BIA ĐỜI HỒNG ĐỨC (1470 - 1497) Ở MIẾU ĐƯỜNG HỌ ĐINH

10151168_477009299066480_1806109464_n.jpg
BIA ĐỜI HỒNG ĐỨC (1470 - 1497)
Ở MIẾU ĐƯỜNG HỌ ĐINH
( Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn)​
Thôn Nha Quý, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình
Khai Quốc Nguyên Huân minh thái thạch
Tướng gia dư trạch tôn chí
(Đá lớn (Thái sơn) ghi công đầu mở nước
họ chi (Tôn quý) dòng tướng tiếng vang)
BIA ĐỜI HỒNG ĐỨC
GHI BA VỊ CÔNG THẦN HỌ ĐINH

PHIÊN ÂM: TIỀN LÊ HỒNG ĐỨC TAM VỊ QUỐC CÔNG KÝ

Đinh thị chi tiên Thanh Hoá, Thuỵ Nguyên, Thuý Cối nhân giã. Mục Huệ Đại Vương phi, Thần Khê, Đô Kỳ xã Hùng Quốc Công Đinh Tông Nhân, Phu nhân nãi Lê Thái Tổ chi muội, sinh tam nam tài dũng tuyệt nhân, dĩ Hoàng gia phế phủ chi thân thủ ứng nghĩa kỳ, tham bồi tả hữu, gian quan bách chiến, đại trứ huân lao. Đệ nhất vị phong Thái sư Bân Quốc Công, gia tặng Hiển Khánh Vương. Đệ nhị vị phong Thái sư Đinh Quốc Công, gia tặng Linh Cảm Vương. Đệ tam vị phong Thái sư Lân Quốc Công, gia tặng Trung Mục Vương. Thiết khoan đan thư, sơn hà đái lệ, quốc hữu sử, gia hữu thặng, huân nghiệp chương nhiên. Quan kỳ tá Thái Tổ. Mậu Tuất hưng dư dĩ hậu. Trịnh Cao ngự tặc, Lạc Thuỷ tấu công, hà kỳ trí giã. Mang Động thiết mưu, Bồ Ải quyết thắng, hà kỳ trí giã. Côi Sách, Trà Lân chi thắng. Khả Lưu, Tốt Động chi uy, tài lược xuất nhân, thần cơ quỷ vận, bất vị kinh luân thảo muộn, thiên giả tinh trung. My Động chi cống, Bân Quốc Công bất khuất ư cường lỗ. Ai Lao chi chiến, Đinh Quốc Công hiệu lực ư cường trường thiên hạ văn chi mạc bất chấn điệu. Lân Quốc Công thần cầm Chu Kiệt, trảm Trần Hợp, sát Liễu Thăng, tẩu Mộc Thạch phụ thành đế nghiệp huệ thứ Nam Bang. Nhân Tông Thái Hoà bị sàm, hạnh đắc đại thần Trịnh Khắc Phục lực cứu đắc miễn. Nghi Dân chi nạn, nội hữu sanh tôn Thanh Quốc Công Ngô Khiết, Hán Quốc Công Ngô Lan, Thịnh Quốc Công Ngô Hồng, Mỹ Quốc Công Ngô Nhạn đẳng, mật tán gia du dĩ thanh xã tắc. Ngoại hiệp đại thần Nguyễn Xí, Lê Khắc Phục, Lê Lăng đảng xướng nghĩa, tru gian dục đới. Thánh Tông tấn phong phụ chính, Hồng Đức nguyên niên, tuỳ giá bình Chiêm hậu nhị niên tốt: Thánh Tông nhân vi văn tri tế yên. Sư xương Khai quốc nguyên huân, lịch sự tứ triều, tái vi Trung hưng Đệ nhất công thần, vị vọng nguy nhiên, Tự Quang Thuận lục niên dĩ hậu, Vi Thủ Tướng, kỷ thập niên, đoán đại nghi, quyết đại luận, Đế đốc tin chi, triều dã ỷ trọng, do thử nhi tri tam công chi công thuỳ chư vạn thế, cố kinh ký, dĩ vi hậu nhân minh kính.

