Ngọc Phả Họ Đinh làng Chòm

Đinh Bá Trụ

Thành viên mới
NGỌC PHẢ HỌ ĐINH LÀNG CHÒM

Gia phả chi thứ hai
Cụ tam khoa tú tài Đinh Thức Hiệt
Quyển này là quyển Hạ, ghi chép chi thứ hai, còn quyển thượng là quyển gia phả chính. Chú ý đời kế sau tục đổi sách viết tiếp, chỉ đổi từ chi mình trở xuống, còn phả chính trở về trước con cháu sau này chớ nên đổi chữ nào). Chú ý cách viết: viết hệ chính ghi cao lên một dòng, phụ biên ghi các hệ một hàng. Con trai gái các đời ghi thấp xuống 1 hàng. Các điều khác chiếu theo phả chính.

Ông tên đặt lúc chết là Đinh Văn Trinh, Đinh Tiên sinh, đỗ 3 khoa tú tài (Cụ Mền).

Tên huý là Thưởng tên chữ là Thức Hiệt (vì trùng tên với một vị thần nên đổi) biệt hiệu là Thượng Phủ. Các học giả gọi là Phi Yến Tiên Sinh. Sinh năm Bính Tuất ngày Mậu Dần 28 – 6. Theo cha Ông cho biết, Ông ở trong bụng mẹ 11 tháng. Chết giờ mùi ngày 19 - 8 năm Tân Mão, thọ 66 tuổi. Mai táng tại Đồng Hùng.

Bà cả là Nguyễn Thị Nhu Nhân.
Bà hai là Đinh Xuân Thị, hiệu là Từ Trang. Bà tên huý là Hối đẻ ở làng La Phù, con đầu của ông Đinh Công Do (huý), đẻ giờ Bính Tuất ngày 7 - 2 năm Quý Mão. Chết giờ Thân ngày 18 - 7 năm Tân Tỵ thọ 39 tuổi. Chôn tại Đường Vũ Xứ cách mộ Bà tổ 2 trượng 8 về phía Tây nam (phía đồng). Bà có 5 anh em: anh trai Đinh Xuân Lộ, Đinh Xuân Ngạn, em gái Đinh Thị Dung, em trai Đinh Xuân Khu.

Ghi thêm người chết khi còn nhỏ.
Con gái thứ nhất: Thị Thịnh 3 tuổi đẻ 24 tháng 6 năm ất Mão.
Con gái thứ hai: Thị X, 6 tuổi, đẻ 20 tháng giêng năm Bính Thìn
Phần ghi chép về sinh trưởng
Cha là con trai thứ của Chính Nghị Tiên Sinh
Sinh ngày 28 - 6 năm Bính Tuất, triều Nguyễn Minh mệnh thứ 7. Gồm 5 anh em.
( Bà con gái cả lấy chồng họ Lê nhà ông Giáp Giản;- Con trai cả Đinh Năng Đoán; Con thứ hai Đinh Thúc Hiệt (cụ Mền); Con thứ ba Đinh Công Tuấn; Con gái út Đinh Thị Hiên)

Vợ cả là Nguyễn Thị Hồng con ông Minh Đạt (mất 4 - 5) người, thôn Hạ, xã Lê Xá nay là Gia Ninh. Mẹ vợ là Trương Thị hiệu Từ Chính (mất 9 -8). Bà là con gái thứ 3 anh trai có như: Lợi trưởng chi, em trai Diệu, Nga, em gái là Đào. Tên Bà là Hằng nhưng do tránh quốc huý đổi là Hồng. Sau lại đổi là Thường. Bà sinh ngày 25 - 7 năm Đinh Hợi. Bố của Minh Đạt Tiên Sinh phần mộ trước ở thôn Văn Hà, xã Đại Hữu. Ông nói đất đó là đất có văn, nên bà ngoại có thai khi sắp đẻ, Ông ở ngoài đồng vội về sai người nhà bắt gà, dặn rằng đẻ con giai mổ gà ăn mừng, đẻ con gái thì thôi. Nếu đẻ con gái thì sau này gả được rể quý hãy mổ gà ăn mừng ( đúng là đẻ con gái). Nên cho đến năm 25 tuổi gả về cho Bố (cưới ngày 19 - 9 năm Tân Hợi), cả nhà mới ăn mừng. Bà thờ cha mẹ hiếu thảo, mọi việc nhà đều làm gấp mấy người khác. Cáng đáng các việc, bởi vậy chồng mới học hành tấn tới, nổi danh sau này cũng nhờ bà. Bà dạy dỗ con cái rất khéo léo. Không bao giờ chửi bới ai, ăn ở phải đạo. Lễ giáo nghiêm ngặt. Tính này giữ được đến già. Ngày 13 - 3 năm Thành Thái thứ 16 lâm bệnh. Tối 14 bệnh càng nặng. Cho gọi con cháu tới, dặn dò kỹ từng điều. Dặn rằng: phải kính trên yêu dưới, đoàn kết chan hoà trong họ. Lại nói: "Ta thọ bảy tám mươi tuổi có chết đi nữa cũng không ân hận gì". Sau đó không chịu uống thuốc thang, chỉ uống ít sâm nhung. Đến ngày 16 (giờ Mão) thì mất ở nhà giữa, liệm vào ngày đó, ngày 15 - 16 làm ma, ngày 16 mời họ hàng làng xóm. Sáng 18 họ đến đặt bàn thờ ở giữa nhà. Theo ý của họ hàng, giờ Tý ngày 19 đưa đám. Chôn ở Đồng Xứ sau Chùa. Ông cử nhân Trần Công Cửu người Hà Nam làm đề chủ, hộ tang là em họ Nguyễn Công Đăng. Xem đất là cháu trưởng Đinh Văn Vỹ. Hộ tang là em trai Nguyễn Công Đăng làm lễ, lấy Trưởng tràng Trần Chức trưởng lễ. Ngày 19 là lễ đầu, ngày 20 là thứ 2, ngày 21 là thứ 3. Ngày 23 là ngày chầu tổ. Theo sách "Văn Công" mà làm tang lễ.

