựa trên nguồn tư liệu dịch này của Thạc sỹ Nguyễn Xuân Diện )..
image_gallery
Biểu diễn Ca trù Lỗ Khê

Đình Ca công Lỗ Khê theo lề cũ, hàng năm vẫn tổ chức hát thờ (Hát Ca công) đều đặn hai lần vào ngày 6 tháng 4 và ngày 13 tháng 11; trong làng bất cứ ai có được học hát Ca trù đều phải ra hát lấy một câu gọi là hát thờ thánh. Mỗi kỳ hát thờ như vậy xưa thì kéo dài trong ba ngày, giờ thu gọn trong hai ngày. Việc hát thờ trong hai ngày lễ Tổ được người dân làng Lỗ Khê duy trì cho đến tận ngày nay, với những lề lối, khuôn phép được giữ gần như đầy đủ.

Trong làng các đào nương vẫn duy trì lối cũ, đến ngày lễ thánh, hoặc có đình đám thì lại ra hát thờ. Lỗ Khê có bà Phạm Thị Mùi là một trong những danh ca hát Cửa đình, người giữ lại được nhiều làn điệu của lối hát thờ như Thét nhạc, Thiên thai chênh, Cung bắc, Ngâm vọng … Tiếc rằng cụ Phạm thị Mùi đã về với Tổ, để lại một khoảng trống cho Ca trù Lỗ Khê.
  • 20584949_images1016107_1.jpg
Lỗ Khê có Câu lạc bộ Ca trù; người có tâm huyết phục dựng lại truyền thống Ca trù là cụ Hoàng Kỷ, cụ đã ngoại 82 tuổi, nguyên Đại tá, Phó cục trưởng Cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Biên phòng; là lão nghệ nhân đệ nhất trống trầu, cứ mỗi độ lễ tết, giỗ tổ làng nghề, tiếng trống chầu của cụ lại vang xa, đằm thắm đến da diết lòng người … Đã động viên khích lệ, truyền nghề lại cho lớp cháu con; để Ca trù Lỗ Khê được bảo tồn mãi mãi, xứng đáng với công lao gây dựng của Tiền nhân.

Tổng hợp các bài trang trên internet
Đinh Danh Vùng
 
Top