Quang Thuận nguyên niên, luận định sách công, tấn phong Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, Nhập nội Thái Phó, Á Quốc Công.
Chế viết:
Cái văn, hữu thánh trí chi quân, tất đãi hiền minh chi phụ, tương dữ dĩ đại vi hữu hữu phi thường chi tài, phương lập phi thường chi công quân thần tương đắc, kim cổ đồng nhiên; kỳ quan mổ tảo dĩ phế phủ chi thân, xuất ứng phong vân chi hội, huân minh trì ứng, lưọng nạn đệ dĩ nan huynh, miếu toán, biên trù, tịnh vi tướng, nhi vi tướng, tiến thoái chi tế, hưu thích du đồng, quấn nhất tiết ư hiểm di trung trinh nhật đốc, thụ lưỡng triều tri cố mệnh, bật lượng công đa, doãn vi xã tắc chi thần câu thục quân hành chi ký, huân dong ích mậu, hà hà nhĩ chân chiêm. Tuy thanh dắng doanh doanh cấu sàm ngôn chi võng cực, nhi xích điểu kỷ kỷ tri đức âm thi bất hà. Cái thiên duy, dục trị bình ư lý khởi năng cửu khuất, huấn dĩ khoảng tào bĩ vận hốt nhiên hoạ khởi tiêu tường, gia nhĩ trung trinh, vi thời trụ thạch, nhất đán xướng phục thù chí nghĩa tái chấn hoàng cương, tam quân đồng tả đản chi tâm, cánh thanh đại mẫn, khắc đăng quyết tịch, nghi mậu quyết quan. Ư hi ! Quyết đại sách, tế đại sự, thực kim cổ chi đại nan, dĩ nhất đức phụ nhất nhân thuỷ chung chí vô gián, khâm dư thời duy nhĩ chi hưu.

Phụng kế chi tôn lăng mộ dĩ hạ.
Quốc Thái Phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế, lăng tại Kiều Thần thôn, Mào Diệc sứ nhị mẫu cấm địa.
Gia Thục Trưởng Công chúa lăng tại An Phúc thôn, sài mộc nhị mẫu cấm địa.
Phù Dung Thái trưởng Công chúa lăng tại Gián Nghị thôn, Mào Nghi xứ, tam mẫu sài mộc cấm địa.
Quốc Công Đinh Thái Huệ lăng tại Gia Hội thôn, Nghi Xứ, nhất mẫu nhi cao sài mộc cấm địa.
2.jpg
Tấm bia cổ đặt trong Miếu Đường Họ Đinh

TẠM DỊCH: TRIỀU LÊ ĐỜI HỒNG ĐỨC GHI BA QUỐC CÔNG HỌ ĐINH

Họ Đinh xưa ở sách Thuý Cối, huyện Thuỵ Nguyên, trấn Thanh Hoa, phi (vợ) Mục Huệ Đại Vương (Đinh Tông Thanh còn có tên là Đinh Thỉnh), người xã Đô Kỳ, huyện Thần Khê (Thái Bình), sinh Hùng Quốc Công Đinh Tông Nhân, Phu nhân (Hùng Quốc công) là chị Vua Lê Thái Tổ sinh ba người con trai (Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt), có tài lực dũng mãnh hơn người, lấy tình ruột thịt của Hoàng gia, trước hết đứng dưới cờ nghĩa, theo liền Vua bên tả hữu, trải leo núi trèo non, chống đỡ lúc gian nguy, có rất nhiều chiến công. Vị thứ nhất (Đinh Lễ) được phong Thái sư Bân Quốc Công, gia tặng Hiển Khánh Vương. vị thứ hai (Đinh Bồ) phong Thái bảo Định Quốc Công, gia tặng Linh Cảm Vương. Vị thứ ba (Đinh Liệt) phong Thái sư Lân Quốc Công, gia tặng Trung Mục Vương, khoán sắt như son, sơn hà đái lệ (.... ).