Bà đẻ con 7 lần chỉ nuôi được 2 nam, 3 nữ. Nữ là Hoãn, Diệu Nghiễu. Nam là Lương, Tiện.
Vợ lẽ Đinh Xuân thị đẻ 4 lần. Con trưởng thành có ông Xuân, con gái là Loan, con nuôi Đinh Trương Xuyến (vì có con giai muộn nên nuôi con nuôi). Đó là chắt ông họ Trương người thôn Trung, xã Lê Xá nuôi nấng từ bé coi như con đẻ.

Nghiệp nhà đèn sách.
Ông theo học ông Chính Nghị. Cho đến lớn theo ông Hoàng Phú Khê. Ông Hơàng Phú Khê huý là Kim Chung, trúng cử nhân năm Tự đức Nguyên niên, nguyên Đốc học Hải Dương.

Sau theo ông Trần ở Vụ Bản, nguyên Tri phủ Hoài Đức, là 1 ông quan thanh liêm.

Sau nữa theo ông Tam Đăng Phạm Tiên Sinh, huý là Nghị hiệu là Nghĩa trai, tên nữa "Liên động chủ nhân" (chủ nhân Động Sen). Xuất thân Tiến sỹ đệ nhị giáp, khóa Bính Tuất (Minh Mệnh 19), chức "Thị độc học sĩ", rồi "Thương biện Tỉnh vụ" Nam Định, sau lánh nạn Tây về ẩn tại Trường An huyện nhà, đổi tên động Hoa Lư thành động Liên Hoa. Làm nhà ở đó, xây 1 đài trên đá để ngồi câu cá. Đài đó nay vẫn còn, học trò lấy ngày ông mất (15 - 1) đến đài đó cũng lễ.

Sau nữa Ông lại ôm tráp theo học Ông Quỷ Trì Nguyễn Tiên Sinh người cùng tỉnh. Ông Nguyễn đốc học tỉnh nhà, nguyên đậu Phó bảng khoa Kỷ Dậu, năm Tự Đức thứ 2. Tổ chức "hậu tập" tại La Phù, sau một thời gian thăng chức "Tập hiền viện", mấy năm sau thăng án sát Hải Dương, rồi lấy cớ già xin về nghỉ.

Ông (Bố Lương) thường nói : Ta học bắt đầu từ Ông Hoàng, tiến lên nhờ Ông Phạm, ông Trần, gạn đục khơi trong là nhờ quy phạm của Quỷ Sơn. Học phải chăm chỉ học đạo lý, suy nghĩ tinh tế, không nên chuyên vào cử nghiệp, tuy ta tố chất trong mình ít, nhưng dày công mài dũa, tự học là chính, không quá dựa vào nghệ, nên thành công. Lúc trẻ ta du học, chỗ để đèn khói lên lâu dần tích thành gò, trên khói dưới sách.

Người lại thường nói rằng: Lúc ta học ông Trần Vụ Bản. Khi Ông sắp đi thi Hội, Ông đóng cửa ở nhà cả ngày để "nấu sử sôi kinh". Mỗi ngày học 50 trang. Từ sáng đến giờ Thìn đọc sách, 3 giờ Tỵ, Ngọ, Mùi đọc chú thích, diễn nghĩa, thỉnh thoảng có nghỉ đi bách bộ. Từ giờ Thân đến khuya lại tiếp tục học. Hơn 3 tháng đằng đẵng như vậy, sức học tiến trông thấy. Ông làm văn không hay kỳ ảo, thơ ca nổi tiếng một thời. Ông chuyên Kinh Lễ, bạn bè gọi là "Ông thầy Kinh Lễ".

Ông (bố Lương) thường bảo rằng: Lúc nhỏ ta làm văn rất vụng, sau lấy quyển "Sơ học linh tê" nghiền ngẫm, lấy 2 đề "Mộc đạc" tập luyện, từ thô đến tinh, ứng khoá (sau này) không lần nào rớt.

Lời ông Hoàng tú tài Phú Khê rằng: Làm văn như: Ngọc Động Đinh Tiên sinh, chủ khảo nào mà đánh hỏng được. Không dựa vào kỹ xảo khéo léo, mà viết rất minh bạch, ngôn từ tinh giản, lời lẽ rắn rỏi. Trong chiếu của vua ghi rõ: "Giỏi văn bác cổ, lãng mạn, khả quan, gãy gọn". Các thầy dạy hy vọng sẽ đậu to.

Ông đến học ở những học giả lớn. Tập bài ở các tỉnh huyện được coi là cự phách. Đến đâu cũng tiếng tăm lừng lẫy. Thi ở Tỉnh Thanh Hoá lừng danh 2 tỉnh. Ông Quỷ Trì Nguyễn Tiên Sinh dạy học trong tỉnh, người theo học rất nhiều, Ông chấm bài nghiêm ngặt, ít cho khá, một năm chỉ cho 4 quyển "bình", trong đó Ông (bố Lương) chiếm 2 quyển. Ông cùng học với cử nhân Hoàng Xuân Thưởng, Điềm xá Giải nguyên Lâm Quang Điểu. Bạn bè hy vọng Ông đậu cao. Khi Ông ở tại La Phù, quan Vũ bộ đại nhân tỉnh nhà tổ chức "tập bài", ông con trưởng là Chấn mấy tháng đứng đầu bảng. Mọi người chịu bó tay, người già cũng không bằng. Lúc đó Ông (Bố Lương) chưa dự, bạn đồng liêu khích lệ, Ông đến thi. Đầu bài rất hiểm do cử nhân Nguyễn Tử Văn ra. Ông bảo "ra đề này các trò biết tay tôi". Nhưng Ông (bố Lương) bảo rằng : rất trúng ý tôi. Khi chấm Ông được nhất. Sau đó liên tiếp đứng đầu 62 kỳ. Kỳ thi ra đề "Nhật trường chí (mặt trời sáng mãi). Ông dùng :"Dương chiếu cửu bất phúc tam". Khi bình văn Vũ bộ gọi tới nói rằng:
"Đọc văn người, giờ thấy mặt mới hỏi, người lấy điển đó ở đâu?" Ông thưa rằng :"Lấy ở sách Uyên Giám. Mặt trời chiếu 9 giờ chứ không phải 3 giờ mà thôi. Mọc giờ Dần lặn giờ Tuất".

Vũ bộ lại hỏi rằng :"Đã đỗ đạt chưa ?" Ông thưa "mới thi 4, 5 khoa, chưa đậu lần nào. Ông Vũ bộ rất khen mà rằng: "Sẽ đỗ thôi". Ông Vụ bản họ Trần cũng mừng rằng :"Khi con đến học thầy chưa thật xuất sắc, nay đã khá như vậy nên gắng nữa". Đến năm 18 tuổi mới ứng thí. Nhưng "cửa Rồng sóng dậy" tiến 3 bước trời quang mây tạnh, chưa thể tung 6 cánh được, đó là cái bực của con nhà văn. Song Ông nghĩ phải cố thi đỗ mới hả lòng, Ông học mùa đông không cần lửa, mùa hạ quên cả quạt, không chỉ muốn nổi danh, mà chỉ nghĩ mau thành đạt để cha mẹ được hả lòng. Nhưng cây muốn lặng, gió chẳng đừng. Băn khoăn mãi mãi. Năm Tân Hợi, bà mẹ Ông mất, Ông 34 tuổi Bố cũng mất nốt. Quá đau thương Ông lâm bệnh đau tim. Khi mẹ ốm Ông chầu hầu làm hết mọi việc, không muốn để ai mó tay vào. Mẹ mất, Ông nhịn ăn 3 ngày (theo lễ sách) nên sinh đau tim, về sau Ông cũng chết về bệnh đó, ôi thương thay ! chưa được nuôi nấng cha mẹ.
Trong văn đàn Ông chiến đấu rất hăng, 2 lần đậu đầu tỉnh. Lần trước trúng thi đầu tỉnh, lần ấy thi có đề :"Được mùa tháng 10". Vì nhà xa đến chậm, Ông xin đề khác. Quan nội các Vũ Phạm Khải có mặt tại đó nói rằng :"Làm hay là được, cần gì đề khác. Ông viết xong trước tiên, trình lên. Ông Vũ nói rằng :"Vừa thái táo, vừa nấu nướng chỉ một câu phá cũng đủ đỗ đầu rồi". Ông được đậu đầu tỉnh.

Lần sau, Ông lại đến chậm, ông quan đưa đề thi :"Nguỵ du vân mộng chấp tín du", Ông chưa kịp viết, Quan Vũ bộ đã gọi lại hỏi rằng: "Người suy nghĩ thế nào về đề đó". Ông thưa rằng :"Quân tử giữ lòng tin không nên tin ở lễ trái, nguỵ du không phải là đức tin". Ông Vũ bộ bảo rằng:" Như vậy không cần làm bài nữa ! Văn giỏi". Ông lại đỗ nhất.

Có một lần tập bài, học thần Vương Đình Chiến thay người Cống Thuỷ làm bài biểu "Bình Thục". Yết bảng người Cống Thuỷ được nhất. Ông Đinh Quân Chủy người La Phù, bài do Ông giúp được thứ 2. Ông lại xếp thứ 7. Quan Vũ bộ biết chuyện đó, gọi người Cống Thuỷ mà rằng: "Nếu người thực tài ta phải xem lại chữ tài". Rồi lấy đề :"Đông Nhật khả ái" (Mặt trời mùa đông thực đáng yêu). Ông giúp bạn làm câu kết. Quan hỏi Ông, Ông nói rằng :"Ông ấy thật ra cũng giỏi, tôi nguyện nhường cho Ông ấy". Quan đành bảo: "Nó cũng thực tài thôi, ta theo ý nguyện của người cho nó đỗ đầu".
Tuy trúng nhất 2 lần, song chí còn chưa thoả, ứng thí 7, 8 khoa chỉ vào được trường nhì mà thôi. (Lệ cũ vào trường 3 mới đỗ tú tài). Sau Ông có hỏi ông Trần Vụ Bản, ông Trần bảo :"Vì người học cố quá nên không đỗ. Nên nghỉ ngơi trong một, 2 năm cho thanh thản sẽ đỗ".

Nghe lời, Ông nghỉ 1, 2 năm, đến năm Giáp Tý (Tự Đức 14, đỗ tú tài xếp thứ 14 tại trường thi Thanh Hoá. Năm ấy 39 tuổi. Đường khoa cử tạm thông. Ông rất đỗi hận lòng vì cha mẹ không được chứng kiến để hả dạ, tối về Ông ôm mặt khóc nức nở, đau thương không tả xiết. Mùa đông năm ấy chú ruột Lương là Khoan Cận công chết tại Bạch chiến trường.

Năm Tự Đức 20, khoa Đinh Mạo Ông lại đậu thứ 3 tại trường thi Thanh Hoá. Ông Quỷ Trì Nguyễn Tiên Sinh ở Viện tập hiền và ông Phượng trì Vũ Phạm Khải ở nội các, nghe các bạn đồng liêu đề nghị cho vào cử nhân. (Các quan coi trường nhất chỉ cho "bình" nhưng nhị trường và tam trường cho "thứ" lớn (khá 2).