Nước có sử chép, nhà có sách ghi, công nghiệp to lớn rực rỡ. Xem như Vua Thái Tổ, từ năm Mậu Tuất (1418) dấy quân về sau. Ngăn giặc ở Trịnh Cao, tấn công ở Lạc Thuỷ dũng nào hơn vậy ! Đặt mưu ở Mang Động, quyết thắng ở Úng Ải trí nào hơn vậy ! Lại thắng lớn ở Côi Sách, Trà Lân, oai hùng ở Khả Lưu, Tốt Động, mới hay tài lược hơn người, cơ thần quỷ (.... ) há rằng thảo muội kinh luân (... ). Một dạ trung trinh, trận My Động, Bân Quốc Công (Đinh Lễ) không chịu khuất giặc mạnh. Trận Ai Lao Đinh Quốc Công (Đinh Bồ) hy sinh chốn sa trường, thiên hạ nghe tin thấy đều thương sót. Lân Quốc Công (Đinh Liệt) hiệp cùng các công thần bắt Chu Kiệt, chém Trần Hợp, giết Liễu Thăng, đuổi Mộc Thạch, giúp Vua nên nghiệp đế, dựng nước Nam này. Năm Thái Hoà đời Vua Lê Nhân Tông bị dèm pha, may được đại thần Trịnh Khắc Phục hết lòng cứu giúp được thoát nạn. Khi loạn Nghi Dân (giết Vua Nhân Tông), trong có cháu ngoại là Thanh Quốc Công Ngô Hồng, Mỹ Quốc Công Ngô Nhạn bí mật liệu trù kế hoạch tốt đẹp để yên xã tắc, ngoài hiệp cùng đại thần Nguyễn Xí, Lê Khắc Phục, Lê Lăng ... xướng lên việc nghĩa giết kẻ gian tà, giúp dập tôn phù Nhà vua (Lê Thánh Tông).

Vua Lê Thánh Tông tấn phong Phụ chính, năm đầu Hồng Đức theo xa giá dẹp Chiêm Thành, hai năm sau thì mất. Vua Thánh Tông thân làm văn tế điếu, sử sách khen ông (Đinh Liệt) bậc Khai quốc Nguyên huân, trải thờ bốn triều vua (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông), lại là Công thần Trung hưng Bậc nhất, vời vợi công cao. Từ năm Quang Thuận thứ sáu (1465) về sau mười năm liền làm Thủ tướng, quyết đoán những mối ngờ lớn, quyết định những việc bàn lớn, được Vua tin cậy, trong triều ngoài nội đều tôn trọng.

Bởi vậy, công cao của ba ông rủ xuống muôn năm, cho nên đều ghi ở đây, để làm gương sáng soi cho đời sau.

Năm đầu Quang Thuận (1460) bàn định sách công (sách ghi công lao lúc đầu mở nước), tấn phong Lân Quốc Công Đinh Liệt làm Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ty, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự, nhập nội Thái phó, Á Quốc Công, chế rằng:

"Từng nghe có bậc vua thánh trí, hẳn đợi tướng hiền minh giúp dập, cùng với nhau lấy lớn có làm, có chưng tài phi thường mới lập được chưng công phi thường, vua tôi tương đắc xưa nay vẫn thế.

Xét (Lê Liệt) đây sớm đem tình ruột thịt, ra ứng hội phong vân, xướng hoạ tiếng đàn tiếng sáo, anh em khó biết ai kém ai hơn, kế ở miếu đường, mưu ở biên cương, vừa tướng văn vừa tướng võ, khi tiến khi lui, với nước cùng lo cùng vui, lúc hiểm nguy lúc bình thường vẫn trọn một tiết. Chịu cố mệnh hai triều, người nhiều công giúp dập, xứng đáng bề tôi xã tắc, lại được ký thác cho việc cầm cân, để thêm trọng vọng.

Công lao chức vị càng to, xa gần đều thấy. Dẫu lời dèm pha không dứt như tiếng nhặng xanh vo ve, nhưng biết rằng người có đức hạnh không có vết xấu, vẫn đi dép đỏ ung dung, vì Trời muốn có cho Nước được trị bình, há đâu để khuất mãi. Huống chi vừa rồi gặp cơn vận bí, họa loạn sinh tự trong nhà, khen lòng trung trinh của người làm cột đá cho lúc ấy, một xướng nghĩa phục thù, chấn chỉnh lại kỷ cương cho nhà vua, ba quân cùng một lòng, giúp đỡ đã dẹp yên được kẻ đại ác, làm cho vua được tốt, nên thưởng cho quan to. Được vinh hạnh mở Phủ, cho ngôi cao Sư thần. Giữ việc Quân quốc là trách nhiệm long trọng, cho lên Quận hầu là tước phẩm vẻ vang. Để lêu ra công to lớn, để tỏ sự đãi ngộ rất hậu (đoạn này trích trong bài Chế của "Lịch triều hiến chương loại chí " của Phan Huy Chú, không ghi trong văn bia).

Tham ôi ! Quyết định sách lớn, trọn vẹn việc lớn, thực xưa nay là chuyện khó, lấy đức có một, giúp người có một; mong trước sau không đổi !
Kính theo mệnh Trẫm là phúc cho nhà ngươi !"

Phụng kê các lăng mộ:

- Lăng mộ Quốc thái Phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế, rộng hai mẫu đất cấm, ở xứ Mào Diệc, thôn Kiều Thần.
- Lăng mộ Gia Thục Trưởng Công chúa, rộng mười hai mẫu đất cấm trồng cây ở thôn An Phúc.
- Lăng mộ Phù Dung Thái Trưởng Công chúa rộng ba mẫu đất cấm trồng cây ở xứ Mào Nghị, thôn Giám Nghị.
- Lăng mộ Quốc Công Đinh Thái Huệ rộng một mẫu hai sào đất cấm trồng cây ở xứ Nghi, thôn Gia Hội.

BIA MẶT SAU

PHIÊN ÂM:
ĐINH GIA THẾ THỨ CẬP CHƯ LĂNG MỘ TINH TIỀN TRIỀU CHUẨN CẤP TỰ ĐIỀN XỨ SỞ KẾ THUYÊN VU TẢ

Tiên tổ khảo Đinh Tông Thanh tiền Lê triều tặng phong Mục Huệ Đại vương, tỉ Thần Khê huyện, Đô Kỳ xã, nhân sinh hạ tổ khảo Đinh Tông Nhân tặng Thái uý Hùng Quốc công, tổ tỉ Lê Thị Ngọc Vị. phong Quốc thái Phu nhân, sinh hạ tam nam:

Trưởng nam Đinh Lễ, Lê triều tặng phong Bình Ngô Khai quốc, Suy trung tán trị Dực vận Bảo chính Công thần Bân Quốc Công, phụ tứ Quốc tính; Hồng Đức nguyên niên gia tặng Thái sư, hậu gia phong Hiển Khánh Vương. Lăng mộ tại Lam Sơn, Mỹ Lâm sách, chính nguyệt, thập tam nhật kỵ. Sinh hạ Đinh Công Trung, Đinh Công Huệ, Đinh Công Thái, nữ tử Đinh Thị Ngọc Kế phối Đồng Phang Nhân Dụ vương Ngô Từ, sinh đắc Thánh mẫu Ngô Thị Ngọc Giao phụng thị Lê Văn Tông Hoàng đế, dĩnh sinh Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế.

Thứ nam Đinh Bồ, Lê triều tặng phong Bình Ngô Khai quốc Công thần Thái bảo Đinh Quốc Công, phụng tư quốc tính, gia phong Linh Cảm Vương, mộ tại Hưng Nguyên huyện, Phúc Điền xã, chính nguyệt thập lục nhật kỵ. Tỷ Lê Thị Ngọc Thuận, phong Quốc thái Phu nhân mộ tại Lam Sơn, Dục Tú thôn, tam nguyệt thập lục nhật kỵ. Sinh nữ tử Đinh Thị Ngọc Ban.

Quý nam Đinh Liệt, Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế phụng thăng Trung trinh Kiệt tiết Dực vận Tuyên lực Công thần, đặc tiến Khai phủ nghi Đồng tam ty, nhập nội Kiểm hiệu Bình Chương Quân Quốc Trọng sự, kiêm Nội ngoại Bình dân Từ tụng, Thượng Trụ quốc, Trần dám Thiết quân trung phẩm Phụng ngự Thái sư Lân Quốc công, phụng từ Quốc tính Gia tặng Minh nghĩa Hiệp mưu Đồng đức Công thần, kiêm Thái tử Thái sư, gia phong Trung Mục Đại Vương. Mộ tại Mỹ Lâm sách, thập nhị nguyệt thập nhất nhật kỵ. Tỷ Lê Thị Ngọc Phú, phong Quốc thái Phu nhân, lăng mộ tại Thạch Nội xã, sinh hạ Đinh Công Đột, Đinh Công Hiến, nữ tử Đinh Thị Ngọc Mai.