Vì 2 ông đó là người cùng tỉnh Ninh Bình, nên ngại mang tiếng không cho (theo lời con ông Quỹ Trì nói với Lương). Khi Ông trúng 2 khoa Đinh Mão và Giáp Tý, ông Nguyễn Tiên Sinh đang ở Viện Tập hiền. Ông (bố Lương) muốn đến thăm nhưng chưa đến được. Tháng 11, ất Mùi Thành Thái thứ 7 Lương soạn lễ trước đền thờ ông Nguyễn rồi cùng công tử thứ Nguyễn Công Tuân, nguyên tri huyện. vào xin quyển thi về thờ. Nhưng không lấy được hết. Chỉ muốn bay lên trời nhưng không được, thật ngoài sự tưởng tượng. Từ khi trưng khoa Đinh Mão bạn bè tin rằng Ông sẽ đậu cao, vì Ông thay ông Đinh làm quyển phủ đó, quyển phú được đọc khắp các quán trọ.
Nghỉ 2, 3 khoa thi, đến khoa Canh Ngọ lại hỏng, có người Thanh Hoá mua được quyển của Ông, Ông xin xem. Trường nhất, trường nhì phê bình "Tam trường" phê "thứ" lớn. Chủ khảo chê nói không đúng ý nên đánh hỏng. Ông biết mạng mình chưa đạt nên đốt đi. Kế đó là đám tang 2 cô của Lương Ông thêm sầu.

Năm Nhân Thân Ông bác của Lương là Mẫn Trực Công mất đi, ông buồn 2 tay không cất nổi nữa, quay ra dạy học vui thú điều viên, như bạn ông như Trường An Minh Lương, La Phù Sinh Dược giáo thụ đồ.

Nay vì tay yếu, con cháu còn trẻ ở nhà lo việc dạy dỗ, trông nom việc nhà.

Năm Tự Đức 26 (Quý Dậu) giặc Pháp xâm chiếm mấy tỉnh Bắc Kỳ. Hào kiệt các nơi nổi dậy. Ông từ trường thi Thanh Hoá trở về. Trong làng thì lãnh đạo con em và liên kết thân hào trong huyện bảo vệ, chờ kêu gọi là nổi dậy. Triều đình giảng hoà kêu gọi nghĩa sỹ trở về an cư lạc nghiệp. Ông trở về dạy con cháu chăm học, làm rạng rỡ cho xã nhà. Trước đây sắc Vua ban do thôn trên giữ, nay Ông nhận chức giáp chỉ trong làng và là chủ tế nên mới nhận về. Từ trước ngay khi Ông thi đỗ các bô lão trong làng mừng rằng trong xã ta có người làm chủ chốt và bầu Ông làm tế chủ. Ông cảm tạ mà rằng :"Tạ lòng tốt các bô lão, trong làng lấy người cao tuổi làm hơn, có chờ khi tôi 50 tuổi hãy hay". Năm Tự Đức 29, ngày 15 - 6 Ông được bầu làm chủ tế. Ông xây mộ tổ, lập bản tộc, ghi gia phả. Sửa lại thế phả chi Ông. Lúc trước "Từ đường phổ ký" do Ông tộc trưởng giữ. Do quá nghèo nên trưởng tộc bán mất cả phả ký lẫn "từ đường hương hoả". Năm Tự Đức 20 Ông bàn với mọi người xây nhà thờ tổ tể cúng lễ, tra cứu qua gia phả họ Phạm chỉ còn được những điều sơ lược. Nhân ông Phạm Tam Đăng lánh nạn cư trú tại Liên Hoa Động, Ông mới đem ghi chép của mình cho ông Phạm xem. Ông Phạm khen phải và không sửa chữ nào. Ông còn nói rằng người chép lại cái này đã suy nghĩ kỹ càng lắm nên bọn ta già cũng không thể làm hơn. Vả lại trước đây chi ta không có gia phả. Thờ cúng đài tổ hương lửa bay ra hơn 1 mẫu. Giữa năm Gia Long ông trưởng tộc cầm 7 sào đất hương hoả cho họ Bùi thôn trên. Năm Tự Đức 32, Ông định lấy lại, chúng không thuận, Ông đi kiện quan, quan lại ăn hối lộ, 1 năm sau Ông thua cuộc. Đời sau con cháu ta ai nối chí khôi phục lại mảnh đất tổ tiên, đó là làm việc nghĩa vậy.

Khoa Kỷ Mão Tự Đức 32, Ông lại đỗ thứ 43 tại trường thi Thanh Hoá. Từ khi có quyết định cứ 1 cử nhân chọn 2 tú tài, huyện nhà chỉ có 2 tú tài thì Ông là 1.

Năm Nhâm Ngọ Tự Đức 35, thuyền giặc xuôi ngược đông đúc trên các sông, chúng có ý dòm ngó.

Ngoài thì Ông liên hiệp với Nam Kiệt, trong thì liên kết với thổ hào. Chuẩn bị ứng nghĩa. Vì lúc này giặc định phá bỏ hiệp ước. Ông cùng Tú tài An Hoà Nam Định là Phạm Công Quý v.v... thổ hào Bình lương, ông Quách lãnh binh an trí Nho Quan, bàn mưu nổi dậy. Tháng 3 giặc phá hiệp ước, đem quân chiếm phía đông. Chiếu Cần Vương ban về Ninh Bình, Ông dẫn con em trong làng và cùng thân hào huyện nhà xây đồn Tri Phong, chở đá ngăn sông, dựa vào núi phòng ngự. Khi viện binh Bắc triều đến cửa ải, Chủ tướng ủy viên đến Nho Quan hiểu dụ thân hào trong huyện. Chỉ có Ông và ông Lâm giải Nguyên dám ký vào giấy ứng nghĩa.

Tháng 6 năm Quý Mùi 36 Tự Đức mất, di chiếu để lại là cho Thụy quốc công Ưng thuận nối ngôi. Di chiếu chưa kịp bố cáo với dân chúng, Triều đình lại bỏ và lập con út là Hiệp Hoà. Chưa kịp đề ra niên hiệu lại phế vua, giết cả thủ tướng Trần Tiễn Thành, lập Giản tôn lên ngôi, lấy niên hiệu là Kiến Phúc nguyên niên (Giáp Thân). Sau khi lập Giản tôn lên ngôi triều đình ký hoà ước.