Tiền Lê công thần Đinh phái tôn việt Lễ Công Vinh, Đinh Công Nghi đẳng phụng sắc chỉ phụng sự Đốc Hổ điện. Thánh Mẫu - Hoàng Thái Hậu cập chư vị tính tử lăng sở đẳng luỹ khâm phụng chuẩn cấp tế điền tại An Lão xã địa phận Nội điện sài mộc cửu mẫu, tại Giám Thượng thôn, Bố đồng nội xích, Lâu quốc đẳng sứ, thực điền thập tam mẫu, các cộng Nội điện thổ cư cập điền nhị thập nhị mẫu cửu cao, tử tôn nhận dĩ canh cư tu tác điện đường phụng sự, đệ niên sinh thì kỵ thi, tứ thời bát tiết đẳng lễ phụng sự như nghi.


TẠM DỊCH:
BIA KHẮC GHI THẾ THỨ LĂNG MỘ, CÁC TÔN VỊ HỌ ĐINH, CÙNG SỐ RUỘNG TỰ ĐIỀN, SỨ SỞ DO TRIỀU TRƯỚC CHUẨN CẤP

Tiên tổ khảo Đinh Tông Thanh (Đinh Thỉnh) triều Lê tặng phong Mục Huệ Đại Vương. Tiên tổ tỷ người xã Đô Kỳ, huyện Thần Khê (Tiên Hưng, Thái Bình) sinh tổ khảo Đinh Tông Nhân, tặng phong Thái Uý Hùng Quốc Công. Tổ tỷ Ngô Thị Ngọc Vị (Ngọc Vồi) phong Quốc Thái Phu Nhân, sinh được ba con trai:

Trưởng nam Đinh Lễ, Lê triều phong Bình Ngô Khai quốc, Suy trung tán trị, Dực vận Bảo chính Công thần, Thái Bảo Bân Quốc Công, cho Quốc tính. Năm đầu Hồng Đức gia tặng Thái Sư, gia phong Hiển Khánh Vương. Lăng mộ táng tại sách Mỹ Lâm, Lam Sơn, giỗ ngày 13 tháng giêng.

Tỷ Bùi Thị Ngọc Liễu phong Quốc Thái Phu Nhân. Mộ táng tại thôn Đức Trà, Lam Sơn, giỗ ngày 18 tháng 9.

Sinh được Đinh Công Trung, Đinh Công Huệ, Đinh Công Thái, con gái Đinh Thị Ngọc Kế lấy Dụ Vương Ngô Từ người làng Đồng Phang sinh Thánh mẫu Ngô Thị Ngọc Giao, hầu Vua Lê Văn Tông Hoàng đế, sinh Thánh Tông Thuần Hoàng đế.

Con thứ Đinh Bồ, triều Lê tặng phong Bình Ngô Khai quốc Công thần, Thái Bảo Định Quốc Công, cho họ Vua, gia phong Linh Cảm Vương. Mộ táng tại xã Phúc Điền, huyện Hưng Nguyên, giỗ ngày 16 tháng giêng.

Tỷ Lê Thị Ngọc Thuận phong Quốc phu nhân. Mộ táng ở thôn Dựng Tú, Lam Sơn, giỗ ngày 16 tháng 3. Sinh con gái Đinh Thị Ngọc Ban

Con trai út là Đinh Liệt, Vua Thánh Tông thăng: Tĩnh trung Kiệt tiết Dực vận, Tuyên Lực Công thần, đặc tiến Khai phủ Đồng Tam ty Nhập nội Kiểm Hiệu Bình Chương Quân Quốc trọng sự, kiêm Nội ngoại bình dân từ tụng Thượng Trụ quốc, Trần giám Thiết (đột) quân trung phẩm, phụng ngự Thái Sư Bân Quốc Công, cho họ Vua, gia tặng Minh nghĩa Hiệp mưu Đồng đức Công thần, kiêm Thái Tử Thái Sư, gia phong Trung Mục Vương. Mộ táng tại sách Mỹ Lâm, giỗ ngày 11 tháng 12.

Tỷ Lê Thị Ngọc Phú phong Quốc Phu Nhân. Mộ táng tại Thạch Nội. Sinh được con trai là Đinh Công Đột, Đinh Công Hiến, con gái Đinh Thị Ngọc Mai.