Năm Giáp Thân, Kiến Phúc nguyên niên, Ông đến thi hương tại Than Châu (Thanh Hoá) trúng trường nhất. Vua Giản Tôn mất, Hàm Nghi lên thay. Lấy năm ất Dậu làm Hàm Nghi nguyên niên. Giặc ngày càng ức hiếp, Triều đình hạ chiếu chọn võ cử vào Bát viện dựa vào thành quyết đánh 1 trận. Tháng 6 Kinh đô thất thủ. Vua trốn, tình hình phức tạp dân tình rối loạn. Cảnh Tôn vâng chỉ 2 cung (là từ Dụ Thái Thái Hoàng Thái Hậu đẻ ra Dịch Tôn và Da dụ Thái hoàng Thái hậu và vợ chính Dịch tôn) lên nhận ngôi. Lấy năm Bính Tuất làm Đồng Khánh nguyên niên. Giặc lấy danh nghĩa bảo hộ, từ đó quyền trong nước vào tay giặc. Chúng chia làm 3 kỳ, sắp đặt lại việc nước, chính trị phiền phức, thuế khoá nặng nề.

Ông biết không thể làm gì được, không nghĩ tới công danh nữa, lùi về nhà. Bình sinh Ông học được ở các thầy như ông Hoàng, ông Trần, ông Nguyễn, ông Phạm là các học giả lớn, lại trải qua nhiều lần thi Thanh Hoá, Hà Nội, Nam Định (cùng hợp với Ninh Bình để thi) Nam Tân mới vào được "nhị trường". Ông học với La Phù Sinh Dược, Trường An Minh Lương, Đại Hữu, Đông Khê (8 năm), trước sau đi thi 18 khoa, chỉ đậu được có 3 khoa. 12 lần vào trường nhất, 3 lần vào trường nhì, đỗ 3 lần. Học lực như vậy mà không đậu cao, 10 phần không được đền đáp 1 phần, mọi người than cho tại số, tiếc cho số phận. Tuy không gặp thời nhưng chí không sa sút, tuổi già vẫn vui vẻ, nuôi chí về sau cho con cháu. ở nhà chỉnh đốn việc nhà, coi lại đền văn, đền võ. Bàn với mọi người xây thêm một nhà thờ vì phong thuỷ không tốt. Năm Bính Tuấn Đồng Khánh nguyên niên, chuyển nhà thờ cũ sang hướng Đông Bắc.

Năm Mậu Tý Đồng Khánh thứ 3 người ở phía Bắc ở không yên mới đi kiện quan. Tri phủ người Quảng Nam ăn hối lộ bắt xây lại hướng Nam. Năm đầu Thành Thái phải chuyển về hướng nam. Vì của cải ít, nghèo nàn nên không tranh được với họ, con cháu sau này nối được chí nên quay lại hướng cũ. Nhà thờ thần chỗ nào chưa sửa xây cho cao thêm. Năm ất Dậu, Hàm Nghi nguyên niên không cùng mọi người xây gác cao của đền, sơn son vẽ rồng. Trước đây thôn không có lễ yến. Đinh Sửu Ttự Đức 30) Ông mới bàn lập ra yến lễ. Nam từ 60 trở lên chia cấp bậc 3 năm 2 yến, trên 80 lễ tại nhà. Những đồ dùng cho đám tang hư hỏng phải sửa lại cho tốt (một số quy định về tế lễ khác kho dịch).

Từ năm ất Dậu về sau Ông bắt đầu trông coi nghề nông, dạy con cháu học hành, làm việc vặt. Nhà khá giả, ruộng 6, 7 mẫu, trâu bò 5, 6 con, năm sau đã có hơn 10 mẫu.

Năm ất Dậu, Ông thọ 60, Lương, định tổ chức lễ mừng thọ, Ông ngăn rằng: "khi nào ta thọ 70 hãy ăn to". Còn nói rằng: "thủa nhỏ ta gầy yếu, cha mẹ lo lắng, lớn lên mạnh khoẻ mới có ngày nay". Đến Giáp Thân Lương đẻ con trai đầu đặt tân là Kỷ. Đến năm Canh Dần sinh gái đặt tên là Khương. Tháng 3 năm Tân Mão, Tiên lại sinh con trai đầu đặt tên là Nam. Cháu ngoại nuôi 6,7 đứa. Vì con trai chết, Ông (Bố Lương) càng thêm thương xót. Khi Kỷ chưa sinh, Ông nói với ông thông gia là Hà Công rằng: Tháng giêng ta nằm chiêm bao thấy có con lạc từ trời sa vào trong nhà, đó là triệu chứng sinh cháu trai. Kỷ được 5 tuổi, Ông mới bảo sửa soạn lễ vật, cho đi học. Lương vâng lời định làm, Ông bảo: "để tao dạy cho, cần chi đến mày". Tục làng chủ tế gọi là Thiên tước. Ông làm chủ tế năm 50 tuổi. Khi cháu đích tôn 4 tuổi, Ông lấy cớ việc nhà phiền phức xin từ chủ tế. Đến năm Tân Tỵ lại giữ chức chủ tế và làm trưởng văn hội - hội trưởng văn lân. Năm Canh Dần thăng tiên chỉ, trong giáp người làng đều khen. Trước Ông ngồi mâm thứ 4, suốt 12 năm trong giáp, các bậc phụ lão nói rằng: " Một họ được mấy cá to", và bảo Ông làm lễ vọng lão đặc biệt mới biểu thị được sự long trọng. Ông bảo: "Tổ tiên tôn trọng người già mới làm lễ vọng lão, nếu tôi làm thế thì lấy chi làm quý nữa". Ông không nghe. Đến khi thăng tiên chỉ rồi Lương xin làm lễ mừng. Ông than rằng :"Xưa ta ở bậc thứ 4 suốt 12 năm, nay mới 2 năm mà làm như thế thì than ôi, những vị cố lão đến rơi nước mắt. Không nên mừng vội". Ông thường bảo con cháu rằng :"Ta từ lúc còn trẻ, nào công danh đến con cái trải bao gian khổ. Nay tuy không khác, may đậu tú tài 3 khoa, cùng mẹ mày sống đến 70, ta tuy có con trai muộn, bọn bay đẻ con sớm, đối với tục lệ trong làng không thua ai. Lấy hành động của ta so lại thì trời đãi ta cũng hậu lắm rồi, còn muốn gì nữa".

7, 8 năm sau Ông mất. Khi Ông đau người ta hỏi hậu sự, Ông bảo hãy lấy nghiệp thi thư của nhà ta mà làm lời di chúc, các điều khác không nói đến.
Giờ Quý Mùi ngày 19 - 8 năm Tân Mão (thành thái thứ 3) Ông mất tại nhà thọ 66 tuổi. Ôi thương thay!

Trước Ông đau tim sau đau bên hông, ngoài 60 càng nặng. Mỗi lần đau phải đè lên 1 lúc mới đỡ. Con Ông là Lương đi lại bên ngoại nhiều nên có thiếu xót. Đến năm Thành Thái thứ 3 gặp khoa thi hương, Lương ở nhà tập thi nên mới chăm sóc được nhiều hơn. áo quần của Lương thường bẩn thỉu. Trong nhà có con gà nở ra 1 đầu 2 thân 4 cánh, 4 chân. Lương hỏi các bô lão họ bảo không nên tin điều này, khi cha còn sống nên để trong lòng mà lo. Đêm Nhâm Ngọ (20-7) lúc Lương học xong, Ông nằm tại chính đường, Lương chầu ở phòng bên tây, Ông gọi tới bảo đè lên chỗ đau. Chốc lát Ông bảo thôi, rồi Ông nói việc đời và việc trường thi, chốc lát rồi nằm yên. Nửa đêm Lương trằn trọc không ngủ được Ông gọi dậy bảo ấn tay vào chỗ đau, một chốc bảo lấy nước uống thuốc lát sau bảo rằng: "con xoa bệnh đỡ ngay, nhưng nó xa xuống bụng rồi". Sau đó phát ra đau bụng. Bụng cứng lại cả nhà hoảng hốt gọi thầy thuốc đốt ngải cứu trên rốn. Đến sáng bệnh nhẹ đi 7, 8 phần. Ông bảo đưa Ông xuống tư thất, từ đó bậnh bớt. Bụng dưới về bên phải có 1 cục cứng. Sau lại mắc bệnh lỵ ngày càng kịch liệt. Tuy vậy vẫn ăn uống, nói năng bình thường. Thuốc thang, cầu đảo cũng không có kết quả gì. Ngày11 - 8 bệnh đau bụng lại phát rồi lại hết. Bói toán thuốc men cũng không công hiệu. Lương vâng lời mẹ theo sách "văn công" (quyển sách nói về lễ) sắm sẵn tang lễ. Bà phô với Ông, Ông khen tốt. Lúc này Ông mới bảo di chúc: Hãy theo nghiệp thi thư. Địa lý đã dạy cho con đầu rồi, sau nó sẽ dạy cho em nó. Hỏi Ông về chỗ để mộ, Ông bảo sinh thời cũng không để ý, nay không cần cứ tự ý mà làm. Hỏi các việc khác Ông không nói, tinh thần Ông vẫn sáng suốt, sắc thái tự nhiên. Những thang thuốc Ông đã dùng:

- Dùng 3 thang: Lục quân 1 thang, tứ thuận thang lương 1 thang, mộc hương tuân khí 1 thang, đơn quy long hội 3 thang, tham tử hợp ngũ tỉnh 8 thang, bình can bổ thận 5 thang, thanh khí ích khí 14 thang, bát vị 2 thang, kim quỹ hậu khí (20), giáng phục bình vị khai cách v.v... (trong gia phả còn ghi thêm nhưng không dịch) cộng là hơn 16 thang. Bốn thầy giỏi đương thời chữa cho cũng không khỏi. Ngày 17, 18 Ông hỏi là thiên can địa chi (ngày gì), Lương nói thật 19. Ngày 19 Ông không uống thuốc nữa hỏi Ông, Ông bảo cần "thanh tinh" không nên làm ồn. Giờ Mùi Lương mời Ông lên chính đường và đem sắc thần lên nhà thờ cho dân giữ (ý nói kiêng khi nhà có ma). Ông sai quét sạch chính đường, trải chiếu ra. Ông thở 2,3 tiếng rồi nằm nghiêng cho con cháu thay áo quần. Lấy tay trái xoa lên mặt 3 lần rồi mất. Con cháu y lễ văn công làm tang lễ. Vì nhà nghèo nên không làm lễ 3 tháng mới chôn. Ngày 23 chôn ở đồng Hùng. Mời ông thông gia là Hà Công Hệ là chánh tổng đề "thần chủ" kiêm xem đất. Em họ là cựu hương mục Đinh Khắc Tuân xin đất trong thôn. Giờ Ngọ, ngày 17 tháng 12, năm Đinh Dậu (Thành thái thứ 9). Chôn ở Hám đồng xứ Đường Hùng. Người coi đất là Đinh Quân Sa học trò của Ông, Trần Quân Xí làm "giám định trưởng trường", Trần Quân Hạnh làm "Sinh Dược Giám trường". Quan tài dùng gỗ cây sồi dày 1 tấc rưỡi, do cụ làm từ lúc sinh thời. Quách bằng gỗ mộc lan dày 1 tấc, giữa quét 1 lớp dầu cảm lâm. Quách nữa dày 2 tấc, liệm bằng lụa vàng rất tốt. Gối đầu dùng dầu cảm lãm với ngói xây rất bền. Đến 10 - 3 năm Thành Thái 12, con cái định cải tảng, mở ra thấy xương cốt ngay thẳng, sạch sẽ, dưới nắp ván có sương động như hạt mưa lại để như cũ (ý nói mả kết).