Con cháu phái họ Đinh Công thần triều Lê trước là bọn (Đinh) Công Vinh, Lê (Đinh) Công Nghi, khâm phụng sắc chỉ nhà Vua phụng thờ điện Đốc Hổ - Thánh mẫu Hoàng Thái Hậu cùng chư vị và bốn nơi lăng sở, đời đời kính vâng mệnh Vua cấp cho tự điền ở xã An Lão. Địa phận nội điện, trồng cây là 9 sào, ở xứ Đốc Viên, thôn Giám Nghị là 6 sào, Bến Nghị là 3 sào, cùng các xã Bố Đồng, Nội Xích, Lâu Quốc, thôn Thượng xã Phúc Khánh là 13 mẫu thực điền. Cộng ruộng các nơi và thổ cư Nội điện là 22 mẫu 9 sào. Con cháu họ Đinh nhận cày cấy và làm thổ ở (lấy hoa lợi) dùng vào việc tu sửa điện đường và vào việc tế lễ ngày sinh, ngày mất, hương lửa bốn mùa, tám tiết trong hàng năm, thờ cúng theo khuôn mẫu.
27_003.jpg

THẦN TÍCH
BÌNH NGÔ KHAI QUỐC THÁI BẢO BÂN QUỐC CÔNG, THƯỢNG ĐẲNG THẦN

Ông Đinh Lễ người sách Thuý Ái, thuộc Lam Sơn, là cháu ngoại gọi Bình Định Vương Lê Lợi bằng cậu. Ông tính người anh nghị quả cảm, nhiều mưu lược, giỏi võ nghệ, khi lớn đi hầu cận Bình Định Vương Lê Lợi, trải đủ mùi gian lao vất vả.

Năm Giáp Thìn (1424) Bình định Vương cùng các tướng nhà Minh đánh nhau ở Khả Lưu và Bồ Ải. Ông Đinh Lễ xông thẳng vào trận trước, tướng sỹ đua nhau tiến theo, quân giặc thua to, ta bắt sống tướng Minh là Đô ty Chu Kiệt, chém chết tướng tiên phong của giặc là Đô ty Hoàng Thành cùng vô số quân giặc. Ông Đinh Lễ có nhiều công lao trong trận này được phong Tư Không. Sau chiến thắng này Bình Đinh Vương mở cuộc hành quân chiến lược xây dựng căn cứ địa mới ở Nghệ An, theo kế hoạch chuyển hướng vào Nam.

Tư Không Đinh Lễ đem quân bản bộ lập đồn trại đóng chốt ở núi Tùng Lĩnh, nay thuộc xã Đức Trường, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ An, cho quân sỹ khai khẩn hai bên bờ sông La Giang để tự cấp lương thực ăn. Bình Định Vương sai Tư Không đi tuần ở Diễn Châu, Tư Không đem quân mai phục ở ngoài thành, quân giặc không hề hay biết, đúng lúc Đô ty Trương Hùng thua chạy, Tư Không đoạt được toàn bộ thuyền lương, thừa thế đuổỉ theo đến tận thành Tây Đô, Bình Định Vương sai các tướng Lê Sát, Lê Triện tiếp ứng chém được hơn 500 đầu giặc.

Năm Bính Ngọ (1426) Bình Định Vương sai Tư Không Đinh Lễ cùng tướng Nguyễn Xí đem quân tinh nhuệ tiếp ứng các đạo quân đang đánh nhau ở miềm Bắc. Tư Không cùng các tướng đánh thắng giặc ở Ninh Kiều, rồi đóng quân ở phía tây sông Ninh Giang.

Lúc này, Tổng Binh nhà Minh là Thành Sơn hầu Vương Thông dẫn quân từ Yên Kinh mới tới khí thế đang hăng, y chia 10 vạn quân thàng ba cánh kéo ra khỏi thành Đông Đô. Một cánh do Sơn Thọ chỉ huy đóng ở cầu Thanh Oai, doanh trại nối liền nhau vài mươi dặm. Tướng quân Lê Triện đánh bại cánh quân Sơn Thọ, còn Vương Thông thì đặt phục binh để chặn quân ta. Lê Triện thu binh chiếm giữ chỗ hiểm, cấp báo với Tư Không Đinh Lễ lúc này đang cùng các tướng Trương Chiến và Nguyễn Xí bí mật phục binh đợi giặc ở Thanh Đàm.

Được tin cấp báo, Tư Không Đinh Lễ đem hơn 3000 quân tinh nhuệ và 2 voi chiến đang đêm tới cứu, hội quân ở Cao Bộ, chia quân phục ở chỗ hiểm yếu. Ta bắt được gián điệp quân Minh, hỏi biết Vương Thông định đặt pháo ở phía sau quân ta. Tư Không Đinh Lễ bảo tướng Lê Triện rằng: Nay muốn dụ chúng vào ổ mai phục của ta, không gì bằng tương kế tựu kế.