Sinh thời Ông là người thật thà ngay thẳng, siêng năng, cẩn thận, yêu điều nhân nghĩa. Tính Ông thận trọng, nói năng cẩn thận, xử thế, đối nhân hồn hậu, nhã nhặn, giản dị, không có thói thay lòng đổi dạ (ấm lạnh) không khinh kẻ dưới. Sinh thời Ông chỉ ngồi một góc giường phía Tây Bắc, sau đổi cửa sổ, Ông chỉ ngồi hướng Đông Bắc. Mọi người lấy làm lạ. Lương nhỏ hay thay đổi lời nói, Ông bảo phải sâu sắc trong hậu mới nuôi được đức, từ nay về sau đừng bậy bạ đổi lời. Dáng đi của Lương vội vã, Ông bảo :"quân tử phải chính trực uy nghi. Bước đi tuy là nhỏ nhưng cũng phải chú ý". Thường thường Ông dạy con cháu: "phải cẩn thận, có tín nghĩa. Các con tuy còn nhỏ nhưng đừng nên nói dối chúng nó. Lúc ta còn theo học ở Phúc Khê, bà chủ đi chợ, người con khóc chạy theo. Ông thầy bảo ở nhà ta sẽ mổ gà cho ăn. Sau Ông mổ gà cho ăn thật chứ không nói dối. Các con phải noi theo những nhà dạy con như vậy. Phải lập chí, khảng khái, không lừa gạt ai". Năm ngoài 40 tuổi có chiếu chỉ của nhà vua: Ai ngoài 40 tuổi có tài cứ ra giúp nước, vua sẽ bổ nhiệm. Nhiều người khuyên Ông ra làm quan, họ sẽ giúp tiền. Ông bảo :"Tôi không đậu tiến sĩ tôi không làm quan".

Thời trọ học, chủ nhà có người em gái vợ bỏ chồng để ý đến Ông. Ông thắp đèn tỏ ý cự tuyệt, Ông khuyên nên trở về với chồng và suốt đêm Ông để đèn. Hôm sau Ông cáo về. Người vợ chủ nhà cười mà rằng :"Ta biết em ta đường đột, Ông đừng có ngại. Nếu Ông về hôm nay nó sẽ đón đường". Ông phải tìm đường khác về. Sau đó để tránh chuyện này Ông sang trọ nhà khác.

Bà vợ chính của Ông là Nguyễn Thị , sinh 2 gái, khi có thai người ta khuyên cúng trừ ta để sinh trai. Ông bảo :"tà ma mà làm gì". Sau đến mùa hè, Ông nằm võng chiêm bao thấy 1 người áo trắng lay võng mà nói rằng: "Thôi Ông ngủ yên ta đi đây". Sau đó sinh trai, nuôi được. Có một con yêu nhập vào người lên đồng bảo làng phải lập miếu thờ. Ông không nghe. Con yêu phải chịu.

Tính Ông lại siêng năng, khéo léo, mọi việc to nhỏ trong nhà làm hết. áo quần đồ đạc chưa quá rách vẫn dùng, không chịu thay đổi.
Gặp việc bối rối Ông xử lý bình tĩnh, chuyện nhỏ không bỏ qua. Thường khuyên mọi người làm việc lành. Ai lâm nạn Ông giúp đỡ không tiếc của nả. Cho ai vay không giả được Ông không đòi. Có người mắc nợ nhà giàu đến kỳ không giả được, nhà giàu đòi gấp, họ đến nhờ Ông nói hộ nhà giàu cho hoãn.
Khi nhà người khác có việc chẳng lành đến cầu Ông, người nhà can đừng đi, sợ nhà giàu khinh. Ông bảo :"Người khác biết việc này không hay mà cầu đến ta, thế của ta thực là bất đắc dĩ, tại sao ta lại không đi". Ông giúp người không nghỉ đến lợi, tài. Vài việc chép trên là một trong trăm ngàn việc không sao chép hết được.

Việc thờ cha mẹ dốc một lòng thành kính. Ngày có giỗ Ông ăn chay. Việc quét dọn bày viện tế vật thưởng sai con trai sạch sẽ. Những vật cha mẹ lúc sinh thời ưa thích chỉ khó mấy cũng kiếm mua để cúng.

Việc trong nhà Ông đôn đốc con cháu siêng năng.
Là người hiếu thảo: lúc cha mẹ còn sống người khác đem lễ vật tới, Ông không nhận nghĩ mình ở nhà gần bố mẹ như vậy mà không được như người ta nên cự tuyệt. ở nhà không bao giờ Ông to tiếng, Ông bác của Lương rất thương, gặp việc gì cũng dựa vào ý em. Gặp lúc em chết Ông đọc văn tế mà không cần được nước mắt. Đối với vợ Ông lấy đại lễ mà đãi như đãi khách.

Đối với bà con rất nồng hậu, các con có Lương là người Ông yêu nhất. Khi Lương 2,3 tuổi Ông vẫn cho ngủ chung. Tính Lương trở nên thuần khiết là nhờ Ông. Khi Lương ở quê ngoại về, mọi việc vẫn xin Ông để Lương làm thay. Ông cho nghỉ, khi thấy Ông xỏ giầy, Lương hỏi Ông, Ông bảo đi lấy lửa để hút thuốc lào, Lương vội đi lấy, chứ Ông không sai con. Yêu thương con như vậy thực là hiếm. Từ đó suy ra các việc khác.

Chọn bạn Ông chọn những người khá như ông Trần Khang Chính Công, thề làm bạn suốt đời, tuy khác họ nhưng Ông coi như tình ruột thịt.