Bèn hạ lệnh cho các tướng, hễ nghe tiếng pháo nổ thì cứ im lặng. Hạ lệnh xong cho quân nổ pháo liên tiếp.

Vương Thông và Phương Chính nghe pháo nổ cho rằng đó là cánh quân của Y đi đường tắt đã đến sau lưng bắn vào quân ta, Y hạ lệnh tấn công. Khi toàn bộ quân Minh qua sông vào sâu trận địa mai phục, cách sông Yên Duyệt vài dặm, thì phục binh của ta ba mặt đều nổi dậy, thả sức xông ra đánh diết giặc tại các xứ Tốt Động và Chúc Động. Quân ta đại thắng chém được Thượng thư Trần Hiệp và Nội quan Lý Lượng cùng vài vạn quân sỹ ... Số giặc chết đuối nhiều đến nỗi nước sông Ninh Giang tắc không chẩy được. Ta còn bắt sống hơn vạn tên, thu quân tư khí giới nhiều vô kể. Vương Thông và Phương Chính chạy thoát vào thành Đông Đô. Tư Không Đinh Lễ thừa thắng tiến quân vây thành Đông Đô.

Bình Định Vương đóng quân ở Tây Phù Liệt chỉ huy đánh phía Nam thành. Sai Tư đồ Trần Nguyên Hãn đem thuỷ quân theo sông Hát Giang kéo xuống. Sai Tư Không Đinh Lễ đem quân từ cầu Tây Dương nhân ban đêm bí mật tiến vào, ba mặt góp công, phóng hoả đốt nhà cửa ở bên ngoài thành, khói lửa ngất trời, quân Minh đóng đồn bảo vệ ngoại vi tranh nhau chạy vào thành, đè lên nhau mà chết, ta bắt sống được rất nhiều.

Mùa xuân năm Đinh Mùi (1427), Bình Định Vương tiến quân lên phía bắc sông Lô (sông Hồng) đối diện với thành, chia các tướng giữ chặt các cửa. Sai Lê Triện đóng chốt ở phía Bắc thành, Tư không Đinh Lễ đóng đồn ở phía Nam thành, đây là hai nơi xung yếu nhất. Tháng ba, Vương Thông đem hết quân tinh nhuệ trong thành ra đánh Thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Tư Không Đinh Lễ cùng Đại tướng quân Quản đội Thiết đột thứ nhất đem 500 quân tới cứu. Giặc Minh thua chạy, quân ta đuổi theo đến My Động, Vương Thông thấy quân ta quá ít, bèn quay binh đánh trả mãnh liệt, voi của Tư Không Đinh Lễ và Đại tướng Nguyễn Xí sa xuống cánh đồng lầy, bị giặc Minh bắt đem vào thành Đông Đô rồi sát hại.

Tư Không Đinh Lễ hy sinh là một tổn thất lớn của nghĩa quân, vì Tư Không Đinh Lễ là một tướng lĩnh cao cấp, đang giữ chức Nhập nội Tư Không và cũng là viên tướng dũng cảm bậc nhất, đã có công lao lớn nhất trong các trận Khả Lưu - Bồ Ải năm 1424, Trận hạ thành Diễn Châu năm 1425 và nhất là trận Tốt Động - Chúc Động năm 1426.

Sau khi quân Minh buộc phải giảng hoà rút về nước. Năm Mậu Thân (1428) Bình Định Vương lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên. Tặng phong cho ông: Bình Ngô Khai quốc, Suy trung Tán trị, Dực vận Bảo chính Công thần, Thái Bảo Bân Quốc Công.

Đầu năm Hồng Đức gia tặng: Thái Sư, tấn phong: Hiển Khánh Vương.

Nhiều nơi trong nước lập đền thờ Bình Ngô Khai quốc Thái bảo Bân Quốc Công. Tôn làm Phúc thần Đương Cảnh. Đền chính ở Linh Cảm, thuộc xã Việt Yên Hạ, huyện La Sơn, tỉnh Nghệ An và Đốc Hổ điện còn gọi Sáo Đền, xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Thần được các triều vua gia phong mỹ tự, bậc Thượng Đẳng Thần - Dực Bảo Trung hưng Tôn thần.

Lê Xuân Quang - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Soạn dịch​
 
Top