Ông nội Ông là Chính Nghị Công cùng Trần cai Xã Công kết bạn với nhau như keo sơn, tương đắc hơn anh em, gặp nhau thường nói chuyện suốt đêm tới sáng. Hai họ khi họ nào có tang cùng để tang cả. Do đó Ông và ông Trần Khang Chính Công lấy ngày kỵ của 2 cụ để đi lại. Ông còn bạn là Đinh Diên. Ông Nguyễn (đối với Ông là tình bạn già). Các ông lấy nghĩa đãi nhau của Chu Văn Công và Thái Nguyên Đình mà đãi nhau. Ngoài ra còn 2 anh em của ông Lâm Giải nguyên, Mai Ngô Đồng, Bùi Trung Thông, Đinh Đại hữu đều là bạn tốt. Khi bạn bè đến, dù là nghèo liên vẫn mời ngồi chung. Ông dạy mọi người :"Trước hết phải dạy lễ, sau đó theo tài họ mà dạy để học phấn khởi".

Ông còn dạy trước hết phải cho uy nghi tề chỉnh, lấy lễ độ làm đầu. Đó là cốt yếu. Bởi vậy ai theo Ông đều tiến bộ, vui vẻ.

Khi chấm bài, rất đúng đắn, không thiên vị ai. Ông bảo:" Ta cùng bạn Ta là ông tú tài Phạm Tự Lập đều được theo gia giáo của ông Quỷ Sơn. Học trò đem bài đến dù lời văn thật thà hay hiểm hóc Ông đều nói đúng tâm lý họ cả. Họ đều phục Ông là tinh tường.

Ông tú tài Đinh Công Đắc Huề có nói với học trò rằng: "Bằng mà lấy cho đúng đắn phải như Ngọc Động Đinh Công mới được".

Ông Lạc Khoái Đinh cử nhân cũng nói rằng :"Trong huyện ta người tinh về duyệt văn chỉ có ông Tri Hối Đinh Long môn và ông Ngọc Động Đinh Công thôi (Đinh Thức Hiệt)".

Ngày thường con ông là Lương khi ngồi hầu chuyện văn, Ông bảo: "Văn chương phải biến hoá thiên hình vạn trạng, nhưng không ngoài quy củ mới hay, cổ kim đều như vậy". Ông lại bảo: "học làm văn không phải là tìm cách xa lạ, phải dựa theo quy tắc, học kinh truyện, nghiên cứu kỹ lưỡng lâu dần tự nhiên hiểu". Ông lại nói: "làm văn khi hết câu mà ý còn dài mới hay. Học chữ mà không hiểu phải tra tự điển tự vựng và biên riêng chữ ấy vào 1 quyển. Bởi vậy học trò tuy đông nhưng chỉ có cháu trưởng là Đinh Quân Thuần tinh, cháu ngoại là Lê Quân siêng năng, Sinh Dược Trần Quân tinh thục, La Phù Đinh quân tinh giản.

Ông đọc rộng những sách binh, hình, luật cho đến các loại sách khác. Ông tập trung nhất vào lý học.

(Gia phả kể tên các loại sách nhưng không dịch)
Khi Ông chết, ông Lâm Giải nguyên có đôi cấu đối viếng:
"Túc nguyên vị thù, truyền hạ tri quân, do bảo hận viễn hành bất phục, mộng trung vị ngã công luận văn".

Tạm dịch: "Nguyền xưa chưa thoả, biết Ông dưới suối còn ôm hận, đi xa không về, trong mộng vẫn cùng tôi bàn văn.

Các loại toán số (bói số), y học, binh thư trận đồ Ông đều tinh thông. Đặc biệt Ông chú ý tới địa lý vì lúc trước không có con trai.

Giao thiệp với xóm làng: Dùng lòng chân thành đối đãi với nhau, tốt với người làng, Ông ghét kẻ bất thiện. Khi Ông mất cả làng đều thương xót.
Than ôi ! Cha ta bình sinh mọi chuyện từ gia đình đến làng xóm, rộng ra khắp Châu Huyện người phục cương trực, kẻ quý liêm nghĩa như tấm gương để đời viết không hết được.

Tôi (Lương) viết bài này không sao ghi hết chỉ có vài điều để con cháu sau này suy xét.

Viết ra từ lòng đau xót chân thành, không dám nề hà khéo vụng. Quyển này viết lên bằng giấy trắng mực đen xem ra không hổ với lòng mình. Con cháu sau này lấy mà khảo cứu.

Từ 5, 6 năm nay làm ra bằng tinh thần.
Than ôi ! khi cha còn con không được ở gần để chầu hầu, cha mất con không nối được chí cha. Thật là đau xót suốt đời.
Trời xanh kia ơi ! không làm sao được.
Đau xót xin ghi !
Hàng con cái
- Trưởng nam: Lương - Trưởng nữ: Viện
- Thứ nam: Tiên - Thứ nữ: Diệu
Quý nam (con út): Thung - Thứ thứ nữ: Nghiên
- Quý nữ (gái út): Loan
- Con trai nuôi: Xuyến
Ngày 1 Bính Dần tháng 4 năm Bính Ngọ
Thành thái thứ 8
Con Trưởng Đinh Bá Lương
Ghi chú: Bản dịch của Cụ Đỗ Văn Toại, thân sinh ông Đỗ Quốc Sam
 

Đinh Thanh Hải

Administrator
Staff member
Xin chào anh (chú, bác)!

Rất trân trọng việc anh (chú, bác) đã đưa những trang thông tin quý về họ tộc Đinh làng Chòm lên diễn đàn.

anh (chú, bác) cố gắng thu xếp thời gian để lên tham gia cùng trang họ Đinh Việt Nam nhé, những bài của anh (chú, bác) gửi mình đã đưa sang bên trang chính của website, nằm trong thư mục MIỀN BẮC: http://hodinhvietnam.com/vie/category_detail.asp?cat_id=783

chúc anh (chú, bác) cùng gia đình luôn dồi dào sức khoẻ, cuộc sống âm no và tràn ngập niềm vui!

Trân trọng
Đinh Thanh Hải
 
Top